Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

CÓ THẬT “VĂN CHƯƠNG LÀ VẬT VÔ TRI”? – NHÀ VĂN LÊ LỰU BÁN LINH HỒN CHO AI? – TRAO ĐỔI VỚI NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN TRẦN BẠT VỀ VẤN ĐỀ TỰ DO / Trần Mạnh Hảo

 



CÓ THẬT "VĂN CHƯƠNG LÀ VẬT VÔ TRI"?

 

       Kết luận làm sửng sốt mọi người trích trên đầu đề bài này không phải là của người viết mà lấy ở trang 99, dòng 1, cuốn văn mẫu dành cho học sinh trung học: "217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN" dày 627 trang của đồng tác giả gồm bốn vị sau: G S. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), TS. Đỗ Ngọc Thống, TS. Hà Bình Trị và Chu Văn Sơn.

       Nguyên câu văn được trích như sau: "Văn chương là vật vô tri làm gì có số mệnh, định mệnh. Ấy vậy mà đối với Nguyễn Du, văn chương cũng có mệnh, cũng biết vương vấn, cũng biết "lụy" trước những nỗi oan khuất của kẻ tài hoa". Hai câu văn trích này lấy từ bài phân tích bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký" của Nguyễn Du từ trang 93 đến trang 103 của cuốn sách đã dẫn, do NXB đại học quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2000. Mặc dù ngoài bìa chính và bìa phụ chỉ ghi bốn vị trên là tác giả cuốn sách: do các vị ra đề, các vị tự làm bài văn mẫu. Nhưng trong ruột sách, có đến 10% bài văn mẫu do những người khác viết, nhưng những người này không được đứng tên là đồng tác giả (?).

Bài văn mẫu phân tích "Độc Tiểu Thanh ký" có ghi ở cuối rằng: "Bài của Nguyễn Nhật Huy (có sửa chữa chút ít). Dù bài văn mẫu này do Nguyễn Nhật Huy viết, nhưng đã được bốn vị đồng tác giả trên sửa chữa, thông qua, cũng có nghĩa là, quan điểm nghệ thuật trong bài văn không còn của riêng ông Nhật Huy nữa mà còn là của các tác giả ghi trên bìa sách. Đây mới là vấn đề chính yếu để chúng tôi bàn về kết luận quá lạ tai trên.

       Hai câu thơ "Chi phấn hữu thần liên tử hậu / Văn chương vô mệnh lụy phần dư "trong bài "Độc Tiểu Thanh ký" được dịch nghĩa không mấy thống nhất ở nhiều bản dịch khác nhau. Chúng tôi cho rằng lối dịch của nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân có lý hơn cả, nên theo ông, viết lại như sau:

       "Bức chân dung có thần bị đốt mất, khiến đời sau ai cũng cảm thương cho nàng / Văn chương của nàng không có mệnh đã được nàng đốt hết, chỉ còn phần dư cũng bị người vợ cả đốt mất ". ("Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều"- Nguyễn Quảng Tuân - NXB KHXH... 2000, tr 93).

       Nguyễn Du nhân đọc cuốn truyện nàng Tiểu Thanh mà viết nên bài thơ trên. Nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn, lấy lẽ người họ Phùng, bị vợ cả ghen tuông hành hạ bắt ở một mình trên núi Cô Sơn, đến nỗi buồn mà chết lúc mới 18 tuổi. Trước khi chết, nàng đã đốt hết tập thơ của mình, còn sót phần dư cũng bị người vợ cả đốt mất. Người vợ cả còn đốt cả bức truyền thần của nàng để lại mới thôi. Nay chúng tôi chỉ bàn qua về lối phân tích bài thơ của các tác giả trong bài văn mẫu đã dẫn.

Khi bài văn mẫu viết: "Văn chương là vật vô tri, làm gì có số mệnh, định mệnh" chắc tác giả suy ra từ câu thơ "Văn chương vô mệnh lụy phần dư"?  Tác giả tưởng rằng Nguyễn Du khái quát chung là "Văn chương vô mệnh" nên nhân thể cũng kết luận rằng "Văn chương là vật vô tri". "Độc Tiểu Thanh ký" là bài thơ chữ Hán rất hay và rất sâu đằm, đa ngữ nghĩa của Nguyễn Du. Đầu đề bài thơ phải dịch là "Đọc bài ký truyện nàng Tiểu Thanh" mới sát nghĩa. Nên khái niệm văn chương trong câu thơ trên phải hiểu rằng văn chương của nàng Tiểu Thanh chứ Nguyễn Du không đến mức ngô nghê mà khái quát chung rằng "văn chương vô mệnh" như người viết bài văn mẫu này hiểu.

Con người dù mất đi, nhưng những giá trị tinh thần bất hủ của nó được gởi trong những áng văn chương thiên tài như trước tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... bao giờ cũng sống mãi. Văn chương là thông điệp của ý thức, tư tưởng, tâm hồn con người, là chính con người hoá thân vào trong chữ nghĩa, hình ảnh, hình tượng. Hàng chục kiệt tác văn chương của cha ông truyền lại nói như tác giả bài văn mẫu kia chắc hẳn đều là những vật vô tri vô hồn vô giác ư?

       Chả lẽ thơ Lý Trần, đại kiệt tác "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi, đại kiệt tác "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, các bản kim cổ hùng văn như bài "Thơ Thần" của Lý Thường Kiệt, "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi, "Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chí Minh... thảy đều là những vật vô tri cả sao? Không, di sản văn hoá vĩ đại kia của cha ông để lại chính là tâm hồn dân tộc được lưu truyền mãi mãi. Lý Bạch ca ngợi văn chương Khuất Nguyên: "Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt / Sở vương đài tạ không sơn khâu" (Văn chương của Khuất Nguyên sáng mãi cùng mặt trời, mặt trăng / Đền đài vua Sở giờ chỉ còn là gò hoang). Ca ngợi Đỗ Phủ, Nguyễn Du viết: "Thiên cổ văn chương thiên cổ sư "( Văn chương để lại muôn đời, bậc thầy của muôn đời". Chế Lan Viên từng viết: "Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn". Kết luận của bài văn mẫu trên rằng: "Văn chương là vật vô tri" là một kết luận hết sức sai lầm, hết sức tầm bậy, như là một cách hữu hiệu nhất xoá bỏ chính bản chất của văn chương vậy. Kết luận này còn nguy hiểm hơn nữa vì nó là bài văn mẫu cho học sinh trung học dùng làm mẫu mực, làm gương soi.

       Ngoài cái sai rất cơ bản về quan điểm học thuật như trên, bài văn mẫu này còn có nhiều cái sai khác. Chúng tôi xin lấy một vài thí dụ làm bằng. Tác giả bài văn mẫu thường viết câu văn lủng củng dây cà ra dây muống, vô nghĩa như sau: "Từ đầu đời Minh, cái lúc nàng Tiểu Thanh sống và chết, cái lúc nàng quằn quại trong cái ghen kiểu Hoạn Thư tàn nhẫn đến lúc này, Nguyễn Du không phải đứng trưóc mộ nàng mà chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ". Câu văn trên không chỉ lặp quá nhiều từ mà còn có thể phải ngắt ra để chấm câu, bỏ bớt từ ngữ thừa mới rõ nghĩa. Chúng tôi xin sửa lại câu văn lòng thòng trên, chia thành hai câu cho đúng câu văn Tiếng Việt: "Từ đầu đời Minh, nàng Tiểu Thanh sống và chết, quằn quại trong cái ghen kiểu Hoạn Thư tàn nhẫn. Nguyễn Du không phải đứng trước mộ nàng mà chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ". Nghĩa là một câu văn của bài văn mẫu phải bỏ đi tám chữ và thêm một dấu chấm mới đúng Tiếng Việt. Bài văn mẫu còn không làm gương trong việc dùng ngôn ngữ Việt, lại hay dùng từ Hán Nôm ví dụ như "thiên cổ tình thư", "nam âm tuyệt xướng", "sinh hoa diệu bút", "can tràng", "Ngộ gia đệ cựu ca cơ" (Gặp nàng hầu cũ của em - chú của TMH), "phi lộ", "đồng bệnh tương lân", "huyệt lộ", "hoa uyển"... Bài văn mẫu có khi lại dùng những từ vô nghĩa: "nét mặt sầu rầu". Có khi bài văn mẫu lại viết cả những câu văn vô nghĩa, như câu văn thứ hai của đoạn trích này: "Hai câu thực đã khẳng định lòng cảm thương sâu sắc và nỗi oán hận, nỗi uất ức của ông với thời đại, khẳng định bản chất, tâm hồn Nguyễn Du. Bản chất ấy vượt xa so với thời đại".

       Rất nhiều khi bài văn mẫu tung ra những kết luận không chính xác. Ví dụ như khi tác giả viết: "Tác giả đau đớn, căm giận trước sự thất bại của cái đẹp, cái thiện, trước sự thắng thế của cái ác..." Viết như thế này, quả tình tác giả bài văn mẫu chưa hiểu được bản chất nghệ thuật của bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký".

       Đúng là về hiện tượng nhất thời, cái đẹp, cái thiện là tài sắc và tâm huyết nàng Tiểu Thanh bị cái ác, cái xấu tạm thời thắng thế thật. Nhưng cuốn sách ghi lại cuộc đời nàng Tiểu Thanh đã sống mãi, nghĩa là nàng sống mãi để nhận niềm thương cảm của hậu thế tri âm tri kỷ ví như sự thương cảm vô cùng của Nguyễn Du với nàng qua bài thơ, mở ra khả năng chiến thắng của cái đẹp, cái thiện. Khi người đọc muôn đời thương cảm nhan sắc và tài thơ nàng Tiểu Thanh, cũng có nghĩa là lên án cái xấu, cái ác qua nhân vật người vợ cả thì sao dám bảo cái ác, cái xấu thắng thế cái thiện mỹ? Bài thơ thấm đẫm tình nhân đạo kia của Nguyễn Du chính là bài ca chiến thắng của chân thiện mỹ vậy.

       Bài phân tích bài thơ "Độc Tiễu Thanh ký" trong cuốn văn mẫu đã dẫn trên còn nhiều khuyết điểm khác về ý tưởng, tu từ, về diễn đạt câu văn... Chỉ cần bằng ấy sai sót từ quan điểm nghệ thuật đến nội dung và hình thức chúng tôi dẫn ra trên, ta thấy bài văn trên sao có thể biến thành mẫu mực cho học sinh trung học?  Khi người ta dám đưa một bài tập làm văn kém cỏi chỉ xứng đáng điểm 2 này ra làm bài văn mẫu, thì con em chúng ta làm sao có thể học giỏi môn văn? Đây không chỉ là một việc làm thiếu trách nhiệm của những người soạn sách, mà còn là sự báo động toàn thể xã hội về một thực trạng đáng buồn: việc giảng dạy tắc trách môn học quan trọng nhất trong nhà trường là môn văn.

       Trần Mạnh Hảo

 

NHÀ VĂN LÊ LƯU ĐÃ BÁN LINH HỒN CHO AI?

 

       Vừa rồi, tôi, kẻ viết bài này gọi điện thoại thăm nhà văn Lê Lựu, sau khi báo chí phỏng vấn ông, hỏi vì sao một nhà văn lớn như ông mà bị trượt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học năm 2012 mới công bố. Ông cười với nhà báo và cả cười với tôi: “Chuyện nhỏ, ông quan tâm làm gì, ở đâu, đến ngay làm vài li với tớ”. Khi biết tôi đang ở Sài Gòn, Lê Lựu bồn chồn, rằng “thời trẻ tụi mình nghèo kiết xác, cà lơ phất phơ cả với nhau mà vui quá ông nhỉ?“

       Tôi biết Lê Lựu đang buồn, không phải buồn vì bệnh tật hay không được giải thưởng to cỡ 300.000.000đ, mà buồn vì nhân tình thế thái, buồn vì đời nay tệ quá, tàn quá, xuống cấp quá, tha hóa quá, phi nhân quá. Hãy xem ông trả lời tờ báo An Ninh Thế giới số 1093 ra ngày 10-9-2011 của ông trung tướng công an Hữu Ước theo blog Nguyễn Thông:

       “Đọc mấy nhời của bác Lựu, giật mình, nghĩ sao mà tướng Hữu Ước dám cho đăng nhỉ, hay là bữa ấy đi công tác vắng, cấp dưới nó không báo cáo, xin phép. Mà cũng có lý, bởi giờ đây mình sợt tìm trên bản điện tử báo An ninh thế giới thì không có chữ nào, kết quả báo rằng không tìm thấy.

       Sau đây là lời của bác Lựu:

       “Trong lúc trà dư tửu hậu với bạn bè, tôi và những người bạn tâm giao nói về những vấn đề của xã hội, nghĩ về nhân tình thế thái. Tôi không hiểu sao bây giờ con người không tốt với nhau. Trong chiến tranh hy sinh nhiều, cuộc sống khổ cực, nhưng lòng mình thanh thản, lòng dân vô tư lắm. Đi chiến trường hy sinh mà lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Bây giờ thời bình không còn tiếng bom đạn nhưng tâm con người cứ lộn nhào hết cả. Không biết thế nào là phải, thế nào là trái. Không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Không biết thế nào là lim (giới hạn-NV). Mỗi con người phải có một cái lim nhất định thì mới thành xã hội. Con người có nhiều tính cách thì cuộc sống mới phong phú và đa dạng. Nhưng mà phải có lim và có luật lệ.Trong chiến tranh, tâm tính con người ta hiền lành, không mưu mô xảo quyệt. Chứ thời nay, trong cơ chế thị trường này, luật lệ cũng lung tung. Xử lý công việc cũng lung tung. Sống nặng về vật chất, thực dụng, chụp giật. Bây giờ sáng ra đọc báo toàn những chuyện giật mình. Con kiện cha chỉ vì mười mét vuông chỗ ở. Một đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên giết mấy mạng người không ghê tay. Một đứa trẻ khác chỉ vì thiếu tiền chơi game ra tay sát hại cả em mình, bà mình. Người ta thiếu tiền nên giết người chỉ vì vài trăm nghìn đồng. Trong làm ăn thì lừa đảo nhau nhiều lắm. Cứ lợi dụng nhau sơ hở vài chữ trong văn bản, thậm chí từ một cái dấu phẩy trong bản hợp đồng để lừa nhau hàng tỉ. Trong doanh nhân cũng nhiều người tốt, nhưng rồi cũng có rất nhiều người nhăm nhăm để lừa nhau.

       Chính thời nay là thời loạn, chứ không phải chiến tranh là thời loạn” (hết trích).

       Có lẽ, một trong những nguyên nhân khiến ông không được giải thưởng lớn vì tính nói thẳng nói thật của Lê Lựu chăng? Thẳng thắn và trung thực như hai tác phẩm (tiểu thuyết) lớn nhất của đời ông: “Thời xa vắng” (1986) và “Chuyện làng Cuội” (1991)

       Nhớ tết năm 1976, cái tết đầu sau ngày thống nhất đất nước, tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội, rét quá, cứ dúm dúm dó dó dưới gốc táo sân sau tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Chợt Lê Lựu kéo tôi vào phòng, đưa bộ complê màu xám còn khá mới bảo: Hảo lấy mặc vào ngay cho ấm, mặc đến khi nào vào Sài Gòn đưa lại cho mình, mình trả lại nhà nước… Mình và Nguyễn Khoa Điềm vừa được đi Bungari về, phải mượn áo quần dày dép của nhà nước… Mình đã báo cơm ở bếp ăn tập thể báo “Quân đội nhân dân” cho Hảo, cứ nhớ bữa trưa và chiều về ăn nhá”.

       Tôi quen Lê Lựu trong lúc xẻ cơm nhường áo này cách đây 36 năm. Vài năm sau, khi nhà văn Nguyễn Khải và nhà văn Lê Lựu vào Sài Gòn, tôi đã rủ hai bác này đến nhà tôi ở suốt gần ba tháng. Thực ra, tôi đã biết mặt, nhớ mặt nhà báo Lê Lựu, phóng viên báo “Quân khu Ba” mấy năm trước, khi ông đến sư đoàn 320 B, nơi tôi huấn luyện để phỏng vấn vì sao, có phải vì mới được học nghị quyết mà đồng chí đã đạt thành tích chạy nhanh nhất sư đoàn trong một cuộc thi chạy hay không? Tôi thành thật trả lời nhà báo trẻ Lê Lựu: ”Thưa bác nhà báo, không phải nghị quyết làm em chạy nhanh đâu ạ”. ”Thế không phải do nghị quyết thì còn bởi gì?”. “Dạ, bởi bố em”. “Bố đồng chí dạy đồng chí chạy à?”. “Không, thưa bác nhà báo, bố em không dạy em chạy, mà ông chuyên cầm roi đuổi đánh em ngay từ khi em mới biết đi ạ”. ”À ra thế, bố cầm roi đuổi đánh, cứ thế mà chạy như biến, chạy bán sống bán chết, chạy vắt giò lên cổ nên thành ra chạy nhanh ngang gió phải không?” Dạ thưa bác nhà báo, quá đúng ạ”…

       Sau cái buổi cho mượn bộ Complê quốc doanh và báo cơm cho ăn tới bến của Lê Lựu bữa xa xưa ấy, tôi có nhắc lại kỷ niệm được anh nhà báo trẻ báo “Quân khu Ba” phỏng vấn vì thành tích thi chạy nhanh nhất sư đoàn của tôi, Lê Lựu cả cười nhớ ra bộ dạng thật thà của anh lính trẻ Trần Mạnh Hảo. Lê Lựu bảo: “Tớ về viết bài báo rất hấp dẫn về cuộc phỏng vấn các nhân vật lính mới sau khóa huấn luyện đi B của sư B20B ở các khâu kỹ thuật: bắn súng giỏi nhất, chạy nhanh nhất, đâm lê tài nhất, ném lựu đạn tài nhất… đưa duyệt đăng, đến đoạn ông trả lời do bố đuổi đánh chạy quanh làng mãi nên thành chạy nhanh nhất sư đoàn, tổng biên tập báo của tớ cười sằng sặc, đoạn bảo: ”Lựu viết thế này mà in lên thì bỏ mẹ báo ta mất, do bố đuổi đánh mãi thành ra chạy nhanh, láo, dù chuyện thật đúng trăm phần trăm như vậy cũng phải viết cho nó chính trị chứ! Tôi chữa như sau: cậu lính mới tên Hảo này trả lời rằng đúng là em mới được học nghị quyết nên đầu óc thông sáng, khi tư tưởng đã thông thoáng thì tạo ra sức mạnh vật chất nghe chưa, nên cậu ta chạy nhanh vì vừa học nghị quyết đảng mới đúng chính trị. Lựu nên nhớ trong chế độ tốt đẹp gấp triệu lần tư bản của chúng ta, báo chí văn nghệ cho đến con người tuốt tuột đều là chính trị hết, nghe chưa? Mao chủ tịch từng dạy: Chính trị là thống soái là gì? Chế độ tốt đẹp của ta làm chó gì có cảnh bố đuổi đánh con chạy khắp làng, viết thế là nói xấu đảng ta, nói xấu chế độ tốt đẹp ta. Chỉ có trong chế độ Mỹ-ngụy thì các ông bố mới thi nhau cầm roi đuổi đánh con cái chạy khắp làng khắp phố nghe chưa?”

       Lê Lựu chiêu một ngụm trà, châm nước cho tôi, đoạn nói tiếp: “Khi báo đăng, tớ xuống tìm ông để tặng tờ báo in chuyện ông chạy nhanh nhất sư đoàn vì vừa học nghị quyết chứ không phải do bị bố cầm roi đuổi đánh suốt tuổi thơ mà thành ra có thành tích chạy ngang gió thì ông đã đi B…”. Tôi góp chuyện: “Bác Lựu này, tôi nghĩ nếu không có hổ báo đuổi bắt ăn thịt, thì bọn huơu nai đã thành các chú rùa, chứ đâu có thể chạy nhanh đến như thế?”

       Ơ hay, thời gian và cuộc đời hình như cũng là thứ hổ báo đuổi bắt chúng ta chạy như biến về tuổi U 70 như tôi, U 80 như bác Lựu (Lê Lựu vừa nói với tôi qua điện thoại, năm 2012 này ông đã 75 tuổi chứ không phải 71 như tuổi trong giấy tờ vẫn ghi)? Và chúng ta quá sợ hãi chạy nhanh như gió, như biến, chạy nhanh trên cả cấp sư đoàn, chạy như ma đuổi phải không bác Lựu? Con ma cuộc đời, con ma thời gian, con ma thời thế đuổi theo chúng ta để bắt linh hồn, như con qủy Mephixto đuổi theo nhân vật Faust của đại thi hào Đức Wolfgang Goethe để gạ vị bác sĩ này bán linh hồn cho hắn đổi lấy sang giàu?

       Faust đã bán linh hồn cho qủy để đổi lấy vinh quang, còn Lê Lựu đã bán linh hồn cho ai, và sau khi bán linh hồn thì ông sống bằng gì hồi sau sẽ rõ. Nhưng này bác Lựu, mới đó, ngót 40 năm trước, những người viết trẻ chúng ta cứ đông vui và ồn ã như vịt, được ông chủ chăn vịt có tên thời gian, có tên cuộc đời cầm chiếc sào dài buộc mớ tàu chuối khô như giẻ rách và lùa chúng ta vào thời đại anh hùng chỉ toàn niềm vui, không có chỗ cho nỗi buồn cư trú, lùa chúng ta vào văn chương, thi phú, vào quan trường và vào những nhà thương điên! Có những anh bạn văn nghệ cùng thời với chúng ta quả thực không tim, vẫn tìm cách bán một thứ linh hồn dỏm cho quyền lực để đổi lấy vinh quang, đổi lấy chức tước cùng các giải thưởng danh giá. Còn Lê Lựu, ông chỉ có một trái tim, một linh hồn đau đáu với văn chương, điên dại với chữ nghĩa, lăn lóc với giấy trắng, quằn quại với bút mực, hỏi rằng ông đã bán hay chưa?

       Lê Lựu có dáng vóc của người dân quê chân chất, hiền lành, không thể nói là xấu trai, là quê một cục, là bần cố nông như nhiều bài báo phóng đại về ông đã vẽ một thứ chân dung rất hoạt kê về ông rất không đúng để câu khách. Ngay Trần Đăng Khoa, một chú em tiền bối của chúng tôi còn phịa ra chi tiết Lê Lựu sang Mỹ cởi giày ra lấy tất (vớ) ngửi ngửi như ngửa hoa ngửa quả thì thật là quá đáng. Lê Lựu không giận, mặc kệ các người, muốn vẽ chân dung ông là hủi cũng được, ông cứ đóng vai anh dân quê lên thành phố cho an toàn. Riết rồi ông cứ nhận mình rằng tớ dân nhà quê ấy mà, học hành chết gì đâu, đọc điếc cũng lười nhác, viết lách theo phong trào cho vui ấy mà…

       Không, Lê Lựu không quê mùa chút nào. Ông đóng vai dân nhà quê để qua mặt thiên hạ, để dễ tiếp cận cuộc đời, trông thật thà như đếm thế này vào dân dân thích lắm, đến nhà quan quyền, quan quyền không thèm cảnh giác, rằng thằng này phi chính trị, không nguy hiểm, kệ bà nó phét lác cho vui. Lê Lựu, giống như nhân vật của ông là Giang Minh Sài cứ ấm ấm ớ ớ thế, giả bộ khật khưỡng, thủ vai ngô nghê mười rằm cũng ư mười tư cũng gật cho qua chuyện, vạ vật đâu cũng được, dế rách chổi cùn cũng chơi mà mâm son đũa ngà cũng tới…

       Ngược lại với vẻ bề ngoài Lê Lựu có khi như tá điền, có khi lại như địa chủ kia lại là một anh trí thức có hạng đấy. Lê Lựu giấu biến sự học, sự đọc rất kinh của mình như mèo giấu vàng giấu ngọc, chẳng bao giờ thích làm thùng rỗng kêu to như bao ông đồng nghiệp giả dạng vào vai trí thức. Một trí thức thật không cốt ở bằng cấp, không lụy dáng vẻ, không hề biết khoe khoang như những anh trí thức hạng bét chuyên mang mặc cảm trí thức trong người. Tôi xin cá với bàn dân thiên hạ, sức đọc của Lê Lựu còn có thể gấp mấy lần chú em đồng hương của ông là thần đồng quá lứa Trần Đăng Khoa.

       Hồi đầu vào Sài Gòn cùng Nguyễn Khải ở nhà tôi gần ba tháng, Lê Lựu chỉ làm hai việc rất chân chính là tìm bồ và tìm mua sách. Gặp kho sách dịch Sài Gòn, Lê Lựu sướng ngất ngây, hệt chuột sa chĩnh gạo. Ông đọc triết tây triết đông qua các bản dịch của các linh mục dạy triết và các nhà Hán Nôm có hạng Sài Gòn. Ông đọc các tiểu thuyết phương Tây mê man, hầu như có khi thức xuyên đêm. Bỏ mẹ, Lê Lựu và tôi rì rầm để cho ông anh Nguyễn Khải ngủ: thế này thì đúng là Sài Gòn nó giải phóng chúng ta chứ cóc phải ngược lại bác Lựu nhẩy. Chết ông be bé cái mồm cho tôi nhờ. Đâu phải cái đúng cái hay cái tốt bao giờ cũng thắng thế đâu. Man di thắng văn minh là thường mà. Các bộ tộc man rợ phương Bắc châu Âu từng chiến thắng văn minh La Mã là gì? Kẻ dốt, kẻ cuồng tín, kẻ kiêu ngạo, kẻ ác thì làm gì có tự do…mà đòi… thôi thôi tai vách mạch rừng không nói nữa. Này, bác Lựu nghĩ mãi mà không nói được ra thì điên mẹ nó đấy. Đừng nghĩ nữa, nghĩ nhiều thì vào nhà tù mà nghĩ nghe chưa… Ba tháng trời Sài Gòn ở nhà tôi với Lê Lựu đêm nào cũng quá ngắn, chưa đọc hết sách đã sáng banh cả mắt, rì rầm như hai con khỉ đi ăn trộm ấy. Đọc đến đoạn nào thích chí, Lê Lựu tàn nhẫn bấm tôi dậy để rì rầm đọc ri rỉ như dế cho nghe, đến độ làm bác Nguyễn Khải thức theo bảo: chúng mày tí tửng như gái ngồi phải cọc, mấy cuốn đó tao đọc rồi, hồi trước năm 1945, mà đọc bản Pháp văn. Tội nghiệp các em, có học mà như mù chữ. Thì cũng tại thế hệ chống Pháp các bố dạy chúng tôi chứ ai. Cứ để Tây đấy, đánh nó làm chó gì, để nó dạy chúng tôi như nó đã dạy các bố, thì hôm nay sao chúng tôi lại thành những kẻ có học mù chữ được? Cứ cái màn nghĩ trộm, nói trộm, đọc trộm thế này có khi nguy… May mà gần ba tháng, hai bác nhà văn về Hà Nội, chứ cứ đêm nào cũng rầm rầm rì rì như dế trốn chui trốn nhủi thế này có khi ốm chết quách rồi, còn đâu nữa mà ngồi kể chuyện cũ. Sau này, chết rồi Nguyễn Khải mới dám tung tiểu luận “Nghĩ Muộn” ra, coi như một lời sám hối muộn màng; còn hơn các anh ngậm miệng ăn giải thưởng đang cười nói sờ sờ ra mà quả thực, tâm hồn, nhân cách đã chết từ thời tám hoánh.

       Lê Lựu không hề quê mùa chút nào. Ông rất tỉnh thành là đằng khác. Minh chứng là một mình ông đã xây dựng nên một công ty làm ăn rất phát đạt: “Trung tâm văn hóa doanh nhân” từ năm 2002 đến nay. Bây giờ, chân Lê Lựu đi đứng đã không còn vững, có khi phải nhờ người dìu dắt, vậy mà trung tâm này của ông vẫn làm ăn tốt, hỏi một người quê mùa, thậm chí ngô nghê như nhiều bài báo đã viết, liệu có đủ tầm vóc, trí thức, uy tín, trình độ làm giám đốc công ty “văn hóa doanh nhân” này hay không?

       Trời cho Lê Lựu một trí thông minh hiếm có. Ông có thể đọc thuộc một chương tiểu thuyết của mình ngay trước mặt anh. Này, chú mày cầm cuốn “Thời xa vắng” lên, lật bất cứ trang nào, bảo tớ đọc thuộc lòng cho mà dò, không sai một dấu chấm phảy. Ông nhớ vanh vách các danh tác quốc tế và trong nước đã đọc, kể cả những cuốn dày như tủ lạnh của L. Tolstoy và F. Dostoyevski…

       Lê Lựu hình như có máu trạng trong khoa ăn nói. Ông huyên thuyên chuyện con cà con kê, tán dóc lênh láng cả những hội trường hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dự thính mà thiên hạ vẫn há hốc mồm ra nghe như nghe cha cố giảng đạo. Hồi hưởng vinh quang sau tiểu thuyết lớn “Thời xa vắng”, Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên được trung tâm William Joiner của ông Kevin Bowen mời sang thăm nước Mỹ. Sau (hình như sáu tháng) chu du bên Mỹ, về nước Lê Lựu được hàng trăm cơ quan mời nói chuyện xem nước Mỹ nó đầu ngô mình sở ra sao, nó kinh khủng mức nào, nó giàu sang hợm hĩnh ra sao, nó giãy chết rung chuyển thế giới thế nào? Người ta đi nghe lũ lượt, khen nước Mỹ thì ít mà khen Lê Lựu nói hay thì nhiều. Khiếp, làm như nước Mỹ nó không nằm trên bản đồ thế giới mà nó nằm trong bụng Lê Lựu vậy. Khiếp, làm như không phải Kha Luân bố đã phát hiện ra châu Mỹ, nước Mỹ mà chính là anh nhà văn quê ở huyện ta, huyện Khoái Châu ta (oai oái như phủ Khoái xin cơm) đã phát hiện ra châu Mỹ và nước Mỹ vậy. Lê Lựu nói chuyện về Mỹ hay tới mức mà người ta đã kinh doanh ông, thu âm bài nói dài hàng hai ba tiếng đồng hồ của ông về nước Mỹ để bán đắt như tôm tươi. Người viết bài này đã nghe băng thu âm buổi nói chuyện về Mỹ của Lê Lựu và rất tiếc cho các vị làm công tác tổ chức đã bỏ lỡ một cơ hội bằng kim cương là không mời nhà thuyết khách Lê Lựu làm bộ trưởng bộ ngoại giao.

       Lê Lựu ca ngợi Mỹ tới mây xanh mà vẫn rất chính trị, mà vẫn không mất lòng đảng ta. Ông cũng nói xấu Mỹ tới tận cùng địa ngục mà Mỹ vẫn qúy hóa ông như giời, thế mới lạ. Ông chửi Mỹ rằng nước nó thế nào cũng loạn vì không có ban tổ chức trung ương, vì nó đa đảng nên bất cứ thằng dân nào cũng có thể lên báo chửi tổng thống, không còn quân tị quân nhậm gì, cá mè một lứa, dân cũng như quan, quan cũng như dân, ấm a ấm ớ, chẳng còn tôn ti trật tự gì cả. Ông chê nước Mỹ nó sạch như lau đến ruồi muỗi cũng nghỉ chơi mà bỏ đi. Sạch quá mức là mất vệ sinh nhất; vì trẻ em bị vô trùng từ lúc sinh ra nên nó dễ bị vi trùng tấn công. Nước với chả non, đi bất cứ chỗ nào cũng có rét -rum (restroom), phí đất vô lối, sao không để đất mà xây trường học bệnh viện như ta, lại coi trọng nơi xin lỗi đi ỉa đến nhường ấy, đúng là Mỹ mới có (vỗ tay)… Nước Liên Xô thiên đàng xã hội chủ nghĩa anh em ta, sang đó tôi tưởng là Mỹ mà sang Mỹ tôi tưởng đấy là Liên Xô. Ở Liên Xô người ta dùng đất để xây trường đảng, để xây trường học, để xây quảng trường cho quần chúng đến sung sướng vỗ tay, chứ có nhiều chỗ đi toilet phí phạm như bên Mỹ đâu. Lại vỗ tay… Người viết bài này đã mấy lần tí chết khi đi giữa đường phố Matxcova, mắc… quá tưởng đứt thở mà đi mãi không tìm ra nơi trút bầu tâm sự… Người viết bài này cũng từng đến một số thành phố Mỹ. Đúng như Lê Lựu nói, đi mấy bước lại thấy restroom, không mắc… cũng vào ngó qua xem nó sạch cỡ nào… mất hết cả thì giờ vàng ngọc.

       Khoa nói của Lê Lựu còn phát huy tới tận mũi Cà Mau, tận địa đầu Móng Cái khi ông kết hợp với ông trạng thần đồng thần sắt Trần Đăng Khoa đăng đàn khắp nơi. Hai ông này đã biến nghề nói chuyện văn chương thành khả năng hốt bạc vô tiền khoáng hậu.

       Một người quá thông minh, quá sắc sảo, đầy tài năng văn chương, nói năng như có bùa ngải như Lê Lựu tưởng giời đã cho hết mọi thứ. Hình như xưa nay, các nhà văn có tác phẩm để đời, mấy ai có số phận trơn tru, có gia cảnh ngon lành viên mãn trừ Goethe và Tagore?

       Gần đây, giới truyền thông trong nước đua nhau phỏng vấn Lê Lựu, cốt khai thác bi kịch cá nhân của đời tư nhà văn để câu khách mà ít chú ý đến khía cạnh quan trọng nhất của ông là văn học, lại quảng cáo rùm beng cho “Trung tâm văn hóa doanh nhân” của ông quá mức. Lê Lựu dù làm kinh tế doanh nhân, đã rất thị thành, dẻo miệng (“Khi lưỡi ta không còn đắng chất thị thành”- Chế Lan Viên) nhưng tính vốn thật thà, báo nào hỏi ông chuyện bi kịch đời tư là ông kể tuốt tuồn tuột. Làm như cứ kể hết xót xa trong người sẽ hết xót xa, kể hết nỗi cô đơn kiếp người của mình ra sẽ hết cô đơn vậy?

       Năm 1986, nhờ cú “cởi trói cho văn nghệ sĩ trí thức” của ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Lê Lựu mới in được tiểu thuyết để đời của ông là “Thời xa vắng”. Ông đã viết tác phẩm lớn này trước “mùa cởi trói” hai năm nhưng không in được. Tôi đã đọc một mạch suốt đêm tác phẩm lừng danh này của Lê Lựu trong sự hào sảng hiếm có. Tôi gọi điện thoại động viên ông, ông bảo: “đánh đổi cả cuộc đời để lấy một cục gạch bằng giấy đó ông ơi”.

       Giang Minh Sài nhân vật chính của “Thời xa vắng” vừa là hình ảnh của tác giả vừa là nhân vật hư cấu. Nó có tầm cỡ biễu đạt đa chiều, nhiều tầng nhiều vỉa, thực đấy mà hư đấy, bi đấy mà hài đấy, thông minh một cách ngớ ngẩn đấy và đạo đức tào lao chi khươn đấy. Giang Minh Sài “một nhân vật thời đại”, có một chút phẩm tiết của Chú AQ Lỗ Tấn một tí, Chí Phèo Nam Cao một tí, Xuân Tóc Đỏ Vũ Trọng Phụng một tí, Don Quixote Servantes một tí… nhưng lại rất Lê Lựu. Giang Minh Sài bị sống chứ không phải được sống, bị yêu chứ không phải được yêu, bị sướng chứ không phải được sướng, bị khổ bị cô đơn chứ không phải được khổ được cô đơn. Giang Minh Sài như không phải là một cá nhân mà là một tập thể thu nhỏ thành một cá nhân trá hình. Anh ta bị tập thể hóa cả giấc mơ, bị chi đoàn, chi bộ, đơn vị, công đoàn, cơ quan… chi phối cả mọi bản năng sống; làm như sự tiêu hóa của dạ dày Giang Minh Sài cũng là do tập thể tiêu hóa, bộ phận bài tiết của anh cũng là của tập thể bài tiết, trái tim co bóp của anh cũng là trái tim tập thể co bóp, “con chim” của anh dùng để lấy vợ sinh con cũng là “con chim” của tập thể. Với “con chim” tập thể này anh đã hai lần lấy vợ nhưng đều thất bại thảm hại.

Người vợ đầu của Giang Minh Sài là cô Tuyết nhà quê với cuộc tảo hôn khốn khổ: lấy vợ vì gia đình dòng họ, cũng là lấy vợ cho tập thể chứ có được lấy vợ cho riêng mình đâu? Người vợ thứ hai của anh Sài là cô Châu thị thành điệu nghệ… lấy cốt để khoe mẽ với thiên hạ rằng gái thị thành cỡ nào Sài ta cũng tán được, cốt để xóa mặc cảm nhà quê vốn dĩ. Nhưng sống với nhau rồi, Châu mới phát hiện ra anh chàng Sài không phải là một cá nhân thuần túy. Linh hồn chồng mình đã bị tập thể hóa, trái tim anh là một khu tập thể thu nhỏ. Anh không phải là một căn phòng riêng tư, mà là một hội trường hội họp, một ví dụ về con người hơn là con người, một ví dụ về “con chim” hơn là một “con chim” biết cách chiều chuộng đàn bà. Thế là để trả thù cái tập thể giả dạng cá nhân có tên là Giang Minh Sài, Châu tìm mọi cách hành hạ Sài cho bõ ghét.

       Trong một xã hội bị tập thể hóa đến cả ruồi muỗi cũng phải vào hợp tác xã, ai cho Giang Minh Sài làm một “con người chung chung”, làm một cá nhân thuần túy? Khát vọng được làm con người lương thiện của anh Chí Phèo xưa hầu như vẫn còn là khát vọng của anh nhà quê lên tỉnh Giang Minh Sài trong thời đại thiên đường xã hội chủ nghĩa?

       Khát vọng tự do, khát vọng được làm một con người đúng nghĩa của nó, được làm chính mình chứ không phải kẻ khác trá hình mang tên mình là thông điệp Lê Lựu gửi chúng ta thông qua nhân vật Giang Minh Sài. Chừng như Lê Lựu đã bán linh hồn cho Giang Minh Sài để đổi lấy nỗi buồn mênh mông trần thế? “Thời xa vắng” làm Giang Minh Sài bất tử đã cướp hết hồn vía tác giả, khiến Lê Lựu thành bơ vơ chăng?

       Sau khi “Thời xa vắng” xuất hiện trên văn đàn như một hiện tượng văn học, kẻ viết bài này đã hỏi chuyện hai đàn anh là nhà văn Nguyễn Khải và nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cả hai ông anh này đều là người thực tài nên có sự liên tài, nghĩa là không bao giờ đố kị tài năng của người khác, nhất là những tài năng của thế hệ sau mình. Hai ông đều khen ngợi “Thời xa vắng” của Lê Lựu hết lời, khẳng định tác phẩm này chính là cột mốc cho cuộc đổi mới văn chương Việt Nam. Anh Khải bảo tôi: “Hảo này, cái thằng Lựu nó cứ tẩm ngẩm tầm ngầm mà kinh. Nó giấu anh, không hề khoe cuốn này, đến khi in xong mới đem tặng. Các tiểu thuyết của anh là tiểu thuyết thời vụ, qua thời này là vất vào sọt rác. “Thời xa vắng” của Lựu là tác phẩm để đời. Lựu đã vượt lên thứ văn chương minh họa của Khải và Châu, cả Ngọc nữa…Nó là nhà văn số một của thế hệ các ông em tức lứa chống Mỹ của Hảo đấy…”

       Lê Lựu đã bán linh hồn cho các tiểu thuyết lớn của đời ông: “Thời xa vắng”, “Chuyện làng cuội”, “Sóng ở đáy sông”… để chúng sống mãi với nền văn học dân tộc như các tiểu thuyết gia hàng đầu tiền bối: Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng… hằng sống. Lê Lựu bán linh hồn cho Giang Minh Sài không phải để lấy tiền, mà để lấy nỗi cô đơn kiếp người đeo đẳng ông như số phận. Ông từng bị ma nhập một đời để lên đồng với chữ nghĩa, hạnh phúc với bút mực, ăn nằm với giấy trắng. Lúc tuổi xế chiều ông vẫn phải sống một mình một bóng để tu trọn kiếp trong ngôi chùa có tên là văn chương.,.

       Sài Gòn ngày 18-04-2012

Trần Mạnh Hảo

 

 

TRAO ĐỔI VỚI NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN TRẦN BẠT VỀ VẤN ĐỀ TỰ DO

 

       Ông Philipp Rösler Bộ trưởng bộ kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, kiêm Phó Thủ tướng Đức, trong buổi gặp gỡ sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội ngày 19-9-2012, đã nhấn mạnh vấn đề then chốt của nền kinh tế Việt Nam nằm trong hai tiếng TỰ DO: “Không có tự do thì làm sao người ta có thể suy nghĩ, quyết định và hành động một cách tự chủ đầy trách nhiệm được“. Ông Rosler nhấn mạnh: “Việt Nam cần phải để nhân dân có quyền tự do dân chủ thì mới phát triển được nền kinh tế”. Trích bài: ”Bộ trưởng Rösler tại đại học Hà Nội: “Việt Nam cần nhiều cải cách dân chủ”

       http://huynhngocchenh.blogspot.com/.../viet-nam-can-nhieu...

       Xem ra, lúc này, TỰ DO thiết yếu với con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam như dưỡng khí. Không có tự do, dân tộc ta, đất nước ta hầu như không có gì cả. Ông Hồ Chí Minh cũng có lúc phải thốt ra: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Có độc lập mà không có tự do hạnh phúc, coi như không có gì cả”…

       Trong lúc quyền tự do của người dân Việt Nam đang bị nhà nước hạn chế: hiếp pháp cho tự do báo chí nhưng dân không được ra báo tư; hiến pháp cho biểu tình nhưng nếu người dân (ông chủ) biểu tình yêu nước sẽ bị công an nhà nước (nô bộc) đàn áp bắt bỏ tù; hiến pháp cho tự do lập hội nhưng anh Điếu Cày vừa lập câu lạc bộ báo chí tự do mới có ba thành viên (Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải) cả ba người liền bị bắt giam lâu ngày, sẽ ra tòa ngày 24-9-2012 sắp tới); hiếp pháp cho tự do tôn giáo nhưng một số nhà sư, một số cha cố, mục sư, thầy chùa của đạo Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài, Hòa hảo và giáo dân vẫn bị đàn áp bắt bớ; hiếp pháp cho dân được tự do cư trú nhưng chính sách hộ khẩu lại ngăn cấm…thì việc nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt viết nhiều bài bàn về vấn đề TỰ DO thật đáng quý biết bao.

       Ông Nguyễn Trần Bạt, trong thời gian vừa qua, nổi lên như một hiện tượng hiếm có trong các vấn đề lý luận từ văn hóa đến chính trị, từ triết học đến kinh tế… như một nhà nghiên cứu lý luận nổi bật nhất của Việt Nam hôm nay, với gần chục tập sách dày cộm được nhà nước cho phép xuất bản công khai. Chỉ đọc qua một số mệnh đề rút gọn được ông Nguyễn Trần Bạt in trên mép gấp bìa bốn các cuốn sách của mình, cũng thấy ông dám dũng cảm thách thức nhà đương cục cộng sản Việt Nam, đặng công phá những lô cốt tuyên giáo đầy rào gai, đầy gươm giáo búa liềm kinh khiếp, cũng đủ thấy bản lĩnh của ông ghê gớm nhường nào; và cũng thấy nhà cầm quyền đã nhân nhượng khá nhiều để cho sách ông được in và phát hành công khai trên danh nghĩa lề phải…

       Khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vốn coi trí thức là cục phân (Mao Trạch Đông nhắc lại lời Lenin trong thư gửi Goocki), cấm đối lập, tức cấm các ý trái chiều, trái với ý nhà nước, nhất là cấm đối lập chính trị (mà đối lập là linh hồn biện chứng pháp Marxism), Nguyễn Trần Bạt dám thách thức chính quyền để đưa ra định nghĩa về trí thức như sau: “Tiêu chuẩn thứ nhất là trí thức phải cầm quyền về mặt lẽ phải, thứ hai là trí thức phải luôn luôn đối lập với nhà cầm quyền, đối lập với quá khứ, đối lập với nhau và đối lập với các yếu tố bên ngoài” (mép gấp bìa bốn cuốn: “Nguyễn Trần Bạt – Đối thoại với tương lai- tập 2- NXB Hội nhà văn 3-2011)

       Khi nhà cầm quyền coi chính trị là thống soái, Nguyễn Trần Bạt vạch ra nền giáo dục Việt Nam sa đọa là vì nó bị chính trị hóa, như sau: “Cải cách giáo dục về bản chất là phi chính trị hóa giáo dục, trả lại cho học đường tất cả những sự yên tĩnh của nó” (sách đã dẫn)

       Trên mép gấp bìa bốn cuốn “Cải cách và sự phát triển” (NXB Hội Nhà Văn 6-2011), Nguyễn Trần Bạt vạch ra một mệnh đề sống còn của đảng cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam là khi nền chính trị tuyệt đối nằm trong tay một đảng cầm quyền thì nhân dân thực chất không có một chút quyền lực nào: “Nếu xã hội tiếp tục là sở hữu của các tập đoàn chính trị, thậm chí người ta xây dựng các pháp chế để hợp pháp hóa vai trò làm chủ xã hội về mặt chính trị của các tập đoàn chính trị thì tức là không có nhân dân trong đó, tức là không có dân chủ”…

       Chúng ta có thể tìm thấy trong ngót chục cuốn sách của Nguyễn Trần Bạt những mệnh đề chính trị xã hội ngược với các giáo điều cộng sản đang tồn tại trên mặt lý thuyết ở nước ta hôm nay. Có thể nói, lần đầu tiên, ở Việt Nam sau năm 1975 đến nay, có một tác giả viết sách thực thi vai trò trí thức phản biện xã hội, dám đụng đến các vấn đề cốt lõi của chế độ độc đảng, độc quyền, lại hi hữu được nhà cầm quyền cho xuất bản rộng rãi- đó là tác giả Nguyễn Trần Bạt. Ông là người học được tinh thần đối lập của Marx để viết ra nhiều cuốn sách như một nhà nghiên cứu, một lý luận gia đối lập, nơi chính quyền tuyệt đối cấm đối lập. Đó chính là thành công lớn của Nguyễn Trần Bạt. Ông đã, đang và sẽ được lịch sử vinh danh vì dám dũng cảm nói lên tiếng nói chân thực của người trí thức trước các vấn đề chưa có lối thoát của xã hội, góp phần khai mở dân trí. Chúng tôi đánh giá rất cao công trạng này của ông.

       Tất nhiên, trong quá trình viết ra những cuốn sách dày cộm đầy những sự nhạy cảm có phần nguy hiểm như thế, tác giả Nguyễn Trần Bạt có khi phải vòng vo Tam Quốc, có khi vừa viết vừa run nên có chỗ phải thỏa hiệp, cải lương, lại có khi mập mờ đa ngữ nghĩa nên còn một số vấn đề chưa rốt ráo, hoặc chưa chính xác, chưa được khoa học cho lắm, cần phải thảo luận lại. Trước hết, đó là vấn đề TỰ DO.

       Vấn đề này Nguyễn Trần Bạt nhắc đến trong hầu hết các tác phẩm lý luận của mình. Trong bài này (chia làm hai kỳ), chúng tôi chỉ xin bàn với ông Nguyễn Trần Bạt về khái niệm Tự do, về các vấn đề liên quan đến tự do trong xã hội Việt Nam hôm nay nơi cuốn sách “Nguyễn Trần Bạt – Cải cách và sự phát triển” ( NXB Hội Nhà Văn 6-2011), và cuốn “Nguyễn Trần Bạt – cội nguồn cảm hứng” (NXB Hội nhà văn 6-2011)

       Trong cuốn “Cội nguồn cảm hứng”, ở trang 118, Nguyễn Trần Bạt viết: “Con người không được nhân danh bất kỳ điều gì để chuyển toàn quyền tự do cá nhân của mình, vì chuyển nhượng toàn bộ các quyền tự do cá nhân chính là nô lệ. Trong xã hội hiện đại, có một số dân tộc nhượng bán toàn bộ quyền tự do cá nhân cho Chúa, đó chính là nô lệ tinh thần”…

       Ở mệnh đề này, Nguyễn Trần Bạt dựa vào quan điểm khá sai lầm của Marx: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” để lập luận, để nô lệ hóa những người có niềm tin tôn giáo vào Chúa. Hóa ra, những người tin Chúa không bao giờ có tự do sao? Đây là vấn đề lớn trong khái niệm TỰ DO nên chúng tôi thấy cần bàn rốt ráo với ông Nguyễn Trần Bạt.

       Cần phải nhớ rằng, Chúa Jesus vừa là nhân vật huyền thoại vừa là nhân vật lịch sử có thật. Ngài đến thế giới để giải phóng con người, mang tự do đến cho người bị áp bức, cụ thể là để giải phóng nô lệ trong một đế quốc La Mã chiếm hữu nô lệ. Đạo của Người thuở ban đầu hầu như đa phần dân nô lệ đi theo.

       Đây là lời Chúa Giêsu rao giảng sự thật và tự do: “Nếu Người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8, 36)

       Thánh Phaolô nói về yếu tính tự do của Đức Giêsu: “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.” (1Cor 9, 19).

       Còn có thể trích ra trong Kinh Thánh rất nhiều cân bàn về tự do:

       “Anh em đã được kêu gọi để hưởng tự do, vậy chớ dùng tự do mà làm tôi xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu mến mà phục vụ nhau.” (Ga 5, 13)

“Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do.” (Gc 2, 12).

“Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do.” (2Cor, 3, 17).

       Khái niệm tự do, vấn đề tự do, mối quan hệ tự do giữa cá nhân và xã hội đã được các nhà khai sáng Pháp và Âu Mỹ thế kỷ Ánh sáng (thế kỷ 18) đặt ra rối ráo nhất, căn bản nhất bằng những khế ước xã hội quy định quyền tự do là quyền thiêng liêng nhất của con người. Trừ nhà triết học vĩ đại Voltaire bỏ Chúa, còn tất cả các nhà khai sáng dưới đây dù chống giáo hội nhưng họ vẫn là những người tìm thấy tự do trong Chúa: George Berkeley, Thomas Paine, Jean-Jacques Rousseau, David Hume, Montesquieu, Volff, Immanuel Kant, Benjamin Franklin, Denis Diderot, D’Alembert, Adam Smith, Thomas Jefferson (người viết “bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ)...

       Vậy theo ông Nguyễn Trần Bạt, chẳng lẽ các nhà khai sáng ra các giá trị tự do đích thực trên đều là bọn nô lệ tinh thần vì họ đã “nhượng bán quyền tự do cá nhân cho Chúa” ư ?

       Trong bản “tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ” năm 1776 và bản “tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền” 1789 của Cách mạng Pháp, là hai bản tuyên ngôn đặt vấn đề căn bản của con người là tự do đều tuyên xưng Chúa (Tạo hóa, Đấng tối cao) chẳng lẽ lại là những văn bản của người nô lệ “ bán nhượng quyền tự do cá nhân cho Chúa” theo quan niệm khá sai lầm của Nguyễn Trần Bạt trên hay sao?:

       Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". (trích bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ 1776)

 http://vi.wikisource.org/.../Tuy%C3%AAn_ng%C3%B4n_%C4%90...

       “Và như thế, Quốc Hội công nhận và tuyên bố, trong sự hiện diện và dưới sự che chở của Đấng Tối Cao, những quyền sau đây của con người và của công dân:

       Các điều khoản

       1. Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Sự phân biệt xã hội chỉ được phép thành lập trên cơ sở nó đem lại lợi ích chung cho cả cộng đồng.” (trích tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền cách mạng Pháp 1789)...

       http://danluan.org/.../ban-tuyen-ngon-nhan-quyen-va-dan...

       Ngày nay, các vị nguyên thủ quốc gia Âu Mỹ (kể cả Nga) khi nhậm chức đều để tay lên cuốn Kinh Thánh thề trung thành với Chúa và hiến pháp tự do dân chủ của mỗi nước.

       Nguyễn Trần Bạt tự mâu thuẫn với mệnh đề trang 118 của ông, rằng người tin Chúa hiến trọn tâm hồn và thể xác cho Ngài không có tự do, chỉ là những nô lệ tinh thần; trang 123, ông viết ngược lại rằng người tin Chúa, biết đối thoại với Chúa (thần thánh) cũng là người tự do: “Bất kể sự thỏa thuận nào cũng thể hiện quyền tự do của con người. Khi con người đối thoại với nhau, với nhà cầm quyền, thậm chí với thần thánh chính là lúc con người thể hiện tự do của mình”...

       Với những nước văn minh theo chế độ đa nguyên tự do dân chủ, tôn giáo là vấn đề tâm linh thiêng liêng nhất của con người. Với họ, tôn giáo và tự do không hề đối lập; ngược lại từ trong khái niệm thần học Thượng Đế, tự do đã được khai mở và phát huy những giá trị đẹp nhất nơi con người.

       Những triết gia tiền Ki-tô giáo thời cổ Hi Lạp đã coi tự do tinh thần giúp con người đạt tới cõi thần linh. Platon và Aristote cho rằng: “Đời sống cao nhất của con người là suy tưởng vì ở đó con người được sống cuộc đời thần thánh, nơi đó tự do và nhận thức hợp thành một… đời sống tự do thực sự của con người đã tạo nên hình ảnh của trí năng cũng như tư duy về cái tốt lành”

       Immanuel Kant, một tín đồ sòng đạo từng coi Thượng Đế chính là cái tuyệt đối của triết học, là khởi nguồn tư duy tự do đầy mặc khải, cũng xác định: “Một con người sinh hoạt theo lý trí sẽ nhất thiết sống tự do, không còn bị chi phối bởi cảm giác và nhục dục”

       Thánh Saint Augustine , nhà triết học, thần học Kinh viện lớn nhất từng nói rằng: “Ý chí Thượng đế là căn bản tự do”

       Hegel, người mang cái tuyệt đối Thượng Đế từ trời cao xuống trần gian đã nói về tự do như chìa khóa mở vào cái tất yếu, cái mà hình như chỉ có Chúa mới nhìn ra được, rằng: “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”, rằng: “Bản tính của tinh thần là tự do”. Khái niệm tinh thần Hegel dùng ở đây chính là tinh thần Thiên Chúa giáo vậy…

       Trong phần “Khế ước xã hội”, trang 110, 111 cuốn “Nguyễn Trần Bạt- Cội nguồn cảm hứng”,tác giả viết: “Một người sinh ra trên hoang đảo, anh ta sẽ không có nhu cầu nhận thức về tự do, mặc dù anh ta đang có tự do. Như thế, vấn đề trước tiên cần bàn bao giờ cũng là,tự do trong mối tương quan giữa người dân và nhà nước, và tự do giữa con người với nhau trong xã hội”

       Trong định đề trên, ông Bạt sao đã vội cấp cho “một con người sinh ra trên hoang đảo” chứng chỉ TỰ DO khí sớm? TỰ DO bao giờ cũng cần đi kèm những điều kiện của nó. Một con người bị tách ra khỏi xã hội loài người, con người đó làm sao có tự do? Anh ta (chị ta) sống một mình trên hoang đảo, dĩ nhiên không được hưởng sự giáo dục tối thiểu. Một người dốt liệu có tự do không? Không phải cứ sống hoang dã như loài thú thì có tự do.

       Vả, ông Bạt đưa con người vào hoàn cảnh phi xã hội, phi nhận thức, phi lịch sử như trên rồi ban cho nó món tự do của loài huơu nai mà được ư? Trong hành trình của con người hoang dã này, sao nó chỉ được xét trong mối quan hệ với xã hội và con người mà thiếu vắng một MỐI QUAN HỆ GỐC là mối quan hệ với TỰ NHIÊN…

       Tách con người ra khỏi tự nhiên mà chiêm ngưỡng xem nó có tự do hay không là quan điểm rất duy tâm về con người. Ở chỗ này, ông Bạt đã tiếp thu cái sai lầm to lớn của Marx, khi định nghĩa về con người như sau: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Marx sai là đã tách con người ra khỏi thế giới tự nhiên. Cần phải sửa câu định nghĩa về con người của Marx như sau mới chính xác: “CON NGƯỜI LÀ TỔNG HÒA CÁC MỐI QUAN HỆ TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI”

       Trước khi Marx ra đời trên dưới hai trăm năm, một nhà bác học người Anh theo phái tự nhiên là John Locke đã khẳng định con người có ba quyền lớn nhất mà Chúa Trời ban cho như Ngài đã ban cho muông thú: QUYỀN ĐƯỢC SỐNG, QUYỀN TỰ DO VÀ QUYỀN SỞ HỮU. Sau này triết gia người Mỹ Jefferson đã dựa vào thuyết này của John Locke mà viết ra bản “tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ” bất hủ. Tách rời tự nhiên ra khỏi con người, nên Marx đã rất hồ đồ cho rằng : mọi tội lỗi, mọi sự thống khổ của con người đều do quyền tư hữu, sở hữu mà ra. Chao ôi, khi quyết liệt xóa tư hữu, xóa sở hữu, Marx đã hạ bệ con người xuống dưới cả loài kiến; vì con kiến cũng biết tư hữu, sở hữu cái tổ của chúng, sở hữu miếng ăn của chúng và sở hữu cái râu của chúng…

       Cho nên, trong các nước cộng sản sau Marx, người ta đề ra một khẩu hiệu rất ngông cuồng là cần phải chống lại thiên nhiên, là vì vậy…

       Con người đi tìm tự do cho mình thông qua thiên nhiên, thông qua xã hội và thông qua mối quan hệ đồng loại. Không có thiên nhiên tham dự vào hành trình tìm kiếm cuộc sống và tự do, con người sẽ không bao giờ có tự do.

       Nguyễn Trần Bạt đã rất đúng và rất dũng cảm khi viết: “Qua những nghiên cứu về thực trạng thế giới thứ ba (Việt Nam nằm trong số này- chú của TMH), tôi nhận ra rằng, phần rộng lớn của thế giới lạc hậu nhất là về chính trị và biểu hiện quan trọng nhất của sự lạc hậu ấy là nhân dân ở đó không có tự do” (trang 12, cuốn: “Nguyễn Trần Bạt: Cải cách và sự phát triển – NXB Hội nhà văn 6-2011)

       Khẳng định nười dân Việt Nam hôm nay sống trong chế độ cộng sản “lạc hậu nhất về chính trị” hoàn toàn không có tự do là một thách thức lớn của Nguyễn Trần Bạt với nhà đương cục độc tài.

       Ngay sau những dòng đáng nể trên, ông Bạt khí chủ quan khi đưa ra một hằng đẳng thức có vẻ thiếu sự kiểm soát của khoa học: “Những nghiên cứu của tôi đã đi đến một kết luận có tính nguyên lý về lý luận, đó là KHÔNG THỂ CÓ SỰ PHÁT TRIỂN NÀO ĐI TRƯỚC TỰ DO…” (sách vừa dẫn trang 12)

       Khái niệm TỰ DO không chấp nhận cái ác và cái cực đoan. Chỉ xét trong hoàn cảnh Việt Nam từ năm 1986, năm nhà cầm quyền Việt Nam bỏ chủ nghĩa cộng sản để xây dựng nền kinh tế tư bản, mặc dù chưa có tự do; rõ ràng xã hội đã có sự phát triển hơn trước, cứu dân Việt Nam thoát khỏi cuộc chết đói vĩ đại có tên là chủ nghĩa xã hội. Nên nhớ học thuyết Marx căn bản là học thuyết về kinh tế. (CỘNG mọi tài SẢN của dân vào tay đảng cộng sản). Bỏ kinh tế độc quyền bị kế hoạch hóa để làm kinh tế tư bản: đa nguyên kinh tế, đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn phủ nhận học thuyết Marx. Chính họ là những kẻ CHỐNG ĐẢNG NHẤT chứ không phải là những nhà dân chủ đối lập bị họ gán cho tội chống đảng rồi bắt giam cầm trong nhà tù như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải sẽ ra tòa ngày 24/9/2012.

       Nhà Đường Trung Hoa có nền kinh tế và văn hóa phát triển hơn châu Âu đang chìm đắm trong bóng đen trung cổ, mặc dù các vua nhà Đường chưa hề biết khái niệm tự do. Chính Tôn Trung Sơn từng khẳng định: người Trung Hoa suốt 5000 năm lịch sử không bao giờ có tự do, cũng không hề nhận thức về tự do.

       Ngay thế giới Ả Rập thời đó cũng phát triển hơn châu Âu mặc dù họ chưa có tự do. Trung Quốc ngày nay là một đất nước KHÔNG CÓ TỰ DO nhưng là một ĐẤT NƯỚC PHÁT TRIỂN vào loại hàng đầu thế giới về kinh tế. Do đó kết luận: KHÔNG CÓ SỰ PHÁT TRIỂN NÀO ĐI TRƯỚC TỰ DO của Nguyễn Trần Bạt là không đúng.

       Nguyễn Trần Bạt đã rất đúng khi khẳng định chỉ có nền chính trị đa nguyên (đa đảng) mới là nền chính trị tự do: “Một thể chế chính trị hợp lý là một thể chế có khả năng được điều hành bởi những đảng chính trị khác nhau. Đó là CHÍNH TRỊ TỰ DO” (Cải cách và phát triển, trang 92, sách vừa dẫn)

       Nhưng sau đó chỉ 4 trang, ông Bạt đã tự mâu thuẫn, nói ngược lại ý mình như sau: “Tự do về chính trị là giải phóng con người ra khỏi chính trị chứ KHÔNG CÓ NỀN CHÍNH TRỊ TỰ DO” (sách đã dẫn, trang 96).

       Một nền chính trị đa đảng do dân bầu nên người cầm quyền là một nền chính trị vương đạo, một nền chính trị tư do. Ngược lại một nền chính trị độc tài, độc đảng là một nền chính trị bá đạo, nền chính tri không tự do, thiếu vắng nhân quyền.

       Rõ ràng ông Bạt còn tỏ ra lúng túng và bất cập về quan niệm giữa tự do và chính trị.

       Phủ nhận vai trò thiết yếu của các cuộc cách mạng trong vấn đề tạo dựng tự do, Nguyễn Trần Bạt viết: “Tôi cho rằng, mọi cuộc cách mạng đều không đem lại tự do, các cuộc chỉnh lý sau cách mạng đem lại tự do chứ không phải các mạng. Mọi người tưởng rằng cách mạng Pháp mang lại tự do, nhưng trên thực tế đã tạo ra Napoleon…” (Cải cách và sự phát triển –NXB Hội nhà văn 6-2011, trang 93).

       Nguyễn Trần Bạt viết như thế là hoàn toàn sai. Chính cuộc Cách mạng Pháp 1789 đã tạo ra khẩu hiệu tuyệt vời: TỰ DO-BÌNH ĐẲNG- BÁC ÁI. Đây chính là cuộc CÁCH MẠNG CỦA TỰ DO. Naponeon chính là sản phẩm tự do của cách mạng Pháp. Chính nhờ thiên tài quân sự vô song của Naponeon mà thành quả tự do của cách mạng Pháp không bị liên minh quân sự hùng mạnh của các vua Châu Âu bóp chết. Sau khi chiếm gần trọn châu Âu, Napoleon đã gieo hạt giống tự do dân chủ lên toàn châu lục này. Bộ luật DÂN SỰ của Napoleon rất tiến bộ, khẳng định quyền tự do, quyền sống, quyền tư hữu của công dân, giải thoát người nông dân châu Âu thoát khỏi vòng nô lệ của các lãnh chúa là bô luật vĩ đại, là bước tiến lớn của lịch sử nhân loại. Sau hai trăm năm từ khi bộ LUẬT DÂN SỰ của Naponeon ra đời, luật pháp, hiến pháp của các quốc gia Âu Mỹ hầu như vẫn còn giữ lại tinh thần giải phóng, tinh thần tự do của Naponeon. Lấy việc xưng Hoàng Đế của Napoleon để phủ nhận vai trò tiên phong của ông giữ gìn và phát huy tinh thần tự do của cách mạng Pháp, Nguyễn Trần Bạt hầu như chưa nghiên cứu kỹ lịch sử thế giới.

       Nếu không có Naponeon, thế giới ngày nay chưa thể đạt được sự toàn thắng của Tự do; trừ năm nước cộng sản: Trung- Việt- Triều- Cu- Lào vẫn còn giữ chế độ độc tài, một chế độ mà Cách mạng Pháp và Naponeon đã xóa sổ từ hơn hai trăm năm trước.

       Còn có thể kể thêm hai cuộc cách mạng khác đã tạo tự do cho nhân dân,là Cách Mạng Tân Hợi 1911 do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, lật đổ nhà Thanh, mang lại nền cộng hòa cho dân tộc Trung Hoa, và cách mạng bất bạo động của Mahatma Gandhi giành độc lập cho Ấn Độ năm 1947.

       Cần phải trích thêm một đoạn văn khác của Nguyễn Trần Bạt, để thấy sự ngộ nhận của ông về chuyện các cuộc cách mạng không mang lại tự do là một lô cốt ông không thể vượt qua để đi tới khái niệm tự do: “Không có hòa bình thì con người chạy trốn để tìm cách tồn tại. Tồn tại là mục tiêu của những hoạt động phi hòa bình (tức chiến tranh)… Chính vì thế, tự do hoàn toàn không phải là sản phẩm của các cuộc cách mạng… Các nhà cách mạng tạo ra một trạng thái bịa đặt, một trạng thái được gọi là tự do sau khi ra khỏi tù…” (Sách đã dẫn, trang 93,94,95)

       Những nhận xét của ông Bạt trên đều không đúng. Chính Naponeon đã dùng đại bác để rao giảng tự do, dùng chiến tranh để tạo dựng tự do trên phần lớn các lãnh thổ châu Âu phong kiến.

       Nhận thức về tự do của ông Bạt quả là ấu trĩ khi ông viết: “Tự do không phải là giải phóng nô lệ vì giải phóng nô lệ là giải phóng con người ra khỏi trạng thái bị giam hãm chứ không đem lại tự do thực sự cho con người”. (Sách đã dẫn gtrang 94)

       Viết như thế này, Nguyễn Trần Bạt đã vô tình xúc phạm người anh hùng giải phóng nô lệ Abraham Lincoln?

       Chúng ta còn có thể tìm thấy khá nhiều sự bất cập, thiếu vắng tinh thần khoa học trong sách của ông Nguyễn Trần Bạt, không chỉ sai về quan niệm tự do, mà còn sai nhiều nơi rải rác như khi ông bàn về dân chủ, về kinh tế, văn hóa hay toàn cầu hóa… Hẹn bạn đọc trong một dịp khác chăng?

       Khi chúng tôi đang ngồi viết bài báo này thì nhận được điện thoại của nhà báo, nhà thơ Lê Phú Khải gọi lên từ Cần Thơ: “Này, Trần Mạnh Hảo đừng để mất uy tín khi viết bài khen ngợi sách của ông Nguyễn Trần Bạt nhá. Ông ta đã phản bội các cuốn sách của mình rồi. Vừa qua, ông Bạt trong một bài trả lời phỏng vấn ca ngợi nhà nước cộng sản Việt Nam là không phải toàn trị, không phải độc tài, nghĩa là ngầm khen nhà nước độc đảng này dân chủ. Ông Bạt còn dám lăng nhục những người dân biểu tình đòi lại đất bị chính quyền ăn cướp là bọn người ăn vạ chính phủ. Ông Bạt còn nói nghiên cứu xã hội thì phải đứng trên lập trường của nhà cầm quyền… Nghĩa là ông Bạt đã lừa chúng ta bằng các cuốn sách dân chủ dỏm, tự do lừa. Thực ra ông Bạt là con bài của nhà nước đã bị lật mặt… Anh Hảo cho tôi (LPK) nhắn với Nguyễn Trần Bạt rằng: ông ta là một ngụy trí thức, là một người bỉ ổi… Anh Hảo hãy vào mạng xem bài của Phạm Hồng Sơn viết về Nguyễn Trần Bạt…”

       Tôi hơi bị choáng váng bởi hai cú điện thoại của nhà báo Lê Phú Khải nói về ông Nguyễn Trần Bạt. Tôi đã vào mạng đọc bài của anh Phạm Hồng Sơn, và phần nào thông cảm với sự nổi giận của anh Lê Phú Khải. Chỉ xin trích những lời ông Nguyễn Trần Bạt trả lời phỏng vấn để bạn đọc phán xét, trích từ bài báo: “Hơn hai sai lầm nguy hiểm của ông Nguyễn Trần Bạt” của Phạm Hồng Sơn Tháng 9 4, 2012 in trên © 2012 pro&contra.

       Chúng tôi chỉ xin trích những lời phát biểu của ông Nguyễn Trần Bạt, ngược hoàn toàn với tinh thần khai phóng, chan chứa nỗi niềm tự do dân chủ của ông từng thể hiện trong các cuốn sách của ông, như sau:

       “Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời phỏng vấn Trung tâm dữ liệu các tổ chức phi chính phủ.”[i]

       Ông Nguyễn Trần Bạt phát biểu: “Và đến bây giờ, tôi kết luận là: không có bất kỳ nguy cơ nào về mặt chính trị cho các nhà cầm quyền, cho Đảng Cộng sản Việt Nam và cho chính phủ Việt Nam khi chúng ta có một xã hội dân sự lành mạnh. Ngược lại, nó gỡ cho họ những gánh nặng khủng khiếp trong việc bành trướng cơ cấu nhà nước để tổ chức quản lý xã hội, cái mà nhiều người không thiện chí gọi là toàn trị. Tôi cho khái niệm toàn trị là một khái niệm thuần tuý lý thuyết. Xã hội chúng ta thực ra cũng không toàn trị. Các nhà lãnh đạo của chúng ta không có ai toàn trị.”

       Khi bàn đến vấn đề nhân quyền (quyền con người) ông Nguyễn Trần Bạt có đưa ra hai nhận định:

       Nhận định(1): “Người ta tưởng rằng nhân quyền gắn liền với sự đòi đất, kêu oan, biểu tình, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Con người sở dĩ ăn vạ chính phủ là vì họ không có năng lực.”

       Nhận định(2): ”Tôi đã có một kết luận rằng nhân quyền không còn là quyền chính trị, nhân quyền là quyền phát triển và chống lại rủi ro của cuộc sống.”

       Về chỗ đứng của nghiên cứu khoa học

       Nguyễn Trần Bạt phát biểu: “Nghiên cứu xã hội học tức là anh phải đặt mình vào địa vị của nhà cầm quyền, bởi vì bao giờ những nghiên cứu xã hội cũng phải bắt đầu từ lực lượng xã hội mạnh nhất, mà lực lượng xã hội mạnh nhất chính là các đảng chính trị cầm quyền. Vì nếu không xuất phát từ quyền lợi của các đảng chính trị cầm quyền thì các khái niệm tử tế không hình thành được. Cho nên phải đặt mình vào địa vị của họ để nghiên cứu cái mà mình muốn có hại gì cho họ không?”

       Ông Nguyễn Trần Bạt ơi, sao lại quay ngoắt 180 độ như thế này? Ông vừa mới phê phán đảng cộng sản Việt Nam là độc tài, là phi dân chủ, là tước đoạt tự do của nhân dân Việt Nam, sao giờ ông lại đổi giọng nịnh đảng thế, lại chửi dân oan, lại công khai nói ông đứng hẳn về phía chính quyền để nghiên cứu xã hội. Ông đã làm tổn thương đến tình cảm của tôi dành cho ông trong hai bài viết về những cuốn sách rất đáng đọc của ông.

       Xin ông thương lấy những cuốn sách rất được của mình mà đừng phản bội nó, hơn nữa lại đang tâm phản bội độc giả từng đánh giá cao ông,ít ra là trong thái độ dũng cảm dám đương đầu với cường quyền.,.

       Sài Gòn ngày 23-9-2012

Trần Mạnh Hảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét