Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

“THUYỀN VÀ BIỂN” - MỘT “ĐỀ NGHỊ SỬA THƠ” / Phạm Đức Nhì

 



 

       Lời Nói Đầu

 

       Bài viết Thuyền Và Biển: Ngọt Bùi Cay Đắng Của Tình Yêu lên đường được ít lâu thì tôi nhận được mấy thư góp ý trong đó đặc biệt có một người bỏ công sửa lại 2 đoạn thơ mà tôi cho là mắc phải “lỗi kỹ thuật”.

       Tôi nảy ra ý định viết thêm bài này để hoàn thiện Phép Ẩn Dụ Toàn Bài - một biện pháp tu từ được nữ sĩ Xuân Quỳnh thực hiện gần như hoàn hảo trong bài thơ.

 

       Tài Sửa Thơ Của Một Độc Giả

 

       Thư góp ý của anh Phan Hồng Ngọc từ Sài Gòn đã gây cho tôi sự chú tâm đặc biệt. Nội dung thư như sau:

       Thưa ông Phạm Đức Nhì,

       Trong bài Thuyền Và Biển: Ngọt Bùi Cay Đắng Của Tình Yêu ông viết:

       Phép ẩn dụ của bài thơ, nếu tinh ý, người đọc có thể nhận ra sau khi đọc 2 đoạn đầu. Còn nếu “chậm tiêu” một tý thì từ từ rồi cũng thấy, cũng hiểu. Thuyền là chàng, biển là nàng, bài thơ là chuyện tình yêu của chàng với nàng, nàng là tác giả, là nhân vật chính trong bài thơ. Trong đoạn thơ:

       Những đêm trăng hiền từ

Biển như cô gái nhỏ

Thầm thì gởi tâm tư

Bên mạn thuyền sóng vỗ

thì biển là cô gái (ẩn dụ) cho nên câu “Biển như cô gái nhỏ” không những đã trở nên thừa, gây cảm giác “không thoải mái” cho người đọc mà lại còn làm lộ phép ẩn dụ nữa. Nếu tác giả chọn được cách nói khác, không nhắc gì đến cô gái mà vẫn diễn tả được cái ý ấy thì hay hơn.

Tương tự như vậy, trong đoạn thơ:

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

(Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên!)

Tác giả quên rằng mình đang đóng vai Biển với thân hình và bộ mặt (đã hóa trang) của Biển. Ngôn ngữ rất riêng, rất lạ của Biển và Thuyền đang thu hút sự chú ý của độc giả. Tự nhiên buột miệng nói ra “tiếng người” khiến vai diễn của vở kịch trở thành bất nhất. Hai câu sau nếu tránh được từ “tình yêu” mà vẫn giữ được ý ấy thì quá hay.

Theo gợi ý của ông tôi đã lò mò mấy ngày mới nghĩ ra được cách tránh mấy từ mà ông đã cẩn thận cho in chữ đỏ ở 2 đoạn thơ trên. Và đây là 2 đoạn thơ có bàn tay sửa chữa của tôi:

Những đêm trăng hiền từ

Biển thầm thì to nhỏ

Những điều rất riêng tư

Bên mạn thuyền sóng vỗ.

 

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

Nên thuyền trên mặt biển

Có bao giờ được yên!

Xin ông - dưới con mắt của một người bình thơ – cho biết ý kiến. Chân thành cảm ơn ông trước.

Ký tên Phan Hồng Ngọc.

 

Thư qua thư lại vài lần, được sự chấp nhận của anh Ngọc, tôi đưa thành quả sửa thơ của anh cùng chút góp ý của tôi vào bài viết để bạn đọc, nếu thích, có thể bước vào trao đổi thêm.

Việc làm đầu tiên của tôi khi nhận thư là đề nghị anh thay chữ “được”.

Lý do:

Viết như thế là gieo tiếng “ác” cho phụ nữ, ám chỉ các nàng luôn hành hạ các đấng nam nhi (cả trong nghĩa chăn gối yêu đương lẫn không khí xào xáo trong gia đình), lúc gần nhau, chẳng bao giờ cho phép họ được yên. Anh Phan Hồng Ngọc cũng đề nghị chữ “chịu” nhưng theo tôi thì cũng không ổn. Nếu bảo:

Nên thuyền trên mặt biển

Có bao giờ chịu yên

trước hết, nghịch ý với 2 câu:

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

Theo Xuân Quỳnh thì Biển là tác nhân đối với tình trạng không yên của thuyền, nghĩa là thuyền ở thế thụ động nên không có quyền quyết định “chịu” hay không “chịu”. Hơn nữa, nói như thế là gieo tiếng “quậy” rất bất công cho phía nam giới.

Cuối cùng chúng tôi đồng ý giữ nguyên từ “đứng yên” của tác giả vì nó trung tính. Thuyền trên mặt biển không đứng yên là do lẽ tự nhiên của trời đất, “không phải tại anh cũng không phải tại em” mà do “gặp thời thế thế thời phải thế”.

Và bây giờ xin bàn đến kết quả sửa thơ của anh Phan Hồng Ngọc.

Đoạn thứ 3 của bài thơ được sửa lại thành:

Những đêm trăng hiền từ

Biển thầm thì to nhỏ

Những điều rất riêng tư

Bên mạn thuyền sóng vỗ.

Cô gái không được nhắc tới nhưng vẫn hiện diện trong đoạn thơ (dưới cái tên Biển); trong khi đó cả tứ lẫn ý cũng như âm điệu của bài thơ vẫn được giữ nguyên theo đúng ý của tác giả. Ở đoạn thứ 3 này công việc sửa thơ của anh Phan Hồng Ngọc, về mặt kỹ thuật, đã lấp kín được một lỗ hổng của phép ẩn dụ.

Đoạn thứ 4 của bài thơ được sửa lại thành:

Cũng có khi vô cớ

biển ào ạt xô thuyền

nên thuyền trên mặt biển

có bao giờ đứng yên!

Đúng như anh Phan Hồng Ngọc dự tính, cách nói, suy nghĩ của “con người” đã biến mất. Thay vào đó là một thứ ngôn ngữ rất “Thuyền Và Biển”, rất hay và rất lạ. Âm điệu của bài thơ không thay đổi và ý của tác giả vẫn được giữ nguyên. Hay hơn nữa là 2 câu:

Nên thuyền trên mặt biển

Có bao giờ đứng yên.

còn bóng gió nói đến những “tương tác” rất “tình”, rất khêu gợi của hai kẻ yêu nhau. Ở đây việc sửa thơ của anh Phan Hồng Ngọc không những đã chữa được chứng bệnh “lộn xộn trong phép ẩn dụ” mà còn làm cho đoạn thơ càng đáng yêu hơn nữa.

Như vậy, xin được trả lời anh Phan Hồng Ngọc: Dưới con mắt của một người bình thơ, việc sửa thơ của anh rất tuyệt. Cám ơn anh đã gởi thư góp ý.

 

Khi Bình Thơ Có Nên Sửa Thơ Của Tác Giả Không?

 

Riêng về bình thơ, nếu gặp bài thơ có nhiều dị bản, hãy chọn bản có nguồn gốc đáng tin cậy nhất rồi cứ theo đó mà bình, mà tán. Nếu thấy chữ, câu, đoạn, ý nào không hay cứ tự do chỉ ra, vạch ra rồi giải thích, chứng minh vì sao nó không hay; không nên tùy tiện nhúng tay vào việc sửa thơ của tác giả.

Tôi đã gặp một bài bình thơ trong đó nhà phê bình đã ra tài “sửa chữa nâng cao”, viết lại cả bài thơ 24 câu, cộng thêm cái tựa của tác giả. Bình thơ kiểu ấy quá thô bạo và lố bịch.

Trong trường hợp vô cùng đặc biệt, người bình thơ có lý do để hoàn toàn tự tin, thấy chữ hoặc câu thơ mình sửa chắc đúng 100%, thì theo tôi, có thể Đề Nghị Sửa Chữa nhưng phải tuân thủ Tất Cả những điều kiện sau đây:

1/ Không làm sai lệch tứ, ý của tác giả

2/ Không thay đổi âm điệu của đoạn thơ

3/ Không ảnh hưởng đến dòng chảy của tứ thơ.

4/ Sửa thơ để tăng giá trị nghệ thuật của bài thơ, không vì mục đích đen tối nào khác.

5/ Công việc sửa chữa phải tối thiểu, lợi ích của việc sửa chữa phải to lớn, dễ nhận ra, có sức thuyết phục cao, không cần tranh cãi.

6/ Chỉ là “đề nghị”, không được xem đó là kết luận chung cuộc.

 

       Sửa Thơ – “Chuyện Thường Ngày Ở Huyện”

 

Sửa thơ, dù tác giả muốn hay không, đồng ý hay không, cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Có người ra vẻ ta đây, phóng bút sửa thơ một cách vô ý thức, vô trách nhiệm trong khi sự hiểu biết thơ ca của mình còn non kém, khả năng thẩm định thơ ca còn “chưa tới”.

Có một vài “tụ điểm văn chương” còn tự cho mình cái quyền “biên tập” bài tác giả gởi đăng (trong đó có thơ).

Chính tôi cũng có lần, thấy bài thơ mới trình làng của mình, thoắt một cái, đã xuất hiện trên diễn đàn này, trang web nọ với dung nhan đã qua “viện thẩm mỹ miệt vườn”.

Nhưng may mắn thay, cũng có những tài thơ ẩn mình trong đám đông thầm lặng, "đề nghị sửa thơ" vì tấm lòng với thơ, vì yêu cái hay, cái đẹp của thơ chứ không có ý xúc phạm tác phẩm và tác giả. Việc "đề nghị sửa thơ" của họ chỉ soi rọi chút ánh sáng để cùng độc giả và tác giả (nếu còn tại thế) đi đến tận cùng giá trị nghệ thuật của bài thơ.

Với tôi, anh Phan Hồng Ngọc là một trong những người yêu thơ đáng quý đó.

 

       Kết Luận

 

       Nữ sĩ Xuân Quỳnh giờ “đã đi xa … thật xa” nên trao đổi của anh Phan Hồng Ngọc và tôi về việc “đề nghị sửa thơ” ở trên – dù có tính thuyết phục hay không - cũng chỉ là chuyện bên lề.

Và có một sự thật chưa hề lay chuyển là bài thơ Thuyền Và Biển, đứa con tinh thần yêu quý của nữ sĩ Xuân Quỳnh, cho đến thời điểm này, sau gần 60 năm, vẫn sống trong lòng người yêu thơ với vóc dáng thuở ban đầu của nó.

 

              Phạm Đức Nhì

        nhidpham@gmail.com

1 nhận xét:

  1. Ngọc nào mà chẳng có vết ? Miệng cười của ca sĩ Hồng Nhung (đã qua phẫu thuật thẩm mỹ) có thể là rất đẹp với hai hàm răng trắng muốt đều tăm tắp, mũi thẳng như Tây..NHƯNG .... đây là cái đẹp giả tạo !. Bản thân tôi vẫn thấy Hồng Nhung cũ với mấy chiếc răng khểnh RẤT CÓ DUYÊN ĐÍCH THỰC ! Tôi nghĩ Xuan Quỳnh nếu sống lại cũng đồng ý với quan điểm này !

    Trả lờiXóa