LÀM MA EM VỢ
Viết theo quan điểm Phật giáo trong Kiều của Nguyễn Du
Em kết liễu. Tự giải thoát mình khỏi "kiếp"!
Chết thật hèn, nhưng sống thế càng ôi
Anh thắp cho em một nén nhang đời
Và lễ tạ: Nam-mô-di-phật
Người sống đưa chân người chết đây
Đầu bạc làm ma mái xanh này
Mẹ, cha... queo quắt còn ham thọ
Em nhởn thanh xuân lại vội quay.
Em ơi: Chữ “kiếp” trước chữ “người”!
Sống cần cố gắng, chết rồi thôi
Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ...(*)
Anh ở vì chưng trả nợ đời.
PHẠM NGỌC THÁI
(*)
Nàng Kiều trẫm mình trên dòng sông Tiền Đường muốn quyên sinh... nhưng lại được
Giác Duyên vớt cứu - Theo thuyết bản mệnh ở kinh thánh, trong Kiều của cụ Nguyễn
Du: Nàng chưa thể chết vì chưa trả hết nợ đời!
-
Câu thơ ý muốn vấn an linh hồn em: "Em đi, coi như đã hết nợ đời rồi đó
em".
LỜI BÌNH CỦA ĐÀO VIẾT MINH:
THƠ SÂU NẶNG NỖI KIẾP NGƯỜI
“Làm ma em vợ” là một bài thơ
khóc. Đứng trước bao cảnh đời khốn khổ trên bờ bến nhân gian, với tâm khảm xót
xa một người em vợ, nhà thơ đã viết ra bài khóc tang này:
Em kết liễu. Tự giải
thoát mình khỏi "kiếp"
Chết thật hèn, nhưng sống
thế càng ôi...
Hai câu mở đầu cách thức
cảm xúc của tác giả, giọng điệu tựa như những lời khóc van khi đưa đám trong
dân gian. Ta xem trong câu hai, nửa vế đầu viết: "Chết thật hèn", nửa
vế sau lại nói: "...nhưng sống thế càng ôi" - Như thế là ngay trong một
câu thơ đã đưa ra hai nhận định về cả lẽ sống và cái chết của người em vợ. Chết
như nó thì dở, thì hèn. Còn sống mà sống kém, sống tệ như vậy cũng…? - Bởi đây
là bài thơ khóc trước vong linh em, có thể trách nó về sự chết uổng, chết
phí... thì còn được, nhưng nếu đem cả cách sống tệ ra trách móc trước mồ mả em,
e sẽ trở thành bất nhẫn?
Tôi xin trích những lời của
Hoài Thanh khi nói về cái chết của Hàn Mặc Tử trong Thi Nhân Việt Nam, ông đã
viết: "Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ
chết rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn".
Trở lại với bài Làm Ma Em Vợ - Thế
là lòng nhà thơ mâu thuẫn. Muốn viết một bài thơ khóc tang sâu sắc thì phải nói
đến cả nghĩa sống và cái chết. Huống hồ tính nhân bản trong thi ca, nó đòi hỏi
phải đặt ra một giác độ nhìn nhận trách nhiệm của một con người trước xã hội
cũng như cộng đồng, mà ở đoạn cuối tác giả có nói:
Sống
cần cố gắng. Chết rồi thôi...
Bởi vậy để đỡ cho hai câu
thơ khóc rất thật đầu tiên ấy, nghĩa tử là nghĩa tận, lệ của nhà thơ đã nhỏ xuống,
anh xót xa thắp nén hương lòng khấn cầu cho vong hồn em sớm được siêu thoát:
Anh thắp cho em một nén nhang đời
Và lễ tạ: Nam-mô-di...phật!
Trách là trách những người
thân đang sống quanh không cứu vớt được nó? Trách thực tế cộng đồng không đủ sự
nhân ái cần thiết đưa nó ra khỏi bờ vực thẳm? Nhưng thôi, dù sao thì em cũng đã chết rồi!
Hãy để cho vong hồn em được an ủi, yên nghỉ nơi suối vàng. Nhưng ý tưởng bao
trùm tình thi đã được tác giả khai phá ngay từ câu thơ đầu. Tôi quay lại để
bình xét về câu thứ nhất ấy:
Em kết liễu. Tự giải thoát mình khỏi
"kiếp"
Ba chữ "tự giải
thoát" là tiếng kêu trong trời đất và xã hội, từ dưới đáy hạ tầng của lớp
chúng sinh. Cuộc đời đến mức phải tự kết liễu để giải thoát mình ra khỏi
"kiếp sống", thật là bi thương! Nhìn theo quan điểm nhân đạo, suy cho
cùng nó cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương của xã hội mà thôi. Tiếng kêu
chúng sinh đó đòi hỏi, thậm chí chất vấn...cả thượng tầng kiến trúc kia?
Đến câu thơ thứ chín, ta thấy
nhà thơ còn nhắc lại chữ "kiếp" ấy một lần nữa:
Em ơi: Chữ “kiếp” trước chữ
“người”!
Huống hồ cảnh đời còn bao
thương tâm, oan nghiệt, phi lý, bất công vẫn đè nặng lên lớp nhân quần lương
thiện. Chữ "kiếp" đã được vọt trào ra chính vì nỗi đau đời đó! Tôi
bình sang đoạn thơ hai:
Người sống đưa chân người chết đây
Đầu bạc làm ma mái xanh này
Cái lời tiễn người đã chết ở
đây nó ngược cảnh: đầu bạc lại làm ma mái đầu xanh, nghe rền rĩ như tiếng kèn
đám ma. Đó là sự bi ai của cuộc sống. Trong dân gian lắm khi cảnh gia đình lục
đục, cha mẹ già hay ông bà tính khí trái nắng giở giời...thường rít lên rỉa rói
con cháu: Đến con giun, con dế nó còn muốn sống nữa là con người? Tâm lý cảnh đời
thường ấy đã được tác giả vận vào hai câu sau của đoạn thơ hai, để nói lên nỗi
xót xa đối với người em:
Mẹ, cha...queo quắt còn ham thọ
Em nhởn thanh xuân lại vội quay.
Quay là quay lơ, lăn ra chết...
đi liền với "nhởn thanh xuân" (nhởn nhơ tuổi thanh xuân): nghĩa thơ
có ý trào lộng. Ngôn ngữ, nhịp điệu hợp với sự cúng điếu của cảnh khóc tang. Lời
than ấy giống như những người đi theo xe tang khóc viếng, đưa linh hồn kẻ chết
về nơi chín suối. Nghĩa là, một cái chết tội tình đáng thương thay! Mẹ, cha đã
phải chịu đựng bao nhiêu khốn khổ, tủi nhục, đắng cay mà vẫn sống đó? Em còn trẻ,
dù có cảnh đời thế nào đi nữa, cũng việc gì phải phẫn chí tìm cách quyên sinh!
Bài thơ tuy cũng dựa trên một
nỗi đời cụ thể, nhưng nó có cấu trúc của một bài thơ tượng trưng, nhuốm đầm sắc
thái theo quan điểm của nỗi kiếp đoạn trường,
nơi bể khổ dân tình của cụ Nguyễn Du.
Cho nên tác giả đã kết:
Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ...
Anh ở vì chưng trả nợ đời.
Để cho rõ ý nghĩa hàm súc của
hai câu cuối đó, xin liên hệ đôi nét về thân phận nàng Kiều: trải qua bao khổ ải,
nhục nhã ê chề phải trẫm mình xuống dòng sông Tiền Đường để chết, nhưng lại được
Giác Duyên vớt cứu - Nàng chưa thể chết vì chưa trả hết nợ đời! Như thế món nợ
Kiếp của Kiều, dù đã phải trải qua hai lần thanh lâu, mấy lần muốn tự vẫn không
thành:
Làm cho sống đoạ thác đầy
Đoạn trường cho hết kiếp
này mới thôi!
(Kiều)
Còn cái việc nàng đã được cụ
Nguyễn Du cho tái hợp lại với chàng Kim Trọng để cuộc đời bi thảm của Kiều có
phần kết hậu, âu đó cũng chỉ là món nợ đời cuối cùng mà nàng phải trả nốt đó
thôi: món nợ tình! Bởi 15 năm khổ ải định chết, chết không xong. Tới khi được
Giác Duyên cứu sống lại rồi, Kiều chỉ muốn đem tấm thân đã "dơ" của
mình:
Trông hoa đèn chẳng thẹn
mình lắm ru?
Để mà yên thân nơi cửa
chùa:
Đã đem mình bỏ am mây...
Mầu thiền ăn mặc đã ưa nâu
sồng
Thế mà phận cũng có được
yên đâu? Khi Kiều từ chối duyên tái hợp với chàng Kim kia, từng thốt ra than:
Nói chi kết tóc xe tơ
Đã buồn cả ruột mà nhơ cả đời...
Thế mà Vương Ông vẫn còn
trì triết, mắng con gái rằng:
Tình kia, hiếu nọ ai đền cho đây?
Vì "hiếu" đã phải
bán cả tấm thân trong trắng, ngà ngọc của mình để chuộc cha. Với
"tình" lòng vẫn thuỷ chung son sắt, cũng đành phải dứt duyên nhờ em
là Thuý Vân thay mình!... Hiếu, tình sâu nặng đến thế, mà vẫn chưa đủ trả? Cuối
cùng Kiều vẫn cứ phải đem cái tấm thân mình, như nàng đã nói:
Ong qua bướm lại đã thừa xấu
xa...
Để mà đền nốt cho chàng
Kim. "Món nợ kiếp người" tưởng cũng chỉ khổ đến thế là cùng.
Trở lại với bài Làm Ma Em Vợ,
câu thứ ba của đoạn thơ này:
Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ...
Cái nạn kiếp người nơi hạ tầng
của chúng sinh thời nào mà chẳng khổ? Trải qua những thăng trầm bể ải trong
nhân tình thế sự, chiêm nghiệm trong thẳm sâu tâm linh cuộc đời mình, thấm đẫm
về chữ "kiếp" luân hồi ấy để nỗi xót thương từ trong lòng tác giả
trào ra: Em chết, là coi như đã trả hết nợ đời đó em!
Vì muốn nó cũng có sống lại
được nữa đâu? đồng thời đó cũng là lời an ủi, xoa bớt nỗi đau cho vong hồn người
em nơi chín suối. Mặt sau của bản thơ là tiếng kêu cứu xã hội, tiếng khóc nấc bật
ra từ trong khối cộng đồng của thời đại hiện đại này!
Ta trở lại với câu thơ đầu
tiên:
Em kết liễu. Tự giải thoát
mình khỏi "kiếp"
Lời khóc tang của bài Làm Ma
Em Vợ này là tiếng khóc bật ra từ trong nỗi kiếp nhân gian:
Anh ở vì chưng trả nợ đời.
Anh còn phải sống tiếp,
cũng chả sung sướng gì đâu? Bao khổ nạn ê chề, chẳng qua vì đời chưa hết nợ, trả
hết nợ rồi anh cũng đi thôi! Bài thơ chỉ như một lời khấn cầu từ bi nơi cửa phật
để thắp cho đứa em tội nghiệp, cùng những kẻ đáng thương đã sinh ra ở trên cõi
sống trần ai đây một nén nhang đời!
Đào Viết Minh
(Trích tập “PNT chân dung nhà thơ lớn thời đại”, 2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét