Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

GS.TS. KHOA HỌC TRẦN NGỌC THÊM THỰC RA CHỈ LÀ MỘT KẺ ĂN CẮP / Trần Mạnh Hảo

       


       “Cơ sở văn hóa Việt Nam” khoa học hay truyền thuyết?

       PGS.TS Khoa học Trần Ngọc Thêm đã đạo văn (lấy – ăn cắp – toàn bộ hệ thống trong cuốn “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam” của triết gia linh mục GS. Kim Định để viết cuốn giáo trình văn hóa của mình “Cơ sở văn hóa Việt Nam”.

       GS.TS. viện sĩ, đạo văn sĩ Trần Ngọc Thêm (1952-...)

       “Cơ sở văn hóa Việt Nam” – sách dày 382 trang do Trường đại học Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 1996, của PGS.TS. Trần Ngọc Thêm, là giáo trình cho sinh viên, được soạn theo chương trình giáo dục đại cương, do bộ trưởng GD&ĐT ban hành, quyết định số 3224/ GD-ĐT ngày 12-9-1995. Trang 2 cuốn sách ghi: “Giáo trình được biên soạn trên cơ sở kết quả quá trình nghiên cứu khoa học cấp bộ do tác giả chủ trì nhan đề: “Tính hệ thống của văn hóa Việt Nam”. Công trình được công nhận đạt thành tích xuất sắc trong đợt bình tuyển các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 1991-1995 và được bằng khen của bộ trưởng bộ GD & ĐT quyết định số 461/GD-ĐT ngày 31-1-1996”.

       Công trình được các giáo sư nổi tiếng giới thiệu trang trọng, kèm lời đầu sách của tác giả nói về tính quy mô to lớn, tính hệ thống và tính khái quát khoa học xưa nay chưa từng có, khi nó chủ trương “đi tìm những đặc trưng cơ bản cần thiết cho việc hiểu văn hóa Việt Nam và những quy luật hình thành và phát triển chúng…”

       Cầm cuốn sách trên tay, vui mừng, thầm cám ơn tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, giúp chúng tôi bổ khuyến môn văn hóa học.Vì cứ theo tên gọi của công trình, chúng tôi sẽ có cơ hội nắm được cơ sở triết học hình thành nền văn hóa Việt Nam. Với các trường đại học hiện nay, hơn bao giờ hết, môn văn hóa học do công trình này có tham vọng đặt ra, được dạy ở hầu hết các trường đại học, hẳn là một tin vui cho ngành giáo dục vậy. Quả tình, công trình của tiến sĩ Trần Ngọc Thêm có vẻ thật đắc dụng, nếu đạt yêu cầu, sẽ có công với đất nước lắm lắm. Nhưng nỗi vui của chúng tôi đã không giữ được lâu khi đọc xong cuốn sách “đạo văn” này, để chuyển thành sự kinh ngạc, một nỗi buồn dai dẳng mà chúng tôi xin trình bày sau:

* Những định nghĩa chưa chuẩn xác

       Trong sách này, Trần Ngọc Thêm còn sai trong khá nhiều định nghĩa. Trần Ngọc Thêm chưa hiểu từ ngữ Việt Nam khi định nghĩa từ “sĩ diện”: “SĨ DIỆN = bộ mặt kẻ sĩ. Kẻ sĩ là hạng dân đứng đầu trong xã hội Việt Nam truyền thống nên bộ mặt kẻ sĩ cũng là bộ mặt có giá nhất”. Hãy xem từ điển Việt Nam trang 862 định nghĩa từ “Sĩ diện”: “Sĩ diện = thể diện cá nhân. Giữ sĩ diện cho nhau. Sợ mất sĩ diện trước đám đông”.

       Văn minh văn hóa Việt Nam là văn minh văn hóa lúa nước, thế mà trong cuốn sách đồ sộ mang tên “Cơ sở văn hóa Việt Nam” nhưng Trần Ngọc Thêm không hề biết cây lúa là thế nào, đến nỗi ông hạ bút viết như sau trang 222: “Còn nhỏ là cây mạ, lớn lên là cây lúa, bông đâm ra gọi là đòng, hạt lúa non là cốm…”. Xin xem từ điển đã dẫn trang 321: “Đòng đòng: ngọn của thân cây lúa (hoặc ngô) đã phân hóa thành cơ quan sinh sản và sẽ phát triển thành bông khi lúa ngô trổ”. Từ điển đã định nghĩa “cốm” trang 199: “Món ăn làm bằng thóc nếp non rang chín, giã sạch vỏ, màu xanh, hương vị thơm”.

       Trần Ngọc Thêm không hiểu thế nào là đòng lúa, thế nào là cốm, ông còn không nắm bắt được những kiến thức cơ bản nhất về cây lúa ở trang 222: “Khi xưa người Việt dùng lúa nếp là chính, trong lúa tẻ thì lúa mùa là chính”. Ông Trần Ngọc Thêm ăn cơm từ bé mà không biết đâu là lúa tẻ đâu là lúa mùa thì nghiên cứu văn hóa Việt Nam sao đặng? Tất nhiên, nếp và tẻ là hai loại lúa khác nhau, còn lúa mùa không phải chủng lọai lúa cụ thể mà lúa mùa là tên chung gọi các loại lúa cả nếp và tẻ vào mùa gặt Tháng Mười, còn lúa ở mùa gặt Tháng Năm là lúa chiêm.

       Đến mức, mùa gặt lúa chiêm là Tháng Năm âm lịch, người Việt ai ai cũng biết, trừ Trần Ngọc Thêm cho vụ gặt lúa chiêm vào Tháng Ba âm lịch, là tháng giáp hạt, tháng của các nạn đói như tháng 3 Ất Dậu 1945, khi tác giả chú thích ở trang 235: “Ếch Tháng Ba, gà Tháng Bảy, ếch Tháng Mười người Tháng Giêng. Tháng Ba và Tháng Mười là mùa gặt lúa chín rụng nhiều nên ếch béo”.

       Tục ngữ có câu: “Tháng Tám đói qua, Tháng Ba đói chết”. Chính vì ông Thêm cho Tháng Ba là mùa gặt chiêm nên tác giả lầm ếch ăn nhiều lúa rụng nên béo. Sự thực ếch Tháng Ba rất gầy, vì nó vừa ngủ đông thức dậy đã lao ngay vào mùa sinh sản. Không hiểu biết về cây lúa, về lúa chiêm mùa, về ếch nhái như trên thì sao ông Thêm có thể khái quát hay triết lý về nền văn hóa lúa nước Sông Hồng đây?

       Trần Ngọc Thêm còn có nhiều lầm lẫn khác, ví dụ như khi ông cho: “Bà Trưng đã tự vẫn tại Sông Hát, Thanh Hóa tháng 5-43” (trang 333). Sông Hát là chỗ Sông Đáy gặp Sông Hồng sao tác giả lại lôi tuột sông Hát vào Thanh Hóa? Có lẽ cứ đà này, Trần Ngọc Thêm có khi còn dạy sinh viên rằng Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên Sông Mã cũng nên?

       * Trần Ngọc Thêm và Kim Định, ai là người đầu tiên phát xuất ra “đề quyết động trời”? Ai đạo văn của ai?

       Giáo sư Lương Duy Thứ, đánh giá rất cao công trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm, coi đây là sự phát hiện mới mẻ nhất từ trước tới nay về tính nền tảng của văn hóa phương Nam đối với phương Bắc: “Nổi bật hơn là sự khẳng định mạnh bạo của nền văn hóa phương Nam trong tư thế đối lập với nền văn hóa phương Bắc và hơn thế còn khẳng định ngược trở lại của văn hóa phương Nam đối với văn hóa phương Bắc trong khi nhiều nhà nghiên cứu lớp trước chỉ khẳng định sự tiếp thu thụ động” (tr.6).

       Thưa giáo sư Thứ lười đọc ngu lâu, những điều ông vừa khen ông Thêm không phải lần đầu mới được đọc, mà cách đây nhiều năm chúng tôi đã đọc bởi học giả, giáo sư linh mục Kim Định trong cuốn “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam” của ông do nhà sách “Nguồn Sáng” xuất bản tại Sài Gòn năm 1973, ở trang 65 như sau: “Sau mười năm nhờ nghiên cứu nhiều mới thấy phần đóng góp lớn lao của Viêm Việt vào ba yếu tố trên (đạo thờ Trời, lễ gia tiên, tính nhân bản – chú dẫn của TMH) và do đó giúp vào việc nhận thức nọ được mở rộng, chúng tôi đã đưa vào cặp danh từ mới Hán nho, Việt nho với phạm trù du mục và nông nghiệp như hai trận tuyến văn hóa đối lập nhau.” (hết trích)

       Tư tưởng chủ đạo trong mười cuốn sách của học giả Kim Định là sự đối lập của văn hóa gốc nông nghiệp Lạc Việt phương Nam với văn hóa gốc du mục phương Bắc. Cũng theo Kim Định, khởi thủy văn hóa phương Nam rạng rỡ hơn văn hóa phương Bắc, là nền tảng cho Nho giáo và Đạo giáo…

       Sau hai mươi năm, thấy công trình (ăn cắp) của tiến sĩ Thêm lặp lại toàn bộ hệ thống văn hóa Việt Nam khỏi nguồn, lặp lại “đề xuất động trời” này của GS. Kim Định mà không hề dẫn từ nguồn chính này, chúng tôi đành phải lục hết các cuốn sách của nhà văn hóa lớn, triết gia, linh mục GS. Kim Định ra đọc lại: “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam”, “Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam”, “Lạc thư minh triết”, “Cơ cấu Việt nho”, “Tinh hoa ngũ điển”, “Vấn đề quốc học”, “Loa thành đồ thuyết”, “Triết lý cái đình”, “Việt lý tố nguyên”, “Dịch kinh tinh thế”… đều xuất bản trước năm 1975 tại Sài Gòn.

       GS. Kim Định dùng phương pháp mà ông gọi là phương pháp huyền sử, tức là dựa vào huyền thoại, vào suy đoán chữ và linh cảm để đưa ra những giả thuyết theo dạng phiếm luận hơn là khảo cứu khoa học. Linh mục Kim Định sinh năm 1914 tại Nam Định và mất năm 1997 tại bang Missouri Hoa Kỳ. Có thể nói GS. Kim Định là một học giả uyên bác nhất thời hiện đại. Ông biết nhiều thứ tiếng: La tinh, Hy lạp cổ, tiếng Do Thái cổ, chữ Hán, nói và viết lưu loát tiếng Anh, tiếng Pháp; vị linh mục này còn thông thạo tiếng Đức, Tây Ban Nha…Về khả năng giỏi ngoại ngữ và uyên bác, linh mục Kim Định có thể so sánh với vị tiền bối cũng là con chiên của Chúa là học giả lớn Trương Vĩnh Ký, người lập ra báo chí Việt ngữ đầu tiên là tờ “Gia Định báo” năm 1865.

       GS. triết gia, linh mục Kim Định (1914-1997).

       Trong cuốn: “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam” (tr.97) linh mục Kim Định viết: “Trở lên là những tác giả đã mở đường cho đề quyết đầu tiên người Lạc Việt vào nước Tàu trước… Nhưng các tác giả này dừng lại đấy và không một ai bước vào phần hai là người Lạc Việt đã đặt nền cho Nho giáo sơ khai. Đề quyết động trời này chỉ có một tác giả giúp tôi vài nhận định sơ sài đó là Marcel Granet. Ông theo phương pháp mới là tìm thực xuyên qua huyền thoại rồi kiểm chứng bằng xã hội học”.

       Có thể nói, PGS.TS. Trần Ngọc Thêm (nay, 2018 ông Thêm là GS. TS. viện sĩ… đạo văn sĩ) đã lấy toàn bộ hệ thống “Nguồn gốc Văn hóa Việt Nam” của GS. Kim Định làm của mình, chỉ xào xáo, vẽ rắn thêm chân hòng che giấu thế gian. Trần Ngọc Thêm chỉ khác Kim Định ở chỗ, Kim Định nêu “đề xuất động trời” chỉ dừng lại dạng giả thuyết, còn Trần Ngọc Thêm xác định các tư tưởng và phát hiện của Kim Định mà ông Thêm ăn cắp được cho là khoa học!

       * Chúng ta thử xem vài đoạn xem ông Thêm thó của Kim Định ra sao.

       Đây là Kim Định đã viết 20 năm trước: “Thuyết Việt nho gồm hai đề quyết lớn: một là người Lạc Việt đã làm chủ nước Tàu trước. Hai là người Lạc Việt đã góp công vào việc hình thành Nho giáo sơ khởi” (Nguồn gốc văn hóa Việt Nam tr.92). “Đông Nam chính là miền cư ngụ lâu dài của người Lạc Việt, nên luận được rằng tam tài, âm dương ngũ hành, cửu trù, hồng phạm khởi từ Viêm Việt” (NGVHVN tr.108)

       Đây là Trần Ngọc Thêm lấy hoàn toàn ý tưởng của Kim Định 23 năm sau mà không chua lấy của ai, nguồn nào: “Âm dương ngũ hành là những tư tưởng triết lý phương Nam và hoàn toàn không có chút bóng dáng nào của bát quái được tạo ra từ phương Bắc” (CSVHVN tr.98). “Trong số những nền văn hóa đã đóng góp vào sự hình thành nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, vai trò quan trọng hơn cả chính là thuộc về văn hóa phương Nam” (CSVHVN tr.41).

       Kim Định trước và Trần Ngọc Thêm sau giống nhau đến mức “mình với ta tuy hai là một” nhận toàn bộ các vị vua trong truyền thuyết của Trung Hoa thời Tam Hoàng Ngũ đế là của người Lạc Việt: “Phục Hy, Nữ Oa,Thần Nông là tổ của Viêm Việt hay Hoa tộc…? Xét theo huyền thoại thì Phục Hy không phải người Tàu. Bà Hoa Lư giẫm vào lốt chân người to lớn mà đẻ ra ông Phục Hy sinh ra theo lối dã hợp của Viêm Việt” (Kim Định – NGVHVN tr.108, 112). Sao chép y chang Kim Định, trang 46 CSVHVN, Trần Ngọc Thêm viết: “Thực ra thì Thần Nông cũng như một số nhân vật huyền thoại khác liên quan đến nông nghiệp đều vốn là cư dân bản địa phương Nam bị sát nhập vào Hoa tộc”.

       Hầu hết các ý tưởng, quan điểm “phát minh” của Trần Ngọc Thêm trong CSVHVN hôm nay (1996) đều được đúc ra từ khuôn Kim Định, sao chép từ cuốn NGVHVN và 9 cuốn khác của vị linh mục. Song le, Trần Ngọc Thêm lại công kích Kim Định là cực đoan, thiếu thuyết phục, làm ra vẻ hai ta chẳng dính dáng họ hàng gì với nhau hoặc không ai tơ hào gì của nhau đâu nhé: “Cá biệt cũng có người như Kim Định chữ Nho cũng như đạo Nho thoạt kỳ thủy do người Việt khởi sáng rối sau mới do người Tàu hoàn bị cũng như làm cho sa đọa thành Hán nho”. “Nói Nho giáo bắt nguồn từ Trung Hoa thì quá chung chung và thiếu chính xác, còn nói như Kim Định thì cực đoan và không có sức thuyết phục” (CSVHVN-Trần Ngọc Thêm tr.310).

       Trần Ngọc Thêm quả là vừa ăn cắp vừa la làng vậy!

       Ông Thêm đã lấy hầu như nguyên vẹn mọi “đề xuất động trời” của Kim Định làm của mình, còn ra bộ chê bai rẻ rúng ông Kim Định nữa thì trời ơi, sao trời không có mắt còn để cho ông Thêm chốn dung thân! Ông Thêm đã lấy cắp của ông Kim Định mọi thứ như quan niệm triết lý âm dương, hà đồ lạc thư của Chu dịch, cả ba vị tổ truyền thuyết Trung Hoa là Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông vào cho Lạc Việt, sao còn tìm cách chê người bị mình ăn cắp là cực đoan với không cực đoan?

       Trong CSVHVN, ông Thêm còn cho rằng căn bản nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của Khổng tử là lấy ở người Việt, Trung Hoa chỉ góp thêm hai yếu tố là thuyết chính danh và tư tưởng bình thiên hạ mà thôi. Ông Thêm viết tiếp: “Công lao của Lão tử là đã trình bày học thuyết những tư tưởng triết lý của truyền thống văn hóa nông nghiệp phương Nam: đó là tư tưởng âm dương và triết lý sống hòa hợp với tự nhiên… Không phải không có lý mà người ta coi Lão tử là ông tổ triết học của dòng Bách Việt” ( CSVHVN tr.325). Bảo Lão tử là người Việt Nam chưa đủ, ông Thêm còn lôi cả Khổng tử về cho người Lạc Việt phương Nam thì quá đáng: “Khổng tử không hiểu được rằng, hút nhụy từ văn minh nông nghiệp, Nho giáo đầy tính nhân bản của ông chỉ thích hợp với quy mô làng xã” ( CSVHVN tr.317).

       Trần Ngọc Thêm đã lầm, Khổng tử sinh ra không phải để ngồi trên bờ ruộng làng xã theo kiều xuất thế, mà ông là người nhập thế, nhà lý thuyết cai trị, kiến trúc sư chế độ phong kiến, với thuyết chính danh dạy vua biết làm vua, dân biết làm dân…

       Thuyết âm dương ngũ hành, hà đồ lạc thư là những tư tưởng tối cổ của Trung Hoa, ảnh hưởng đến triết học của Khổng Lão mà cả thế giới ai cũng đều biết. Hãy đọc những trước tác thời tiên Tần như Thượng thư thời Ân Thương vào những năm đầu Tây Chu, hay Chiến quốc sách, Tả truyện, Luận ngữ… đã rõ là của Trung Hoa. GS. Kim Định khi đưa ra giả thuyết cho rằng khởi nguồn những tư tưởng trên là của người Việt cổ thì còn có thể chấp nhận.

Nhưng khi ông Thêm đã lấy các ý tưởng của Kim Định trên để khẳng định là khoa học cho sinh viên học thì sự sai trái đã không còn giới hạn nữa.

 Giả dối hay trơ trẽn? Hay cả hai?

• • •

       Đến đây chúng tôi có thể kết luận rằng, “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm là luộc lại cuốn “Nguồn giốc văn hóa Việt Nam” của Kim Định, theo kiểu vừa ăn cắp vừa la làng vậy!

       * Những lập luận thiếu cơ sở khoa học và văn hóa

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm “biết thì thưa thốt không biết dựa cột mà nghe”:

       Một công trình được gọi là khoa học đồ sộ này của Trần Ngọc Thêm, sao tác giả lại lý luận cợt nhả như sau: “Chú Cuội trong chuyện cổ tích Việt Nam trồng cây đa làm thuốc cải tử hoàn sinh trong vườn thì dặn vợ: có đái thì đái bên tây, đừng đái bên đông, cây dông lên trời. Vì sao? Vì bên đông là bên nông nghiệp (của mình) cho nên linh thiêng, cần được coi trọng: còn bên tây là bên du mục (không phải của mình) thì thế nào cũng được” (CSVHVN tr.78). Thảo nào, có bao nhiêu đức tính tốt đẹp của loài người, ở trang 32, ông Thêm đều thu về hết cho phe mình là nền văn hóa nông nghiệp, còn hầu hết tính xấu và bất cập đều được ông đùn đẩy cho phương Bắc và phương Tây là gốc văn hóa du mục(!)

       Lịch sử tiến hóa của loài người từ vượn qua ăn lông ở lỗ, phát triển thành du mục, tiến lên văn minh nhờ định cư nông nghiệp. Từ gốc văn minh nông nghiệp, nhân loại kết hợp trồng trọt với chăn nuôi mà tiến dần lên văn minh đô thị hóa công nghiệp hiện nay. Tại sao Trần Ngọc Thêm cứ khăng khăng cho phương Tây và phương Bắc gốc văn hóa du mục? Làm như các nước Nam Á và Đông Nam Á chưa hề đi qua văn hóa du mục, từ vượn người thoắt đã biết nghề trồng lúa nước? Không cần luận chứng khoa học và bằng chứng lịch sử, Trần Ngọc Thêm viết: “Điển hình cho loại gốc du mục (trọng động) là các nền văn hóa phương  Tây, còn điển hình gốc văn hóa nông nghiệp (trọng tĩnh) là các nền văn hóa phương Đông” (tr. 26).

       GS.TSKH, viện vĩ, đạo văn sĩ Trần Ngọc Thêm kẻ làm nhục cả nền giáo sư Việt Nam bằng hành vi ăn cắp cả cuốn sách Kim Định làm sách mình.

       Trần Ngọc Thêm đã lầm khi cho văn hóa phương Tây có nguồn gốc du mục. Nếu cứ lập luận tùy tiện như vậy thì ta có thể gán cho bất cứ nền văn hóa nào cũng có nguồn gốc vượn cả. Thực ra nền văn hóa cổ gốc Hy-La của phương Tây có nguồn gốc hải đảo và biển. Còn nếu xét nguồn gốc xa nhất của phương Tây được khởi phát từ Lưỡng Hà và Ai Cập cổ đại thì nó còn có nguồn gốc nông nghiệp xưa hơn nguồn gốc nông nghiệp Nam Á và Đông Nam Á. Nền văn minh nông nghiệp Lưỡng Hà của Assyri và Babilon đã có trước công nguyên hàng chục nghìn năm. Cũng như nền văn hóa nông nghiệp Sông Nil đã có độ tuổi từ 5000 năm trước công nguyên. Do vậy, văn hóa phương Tây có nguồn gốc nông nghiệp xưa hơn nhiều vùng Nam Á và Đông Nam Á. Nghĩa gốc của từ “văn hóa” phương Tây là từ Cultus nghĩa là trồng trọt của tiếng La Tinh. Lưu vực các con sông lớn ở châu Âu như Đa Núp, Vonga, ngay từ thời cổ đại đã có những cư dân nông nghiệp trồng lúa miến, lúa mạch hay kê…

       Theo trang 32, sách đã dẫn, ông Trần Ngọc Thêm đã áp đặt cho văn hóa du mục phương Tây có các đặc tính là độc tôn, quân chủ, trọng nam khinh nữ, thiên về phân tích trọng sức mạnh cơ bắp là võ lực và coi thường thiên nhiên. Lập luận như trên, ông Thêm quả là quá thiếu hiểu biết về văn hóa phương Tây. Dĩ nhiên, nền văn hóa nào cũng có những ưu khuyết điểm của nó. Nếu ta nhìn lại nền văn hóa Hy La cổ đại với sự phát triển rực rỡ nhất của triết học, khoa học và nghệ thuật, đặt cơ sở cho văn hóa phương Tây sau này, sẽ thấy những đặc điểm của nó ngược lại điều ông Thêm vừa chỉ ra. Trần Ngọc Thêm lại có một áp đặt phi lịch sử khác là gán cho Hoa tộc có nguồn gốc xa xưa du mục. Từ 5000 năm trước công nguyên khi Hoa tộc định cư theo bình nguyên Hoa Bắc của sông Hoàng Hà, văn hóa của họ đã là văn hóa nông nghiệp rồi. Sau đó Hoa tộc tràn xuống phương Nam, vượt sông Dương Tử, đồng hóa dần Bách Việt, cho đến cuối nhà Chu thì vùng đất Hoa Nam đã bị Hán hóa gần hết chỉ trừ bộ tộc Lạc Việt chúng ta thôi.

       Nên nền văn hóa Trung Hoa bao gồm cả Hoa Bắc và Hoa Nam. Khái niệm phương Nam trong sách vở cổ Trung Hoa phần lớn chỉ vùng Hoa Nam của Hoa tộc, chứ không phải chỉ riêng Lạc Việt như ông Thêm ngộ nhận. Nếu sông Hoàng Hà là bộ óc của văn minh Hoa tộc thì sông Dương Tử là tâm hồn của nền văn hóa ấy. Chính vì vậy, việc nhận bừa Nho giáo và Đạo giáo có nguồn gốc Bách Việt là điều không thể chấp nhận.

       Tất nhiên, việc Hoa tộc tiếp thu văn hóa Bách Việt cũng như văn hóa Tạng, Mông, Mãn, Hồi trong quá trình xâm chiếm và đồng hóa là điều bình thường và dễ hiểu. Văn hóa Hoa tộc ưu thế hơn so với các nền văn hóa rìa ngoài. Họ có văn tự vào loại cổ nhất thế giới. Họ có nền văn minh tự do khởi nguồn dài nhất thế giới là thời bách gia chư tử, tạo ra một nền triết học có thể sánh ngang Hi Lạp cổ đại. Theo Will Durant trong cuốn: “Lịch sử văn minh Trung Quốc” có dẫn lời nhà khai sáng Pháp Voltaire nói về văn hóa Hán tộc như sau: “Quốc gia ấy tồn tại một cách rực rỡ từ 4000 năm rồi mà luật pháp, phong tục, ngôn ngữ, cách ăn mặc vẫn không thay đổi bao nhiêu… Người Trung Hoa hơn hẳn các dân tộc khác trong hoàn vũ” (Bản dịch của NLL, ĐHSP 1990).

       Như chúng ta đã biết, việc xác minh nguồn gốc các dân tộc trên thế giới, thậm chí ngay cả nguồn gốc nhân loại cũng vẫn còn trong vòng tranh cãi, chưa thể tìm ra một cách giải thích duy nhất. Cũng như vậy, nguồn gốc dân tộc Việt Nam vẫn còn nằm trong giả thuyết. Gốc Indonesia lai Mongol là giả thuyết tạm thời được chấp nhận. Khi Thục Phán xâm lược nước Văn Lang lập ra nước Âu Lạc gọi là văn minh Lạc Việt vào năm 257 trước công nguyên thì thời đại Hùng Vương của họ Hồng Bàng đã tồn tại hơn 2000 năm trước. Trong khoảng thời gian ấy, người Giao Chỉ có là một nhánh của Bách Việt hay không thì lịch sử chưa đủ cứ liệu xác minh. Việc cho nguồn gốc người Việt Nam là một nhánh của Bách Việt di cư từ hồ Động Đình phía nam sông Dương Tử đến chỉ là giả thuyết. Cũng có vị bảo gốc Việt Nam ta là một phần của nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn di cư xuống từ 600 năm trước công nguyên vì căn cứ giọng nói dân ta và dân Phúc Kiến hao hao nhau cũng mới chỉ là giả thuyết. Rất có thể suốt 2000 năm văn hóa Văn Lang, chúng ta chưa có liên hệ gì với Bách Việt phía nam sông Dương Tử cả.

       Chừng như văn hóa Lạc chỉ trộn với văn hóa Việt khi Thục Phán đến nước ta khi Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc và làm chủ Trung Nguyên? Do vậy Trần Ngọc Thêm đã dùng phương pháp huyền sử của Kim Định để chứng minh dân tộc ta 4000 năm trước có nguồn gốc Bách Việt chăng? Từ đó ông Thêm mới lấy kết luận của Kim Định làm của mình rằng văn hóa nông nghiệp của chúng ta có nguồn gốc Viêm Đế, Tam Miêu, từng đặt nền móng cho văn hóa du mục cổ đại Trung Hoa là một chuyện chưa được kiểm chứng. Trong bộ “Việt Nam văn minh sử” của học giả Lê Văn Siêu (do trung tâm học hiệu bộ giáo dục Sài Gòn in 1972, tr, 38) có viết: “Nhưng làm thế nào chứng minh nổi gốc cũ ta là Tam Miêu (một nhóm Bách Việt-chú của TMH). Mặc dầu sử cũ có ghi, và mặc dầu có những lý luận thông thái của linh mục Lương Kim Định dựa vào những nghĩa chữ chỉ có ở 1500 năm sau. Cho nên không thể nhận gốc cũ ta là Tam Miêu được”.

       Như vậy, lập luận căn bản để làm nên “công trình khoa học: CSVHVN” của Trần Ngọc Thêm là lấy nguyên xi từ Kim Định, mặc dù vị linh mục này chỉ coi những phát kiến của mình còn trong sự đề xuất hay phiếm luận, phúng dụ mà thôi. Nhưng từ những đề xuất động trời của cha Kim Định, Trần Ngọc Thêm bèn vội vã biến chúng thành khoa học; đó chính là cái lỗi lớn nhất của ông Thêm, một người chưa đủ sức khỏe để có thể tiêu hóa được những đề xuất động trời của Kim Định…

                                  •••

       * Những kết luận không thỏa đáng

       Trước khi tam giáo truyền vào nước ta, người Việt hầu như chưa có tôn giáo. Việc thờ ông bà với bàn thờ gia tiên, thậm chí thờ trời thực ra mới dừng lại ở mặt đạo lý và vũ trụ quan sơ khai của người nguyên thủy. Trần Ngọc Thêm viết: “Ở Việt Nam tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, và có tới hai biểu hiện: thờ cơ quan sinh dục nam nữ và thờ bản thân hình ảnh giao phối” (tr.151). Theo từ điển Tiếng Việt sách đã dẫn (tr. 960) định nghĩa: “tín ngưỡng, tin theo một tôn giáo nào đó”.

       Như vậy, tôn giáo thờ phồn thực, thờ cơ quan sinh dục nam nữ và thờ hành động giao phối do ông Thêm gán ghép cho dân tộc ta suốt 4000 năm lịch sử là một việc rất chủ quan, sai trái. Tín ngưỡng thờ Linga và Youni là tôn giáo phiếm thần của Ấn Độ thuở còn thổ dân Dravidien xâm nhập vào Bà-la-môn rồi truyền qua một số sắc dân Nam Á như Chàm chẳng hạn. Việc các vua thời Lý Trần đưa hàng loạt thợ đá và thợ đóng thuyền Chiêm Thành ra các vùng đất quanh Thăng Long, thậm chí lập làng riêng cho họ còn dấu tích đến ngày nay; chứng tỏ tín ngưỡng thờ âm vật và dương vật đã theo họ ra vùng đất mới và ít nhiều để lại dấu tích kỷ niệm trên đá, trên gỗ, hay trên gạch. Vả lại, sự giao lưu văn hóa Việt Chăm là điều dĩ nhiên trong quá trình lịch sử. Không thể căn cứ vào điều cá biệt ấy và hình tượng người làm tình trên nắp thạp đồng Đào Thịnh để kết luận dân tộc ta từng thờ âm vật và dương vật được.

       Dưới ám ảnh phồn thực, Trần Ngọc Thêm đã rất bệnh hoạn khi nhìn vào cấu trúc chùa Một Cột là nét đẹp thiêng liêng quốc hồn quốc túy: hình ảnh đóa sen đầy Phật tính Việt Nam, thành sự dung tục, bậy bạ, xúc phạm văn hóa dân tộc khi Trần Ngọc Thêm viết rất nhơ nhuốc như sau: “Chùa Một Cột với hình bông sen thanh thoát ở trên và trụ đá thể hiện ý niệm phồn thực ở dưới dâng lên Phật Bà” (tr.304). Quả là một cái tát của Trần Ngọc Thêm vào đạo Phật Việt Nam.

       Xin hãy nghe ông Thêm giải thích nguồn gốc tôn giáo phồn thực: “Toàn bộ Linga mô phỏng bộ chày cối – biểu tượng tính phồn thực của cư dân Đông Sơn (tr.279). Với nhãn quan sinh thực khí ấy, ông Thêm nhìn ngôi chùa Việt Nam bằng cái nhìn Thị Mầu: “Muốn giữ cho Phật giáo ở lại mãi bên mình, người Việt Nam nhiều khi phá cả giới luật. Có những nơi muốn buộc sư gắn với làng mình để giữ chùa cúng lễ, dân làng đã tổ chức cưới vợ cho sư” (tr.303).

       Có lẽ phong tục cưới vợ cho sư của người Việt chính là khám phá “văn hóa riêng” của ông Thêm, làm nên “cơ sở văn hóa Việt Nam” của ông ta chăng?

       Tôn giáo là một đặc trưng văn hóa. Trong CSVHVN, Trần Ngọc Thêm không chỉ nhìn Phật giáo bằng cái nhìn nhục dục, rất phân tâm học, mà ông ta còn ác cảm vô cùng với đạo Thiên Chúa Việt Nam: “Ki tô giáo thâm nhập vào Việt Nam song song với công cuộc thực dân xâm lược và đồng lõa với chúng” (tr.345). “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe” nhá ông dốt đặc cán mai tên Trần Ngọc Thêm. Đạo Thiên Chúa giáo do các giáo sĩ dòng Tên Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha truyền vào Việt Nam từ giữa thế kỷ thứ XVI thời vua Lê chúa Trịnh, 300 trăm năm sau Pháp mới chiếm Việt Nam bằng việc đánh vào Đà Nẵng năm 1858. Việc vô cớ kết tội các tông đồ của Chúa vào Việt Nam truyền đạo trước khi Pháp xâm lược nước ta 300 năm sau là một hành vi phản văn hóa của Trần Ngọc Thêm. Ông Thêm không cám ơn đạo Thiên Chúa đã tặng dân tộc Việt Nam chữ quốc ngữ thì thôi, sao lại nặng lời với đạo Chúa dám vu cáo công cuộc thừa sai của dòng tên là đồng lõa với bọn xâm lược. Thật là vô sỉ và láo xược!

       Sau bốn thế kỷ Thiên Chúa giáo vào Việt Nam, đạo Chúa đã có hàng chục triệu người theo (gồm Thiên Chúa giáo và Tin Lành), thành văn hóa Việt Nam hòa với cộng đồng dân tộc và các tôn giáo khác. Chỉ riêng Trần Ngọc Thêm là còn thù hận đạo Thiên Chúa, tiếp tục vu khống và phỉ báng đạo này: “Ki tô giáo là một tôn giáo mang đậm tính du mục (độc tôn cứng rắn) do vậy mà không hòa đồng được với văn hóa Việt Nam” (tr.345).

       Một người tự nhận là một nhà văn hóa như ông Thêm lại rất thiếu văn hóa khi nhìn đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Bảo đạo Thiên Chúa độc tôn, cứng rắn, du mục, tiếp tay cho bọn xâm lược, Trần Ngọc Thêm đã tự hạ mình xuống thành tên báng bổ, thành một kẻ thiếu giáo dục. Đế quốc La Mã tiền Kitô mới độc tôn, cứng rắn, dã man. Đạo Kitô là đạo của lòng nhân, của bác ái, của tự do. Chúa khởi đầu là một Đấng giải phóng nô lệ. Đạo của Ngài ban đầu hầu như là đạo của kẻ nghèo hèn, của dân nô lệ. Đem những kiến thức dâm dục hóa đạo Phật, báng bổ và nói láo lếu đạo Kitô của ông Thêm này mà dạy cho sinh viên thì giới trẻ chúng ta ngày càng mất văn hóa, mất nhân tính mất thôi.

       GS. triết gia, linh mục Kim Định (1914-1997).

       Trần Ngọc Thêm không chỉ nói xấu đạo Phật, nói xấu đạo Chúa, ông còn đem cả dân tộc Việt Nam ra báng bổ, giễu cợt như sau: “Thậm chí trong cả việc chửi nhau, người Việt cũng chửi nhau một cách bài bản, cân đối nhịp nhàng, đầy chất thơ. Với lối chửi có vần điệu, có cấu trúc chặt chẽ, người Việt có thể chửi giờ này đến giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không chán” (tr.187). Phải chăng, những món này đã góp phần tạo ra CSVHVN mà ông Thêm đã bịa tạc ra một cách tùy tiện và bôi bác?

       Trần Ngọc Thêm luôn phê các nhà nghiên cứu khác thường lấy Trung Hoa là trung tâm. Nhưng ông Thêm lại mắc bệnh trầm kha lấy văn hóa nông nghiệp Lạc Việt làm trung tâm: “Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ” (tr.40). Hoặc ông Thêm còn có thái độ dân tộc cực đoan mất hết tỉnh táo: “Giai đoạn từ thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên cho đến thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, văn hóa Lạc Việt đã tạo nên một đỉnh cao rực rỡ, có ảnh hưởng đến toàn khu vực” (tr.48).

       Ông Thêm đã ăn cắp toàn bộ hệ thống “nguồn gốc văn hóa Việt Nam” của GS. Kim Định rồi xào xáo, thêm mắm thêm muối làm nên “Cơ sở văn hóa Việt Nam” với một sở học thấp kém, với mớ kiến thức nông cạn, rất ấu trĩ, nhiều sai trái...

       Sài Gòn, đêm 30/03/1996.

             Trần Mạnh Hảo

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét