Tác phẩm vừa in xong:
Mấy ông bạn văn bạn đọc khuyên tôi tập
hợp những mẩu truyện trên Facebook thành tập, để đọc chơi cho vui, để cười, để
suy ngẫm. Tôi nghĩ truyện mình viết chẳng qua chỉ là những mẩu nhỏ nhặt để thỏa
mãn chính mình, nhưng được bạn bè động viên khích lệ nên tôi mạnh dạn làm bản
thảo Truyện nhặt gồm 3 tập. Riêng Tập 3 giới thiệu tác giả và tác phẩm cùng thời
tôi quen biết.
Nhớ
ba lần (2017, 2018, 2019) được Nxb. Quân đội nhân dân in bao cấp, lại được nhuận
bút mỗi lần 100 cuốn đủ tặng bạn bè, nên cứ nghĩ in sách đơn giản, nhẹ nhàng lắm.
Nhưng lần này thì phải nộp lệ phí xuất bản, tự lo in ấn mới thấy in sách với
mình chả đơn giản nhẹ nhàng tí nào. Loay hoay cả năm trời mới cho ra đời được
Truyện nhặt tập 1, in số lượng ít để tặng đồng nghiệp, bạn thân. Hơi tiếc là
nhà xuất bản cắt bỏ 14 truyện “nhạy cảm”. Tiếc nhất là giai thoại “Cái giẻ lau”
viết về nhà văn Trần Quốc Tiến đã in báo Văn nghệ, báo Nông nghiệp cũng bị cắt
bỏ. Tự an ủi: được in 74 truyện, thêm 2 truyện của hai cháu nội in kèm cũng tốt
rồi… Bản thảo Truyện nhặt tập 2 và tập 3 (Tác giả, tác phẩm) đành chờ thời cơ vậy.
Xin
trích hai truyện giới thiệu với các bạn:
1- XIN ĐI TÙ
Thằng Mãnh là em con dì tôi. Thằng Mãnh trắng,
đẹp như cục bột, lại rất ngoan nên họ hàng ai cũng yêu quý. Chú rể tôi là bộ đội
cụ Hồ phục viên, mất vì B52 Mỹ khi đang trôi bè trên sông Hồng, hồi năm 1972,
chẳng có chế độ gì. Chồng chết, dì tôi dồn hết tình cảm, sức lực vào chăm sóc
yêu chiều thằng Mãnh.
Tôi đi bộ đội chiến đấu hết trong Nam lại lên biên giới phía Bắc chống
quân Trung Quốc xâm lược. Năm 1982 tôi mới được chuyển ngành về quê. Dì tôi
khóc bảo:
- Thằng Mãnh bị bắt đi trại rồi anh ơi. Anh
làm sao cứu thằng Mãnh cho dì, không thì nó chết mất...
Tôi ngạc nhiên:
- Làm sao đến nông nỗi này hả dì? Thằng Mãnh
ngoan ngoãn thế, sao lại bị bắt đi cải tạo? Dì nói đầu đuôi sự việc cho cháu
nghe.
- Thằng Mãnh vốn ngoan hiền. Nó thương dì vất
vả nên bỏ học theo người ta đi đào vàng ở khu Tư. Thỉnh thoảng nó gửi về cho dì
chỉ vàng. Dì cũng mừng. Nhưng dì có ngờ đâu nó lại sinh nghiện hút. Xã truy
quét bắt những thanh niên nghiện hút đưa đi trại, họ tóm được thằng Mãnh khi nó
đang hút.
Tôi an ủi dì:
- Thôi sự việc đã thế rồi, dì để cháu tính.
Hai chú em ruột tôi làm trong ngành công an,
chạy đôn chạy đáo gần năm trời mới bảo lãnh cho thằng Mãnh được ra trại. Dì tôi
xin cho thằng Mãnh đi cai nghiện ở trại cai nghiện tỉnh. Mãnh cai nghiện xong,
được chú em rể tôi làm Giám đốc một xí nghiệp bố trí cho làm nhân viên đứng quầy
hàng. Được gần năm, Mãnh tiết kiệm mua được cái xe đạp Phượng Hoàng. Tôi mừng
thằng Mãnh đã tu trí.
Nhưng rồi một hôm người ta báo tin cho tôi rằng
thằng Mãnh lại bị công an bắt giam rồi. Tôi xin thăm nó nhưng họ không cho gặp.
Thì ra bạn nghiện từ trước luôn bám sát nó, rủ rê, ép buộc nó phải hút lại. Cho
đến một đêm, thằng Mãnh để bạn nghiện vào quầy hàng ăn trộm, định sau đó làm hiện
trường giả thì bị công an bắt quả tang. Mãnh đi tù ba năm.
Ra tù, Mãnh về quê. Không có tiền hút hàng
ngày, Mãnh bán dần tất cả các thứ gì có trong nhà có thể bán được để hút. Trong
nhà không còn gì để bán, Mãnh bắt đầu ăn trộm của hàng xóm. Một lần bắt quả
tang Mãnh ăn trộm, chính quyền xã chuyển Mãnh lên công an huyện. Mãnh lại đi
tù.
Ba năm sau Mãnh ra tù. Trông nó gầy, đen, đầu
trọc lốc. Tôi khuyên răn nó nên từ bỏ thuốc phiện mà tu trí làm ăn. Nó vâng
vâng dạ dạ tỏ ra thực tâm muốn cải tà quy chính.
Bẵng đi mấy năm, tôi bận công việc không về
quê. Một hôm, dì tôi bắt xe khách lên tỉnh. Vừa gặp tôi, dì đã kể trong tiếng nấc:
- Thằng Mãnh lại đi tù rồi anh ơi! Khổ thân
tôi, kiếp trước tôi phạm tội gì mà trời đày đọa tôi thế này anh ơi!
Chờ dì nguôi ngoai tôi hỏi:
- Nó phạm tội gì mà người ta lại bắt nó đi tù?
Dì tôi bảo:
- Không! Không ai bắt cả. Tự nó xin đi tù
thôi.
Tôi nhạc nhiên:
- Tự nó xin đi tù? Sao lạ vậy dì?
Dì tôi phân trần:
- Đi tù mấy lần về, nó quyết tâm làm lại cuộc
đời. Mấy năm nay nó không ăn trộm cái gì của hàng xóm. Nó xin dì cho tiền để nó
nhập trại cai nghiện. Cai nghiện xong, nó về quê mong sống yên ổn làm ăn. Nhưng
nó đi xin việc ở đâu người ta cũng không nhận. Dì đã hơn tám mươi tuổi rồi, chẳng
có lương, chỉ trông vào 5 miếng ruộng phần trăm thì làm sao nuôi nổi hai mẹ
con. Thằng Mãnh sinh ra cáu bẳn, chán đời. Bạn bè rủ rê, nó hút lại. Tháng trước,
người ta báo tin cho dì là thằng Mãnh đang bị giam ở huyện. Dì hớt hơ hớt hải
lên huyện xin vào thăm nó. Ngươi ta bảo dì:
- Khi công an đến bắt thì thấy thằng Mãnh đứng
trong bốt điện, mồm kêu to: “Ối làng nước ơi! Có thằng ăn trộm công tơ điện đây
này!” Hỏi tại sao làm thế, thằng Mãnh bảo: “Để được đi tù. Xin các cán bộ cho
em đi tù!”.
Dì van nó đừng xin đi tù. Nó bảo dì: “Mẹ ơi! Mẹ
cứ để con đi tù! Chỉ có đi tù thì con mới có việc làm, mới có miếng ăn, mới được
hút, mới có cơ hội được sống”.
Anh ơi, em nó nói thế, dì chẳng còn biết làm
sao. Chẳng lẽ cứ để nó sống mãi đến chết trong tù sao hả anh!
Bất lực nhìn dì tôi khổ sở, tôi im lặng nghe
dì tôi kể lể nỗi buồn khổ như vô tận. Trước mắt tôi, hình ảnh thằng Mãnh trắng
đẹp như cục bột cứ chập chờn. Văng vẳng bên tai lời thằng Mãnh xin được đi tù để
có cơ hội sống cứ ám ảnh tôi.
2- THÓI QUEN
Bà xã tôi đi sớm trông cháu cho vợ chồng thằng út đi công việc,
không kịp nấu miến cho chồng ăn sáng như mọi ngày, phải đưa tiền cho tôi đi
quán.
- Ôi trời ơi! Hôm nay ông ăn sáng quán tôi thì chắc trời mưa
đây! Mời ông vào bàn VIP chờ một chút.
Bà chủ quán bún đầu ngõ niềm nở khi thấy tôi đột ngột xuất
hiện ở quán ăn sáng của bà. Cùng ngõ nhưng đây là lần đầu tôi ăn bún quán bà.
Tôi ngồi xuống bàn VIP theo hướng dẫn của chủ quán và nhìn
ông già đối diện đang xì xụp bát bún thập cẩm đầy tú hụ. Lão khách mặc bộ
comple caravat cũ nhưng được là cẩn thận. Thỉnh thoảng lão ngước nhìn trộm tôi,
khi bắt gặp ánh mắt tôi thì lão vội vàng cụp mắt xuống bát bún. Trông lão này
gian gian. Nhưng qua cách ăn mặc thì ra vẻ nguyên một cán bộ nhà nước. Tôi vừa
ăn vừa tò mò tế nhị theo dõi lão. Ăn xong, lão quẹt đôi đũa hai phát lên hai
bên mép, lấy tờ giấy vệ sinh lau cái thìa nhôm. Lão nhìn trộm tôi một cái rồi
thọc tay bỏ chiếc thìa vào túi áo.
Nhìn lão cưỡi con Ablex lao đi, tôi nói nhỏ với bà chủ quán:
- Bà này, lão khách vừa ra ăn cắp chiếc thìa nhôm đấy!
Bà chủ quán bình thản:
- Tôi biết! Nhưng không sao, không mất đâu ông ạ!
Tôi nhạc nhiên:
- Bà nói sao, tôi không hiểu!
- Ông muốn biết thì sáng mồng một đầu tháng, cũng tầm này, mời
ông ra ăn sáng thì rõ.
Sáng mồng một, tôi ra quán bà hàng xóm sớm hơn hôm trước, ngồi
sẵn bàn VIP chờ lão khách. Tôi quan sát ống đũa thìa, đếm được 5 cái thìa nhôm.
Lát sau lão khách comple caravat bước vào ngồi đúng chỗ hôm trước. Lão xì xụp
bát bún thập cẩm tú hụ. Ăn xong, lão quẹt đôi đũa hai phát hai bên mép, rút tờ
giấy vệ sinh lau cái thìa. Khi lão đứng lên ra xe, tôi vội nhìn đếm thìa trong ống
đũa. Trong ống đũa chỉ còn 3 cái thìa. Cộng một cái tôi đang dùng vẫn thiếu một
cái. Nhưng bên chân ống đũa ở đâu lại lòi ra ba buộc thìa. Tôi tò mò đếm được
đúng 30 chiếc.
Bà chủ quán bảo:
- Ông hiểu rồi chứ!
- Vâng, thật là lạ!
- Không có gì lạ đâu ông ạ. Lão ấy nguyên là lãnh đạo một Sở
hàng tỉnh đấy. Thói quen ấy mà.
- Thói quen???!!!
KỂ THÊM THAY CHO LỜI BÌNH:
Khi tôi đăng truyện này lên mạng, một bạn đọc bảo:
- Đọc “Thói quen” em không hiểu.
Tôi đùa:
- Vâng, tôi quan sát cuộc sống thế nào thì ghi lại như vậy,
chứ chính tôi cũng chả hiểu.
Tôi hỏi thằng cháu ngoại đang học Đại học Nội vụ:
- Cháu hiểu chuyện ông viết thế nào?
Thằng cháu bảo:
- Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt mà ông. Ông khách vốn
là một quan hưu. Khi đương chức, ông ấy ăn cắp công quỹ, ăn cắp thuế dân lặp đi
lặp lại nhiều lần nên nó thành thói quen rồi, thấy cái gì hay hay không lấy thì
không chịu được.
- Vậy tại sao ông ấy lại trả lại vào ngày đầu tháng?
- Có lẽ ông ấy về hưu, sống gần dân nên muốn trở lại làm người
tử tế. Có điều cái thói quen cố hữu khó bỏ nên cái chu kỳ ăn cắp, đem trả, lại
ăn cắp… nó còn diễn ra tới khi nào ông ấy vượt được chính mình để thực sự thành
người tử tế ông nhỉ.
Lại một ông bạn hưu quan trách tôi:
- Ông vơ đũa cả nắm là không được đâu. Có phải cứ làm quan
là ai cũng ăn cắp đâu.
- Ô hay! Thì tôi cũng chỉ nói
cá nhân ông quan ấy thôi, chứ có kết luận tất cả quan các ông đều ăn cắp đâu!
Việc gì ông phải động lòng nhỉ!
Thế còn bạn đã đọc truyện này, bạn nghĩ sao?
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét