Trang chủ mới nhận được tác phẩm do Nhà thơ Trần Văn Thuyên gửi tặng:
NỖI LÒNG: Thơ / Trần Văn Thuyên. – H. : Văn nghệ, 2005. – 108 tr. ; 19 cm.
Dù chưa có dịp gặp nhà thơ Trần Văn Thuyên, chỉ quen biết nhà thơ qua mạng xã hội, cảm mến tài thơ và đồng cảm cùng cảnh ngộ của người cựu chiến binh, tôi thật sự yêu quý kính trọng nhà thơ… Thật vui khi biết nhà thơ Trần Văn Thuyên cùng trung đoàn 101 sư đoàn 325 với tôi những năm 1970 – 1974…
Nhà thơ Trần Văn Thuyên thời trai trẻ |
Nhà thơ Trần Văn Thuyên quê xã Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông là cử nhân văn khoa, năm 1970 nhập ngũ, chiến đấu trên chiến trường B và C. Sau chuyển ngành làm giảng viên tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho đến nghỉ hưu.
Ông có nhiều thơ văn in báo, tuyển in trong sách. Tập “Nỗi lòng” in hơn tám chục bài thơ thể hiện nỗi lòng của tác giả với cuộc đời, với thơ… qua bút pháp rất đỗi giản dị và chân thực.
Tình ca là âm hưởng chủ đạo của tập thơ. Cảm xúc tình cảm chủ yếu nổi bật trong tập thơ là tình yêu quê hương đất nước, con người (lòng kính yêu biết ơn cha mẹ, thương con nhớ cháu, thiết tha yêu vợ và thắm tình đồng đội…).
Ấn tượng nhất với tôi, Qua “Nỗi lòng”, là tình cảm của tác giả đối với người yêu – người vợ của mình. Hẳn chị Thanh, người yêu, người vợ của tác giả chắc chắn là người tần tảo, có tâm hồn, tình cảm thủy chung, vị tha lắm nên Trần Văn Thuyên mới yêu và trọng đến vậy. Đối với nhà thơ thì vợ - “Em là tất cả”. Tôi biết chị Thanh là giảng viên cùng trường với Trần Văn Thuyên. Cứ từ bản thân suy ra, tôi chắc đồng nghiệp cảm thông yêu quý nhau cũng thường tình. Nhưng chị Thanh phải là người thế nào thì Trần Văn Thuyên mới trọng và yêu đến vậy chứ! Đọc bài “Nguyện” tôi chợt hiểu à thì ra thế:
Bơi sông bơi biển đã từng
Mà nay chết đuối trong vùng mắt em
Thương anh em vớt anh lên
Nguyện làm “nô lệ” bên em suốt đời.
Yêu vợ đến mức xa vợ có mấy tuần mà tưởng như vài năm, nỗi nhớ thương mong vợ về đến nao lòng:
Thân cò lặn lội ven đê
Thương em bươn chải dãi dề tấm thân
Đêm nằm lá rụng ngoài sân
Giật mình cứ tưởng bước chân em về.
(Thương em)
Đã viết nhiều thơ tặng vợ nhưng cứ tự trách mình chưa có câu thơ nào xứng với vợ của mình, “Vì em là cả bài thơ cuộc đời” (Đâu dám). Cứ như “Thuận - Nghịch” thì anh cao to nhưng xanh xao, tính hấp tấp lóng ngóng, còn em lại thấp mập trắng trẻo, hiền dịu, đẹp như tiên. Có người bảo đối nghịch như thế có ngày bỏ nhau thôi. Nhưng hóa ra cao thấp lại hợp thành bản tình ca trường tồn đủ cả bè cao bè thấp… Tôi tin điều đó, bởi “Vắng anh dầu một phút / Lòng em buồn tái tê” và trong lồng ngực đôi bạn tình “Trái tim hồng rất thật / Nên chẳng thể cách xa”.
Tôi phần nào mường tượng ra hình ảnh lung linh của chị Thanh qua thơ anh Thuyên viết về vợ mình. Nhưng đọc bài “Hộp cao Sao vàng” thì tôi hiểu tình yêu của chị Thanh ở chiều sâu tình vợ chồng. Lặng lẽ, chu đáo chăm lo cho chồng từ cái nhỏ nhặt, thể hiện tình yêu sâu sắc và thiệt thực, lòng vị tha, hết mình vì chồng con của người phụ nữ Việt Nam:
Đi xa anh thấy
Hộp cao Sao Vàng
Nằm trong hành lý
Lại càng thương em
(Hộp cao Sao Vàng).
Bài thơ thật giản dị, dạng thơ thoại, nhưng tình cảm chân thực đã làm người đọc xúc động, bài thơ dứng vững được.
Hẳn có lúc vợ trách chồng (trách yêu thôi), ghen ghen vì chồng đẹp trai lắm cô chèo kéo:
Em trách anh có tính đào hoa
Lăng nhăng lít nhít tựa như ma
Làm chồng ngỡ thật cuống lên thanh minh:
Em là tất cả chẳng trăng hoa.
Những chuyện nhỏ thường ngày nhưng lại rất cần cho thi vị gắn kết thêm cuộc sống tình cảm vợ chồng.
Mỗi khi đi công tác, ngủ khách sạn năm sao vẫn không ngon giấc như ngủ ở nhà, bởi “Bên em anh thấy ấm lòng ngủ ngon” (Ngủ ngon). Và cả những lúc yêu say hết mình nữa:
Trăng và người muôn vàn năm cũ
Vẫn chung tình trong vũ điệu cuồng say
(Vẫn)
Tình yêu say đắm thiết tha còn mãi đến già, càng già càng thiết tha say đắm:
Mới quen chỉ dám gọi tên
Vài năm sau mới chuyển lên thành “mình”
Trải qua bao cuộc tử sinh
Da mồi tóc bạc gọi “mình” bằng “em”.
(Không đề)
Vẫn biết thơ là cảm xúc tình cảm trước sự vật hiện tượng khách quan, nhưng tôi cứ chắc chắn rằng những bài thơ chủ đề tình yêu đôi lứa trong tập sách này là tác giả viết về chính người vợ của mình. Thơ là tiếng lòng tác giả, hơn nữa tên sách “Nỗi lòng” củng cố niềm tin suy nghĩ của tôi là đúng.
Xin được dừng cảm nhận thơ tình yêu vợ chồng của “Nỗi lòng” bằng việc chép lại bài “Chén rượu mừng cuân” trong tập:
Tay nâng chén rượu ngang mày
Mời em một chén rượu này mừng xuân
Trải qua bao cuộc gian truân
Đến nay mới được lên “chân” ông bà
Tóc đã bạc, mắt đã lòa
Tình ta vẫn thắm như là ngày xưa
Trải bao nắng, trải bao mưa
Tình em vẫn một bến bờ mênh mông
Dù nắng hạn dù mưa dông
Tình em là ngọn lửa hồng sáng soi
Cho dù vật đổi sao dời
Em là lẽ sống cuộc đời anh đây
Rượu mời xin dâng tận tay
Uống đi em nếu có say anh hầu
Cạn ly cùng uống với nhau
Má em lại thắm một màu trẻ trung
Bây giờ con cháu trùng phùng
Tóc dù bạc trắng thủy chung trọn đầy
Còn trời còn nước còn mây
Còn vầng nhật nguyệt còn đầy tình ta
Xuân Giáp Thân 2004
Mảng thơ về cha mẹ, con cái, đồng đội và quê hương đất nước trong tập sách cũng rất thú vị. Xin để bạn đọc tự khám phá.
Sau khi đọc hết tập thơ, tôi mới ngó tới bài viết “Một nỗi lòng, một hồn thơ” của tác giả Nguyễn Mạnh Hiếu bình tập thơ, in chữ nhỏ li ti phải nhìn bằng kính phóng đại hai mươi lần, và tôi nghĩ mình không cần phải viết thêm gì nữa.
Cảm ơn nhà thơ Trần Văn Thuyên đã tặng cho cuốn sách hay. Cảm ơn chị Thanh đã đem lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho anh Thuyên chồng chị viết được những câu thơ, những bài tình ca hay, rất đáng đọc.
Trân trọng giới thiệu cùng các bạn tập thơ tình - Nỗi lòng của một nhà thơ cựu chiến binh…
Thành Nam, 29 - 12 - 2019
Trần Mỹ Giống
Rất cám ơn nhà Nghiên cứu phê bình văn học đã đọc và chia sẻ trên tình thần đồng đội CCB một thời chinh chiến.
Trả lờiXóa