(Nhật ký Trần Mỹ Giống)
Vợ
chồng bạn con Hường đến thăm, động viên:
-
Cháu bị nặng hơn ông. Khi phát hiện ra bệnh thì u đã mọc trong xương hàm rồi. Cháu
quyết vượt qua bệnh tật vươn lên vì bản thân, vì vợ con. Đến hôm nay là cháu đã
qua ba năm rồi, khỏe dần lại. Cháu đi làm trở lại bình thường, đến hẹn thì tự
đi truyền, xong về nghỉ một tuần, lại đi làm… Cháu nghĩ, lạc quan là yếu tố
tinh thần quan trọng giúp mình nhiều lắm ông ạ.
Nhớ cách đây gần tám năm, con Hường và bạn cùng đẻ một ngày, cùng nằm chung một phòng bệnh. Thằng cháu đích tôn của tôi hơn hai kg, phải nằm tủ kính bảy ngày. Con trai bạn con Hường nặng trên ba kg, mẹ lại thiếu sữa. Con Hường căng sữa cho con bạn bú mớm. Chồng bạn con Hường khi đó đeo lon trung úy bộ đội biên phòng tỉnh, trẻ trung, đẹp trai, nhanh nhẹn, chịu khó lắm…
*
Bà
bệnh vừa vào nhận giường đã than phiền:
-
Khổ lắm các bác ạ. Tôi muốn chết mà trời vẫn bắt sống. Mỗi lần truyền phải nộp
bảy mươi nhăm triệu, mỗi tháng một lần. Tôi bị bệnh từ năm sáu nhăm tuổi, giờ
đã bảy mươi rồi. Già vô tích sự, chỉ hại con cháu…
Ông
bệnh bên cạnh 66 tuổi, vốn là huấn luyện viên bóng bàn quốc gia, kể:
-
Tôi đang khỏe mạnh bình thường, tự nhiên có cái u trong mắt. Khám nhiều nơi, chẳng
đâu phát hiện ra bệnh, tốn rất nhiều tiền. Chỉ khi vào Viện huyết học này mới kết
luận tôi bị U lympho B. Chữa ba bốn đợt rồi. Cái u teo đi, nhưng một thời gian
nó lại to ra, lại phải vào viện.
Ông
vừa dọn khay cơm đã ăn sạch bách vừa nói:
- Cơm
bệnh viện thế này làm sao đủ năng lượng để chữa bệnh?
Tôi
hỏi:
-
Bác có phải mua thuốc ngoài không?
-
Có chứ! Ví dụ tháng đầu tiên, ngoài thuốc bảo hiểm, tôi phải mua thêm thuốc
đích viên uống hàng ngày. Mỗi viên hai triệu. Ngày 2 viên… Từ tháng sau giảm
ngày 1 viên.
Tôi
nhẩm tính mỗi tháng 60 viên nhân 2 triệu bằng 120 triệu… Mình mà thế thì lấy
đâu ra tiền. Mỗi đợt điều trị hàng tháng, mình phải chi trên dưới hai chục triệu
đã khó khăn lắm rồi…
-
Đành vậy, biết làm sao được – Ông bệnh huấn luyện viên bóng bàn tâm sự - Có người
phải bán nhà cửa đi để chữa bệnh. Cuộc sống quý lắm ông ạ.
Buổi tối, tôi ra ngồi ghế hành lang thư giãn.
Mỗi băng ba ghế xếp quanh hành lang. Chưa đến chín giờ tối mà các phục vụ bệnh
nhân đã để sẵn chiếu, chăn, ba lô nhận chỗ ngủ qua đêm. Ngủ ghế hành lang thì
không phải lục sục mất ngủ vì bệnh nhân ho hắng, kêu rên cả đêm như trong phòng
bệnh, lại thoáng mát. Nhưng mùa đông thì chắc rất lạnh. Một ông tâm sự:
-
Tôi 81 tuổi, đi phục vụ bà lão đã ba năm rồi. Bán nhà ở Thái Bình, lên Hà Nội
mua nhà tạm ở để thuận lợi chữa bệnh cho bà lão. Hình như họ không chữa khỏi dứt
điểm cho mình ấy ông ạ. Cứ đỡ là cho về vài tuần, lại hẹn ngày lên chữa tiếp.
Mà không chữa tiếp thì chắc chết ông ạ.
-
Thế ông bà ăn uống ra sao?
-
Hàng ngày tôi xuống mua cơm, thích ăn gì mua ấy. Ở đây nhiều người làm từ thiện
lắm: Cháo từ thiện, cơm từ thiện, cơm chay từ thiện, hoa quả từ thiện… đủ cả.
Ông muốn ăn từ thiện thì nhớ phải xuống sớm mới còn.
Tôi
cảm thấy mệt, xin phép về phòng nằm nghỉ.
*
Nhớ
ông họa sĩ đại úy Lục cạnh nhà. Ông Lục thấy mệt mỏi kéo dài, khám ở Bệnh viện
tỉnh không phát hiện ra bệnh gì. May có đoàn bác sĩ Bệnh viện 108 về khám từ
thiện cho cựu chiến binh, phát hiện ra ông Lục có vấn đề về máu. Họ khuyên ông
đi khám ở Viện huyết học. Họ kết luận ông bị ung thư máu. Truyền hóa chất đợt
thứ 5 về, ông đi thăm các nhà trong xóm. Ông khoe ông khỏe mạnh, đi truyền hóa
chất đợt 6 xong sẽ về ăn Tết với bà con. Ông bảo tôi: “Bọn hậu sinh không một
ngày cầm súng chúng nó vô cảm lắm. Để tôi truyền hóa chất đợt 6 xong, tôi về sẽ
ném bệnh án vào mặt chúng!” Ông Lục là anh ruột ông Sự. Ông Sự là đồng đội từng
chiến đấu cùng tôi ở Quảng Trị năm 1972. Ông Lục là trinh sát pháo binh 5 năm
liền bám chiến trường Quảng Trị mà cũng như tôi không sao làm được chế độ da
cam. Nhưng rồi gần Tết, họ đưa ông Lục về nhà trong tình trạng đã cấm khẩu. Ông
thoi thóp được một lúc thì qua đời!
Nhà
văn Trần Huy Thuận là bạn thân của chúng tôi. Ông sốt lai rai khám ở viện tỉnh
mấy lần đều kết luận cảm cúm. Khi ông ho nặng, họ nghi lao phổi, chuyển ông
sang bệnh biện lao. Viện lao lại kết luận ông không lao. Cuối cùng ông đi Viện
huyết học thì họ phát hiện ra ông bị ung thư máu. Ông chữa chạy định kỳ ở Viện
huyết học. Ông cầm cự được khoảng một năm thì qua đời…
Nghĩ
về những người bạn đồng đội, đồng nghiệp gần gũi mất vì bệnh tương tự, tôi cảm
thấy buồn nẫu ruột.
Tự
đạp xe đi cắt tóc cho khuây khỏa. Có già nửa cây số mà phải nghỉ giữa đường.
Lâu không đi, cái xe đạp chắc han rỉ nên đạp cứ lì ra. Thợ cắt tóc quen và
khách hàng thân gặp nhau tíu tít hỏi han sức khỏe. Khi tôi trả tiền, thợ cắt
tóc bảo:
- Cháu
kỷ niệm ông. Ông cất tiền đi.
Chia
tay cảm động, trân trọng như lần cuối trong đời hai người gặp nhau vậy.
Chiều
bỗng gai gai người sốt trên 38 độ. Tự nhốt mình trên tầng hai. Nhìn qua cửa
kính, ngắm xe người qua lại, ngắm trời mây cây cối rồi liên tưởng giống cái gì
cho đến khi mệt ngủ lịm đi.
*
Con
dâu chị cả vợ mời cưới con. Đành nói thật chú phải đi truyền hóa chất. Cháu dâu
tông tốc kể quá trình nó điều trị ung thư vú ở Bệnh viện K:
-
Cháu đã trải qua chữa ung thư. Khốn nạn lắm chú ạ. Qua cửa nào cũng phải có tiền
mới xuôi. Lần đầu chồng cháu thật thà đưa giấy không vào. Nó trả lại bảo đợi.
Cháu đợi cuối buổi cũng chưa được xạ trị. Có người xui kẹp hai trăm nghìn vào hồ
sơ. Cháu nghe theo. Từ đấy mọi việc mới xuôi.
-
Chú thấy mạng nói nhiều về chuyện này rồi. Nhưng hai lần truyền hóa chất ở Viện
huyết học, chú thấy không có chuyện vòi tiền bệnh nhân. Các bác sĩ y tá rất nhiệt
tình thăm khám, tiêm, truyền bất kể ngày đêm…
*
Từ
sau truyền hóa chất đợt hai, tôi quyết định chấm dứt tình trạng đóng cửa không
tiếp khách. Bạn bè, đồng nghiệp, bà con họ hàng, lãnh đạo đoàn thể… truyền tai
nhau đến thăm, gọi điện động viên tôi hãy lạc quan tin tưởng các bác sĩ và sự
hiện đại của y học.
Tôi
nghĩ: mình đã bảy sáu rồi, bệnh là tất yếu. Chi bằng cứ vui vẻ chấp nhận hiện
thực mà sống. Khi trời gọi thì lên đường. Thế thôi!
Đấy!
Như bạn đồng môn đại học thư viện của vợ chồng tôi là Phan Trúc Đào ấy. Năm 53
tuổi Bệnh viện Sài Gòn kết luận Đào bị ung thư họng và tuyến giáp giai đoạn cuối,
tiên đoán chỉ sống được không quá ba tháng. Vậy mà Đào đã sống đến năm 73 tuổi
đấy. Các bác sĩ ngạc nhiên: “Kỳ tích!” (Tôi đã viết câu chuyện này trong cuốn
Truyện nhặt tập 1. Nxb. Hội nhà văn, 2021).
Đấy!
Như cô em đồng nghiệp Thư viện tỉnh Nam Định với vợ chồng tôi – cô Hòa đấy. Cô
bị ung thư xạ trị trọc cả đầu, tưởng chết. Vậy mà cô vẫn vượt lên mấy chục năm
nay sống kiên cường đấy!
Đấy!
Như chị Thường con bác ruột tôi đấy. Chị bị ung thư vú từ khi con gái mới 5
tháng tuổi. Chị kiên trì xạ trị chữa chạy, sống lạc quan. Giờ con gái chị đã có
con rồi đấy!
Đấy!
Như bà Tíu nguyên trưởng phòng tài vụ Sở Văn hóa đấy! Hồi ấy nhà bà đầu ngõ xóm
tôi. Chồng bà là thầy thuốc Đông y. Bà Tíu đi Bệnh viện K họ bảo ung thư đại
tràng, phải mổ ngay. Ông chồng bà không đồng ý, đưa vợ về tự chữa bằng Đông y.
Thế mà qua hơn hai chục năm rồi, bà Tíu vẫn sống, trông ngày càng khỏe ra đấy!
Nghĩ
về gương người thật việc thật của họ hàng, đồng nghiệp mà mình chứng kiến kể
trên, tôi phấn chấn trong người. Thỉnh thoảng lại hỏi bà lão:
-
Thằng Minh định đưa bố đi truyền hóa chất đợt ba sáng hay chiều hả bà?
-
Ông muốn đi ngày nào nó đưa đi ngày đó!
- Thôi
cứ đi chiều hôm trước, ngủ khách sạn, sáng sau đúng hẹn thì vào viện như lần
trước ấy!
Lần
đầu tiên sau ba bốn tháng bệnh, tôi cảm thấy bát bún trộn những lát sung xanh
muối do bà lão nấu, có vị ngon đặc biệt.
Ngày
kia 10 – 10 – 2024, bố con tôi lại lên Viện truyền hóa chất đợt ba. Tôi đã sẵn
sàng vào trận!
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét