Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

LÀNG HÀNH THIỆN - MỘT ĐỊA DANH ĐẶC BIỆT / Trần Anh Kim





Nhà báo Trần Anh Kim
  
Thay lời mở đầu: 

Trong mỗi chúng ta, những ai đã học qua cấp III phổ thông trước đây, hay PTTH hiện nay đều nhớ và có thể thuộc bài thơ: “Núi đôi” của nhà thơ Vũ Cao – một người con của Nam Định thế kỷ 20. Mở đầu bài thơ, tác giả viết:
Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa em sang.
Đôi nam nữ ở hai làng khác nhau có thể cùng một xã hay hai xã liền kề, yêu nhau. Làng là nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người. Làng chỉ có ở vùng quê nông thôn Việt Nam. Xã là cấp chính quyền cơ sở, làng thuộc xã. Trong làng có xóm. Thường hay nói là làng xóm hay thôn xóm. Làng của Việt Nam mang sắc thái đặc trưng từng vùng. Tuy cùng nằm trong vùng Đồng Bằng Bắc bộ, song làng thường gắn với nghề truyền thống. Mỗi khi nhắc đến tên một làng của một nơi nào thuộc Đồng bằng Bắc Bộ là người ta nghĩ ngay đến sản phẩm đặc trưng của làng đó, ngoài cây lúa. Trong rất nhiều làng ở nông thôn Bắc Bộ, xin được giới thiệu một làng thuộc trấn Sơn Nam Hạ trước đây, nay nằm trong tỉnh Nam Định. Đó là làng Hành Thiện, một địa danh rất đặc biệt, khác nhiều so với nhiều làng khác, nhắc đến làng Hành Thiện, mỗi chúng ta càng thấy tự hào về truyền thống của làng quê Việt Nam. Qua bao biến thiên của lịch sử, làng Hành thiện bao giờ cũng được nhắc đến với một sự ngưỡng mộ, trân trọng và tự hào về mảnh đất này.
Những phần trình bày sau đây, tuy chưa thật đầy đủ, song ta có thể kết luận: Làng Hành Thiện – một địa danh đặc biệt của tỉnh ta.


1. Làng Hành Thiện có hình thù đặc biệt đã rất lâu rồi:
 
Theo tài liệu của cụ ấm sinh Đặng Xuân Viện soạn trong 2 năm 1933-1934, thì khoảng thế kỷ 12 làng Hành Thiện lúc đó gọi là ấp thuộc làng Giao Thủy, Phủ Hải Thanh, xã Giao Thủy trước ở tại Quảng Lăng Quán Các, sau cũng bị lở xuống sông rồi di cư xuống phía nam xã Lạc Quần và đổi là làng Nghĩa Xá, phủ Hải Thanh; đến đời nhà Trần thì đổi thành Phủ Thiên Trường. Khi thuộc nhà Minh thì gọi là Phụng Hóa, đến triều Tự Đức nhà Nguyễn đổi là Xuân Trường. Đến đời nhà Trần ấp Hành Thiện có vườn cam ngọt (Kim Quất), các vua nhà Trần hay đến chơi nên đặt là Hành – Cung – Trang; đến thế kỷ 18 đời Hậu Lê, nước sông Nhị Hà làm lở làng xuống sông, dân làng mới di cư xuống ấp mới là làng Hành Thiện bây giờ. Lúc đó gọi là xã Hành Thiện chia làm hai trang. Phía tây bắc là Trang Dũng Nhuệ (Triều Tự Đức gọi là Dũng Nghĩa, nay thuộc huyện Vũ Tiên (Thái Bình), phía đông nam gọi là Trang Hành Cung thuộc xã Giao Thủy. Đến Triều Minh Mạng (thế kỷ 19) đổi là xã Hành Cung. Đến năm Quý Mùi hiệu Minh Mạng thứ tư (năm 1823) mới đổi là Hành Thiện.
Như vậy, làng Hành Thiện hay nói đúng hơn cái tên Hành Thiện có từ Triều Lý, mà dân di cư đến đây từ Triều Hậu Lê đã 4 - 8 thế kỷ rồi.

Làng Hành Thiện là khu đất như hình con cá chép, bốn bên có nước sông con chảy quanh. Bên kia sông con về phía nam có một khoảng ruộng thuộc xã Ngọc cục hình như cái nghiên mực về phía đông thuộc xã Thượng Phúc có một miếng đất dài và nhọn nằm ngay cạnh sông hình như cái bút tẩm thủy. Ở phía tây bên kia sông cón có khoảnh ruộng hình như cái bảng. Theo thuyết phong thủy thì làng Hành Thiện cũng là nơi danh thắng ở đất Tiên Châu (tên này do Vua Trần đặt). Theo hình thể khu đất làng ngoài, thì đầu cá ở về cuối làng (phía Nam) có miếu và chợ, cạnh miếu có chỗ trũng xuống như cái giếng nhưng nông, gọi là mắt cá, trên đầu làng cũng trũng xuống một chỗ bằng cái thúng gọi là rốn cá (tương truyền mắt cá và rốn cá hễ vô ý đụng chạm đến thì làng động, xảy ra những chuyện không may), phía tây làng tức lối trước gọi là bụng cá, phía đông làng tức lối sau gọi là lưng cá. Từ đầu làng lên đến chùa là đuôi cá, dân cư chia làng từng giong hình như khúc cá. Dân cư chia làm hai khu: Làng ngoài và làng trong. Nguyên trước chỉ có làng ngoài tức là nơi thổ cư kiểu hình cá chép, sau mới di cư vào làng trong về phía Tây Nam sông con giáp xã Ngọc Cục và một khu trong cư công điền là trại Chí Thiện giáp xã Bùi Chu.
Làng ngoài chia làm 14 giong, giong nọ cách giong kia 60 ngũ, mỗi giong  chia làm 2 xóm. Phía tây là xóm trước, phía đông là xóm sau, đường cái đi chung quanh làng, mỗi giong đều có đường nhỏ, xóm trước đi thông với xóm sau. Trong mỗi giong chia từng thổ cư tuy có giong dài, giong ngắn, nhưng mỗi thổ cư chỉ quy định có một sào 5 miếng đất mà thôi.
Làng trong thường gọi là xóm trong ở về phía tây cách làng ngoài một con sông nhỏ, gọi là xóm Phú Thọ có 4 xóm nhỏ cũng có từng giong, tuy địa thế  nhỏ hẹp, nhưng dân cư đông đúc, mật độ dân ở đây những năm 60-70 của thế kỷ 20 cao nhất nước 1.600-1.800 người/km2 chứng tỏ nơi đây cũng là một nơi phồn thịnh.

2. Làng Hành Thiện – Làng khoa bảng đặc biệt:   

Nhiều người cho răng làng Hành Thiện có nhiều nhà khoa bảng quan trường là do ảnh hưởng đất đai (nơi đắc địa). Chuyện xưa còn kể lại: Có một nhà địa lý người Trung Quốc khi về vãng cảnh làng Hành Thiện cũng có cùng quan điểm này. Kể từ niên hiệu thông nguyên Triều Lê (Vua cung Hoàng Đế 1552) cho đến khoa Ất Mão niên hiệu Duy Tân thứ 9 (1915) năm chót về lối thi hương tại Bắc Kỳ, tổng cộng tất cả số đậu Tiến Sỹ, Phó bảng cử nhân và tú tài là 338 cụ.  Có khoa trúng được 2 tiến sỹ, có khoa trúng Giải nguyên, có khoa trúng được giải nguyên và á nguyên. Đặc biệt có khoa cả 5 anh em, cha con, chú cháu đậu cử nhân và tú tài. Trong làng có 17 dòng họ thì 11 dòng họ có người đỗ đạt cao trong các khoa thi của Triều đình. Họ Nguyễn và họ Đặng có nhiều người đỗ đạt nhất làng. Trong phả tộc của Làng Hành Thiện còn ghi có 3 cụ đỗ Tiến sỹ là cụ Đặng Xuân Bảng; Cụ Nguyễn Ngọc Liên; Cụ Đặng Hữu Dương; 4 cụ đỗ phó bảng là cụ Đặng Kim Toán; Cụ Đặng Đức Địch; Cụ Nguyễn An Chuyên; Cụ Phạm Danh Sắc. Có 7 cụ quan chức tuần phủ, thị lang trở lên của Triều đình… Hành Thiện xứng danh là một làng khoa bảng. Ngạn ngữ còn truyền tụng câu “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” nghĩa là nơi khoa giáp làng hành thiện đứng đầu tỉnh nam không kém gì làng cổ am tỉnh Hải Dương vậy. Nhà nước khi vô sự thì trọng văn, đến khi có việc thì trọng võ. Riêng làng  Hành Thiện có 95 vị võ quan trong các  triều đình thời phong kiến.  Trong đó có 1 vị làm đến chức Phấn Dũng Tướng quân, 2 vị làm cai đội phong hậu; 03 vị trang liệt ky uy; 5 vị tam phẩm; 01 vị ngũ phẩm… Qua đó càng thấy Hành Thiện cả văn khoa và võ khoa đều thịnh như nhau. Nét đặc biệt này chỉ có ở Hành Thiện.
Trong nửa đầu thế kỷ XX làng Hành Thiện có một số nhà khoa bảng có biệt tài về các ngành cơ khí, hóa học thực dụng, tiểu công nghệ, nhiếp ảnh, hội họa. như cụ Ấm Thêm tức cụ Đặng Xuân Thêm, tuy là nhà nho song có khuynh hướng về kỹ thuật cơ khí, điện hóa học thực dụng, kỹ nghệ đồng hồ… Cụ chịu khó nghiên cứu đọc các sách bằng Hán tự và thực hành. Cụ đã tự chế ra máy tàu thủy nhỏ chạy bằng hơi nước, cụ chế ra đồng hồ quả lắc chạy rất đúng giờ, cụ đã làm cho hãng tàu thủy Bạch Thái Bưởi 2 chiếc tàu thủy mẫu thu nhỏ mang tên “Hành Thiện mậu lâm tạo” (Mậu Lâm là tên chữ của cụ Ấm Thêm). Cụ cả Hội tên thực là Nguyễn Xuân Hội phát minh ra nghề làm bàn ghế bằng mây song, được người Pháp rất ưa chuộng. Hàng cụ làm ra bán nhiều ở các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam. Vùng Nam Định là nơi giới thiệu bàn ghế song mây do gia đình cụ cả Hội sản xuất. Cụ cả Tiễu tức Đặng Ngọc Tiễu là nhà chụp ảnh đầu tiên của Làng Hành Thiện. Cụ cả Truyền tức cụ Phạm Ngọc Truyền đã sáng chế ra khung cửi máy và máy mắc cửi. Những chiếc máy này đã tạo nên làng dệt vải Hành Thiện mà cho đến nay vẫn còn. Làng Hành Thiện thật xứng danh là làng khoa bảng đặc biệt.

3. Làng Hành Thiện – Làng văn vật đặc biệt.

Sở dĩ làng Hành Thiện có nhiều nhà khoa bảng, quan trường là do ảnh hưởng của đất đai, nhưng cũng là do ảnh hưởng của phong tục tập quán của một nền giáo dục thận trọng trong gia đình cũng như ngoài làng, kết quả của một sự ganh đua học hành và sự khuyến khích của địa phương. Việc dạy và học ở Hành Thiện từ lâu đã tạo nên mối quan hệ thày trò thắm thiết ràng buộc nhau. Trò kính thầy như cha, ở Hành Thiện con thường gọi cha bằng thầy vì coi cha như thầy. Thầy quý trò như con, ra công gắng sức trau dồi kinh sử cho trò để một khi trò được công thành danh toại, thầy sẽ lấy làm hãnh diện về công mình và danh thầy cũng được vang lừng trong vùng. Các văn nhân khoa bảng, cũng như các quan trường được ưu đãi trong phe xóm, làng mạc, được dành cho những ngôi thứ cao sang tùy theo văn bằng cũng như chức phẩm. Một khi bảng vàng được treo tại các trường thi, tin các vị tân khoa được loan truyền mau lẹ về làng. Dân rủ nhau tập trung tại đình làng nghênh đón các vị tân khoa. Cha mẹ vợ con các vị đại khoa rất được trọng vọng, xếp đặt vào ngồi những chỗ danh dự trong những ngày tế lễ, đình đám. Những sự ưu đãi đó đã khuyến khích cha mẹ ganh đua chăm lo săn sóc sự học hành cho con cháu.
Riêng về phong tục, tập quán thì làng Hành Thiện trọng Nhân, Nghĩa, Trí, Tín. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, làng Hành Thiện vẫn vững vàng cùng quê hương đất nước. Đó là nhờ uy linh liệt tổ khai hộ, mở đường, xây nền kinh tế cho các cư dân của Làng sử lời hay nết tốt.
Phả ký còn truyền: Năm Vua Tự Đức thứ 18 (1865), Làng Hành Thiện được tặng 4 chữ: “Mỹ Tục Khả Phong”, đủ biết dân làng Hành Thiện ngày trước giai học hành, gái canh cửu, các người đi buôn, làm thợ và làm ruộng ai cũng giữ nền trung hiếu, theo mực kiệm cần, lấy chữ “Hành Thiện” mà đặt tên làng, thực tế đúng như vậy.
Làng Hành Thiện xưa nay là một làng văn hiến, khoán ước các cụ tiền nhân lập ra rất có trật tự, thực xứng đáng với 4 chữ “Mỹ Tục Khả Phong” đã trải qua bao nhiêu thế kỷ cũng có canh cải ít nhiều nhưng vẫn giữ được có trật tự.
Các tục lệ của Làng Hành Thiện có nhiều. Tục lễ cũ giờ đây dân làng Hành Thiện vẫn nhớ, song chỉ bảo tồn, phát huy những tục lệ đẹp. Một chư lão làng Hành Thiện đã viết:
Làng ta là một thiện hương
Ngàn năm Mỹ Tục đã thường nổi danh
Tục Yến Lão là một tục đẹp. Bất kỳ những người con làng Hành Thiện bây giờ ở đâu họ đều thành lập Hội đồng hương và đều tổ chức Yến Lão (mừng thọ) cho các thành viên khi đến tuổi 70. Cuộc lễ được tổ chức 3 năm 1 lần vào ngày rằm tháng 2 âm lịch, chư lão bất luận sang hèn giàu nghèo, được dân chúng lối xóm dùng võng cáng lên Chùa dự yến. Nghi lễ cổ truyền gồm có yến tiệc, ca nhạc, ngâm thơ vịnh phú. Con cháu thuộc các dòng họ khác nhưng cùng làng đều đến chung vui. Ngày Lễ Yến Lão Chùa hội quán được trang hoàng lộng lẫy, cờ xí rợp trời, chư lão vận y phục màu vàng (Cửu tuần – 90 tuổi), mầu đỏ (bát tuần) và màu lam (thất tuần). Buổi lễ tế Đức Thánh Tổ, có ca công tấu nhạc, lễ tất, chư lão an tọa tại các bàn yến để nghe người đứng đầu Ban tổ chức đọc bài chúc thọ. Sau đó chư lão dự yến với bồ đào, mỹ tửu và nghe ca nhạc, thơ phú chúc thọ, thật là:
Lệ làng trọng Lão bao đời
Trào lưu thay đổi, lòng người như xưa
Cho hay tuổi tác khó mua
Tiệc bày yến lão, cửa chùa lại vui
Lòng thành cảm tạ Phật trời
Cảm ơn toàn xã mấy lời thủy chung
Kẻ sau người  trước thung dung
Kính lão đắc thọ là trong lẽ thường
Đời đời thọ khảo vô cương
Thơ của một người con làng Hành Thiện làm từ năm 1961 trong một lần tổ chức Yến Lão. Yến Lão 3 năm 1 lần, một mỹ tục mà ít làng có. Một nét đẹp văn hóa của làng Hành Thiện sẽ bất diệt với thời gian và với lòng người dân Làng Hành Thiện.

Thay lời kết: 

Làng Hành Thiện là làng khoa bảng trong thời Pháp thuộc (1884-1945). Từ khi nước nhà được Độc lập cho đến nay Hành Thiện vẫn phát huy truyền thống đất học. Có thể nói hầu hết các trường Đại học của nước ta đều có con em làng Hành Thiện theo học. Các chức danh tiến sỹ, kỹ sư, thạc sỹ, cử nhân của các trường Đại học danh tiếng đều có người Lành Hành Thiện. Với giá trị của bằng cấp tốt nghiệp và tài năng sẵn có, một số vị đã thành Giáo sư đại học, những nhà nghiên cứu có tiếng tại Trung tâm nghiên cứu nguyên tử nước ngoài, có vị là cấp chỉ huy, cố vẫn kỹ thuật, chuyên viên cao cấp tại các Xí nghiệp trong và ngoài nước.
Lành Hành Thiện xưa vẫn còn tên. Nhưng sau cách mạng tháng tám đổi thành xã Xuân Khu. Làng Ngọc cục bên cạnh đổi thành xã Xuân Tiên. Vào những năm 70 của thế kỷ 20, 2 xã trên sát nhập thành xã Xuân Hồng cho đến nay. Làng Hành Thiện của xã Xuân Hồng hôm nay, trong thời kỳ đất nước đổi mới có thể nói: “Đổi thay nhiều lắm ghi không hết”. Càng thêm tự hào cho Nam Định – quê hương văn hiến của chúng ta./.

        Trần Anh Kim

        *Chủ trang blog: Bài viết trên của Nhà báo Trần Anh Kim viết cho công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Địa danh Nam Định thế kỷ 19-20 do Bộ môn NCPB Hội VHNT Nam Định thực hiện đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc…   

1 nhận xét:

  1. Các cụ tổ họ nhà tôi là cụ Phạm Văn Hòe và PHạm Văn Hảo xuất thân từ làng Hành thiện sang làng Xuân Hòa xã Thái thọ huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình từ khoảng giữa thế kỷ 18(Đến nay là 5 đời)
    Tôi có tâm nguyện tìm về nguồn cội tổ tông rất mong các cụ các ông các bác các anh chị ai có thông tin về gia phả gia tộc cho tôi biết. Tôi xin trân trọng cảm ơn,

    Trả lờiXóa