Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

“MUỐN VỀ QUÊ MẸ MÀ KHÔNG CÓ ĐÒ” / Trần Mỹ Giống

     

                    Con giai út, con rể cùng bố mẹ chụp với bà ngoại dịp mừng thọ bà tuổi chín mươi

 

      Ngày 11 – 10 âm lịch là ngày giỗ nhạc mẫu tôi. Con dâu cùng mẹ chồng chuẩn bị sắm sẵn lễ hương hoa. Tôi chuẩn bị xe máy chở vợ về quê giỗ mẹ. Con gái sợ bố già đi xe máy không an toàn, hẹn chở bố mẹ về bằng ô tô. Vợ tôi gọi điện cho các chị em ở thị xã Thái Bình, Đắc Lắc, Cần Thơ, Mỹ, hẹn nhau về họp mặt, bàn việc quy bố mẹ về lăng tổ… Đùng phát, quê nhà bùng phát dịch, lệnh phong tỏa toàn huyện. Cháu dâu ở quê điện bảo: “Người tỉnh ngoài về thì họ cho vào, nhưng không cho ra”. Chỗ tôi, ở vùng dịch về thì họ cách ly 14 ngày. Thế là kế hoạch bị vỡ không về quê được, đành phó mặc cho cháu dâu ở quê lo giỗ bà, mọi việc chờ qua đợt dịch covid Vũ Hán rồi tính.

      Nhạc mẫu tôi hiền lành phúc hậu, không kể cô con nuôi thì bà sinh sáu cô con gái. Bà tặng tôi cô thứ tư. Vợ tôi thành dâu trưởng nhà tôi. Tôi nhiều năm đi bộ đội chiến đấu ở Quảng Trị, bảo vệ biên giới ở Lạng Sơn. Công to việc nhỏ dòng họ, gia đình, nuôi ba con ăn học đều một tay vợ tôi quán xuyến. Kể từ ngày cưới đến nay, đã nửa thế kỷ qua, vợ tôi đã thành lão bà, nhưng tình cảm vẫn nồng nàn như ngày còn là cô sinh viên thuở trước. Tôi biết ơn nhạc mẫu nhạc phụ đã tặng tôi báu vật cuộc đời.

      Từ nhà tôi ở thành phố Nam Định về quê chỉ khoảng 10 km. Ngày trước chưa có cầu, phải qua phà Tân Đệ. Đường đê trước chưa được rải nhựa bê tông, mỗi lần về quê gặp mưa, đường lầy bùn đi rất vất vả. Có lần tôi đi xe đạp đèo thằng cả về quê, gặp mưa, đường lầy trơn, đất bám chặt bánh xe không thể đi được. Tôi dắt đẩy xe. Thằng cả mới 5 tuổi bám ba ga xe đi theo. Hai bố con đánh vật mấy tiếng đồng hồ mới vượt hết 5 km đường đê từ phà Tân Đệ tới nhà. Mỗi lần tôi về quê, bọn trẻ lại háo hức đòi theo. Tôi thường đón nhạc mẫu sang Nam Định thăm con cháu, rồi đưa bà về quê trên con đường đê ấy. Lần nào đi về, mẹ tôi cũng bắt dừng xe cho bà thắp hương ở ngôi miếu nhỏ bên đê sông Hồng, cách nhà ba cây số. Bà bảo cái miếu nhỏ ấy thờ cô gái chết đuối trên sông Hồng. Cô thiêng lắm. Lần nào về quê đi, tôi cũng được bà gói ghém hoa quả vườn nhà, mớ khoai, bó củi đay, buộc vào xe đạp cho chở về Nam Định. Vào tuổi trên bảy mươi, mẹ tôi bị thoái hóa sập cột sống, lưng cù gập, phải chống gậy. Bà dành nhiều thời gian giúp tôi công việc nội trợ, trông nom các cháu các chắt. Hồi ấy vợ chồng tôi nghèo vất vả lắm, nên bà càng thương. Khi bà sắp về với tổ tiên, tôi thăm ngồi bên bà. Bà lần giở túi vải trong người đưa ra một cuộn tiền các con cháu và họ hàng thăm cho, đủ các mệnh giá, ấn vào tay tôi. Nhiều lúc bà lẫn không nhận ra ai. Nhưng riêng tôi lần nào gặp, bà cũng nhận ra ngay… Ôi! Kỷ niệm về nhạc mẫu tôi bồi hồi trong dạ. Mới đấy mà bà đã đi xa hơn chục năm rồi.

      Ngày kị nhạc mẫu, không về được, vợ tôi đi trông đích tôn, tôi một mình lẩn thẩn ở nhà sống với những kỷ niệm về Mẹ. Giải tỏa cảm xúc buồn thương nhớ Mẹ, bức bối vì không về quê được, tôi hát các bài hát về mẹ, hết bài này đến bài khác.

“Qua đò nhớ mẹ”, con không gọi đò mà gọi Mẹ ơi!

      14 – 11 – 2021

            TMG



 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét