Nhà văn Trần Mỹ Giống quê Xuân Trung, Xuân Trường, Nam Định. hiện trú tại Thành phố Nam Định. quản trị trang mạng https://tranmygiong.blogspot.com vừa xuất bản tập sách có tên là “Chuyện Nhặt”.
“Nhặt”
là một động từ thì nó có nghĩa là cầm cái đã bị đánh rơi hay đã được chọn lựa
lên. Vậy “Chuyện Nhặt” có thể hiểu là
tác giả kể lại những câu chuyện, những giai thoại vừa hay vừa có ý nghĩa mà nhà
văn gặp trong đời mình. Theo “Lời Thưa”
đăng ở trang đầu, nhà văn cho biết Chuyện Nhặt là những câu chuyện hay mà tác
giả nghe được khi “quần tam tụ ngũ với bạn bè”, hay những vui buồn của thân quyến
và của chính mình mà nhà văn đã ghi lại để “Đọc chơi cho vui, để cười, để suy
ngẫm”.
Đúng
như lời tác giả đã thưa, tôi đã đọc hết ‘Chuyện Nhặt” và nhận thấy đây là một
tác phẩm mang đủ tính chất để người đọc
vui, cười và suy ngẫm, nghĩa là tác giả đã cho ta thưởng thức những câu chuyện
ngắn, trong đó có chuyện đầy thú vị để cười thanh thản, có chuyện đầy nghịch lý để cười mĩa mai, có
chuyện bắt ta suy ngẫm tình đời để cười tán dương hay khinh bỉ. Nói chung, cầm
tập tản văn trên tay, tôi đã đọc và không bỏ xuống khi chưa đến cuối trang.
Mới
vào đọc trang đầu tiên, với chuyện “Phê Binh Mềm Dẻo”, nhà văn Trần Mỹ Giống đã
cho ta một nụ cười khinh mạn đối với một nhà “Nghiên cứu phê bình văn học” thời
nay. Nhà phê bình nầy đã tôn vinh câu thơ rất dỡ của lảnh đạo. Sau ba năm lảnh
đạo không còn chức, ông ta quay ra ném đá câu thơ ấy. Được hỏi, nhà phê bình trả
lời “phê bình phải mềm dẻo, bám sát thực tế, mà thực tế thì luôn luôn biến đổi”.
Tác giả còn cho ta nhiều cái cười khinh mạn tương tự như thế, chiếm một phần
trong gần 80 câu chuyện đã in trong tập tản văn nầy. Đó là những cầu chuyện phản
ảnh hiện thực nền văn học, tố cáo những con sâu bọ cầm bút xu nịnh, tráo trở
không kể gì nhân phẩm.
“Chuyện Nhặt” có gần 80 câu chuyện ngắn, chuyện
nào cũng đem đến cho ta một nụ cười không tươi trên môi thì cũng thâm thúy
trong lòng. Không thể kể hết những chuyện ấy vào đây được, tôi bấm một trang giữa
sách rồi mở ra. Câu chuyện “Điếu Cày Vẫn Đợi Bạn Tình” đăng ở trang 95 cho tôi
một nụ cười cảm động, cùng với nụ cười,
đôi mắt tôi hơi rớm lệ.
Câu
chuyện vô cùng đơn sơ và mộc mạc, nhưng tính nhân văn trong tình bạn thì vô
cùng thâm thúy. Nhà thơ kể lại một lần, bạn mình hứa đến thăm nhà. Biết bạn ghiền
hút thuốc lào, ông đã mua một điếu cày bày sẳn trên bàn chờ bạn. Thế nhưng lực
bất tòng tâm, đôi bạn già không đến vơi nhau được, và câu kết “Ông Hoa ơi, điếu
cày vẫn đợi bạn tình”.
Câu
chuyện chỉ có thế nhưng hiện lên trong lòng ta bức tranh tỉnh vật chiếc điếu
cày nằm yên trên bàn, như đợi chờ, như suy tư, như ngày tháng vô dụng của những
mãnh đời già yếu cô đơn, nó cũng nói lên tấm lòng trân trọng, chơn chất của đôi
tri kỷ hiếm có trên đời.
Bài
viết không thể viết dài, tôi mở trang áp cuối của sách và đọc được bài “Hắn”.
“Hắn” là câu chuyện về một đời người, “Hắn”
là hình ảnh già nua, xấu xí của một nhân vật hiện lên trong gương mà vợ
mình mua về.
“Hắn”
là một con người đa tài, khù khờ, chất phát, thẳng thắn, ngạo nghễ. Trải qua
bao thăng trầm của thời cuộc, hắn đi học và yêu, nhập ngũ làm lính, chuyển
ngành nhận nhiều công tác khác nhau, ở đâu “Hắn cũng thuộc típ người cực
đoan, sống nội tâm, thích cái thiện cái đúng, chống cái ác cái sai”. Bởi
vậy hắn không được chế độ ưu đãi, không được thăng quan tiến chức, mà chính hắn cũng không bao giờ vừa lòng với bản thân.
Câu
chuyện trên không viết về một anh hùng, chỉ viết về một người nhặt lên từ đám
người xu thời xu thế, hèn yếu, ham danh hám lợi mà xã hội có đầy, nó cho ta một
suy ngẫm sâu xa, nếu xã hội nào cũng có toàn những con người như hắn thì chắc
chắn xã hội ấy sẽ tốt đẹp vô cùng. Buồn là những con người như hắn không có nhiều,
phải nhặt lên mới có, nghĩa là có rất ít, và cấp trên thường nhặt lên để vất đi
chớ không phải để dùng.
Kết
luận: “Chuyện Nhặt Trần Mỹ Giống” mới in tập 1, có lẽ còn nhiều tập tiếp theo.
Chuyện nhặt nhưng mà giá trị của chuyện không nhỏ nhặt. Đây là một tập tản văn
có tính cách nửa ký sự nửa dân gian, nó viết về người thật việc thật mà tác giả
trực tiếp chứng kiến, nhưng nó cũng mang những mẫu chuyện, những giai thoại có
ý nghĩa khái quát của cuộc sống thời đại mà nhà văn trải qua.
Nói
chung, tập sách đã cho tôi hiểu biết thêm rất nhiều về đời sông, sinh hoạt,
giao lưu và nỗi niềm của lớp người cùng thế hệ với tôi ở miền Bắc. Tôi tìm thấy
trong sách những nhân cách sống đáng tôn trọng, những diều xấu đáng tránh, những
con người thấp kém và những mẫu người đáng kính, trí tuệ trong những câu chuyện
dí dỏm, hoặc cao sâu thâm thúy mà cây bút đáng yêu Trần My Giống, nhà văn có biệt
tài nêm thêm gia vị vào cho nồi canh văn chương đã ngon lại ngon thêm!
Châu Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét