Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

VỐN TRỜI CHO: Truyện ngắn / Việt Thắng

 



       Ngà sinh ra ở vùng đồng quê thuần nông nằm cạnh sông Hồng. Lớn lên đã thấu hiểu cảnh đói khổ nhà quê. Bữa cơm luôn luôn là khoai, sắn cõng cơm, thức ăn rặt những rau muống chấm nước tương. Lâu lâu có con cá, con cua... do chị em trong nhà đi mò mẫm ngoài đồng bắt được. Bữa cơm không phải độn khoai sắn, có miếng thịt chỉ có những dịp giỗ chạp, và ba ngày tết. Đang học cuối cấp một, chiến tranh lan tràn; bố phải đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu. Hòa bình may mắn còn sống sót trở về với dáng đi cà thọt, vì ông đã bị đạn bắn gãy chân bên trái. Chẳng may vướng bạo bệnh, mẹ Ngà đã bỏ ra đi khi Ngà vừa tròn mười sáu tuổi. Một thân gà trống ông vẫn ở vậy đói no nuôi Ngà và đứa em trai ăn học. Với lý lịch bố là thương binh được ưu tiên; nên Ngà thi và đậu vào một trường đại học trên Hà Nội dù thiếu điểm. Trời phú cho được cái nhan sắc đẹp lại sắc sảo; nên khi còn học ở cấp ba đã nhiều chàng trai, thậm chí cả những ông thày giáo theo tán tỉnh. Nhưng Ngà đều bĩu môi, vẻ khinh khỉnh. Ngà luôn tự nhủ với sắc đẹp trời cho như thế này, ít ra cũng phải kiếm được tấm chồng có chút địa vị và có nhà cửa trên thành phố. Chứ lấy chồng ở quê để rồi tối ngày lại: “Bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, lo miếng ăn vào miệng còn chẳng xong, nói chi tới nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc sướng.

       Trong thời gian còn đang ngồi trên ghế giảng đường, có một giảng viên để ý và qua nhiều lần hò hẹn gặp nhau. Ngà cũng xiêu xiêu lòng, đành chặc lưỡi: “Thây kệ, yêu một giáo sư dù có hơn Ngà cả chục tuổi, nhưng được cái lão hứa khi ra trường sẽ chạy cho chân phụ giảng, còn gì bằng được ở thành phố, mà chồng đã có nhà dù là chật chội ở khu tập thể. Dẫu sao cũng còn hơn cả chục lần cảnh sống chen chúc ở trong khu nhà trọ; dăm ba đứa thuê một phòng chục mét vuông, chật chội ngột ngạt mùa hè thì nóng như đổ lửa”.

       Ra trường. Lão giáo sư chạy chọt cho Ngà được làm phụ giảng ở trường thật, sau đó là đám cưới. Bạn bè ai cũng phải ghen tỵ về sự may mắn của Ngà. Trò đời có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Mang tiếng là giáo sư chứ thực ra lão ta chỉ là con mọt sách. Ngoài giờ giảng dạy ở trường ra, suốt ngày chỉ cắm đầu vào những cuốn sách. Thành thử gần chục năm dạy học đồng lương ba cọc ba đồng, giỏi cấu véo lắm cũng chỉ sống lây lất qua ngày. Có chồng thì phải sinh con, mới có một đứa con gái mà đã thiếu trước hụt sau. Kinh tế chật vật thì sinh lắm chuyện, nào tiền con bệnh con đau, nào tiền học hành... Có nhẫn nhục cỡ nào rồi cũng sinh ra cãi nhau, mà cái ông chồng mọt sách này thì cứ ỳ ra, thây kệ trăm sự để vợ lo. Đến nước này, thôi thì đành tan vỡ còn sướng hơn là lành lặn trong sự lủng củng khổ sở. Thế là ra tòa ly hôn. Thế là Ngà cũng mang tiếng có một đời chồng. Người xưa có câu: “Gái một con trông mòn con mắt”, quả không sai. Ngà đã đẹp gái, nay có con càng nảy nở những bộ phận trên cơ thể mà trời đã ban cho. Bao trai tơ nhìn vào cứ mê mẩn, theo tán tỉnh. Ngà đều trề môi vì toàn là lũ sáo hót lỗ mồm, thuộc thành phần bạch đinh rỗng tuếch.

       Đang trên đường từ trường về nhà, nghe tiếng còi xe hơi bấm phía sau; giật mình Ngà cho xe máy tấp vào lề đường. Chiếc xe hơi cũng đã ngừng phía sau, cánh cửa xe mở ra, một cái đầu phụ nữ thò ra hỏi:

       - Có phải Ngà không?

       Nhìn kỹ thì ra cô bạn học với Ngà thời đại học tên Thanh. Mừng quá Ngà đi lại phía Thanh, hai người ôm nhau mừng rỡ. Dắt nhau vào một quán nước ven đường. Bây giờ Ngà mới có dịp nhìn kỹ Thanh, không thể hình dung ra cô sinh viên thời nghèo khổ, gày tong gày teo, mà nay đẫy đà, mặt son phấn, y như một bà mệnh phụ phu nhân. Hàn huyên kể lễ mới hay, thì ra nay Thanh đã là cán bộ trưởng phòng một cơ quan lớn của nhà nước; chả là chồng Thanh đang là một ông cục trưởng. Thật thà Ngà hỏi:

       - Cậu phấn đấu cách nào mà chưa được chục năm đã lên chức nhanh thế? Chả bù cho mình vẫn lẽo đẽo là cái chân giảng viên đại học, lương ba cọc ba đồng chán lắm cậu ơi.

       Thanh vỗ vai Ngà cười:

       - Cậu còn thơ ngây về thời cuộc lắm. Ai đời đẹp gái thế này mà đi lấy cái lão mọt sách. Mang tiếng là thày cho oai, trong khi cả đời vẫn nghèo kiết xác. Thời buổi này mà nói chuyện phấn đấu có mà đến già xuống lỗ cũng chả ngóc đầu lên nổi, trong khi không có tiền và phe cánh. Mình là phụ nữ phải biết lợi dụng vào sắc đẹp mà trời ban cho; phải ngoi lên từ cái của trời cho ấy. Bằng mọi cách phải vươn lên ngồi ở cái ghế nào chấm mút được mới có nhà lầu xe hơi; chứ trông vào ba đồng lương có mà cả đời cũng chỉ là dân đen nghèo kiết xác để cho bạn bè, họ hàng họ khinh cho à. Phải bằng mọi cách…

       Uống thêm ngụm nước nữa, Thanh ghé tai Ngà thì thầm:

       - May là cậu đã nhìn ra vấn đề, ly hôn sớm như vậy là tốt. Phải biết cái lợi thế của phụ nữ là sắc đẹp. Chân tình mà nói thẳng nhé, đàn ông thằng đếch nào thấy gái đẹp mà chả mê như mèo thấy mỡ. Để từ từ mình sẽ giới thiệu cho cậu một chỗ.

       Như lời hứa mười ngày sau Thanh dẫn một tay tuổi đời trên bốn mươi tới gặp Ngà. Nghe đâu đang làm to ở một bộ nào đấy. Giới thiệu hai người với nhau xong, Thanh nhìn hai người mỉm cười:

       - Hai người cứ vui vẻ với nhau, mình phải đi có việc gấp.

       Còn lại hai người, lão ta cứ nhìn chăm chăm vào người Ngà, như muốn ăn tươi nuốt sống. Tuy đã có chồng có con, dày dạn kinh nghiệm trong chuyện chăn gối mà Ngà cũng phải đỏ cả mặt mày. Trong câu chuyện anh ta cũng chẳng giấu giếm gì, nói thẳng đã có vợ và hai đứa con. Chẳng vòng vo lôi thôi gì nhiều, đặt luôn vấn đề sẽ chuyển cho Ngà về cơ quan anh ta; và sắp xếp cho một chức vụ tương xứng. Nhưng Ngà phải là nhân tình của anh ta. Vì theo anh ta thổ lộ tuy có vợ nhưng thực tế tình cảm sứt mẻ đã lâu, có sống chung là vì hai đứa con mà thôi. Vừa thoát khỏi vòng “Kim Cô”, Ngà còn đang ngán ngẩm, nên đành lịch sự xin được có thời gian suy nghĩ.

Vài ngày sau anh ta hẹn Ngà tới một nhà hàng. Trong bữa ăn anh ta uống rượu Tây tì tì như người ta uống nước lã. Ngà có thắc mắc, anh ta nhìn Ngà trong cặp mắt lừ đừ đắm đuối:

       - Cái gì cũng vậy, nhất là món bia rượu càng uống càng tăng đô em ạ. Mà cái nghề làm quan như bọn anh không uống không được ấy chứ. Thú thật với em, thời buổi làm ăn kinh tế thị trường này, chả có ma nào giao tiếp làm ăn mà nói nước bọt suông được đâu.

       Vừa nói anh ta vừa kéo Ngà ngả vào lòng, hôn lấy hôn để. Bất chấp khách hàng đang ăn đông nghịt trong nhà hàng. Hơi thở anh ta nặc nồng mùi rượu, né mặt qua bên Ngà nhấm nhẳng:

       - Này, bộ ngày nào mấy anh cũng ăn nhậu và gái gú thế này hả? Nhưng em nói trước vì anh đã có gia đình rồi, nên mọi việc tình cảm giữa hai người phải có khoảng cách và kín đáo; kẻo đổ bể ra làm ảnh hưởng tới hạnh phúc, và đường công danh của anh.

       Liếc mắt nhếch mép cười, anh ta kéo mạnh Ngà ghé miệng vào sát lỗ tai:

       - Nghề làm “đầy tớ” cho dân bây giờ, ăn nhậu là chuyện hàng ngày như ăn cơm. Còn chuyện bồ bịch thử hỏi có thằng đếch nào mà tử tế đâu? Điều lệ đảng ghi một vợ một chồng, léng phéng là khai trừ. Nhưng thực tế cả mấy ông to chóp bu khi nằm xuống mới lòi ra lắm vợ nhiều con. Dân thắc mắc thì họ đổ thừa do hoàn cảnh… Đấy như nghề sư phạm của em người ta phải sống mẫu mực cho đúng nghĩa làm thày. Vậy mà…

       Ngưng lại uống thêm ly rượu nữa, há mồm đưa miếng thịt bò Cô Bê Nhật Bản nướng vào mồm nhai ngấu nghiến, mắt vẫn không rời khỏi người Ngà, hắn ta nhếch mép cười:

       - Báo đài và mạng xã hội dạo này la rùm beng về vụ hiệu trưởng làm tình với học sinh, còn giới thiệu cho quan chức nữa. Đấy em xem thực tế được mấy người tử tế? Còn cái chuyện của chúng mình em khỏi ra điều kiện, tất nhiên anh phải biết giữ cái ghế của anh vì nó đang sinh lộc mà.

       Ăn uống thỏa thê, vì mục đích anh ta chuốc cho Ngà say khướt; dìu ra xe và rồi chở thẳng vào khách sạn. Khi anh ta kéo cánh cửa phòng đóng lại, liền nhảy bổ vào vồ lấy Ngà cứ như cọp đói vớ được nai tơ. Hết hôn hít lần mò khắp cơ thể, chẳng còn kịp đợi đối tác tự nguyện cởi đồ. Hai tay anh ta cứ là bứt phăng hết các nút áo, quần ra.  Ngà cằn nhằn, cười hềnh hệch anh ta quăng mớ quần áo vừa lột của Ngà xuống nền nhà:

       - Ba cái đồ vớ vẩn của em đáng mấy đồng bạc, thích thì anh mua cho một lúc cả chục bộ. Bọn này chỉ cần phết phẩy một cái là tiêu xài mòn cả tay, ăn chơi mệt nghỉ.

       Ngà đẩy khuôn mặt đầy mùi rượu của anh ta đang áp sát vào mặt mình để thở, vặn hỏi:

       - Thế xà xẻo vậy mà các anh không sợ thanh tra?

       Anh ta cười khục khặc:

       - Em còn nai tơ lắm, thời nay chả thằng đếch nào xà xẻo mà ăn trọn cả, phải chia tam chia tứ hết đấy. Trò đời rút dây thì động tới rừng; nên dẫu có lộ ra vẫn cứ nhởn nhơ mà.

       Một lần có cuộc họp liên bộ, Ngà được cử đi họp thay cho tay trưởng phòng đang công tác ở xa. Hôm đó Ngà mặc chiếc áo dài mầu xanh lam may theo kiểu cách tân. Chiếc cổ áo được khoét theo hình trái tim sâu hoắn; để hở ra phần trên của cặp vú mây mẩy, trắng nõn nà mà trời đã phú cho. Với mái tóc thời trang bồng bềnh, khi bước vào phòng họp; những cặp mắt nhất là mấy lão đàn ông từ trẻ tới sồn sồn cứ đổ dồn nhìn Ngà. Kệ, Ngà cứ tự nhiên đi lại dãy ghế thứ hai thấy còn trống. Cúi đầu chào người đàn ông trung niên ngồi phía ngoài, xin phép vào ngồi bên cạnh phía trong. Tay này lịch sự ngồi vào phía trong nhường ghế cho Ngà. Gần như cả cuộc họp tay trung niên cứ tỷ tê hỏi chuyện, thì ra cũng là một cán bộ đang làm ở một bộ có tiếng là chấm mút được. Chưa hiểu về nhau tý gì, vậy mà tan họp tay trung niên cứ một mực mời Ngà đi ăn cái gì đấy. Chối chẳng xong, Ngà chặc lưỡi: “Kệ, mất mát gì mình đang là con người tự do mà - Sợ chi!”

       Khi ngồi ăn với nhau, tay này cứ tỉ tê hỏi thăm hoàn cảnh gia đình; lật ngửa bài Ngà cũng chẳng giấu giếm gì. Lão lại nhìn Ngà đắm đuối trong hơi men, nói xa nói gần. Ngà đã quá hiểu trong chốn quan trường, bản chất đàn ông phần nhiều thấy gái đẹp là y rằng cứ như mèo thấy mỡ. Làm bộ ngây thơ Ngà hỏi:

       - Làm cán bộ đến chức vụ như anh, đã trải qua bao nhiêu trường lớp tôi rèn về lý tưởng và đạo đức cách mạng, anh không sợ phạm vào điều lệ đảng à?

Lão đắm đuối nhìn Ngà bằng hai cặp mắt lừ đừ vì say rượu:

       - Trên lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế thời nay đúng như câu thành ngữ: “ban ngày quan lớn như thần...”. Toàn những là khoác bên ngoài cái vỏ đạo đức giả mà thôi.

       Đưa ly rượu ngoại lên bảo Ngà phải cụng ly, đã ngấm hơi men mặt Ngà hồng tươi; cặp mắt dê cụ của tay này càng đắm đuối. Gật gù đầu anh ta thủng thẳng:

       - Cái chỗ em làm chẳng kiếm chác được bao nhiêu đâu; nếu em đồng ý... với anh. Anh hứa bằng mọi cách sẽ chuyển em qua bên chỗ anh. Nói thật bên này vừa kiếm được tiền nhiều mà tương lai còn leo lên cấp lãnh đạo to. Chứ chỗ em chỉ làm kinh tế, giàu có mà không có chức quyền thì làm cái đếch gì hả? Em không thấy mấy tay có chức quyền đấy à, đi đâu cũng có người chạy theo bảo vệ, quan chức đón tiếp thì xun xoe; thậm chí mưa phùn, hoặc trời có chút nắng cũng có người giương ô lên che đấy à. Thế mới là làm quan chứ!

       Cái ngày Ngà làm lễ thượng thọ 80 tuổi cho bố, cả cái xóm Bãi xôn xao và nhộn nhạo hẳn lên; vì hàng đoàn xe du lịch đủ các loại đậu từ nhà Ngà tới tận cuối xóm vẫn chưa hết. Thậm chí có nhiều xe còn phải vào đậu nhờ trong sân nhà dân. Người lớn thì cứ nhìn đoàn xe bình phẩm, so sánh khen chê đủ kiểu. Có bà cứ chặc lưỡi:

       - Đẻ con ra như vậy mới đáng chứ, mới mát cái L... chứ! Cần chi phải đẻ con trai hả, nhiều ông mãnh chỉ ăn và phá của, đàn bà như cô này chấp cả chục những thằng đàn ông vô tích sự.

       Có người đã từng học chung với Ngà thời phổ thông; cũng học đại học làm ở cơ quan nhà nước, chỉ lắc đầu nhếch mép cười khểnh:

       - Nói chung mấy bà chỉ nhìn bề ngoài thôi, chứ sức học của nó ngày xưa còn dưới dạng trung bình. Chẳng qua nhờ...

       Ông ta bỏ lửng câu nói, nhìn mấy bà đang chỉ trỏ:

       - Các bà không thấy nó ngót nghét năm mươi tuổi mà còn xinh thế kia, hỏi làm sao mà không lên như diều gặp gió?

       Lũ trẻ con trong xóm được một phen thỏa mãn cặp mắt nhìn. Thậm chí còn cãi nhau chí chóe về cái xe này sang trọng và nhiều tiền hơn cái xe kia. Hai tay chúng cứ sờ mó hết chiếc xe này đến chiếc xe khác, mà cả đời chúng có nằm mơ cũng chả bao giờ có dịp như ngày hôm nay.

       Ngôi biệt thự rộng gần hai trăm mét vuông một trệt, một tầng lầu nửa cổ nửa kim nổi hẳn lên trong cái xóm Bãi này. Cộng với khu vườn rộng cả ngàn mét vuông đất, mà Ngà đã mua của mấy nhà bên cạnh cho dù giá cả cao hơn chỗ khác gấp vài lần. Đã được Ngà mướn kỹ sư thiết kế có cả hồ bơi, hòn non bộ, trồng các loại cây cảnh đắt tiền... Hôm nay bàn ghế sắp từ trong nhà đến ngoài sân. Mới chín giờ sáng mà khách khứa đã đến chật nhà, nhìn cách đi đứng và ăn nói, người ta cũng thừa biết toàn là những ông bà quyền cao chức trọng.

       Tấm phông mừng thượng thọ bố, Ngà đã mướn người làm trên thành phố mang về. Trước ngày lễ, Ngà đã cho người căng lên phía bức tường cuối phòng khách rộng gần cả trăm mét vuông. Khi tấm phông căng lên đập ngay vào mắt người nhìn: Chính giữa trên cùng có hàng chữ đỏ: Lễ mừng thượng thọ, bên trên góc trái là cành đào trổ hoa chỉa cành qua, bên trên góc bên phải là cành mai đang trổ hoa cũng chĩa cành vào. Hai bên là câu đối: Phúc - như - Đông - Hải, Thọ - tỷ - Nam - Sơn. Chính giữa tấm phông là họ tên ông cụ và tuổi, bằng màu vàng nổi bật trên phông nền màu đỏ. Ngay dưới giữa tấm phông được kê chiếc ghế, đã được Ngà thuê thợ đóng bằng loại gỗ quý đắt tiền. Giữa mặt ghế được chạm trổ mấy chữ: Phúc - Lộc - Thọ bằng ốc xà cừ, riêng hai tay cầm được chạm hai con rồng thò đầu ra phía trước. Trước mặt chiếc ghế được kê một chiếc bàn phủ vải đỏ; để nhận quà của con cháu và quan khách.

       Khoảng mười giờ lễ thượng thọ của ông cụ được chính thức tuyên bố. Ông cụ nay mắt đã mờ, tai đã nghễnh ngãng được mặc chiếc áo màu đỏ mà hội người cao tuổi đã trao tặng cho cách đây không lâu. Dưới Ngà còn có một em trai, nhờ Ngà chạy chọt gửi gấm, dẫu học hành dốt và sợ học như sợ cọp nên dang dở cấp ba. Mới có mười mấy năm nay cũng đã leo lên tới chức trưởng phòng của một sở tiếng tăm, thậm chí còn có trong tay mấy bằng đại học và trên đại học. Xét về tôn ti trật tự thì người em đứng ra làm lễ thượng thọ cho ông cụ. Nhưng trên thực tế trăm sự, từ khâu tổ chức, khách mời... đều một tay Ngà sắp xếp lo toan.

       Chú em Ngà thay mặt gia đình, trịnh trọng lên đọc bài phát biểu mừng thượng thọ cho ông cụ, mà Ngà đã nhờ người viết sẵn. Trước tiên là phần kể lể công ơn trời bể sinh thành và công giáo dưỡng của ông cụ đã nuôi dưỡng hai người con; và do sự phấn đấu không ngừng của bản thân, mà nay đã trở thành những cán bộ cấp cao của chế độ. Sau là những lời cảm ơn họ hàng nội, ngoại cùng quý quan khách đã bớt chút thời gian vàng ngọc, tới dự lễ mừng thượng thọ cụ ông tròn tám mươi tuổi.

       Ngà là người đầu tiên lên mừng thượng thọ ông cụ bằng bức tranh: Phúc - Lộc - Thọ, từ hình ba ông tiên đến hàng chữ đều bằng vàng y. Kế đến là chú em mừng thượng thọ cụ bằng bức tranh cây mai: Ngũ - Phúc, tất cả thân và các cánh hoa mai đều bằng vàng y. Kế đến là quà mừng của họ hàng và các quan khách. Phần nhiều bên họ nội, ngoại chỉ mừng bao thư. Riêng phần của các quan khách, người thì mừng thọ bằng bức tranh Tứ - Quý, bức tranh hoa sen, bức tranh ba ông Tam - Đa tất cả đều mạ vàng y... Khi con cháu, quan khách lên tặng đồ, bao thư tiền mừng thượng thọ ông cụ, các loại máy quay phim, điện thoại thông minh chớp đèn nhoang nhoáng. Chả mấy chốc chiếc bàn kê trước mặt ông cụ đã đầy những tranh và tượng phần nhiều đều là bằng vàng y và đồ mạ vàng. Kế bên là một chồng bao thư mà họ hàng, quan khách mừng thượng thọ cụ. Khi chủ nhà mời họ hàng, quan khách ra dự tiệc, phải mấy người bưng đồ mừng đem cất vào nhà trong mới hết.

       Hết giờ làm việc buổi chiều, Ngà lái chiếc xe hơi đời mới mua chưa được tròn năm. Đang thả hồn theo tiếng nhạc phát ra từ mấy cái loa trong xe. Từ phía sau tiếng còi xe hơi bóp inh ỏi, Ngà đã lách sang bên nhưng kèn xe vẫn kêu. Bèn tấp xe vào sát lề đường, hạ cửa kính thò đầu ra Ngà nhìn lại phía sau. Cửa kính xe sau cũng thấy một cái đầu thò ra cùng tiếng gọi rối rít:

       - Ngà... Ngà!

       Mở cửa Ngà bước ra khỏi xe, người đàn ông cũng vội vàng bước ra đi lại phía Ngà. Cố moi trong trí nhớ, Ngà chợt: À… à... Cái lão cách đây hơn hai chục năm được Thanh bạn Ngà giới thiệu. Lão đã lôi Ngà từ một giảng viên đại học về chỗ lão. Mới đó mà khuôn mặt lão đã già khằn, da nhăn nheo... Cực chẳng đã Ngà phải chiều lòng ân nhân cũ; vào một quán nước bên đường cạnh một hồ nước.

       Khi đã yên vị trên ghế của quán, vừa uống nước lão ta cứ tấm tắc khen Ngà trẻ đẹp mãi không già so với thời gian. Lão không thể ngờ Ngà đi xe hơi đắt tiền và nhìn dáng người sang trọng thế này. Hỏi ra công việc làm ăn của lão, xụ mặt thở dài lão kể lể. Do một lần xây dựng một nhà máy, ăn chia bớt xén vật tư nhiều quá, mấy căn nhà chưa bàn giao đã sụp đổ. Thanh tra về, lão phải chạy vạy lo lót thâm hụt cả vào tiền nhà xà xẻo ki cóp bao nhiêu năm. Nên may mắn không phải vào nhà đá, mà bị thuyên chuyển công tác vào chức vụ mới chỉ có ngồi chơi xơi nước. Cúi xuống ra vẽ suy nghĩ, lão ngẩng đầu lên nhìn Ngà:

       - Ngày xưa anh đã đưa Ngà về chỗ anh, bây giờ anh lỡ... Nghe nói Ngà nay đã lên tới chức ngang hàng cục trưởng, liệu có cách nào giúp anh được không, cũng như ngày xưa anh giúp Ngà ấy?

       Đâu rồi cái giọng ăn nói trịch thượng ngày xưa, lão cứ nhìn Ngà như van lơn. Chẳng chút chạnh lòng vì Ngà đã quá hiểu bản chất của hắn. Nhìn thẳng vào mắt hắn, Ngà nghiêm mặt:

       - Ngày trước xét cho cùng anh cũng chả tử tế gì với tôi. Chẳng qua anh chỉ đam mê cái sắc đẹp mà trời đã ban cho tôi; trong khi anh đã có vợ con và không biết bao nhiêu cô gái đã qua tay anh. Tôi nghĩ rằng đó chẳng qua chỉ là một cuộc trao đổi như buôn bán mà thôi.

       Nhìn mông lung ra hồ nước nằm bên hông quán, Ngà chậm rãi:

       - Mỗi người trong xã hội này đều có nhiều cách để leo lên từng nấc thang danh vọng.

       Nghe tới đây mặt lão tím sầm lại, nhìn Ngà đay nghiến:

       - Như cô chẳng hạn, nếu không nhờ có sắc đẹp trời ban cho thì liệu...?

       Ngà quay ngoắt lại trừng mắt nhìn lão:

       - Tôi vị tình với anh ngày xưa... mà ghé vào đây. Anh nên nhớ bây giờ tôi không phải là cô giáo Ngà cách đây cả chục năm.

       Nghe tới đây, biết chẳng còn gì có thể nhờ vả lại Ngà; lão tức giận đứng dậy chỉ tay vào mặt Ngà, quát lên những tiếng đứt quãng:

       - Mày chẳng qua... chỉ là con ca ve... chứ tử tế gì?!

       Cơn tức giận trào lên vì bị xúc phạm. Ngà đứng lên chỉ thẳng tay vào mặt lão:

       - Tao có là con ca ve cũng còn có vốn trời ban cho; còn lũ chúng mày có cái gì? Chẳng qua leo lên những cái ghế danh vọng bằng những thủ đoạn lưu manh, để mà đục khoét chứ tử tế gì.

       Ngà đứng phắt dậy phủi mạnh tay vào vạt áo dài, đùng đùng bỏ ra xe. Mở cửa xe ra vừa lách người ngồi vào ghế, tay trái kéo mạnh cánh cửa xe đóng: Rầm! Tay phải Ngà mở máy xe, nhấn ga chạy thẳng không thèm nhìn lại.

          VIỆT THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét