Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

HỌA SĨ HỒ Y / Trần Mỹ Giống

 


 

       LỜI MỞ:

 

       Lần đầu tiên họa sĩ Hồ Y gọi điện cho tôi:

       - Ông Giống ơi! Mời ông tới nhà tôi, xem tranh của tôi, và cho tôi một nhận xét.

       - Ôi trời! Em chuyên nghiên cứu phê bình, nhưng cái món hội họa thì em dốt đặc, có biết gì lí luận hội họa đâu mà nhận xét tranh được ạ!

       - Đọc ông nhiều rồi. Ông là người trung thực, thẳng thắn. Tôi tin ông cảm thụ được… Ông chiếu cố tôi nhé!

       Sau khi xem các tranh của Hồ Y treo khắp các mảng tường nhà và xếp trên tầng ba, tôi đã hình thành trong đầu một số cảm nhận. Tôi thực không hiểu nhiều về mảng miếng, màu sắc, đường nét, bố cục… của tranh, nhưng đúng là tranh Hồ Y gây cho tôi cảm xúc thẩm mỹ mạnh. Về đến nhà, tôi ngồi ngay vào bàn máy tính và viết bài về Tranh Hồ Y, bắn ngay lên trang blog cá nhân Tôi không dám kiểm tra đọc lại, vì sợ đọc lại thấy bài dở lại không dám lên trang…

       Sau khi bài tôi lên trang chừng hơn tháng thì gần hai chục báo tạp chí giấy và mạng ồ ạt đăng bài giới thiệu tranh của họa sĩ Hồ Y. Tôi vui mừng liên tục ngả mũ chào những đoạn văn, những bài viết như là chào người quen thân gần gũi, chào chính mình vậy.

       Không lâu sau, cụ Hải Như về thăm quê, gọi điện cho tôi:

       - Chào ông Trần Mỹ Giống. Tôi là Hải Như, anh trai Hồ Y đây. Tôi cảm ơn ông đã có con mắt xanh phát hiện ra họa sĩ Hồ Y, nhìn thấu em trai tôi bằng những lời bình về tranh của chú ấy. Trước ông, chưa có ai có con mắt xanh đánh giá tranh Hồ Y như ông. Tôi vừa ở Sài Gòn ra, đang ở nhà Hồ Y, mời ông tới chơi…

       Khi thấy tôi, cụ Hải Như ngạc nhiên:

       - Đọc ông, tôi cứ nghĩ ông cao tuổi đạo mạo lắm, hóa ra ông còn trẻ thế.

       Được biết tôi cùng chiến đấu bảo vệ Quảng Trị năm 1972 với con trai cả ông, ông càng quý tôi, coi tôi như con cái trong nhà. Từ đó, tôi được đối xử như bạn vong niên của họa sĩ Hồ Y và nhà thơ Hải Như.

       Hôm nay xem lại cuốn “Họa sĩ Hồ Y vẽ và viết” mà tác giả tin tưởng nhờ tôi lo biên tập in ấn, bỗng bồi hồi nhớ Họa sĩ Hồ Y. Tôi đăng lại bài viết ngày Họa sĩ Hồ Y về cõi Phật để tưởng nhớ ông.

 

       HỌA SĨ HỒ Y

 

          Họa sĩ Hồ Y tên thật là Vũ Như Hồ Y, sinh năm 1932, mất 3-5-2017. Họa sĩ quê ở xã Bái Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; trú tại 29 Nguyễn Trãi, thành phố Nam Định. Ông là Hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định từ 1977. Ông đã được tặng: Huy chương Chiến thắng chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huy chương vì sự nghiệp VHNT Việt Nam, Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến (khuyến khích) 1981 – 1985.

          - Tác phẩm chính:

       + Artist Hồ Y. – H.: Văn hóa – Thông tin, 2006. - 55 tờ (in tranh 2 mặt) ; 21 cm.

       + Hồ Y vẽ và viết (2016)

 

          Họa sĩ Hồ Y xuất thân trong một gia đình có nhiều người tài, ở xã Bái Dương nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt. Ông là hậu duệ của cụ Cử nhân Vũ Trọng Uy văn võ song toàn. Hai người anh em ruột của ông là nhà báo lão thành cách mạng Như Đàm, nhà thơ nổi tiếng Hải Như. Hồ Y tham gia cách mạng, nhiều năm làm công tác báo chí tuyên truyền của Nhà máy Dệt Nam Định.

          Là một họa sĩ không được qua trường lớp chính quy nào, chỉ bằng con đường tự học mà thành tài, Hồ Y phải phấn đấu, rèn luyện gian khổ hơn nhiều các họa sĩ khác. Vì vậy, ông không bị lệ thuộc vào trường phái nào, không mấy quan tâm đến kỹ xảo, mà chủ yếu bằng năng khiếu, lòng say mê hội họa, hồn nhiên vẽ tranh theo cảm xúc thăng hoa của chính mình. Xem tranh của ông, ta nhận ra một phong cách riêng rất gần gũi với dân gian mà không mấy họa sĩ có được.

       Ông vẽ nhiều nhất về các phố cổ thành phố Nam Định nơi ông sinh sống và những nhân tài của quê hương Nam Định. Chiêm ngưỡng các bức vẽ về phố cổ thành Nam, tôi cảm nhận rõ tình yêu con người và mảnh đất quê hương của ông tha thiết biết nhường nào. Cảm ơn họa sĩ Hồ Y đã cho chúng ta những hình ảnh xa xưa của lịch sử, những tranh vẽ phố lưu giữ hồn thành Nam. Nếu như Hà Nội có PHỐ PHÁI thì chúng ta có quyền tự hào Nam Định có PHỐ HỒ Y. Bằng vào con đường thành tài của họa sĩ Hồ Y hoàn toàn do tự học, và những tác phẩm chứa đựng tình yêu thành Nam của ông được thể hiện theo một phong cách riêng, thì tôi nghĩ là mình nhận định không quá, chí ít cũng là lòng tôi cảm phục tác giả và yêu quý tác phẩm Hồ Y.

          Thường vẽ chân dung, họa sĩ cố gắng vẽ sao cho giống người thực, càng giống càng tốt. Nhưng họa sĩ Hồ Y không đi theo con đường mòn ấy. Ông tìm cho mình con đường riêng. Đó là thể hiện chân dung qua hình tượng, biểu tượng. Người xem tác phẩm chân dung của Hồ Y phải có hiểu biết nhất định về nhân vật mới cảm thụ hết cái hay, cái sâu xa, cái đẹp của tranh.

       Nam Định một thời nổi tiếng về đóng thuyền xi măng lưới thép, đáp ứng kịp thời công việc vận tải phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họa sĩ Hồ Y là người duy nhất ghi lại được sự kiện lịch sử đặc biệt của Nam Định bằng bức tranh “Đóng thuyền xi măng lưới thép”. Tranh đã được nhà nước mua về lưu trữ ở Viện bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.

          Sau khi tôi giới thiệu chân dung Hồ Y lên trang blog cá nhân, như một phản ứng dây truyền, gần hai chục trang điện tử, báo và tạp chí giấy, đài truyền hình trung ương và đài địa phương lần lượt đưa tin về Hồ Y. Nội dung các bài viết về Hồ Y đều đồng thuận công nhận đóng góp của ông cho nền mỹ thuật nói chung và cho thành Nam nói riêng. Đặc biệt, báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam và báo Đảng của Nam Định cũng có bài cùng quan điểm như vậy.

          Với những đóng góp cho cách mạng và cho nghệ thuật hội họa của mình, ông xứng đáng được trao những giải thưởng cao quý. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi biết ông chưa được nhận một giải thưởng chính thức nào của tỉnh (không kể một giải khuyến khích). Tôi có lần tỏ ý băn khoăn về việc đó, thì ông ôn tồn bảo: “Đối với tôi, được bạn đọc, người xem tranh yêu quý và nhớ mãi tác phẩm của mình đã là phần thưởng cao quý hơn mọi giải thưởng rồi.”

          Những năm cuối đời, tuy tuổi cao sức yếu, họa sĩ Hồ Y vẫn miệt mài sáng tác tranh và viết bài cho blog Trần Mỹ Giống. Chiều chiều họa sĩ vẫn dắt chiếc xe đạp (chứ không cưỡi) đi thăm thú bạn bè, cũng là tập thể dục cho khỏe. Như vừa mới hôm qua, ông dắt xe đạp đến nhà tôi, đàm đạo văn chương hội họa một lúc, rồi lại dắt xe về. Vậy mà, chỉ ốm nằm viện mấy ngày, bạn bè cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật chưa ai biết, ông đã vội ra đi.

          Thương tiếc tiễn biệt họa sĩ Hồ Y về cõi vĩnh hằng, chúng tôi tin rằng những sáng tác của họa sĩ, đặc biệt là những bức tranh phố cổ thành Nam sẽ còn sống mãi trong lòng người Nam Định yêu quê hương xứ sở. Tôi chợt nhớ tới hai câu thơ đề từ của mình dưới bức chân dung tự họa của họa sĩ Hồ Y cách đây 9 năm, ngẫm ra thật đúng với cuộc đời và sự nghiệp của ông:

          Tự học thành tài danh lặng lẽ

          Thành Nam còn mãi PHỐ HỒ Y.

 

       TMG

 

Mời xem một số tác phẩm của Họa sĩ Hồ Y


                                              CẦU TREO ĐÒ QUAN - Bột màu 60 x 80 cm


                                     GỐC ĐA PHỐ HÀNG SẮT - Bột màu 60 x 80 cm


                                        CHÙA THÁP PHỔ MINH - Bột màu 60 x 80 cm


                                   CÂY BÀNG PHỐ CỬA ĐÔNG - Bột màu 60 x 80 cm


                                             CUNG ĐÀN XANH - Bột màu 50 x 60 cm


                                          PHỐ HÀNG SONG - Bột màu 60 x 80 cm


                                             PHỐ HÀNG NÓN - Bột màu 60 x 80 cm


                                              PHỐ HÀNG SẮT - Bột màu 60 x 80 cm


                                           PHỐ HOA KIỀU - Bột màu 60 x 80 cm


                                             HỒ XUÂN HƯƠNG - Bột màu 80 x 90 cm


                                                       TỰ HỌA - Bột màu 60 x 80 cm


                                       NHÀ THỜ KHOÁI ĐỒNG - Bột màu 60 x 80 cm


                                                    THỜI THƠ ẤU - Bôt màu 60 x 80 cm


                          GIỜ GIẢI LAO CỦA CÔNG NHÂN DỆT - Bột màu 60 x 80 cm


                                                NGÕ VĂN NHÂN - Bột màu 70 x 80 cm


                              NGUYỄN BÍNH  CON ĐÊ ĐẦU LÀNG - Bột màu 60 x 80 cm


                                        HỌA SĨ NGUYỆT HỒ - Bột màu 60 x 80 cm


                    NHÀ ĐẶNG THẾ PHONG Ở PHỐ HÀNG ĐỒNG - Bột màu 60 x 80 cm


                                             PHỐ NHÀ THỜ LỚN - Bột màu 60 x 80 cm


                            NHÀ TÚ XƯƠNG PHỐ HÀNG NÂU - Bột màu 60 x 80 cm


                                 PHỐ KHÁCH NGƯỜI HOA KIỀU - Bột màu 60 x 80 cm


    PHÒNG VĂN CỦA NHÀ THƠ TÚ XƯƠNG - Bột màu 60 x 80 cm. Triển lãm toàn quốc 1985


                           QUÊ NAM CAO _ Bột màu 60 x 80 cm. Triển lãm toàn quốc 1985


                                                      TẮM TIÊN - Bột màu 60 x 80 cm


                                ĐÓNG THUYỀN XI MĂNG LƯỚI THÉP - Bột màu 60 x 80 cm. 

                                                       Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua.


                                                      TÌNH YÊU - Bột màu 60 x 80 cm


                                    CHÂN DUNG NHẠC SĨ VĂN CAO - Bột màu 60 x 80 cm


                                                      VÒNG ĐỜI - Bột màu 60 x 80 cm


                                AO THU NGUYỄN KHUYẾN - Bột màu 60 x 80 cm


                                        PHỐ CẦM ĐỒ BẮC NINH - Bột màu 60 x 80 cm


            BẾN ĐÒ CHÈ NAM ĐỊNH - Bột màu 60x80 cm. Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam mua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét