Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

“VẦNG TRĂNG KÝ ỨC” VÀ “NẮNG VÀ GIÓ” CỦA TRẦN NGỌC PHƯỢNG / Trần Đăng Tính

 



       Nhà thơ Trần Ngọc Phượng sinh năm 1945 tại Sài Gòn. Quê cha ở Chí Linh, Hải Dương. Quê mẹ ở Kim Sơn, Ninh Bình. Sống và lớn lên tại thành phố Nam Định. Mẹ anh mất sớm. Anh là cựu học sinh Trường cấp ba Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định năm 1960. Năm 1962 anh xung phong đi bộ đội, năm 1965 lên đường đi chiến trường B. Anh là sĩ quan thông tin, Đài trưởng vô tuyến điện Đoàn 814 cục hậu cần miền Đông Nam bộ. Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty vật liệu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay anh đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

       Trần Ngọc Phượng đã xuất bản hai tập thơ:

 


       - VẦNG TRĂNG KÝ ỨC / Trần Ngọc Phượng. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2012. – 120 tr. : Nhiều ảnh minh họa ; 21 cm.

 

       - NẮNG VÀ GIÓ / Trần Ngọc Phượng. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2015. – 164 tr. ; 21 cm.

 

       Xin mượn lời của một đồng đội tác giả - anh Đoàn Công Tính nhận xét về hai tập thơ của Trần Ngọc Phượng:

 

       THAY LỜI GIỚI THIỆU

 

       Đọc hai tập thơ “Vầng trăng ký ức” và “Nắng và gió” của Trần Ngọc Phượng – bạn cùng nhập ngũ một ngày 25/9/1962, từ mái trường cấp III Lê Hồng Phong thành phố Nam Định. Cuộc chiến đưa chúng tôi đi mọi nẻo đường, để cuối cùng đều may mắn hơn bao đồng đội, được trở về trong niềm vui chiến thắng đoàn tụ.

       Anh không phải nhà thơ. Tôi không phải nhà nghiên cứu phê bình. Nhưng khi đọc xong thơ anh, tôi có sự đồng cảm sâu sắc. Đây thực sự là những lời tâm huyết, lời tự sự đầy tình nghĩa của một tâm hồn người lính. Nhờ có tinh thần, sự quả cảm, tính chân thật, thơ anh đã gây xúc động tràn ngập lòng người. Chúng ta không bao giờ quên đã có một thời hào hùng, cả dân tộc chiến đấu, hy sinh bảo vệ tổ quốc.  

       Anh đã gửi gắm nỗi niềm tâm sự trăn trở lúc ra đi với “Đường xuân”:

       “Tất cả về chung đường đánh Mỹ

       Khi Tổ quốc cần ta là dũng sĩ

       Mở con đường bão táp Việt Nam đi

       Con đường Hồ Chí Minh vĩ đại diệu kỳ.”

Và khi hòa bình trở về:

       “Không ai muốn quay trở lại

       Một thời nghèo đói, chiến tranh

       Chỉ mong cuộc đời đi tới

       Đầy ắp tình nghĩa nhân văn”.

Đến khi cao tuổi anh tâm tình:

       “Đời đã qua phong ba

       Không ít lần bão tố

       Hạnh phúc là tuổi già

       Chan hòa cùng nắng gió”.

                           Đoàn Công Tính

       (Nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007)

 

       Tôi muốn cung cấp thêm một chi tiết về tác giả: Trước lúc lên đường nhập ngũ, anh Trần Ngọc Phượng đã sống tại ngôi nhà ở cũ của nhà thơ Trần Tế Xương. Khi ấy vẫn còn nguyên gian làm việc của cụ Tú Xương với các đồ dùng cũ.

       Em trai ruột của anh Trần Ngọc Phượng là anh Trần Ngọc Thành, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật nghề Thủy lợi tỉnh Nam Định vẫn ở lại ngôi nhà này, xây cao tầng đẹp, vẫn giữ nguyên phòng tưởng niệm cụ Tú Xương. Cách đây mấy năm, anh Trần Ngọc Thành đã thống nhất với Sở văn hóa thể thao và du lịch Nam Định chuyển đổi nơi ở mới, để giao lại cho địa phương ngôi nhà cũ làm Di tích tưởng niệm nhà thơ Trần Tế Xương (1870 – 1907), trước là phố Hàng Nâu, nay là số  nhà 280 phố Minh Khai, thành phố Nam Định.

                    

                                          TRẦN ĐĂNG TÍNH

 

       Trân trọng chụp và giới thiệu với bạn đọc một số bài thơ của nhà thơ Trần Ngọc Phượng:















































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét