Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

"ĐƯỜNG VỀ QUÊ MẸ" - ĐƯỜNG VỀ QUÊ THƠ / Trần Mạnh Hảo

 



 

ĐƯỜNG VỀ QUÊ MẸ

 

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,

Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,

Lại dẫn chúng tôi về nhận họ

Bên miền quê ngoại của hai thân.

 

Tôi nhớ đi qua những rặng đề,

Những dòng sông trắng lượn ven đê.

Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,

Người xới cà, ngô rộn bốn bề.

 

Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,

Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu

Trông u chẳng khác thời con gái

Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.

 

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,

Đoàn người về ấp gánh khoai lang,

Trời xanh cò trắng bay từng lớp,

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.

 

Tà áo nâu in giữa cánh đồng,

Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.

Bóng u hay bóng người thôn nữ

Cúi nón mang đi cặp má hồng.

 

Tới đường làng gặp những người quen.

Ai cũng khen u nết thảo hiền,

Dẫu phải theo chồng thân phận gái

Đường về quê mẹ vẫn không quên.

                                         1942

 (Đoàn Văn Cừ toàn tập. – H.: Hội Nhà văn, 2013)



 

"ĐƯỜNG VỀ QUÊ MẸ" - ĐƯỜNG VỀ QUÊ THƠ

      

Lời bình của Trần Mạnh Hảo

 

       Bài thơ "Đường về quê mẹ" là một bài thơ khá tiêu biểu của nhà thơ Đoàn Văn Cừ, in trong tập "Thôn ca" năm 1942. Năm 1941, khi giới thiệu thơ Đoàn Văn Cừ trong "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh đã viết: "Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ". Hoài Thanh lại cũng rất đúng khi viết: "Nhưng nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến tết". Trong dịp tết Nguyên Đán này, chúng ta cùng theo Đoàn Văn Cừ lên "Đường về quê mẹ", để tìm ra con đường về quê thơ của tác giả hơn năm mươi năm trước hồn hậu và thương mến biết chừng nào...

       Bài thơ có sáu khổ, viết theo bút pháp tả thực, chân mộc và giản dị theo kiểu tranh thuỷ mạc, không chuốt lục tô hồng, không siêu hình siêu thực, không uốn éo vặn vẹo mà lại rất thơ. Ấy là bởi Đoàn Văn Cừ nói bằng tình thực:

       "U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân

       Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần  

Lại dẫn chúng tôi về nhận họ

Bên miền quê ngoại của hai thân".

Có thể, một vài bạn làm thơ trẻ bây giờ, đọc tới những dòng trên của Đoàn Văn Cừ hơn nửa thế kỷ trước, chép miệng, tặc lưỡi chê: thơ thẩn gì mà quê mùa thế!

       Vâng Đoàn Văn Cừ quê mùa thật, cái quê mùa của thi ca, của hạt luá củ khoai, của nông thôn nước Việt. Thơ Đoàn Văn Cừ thật như hình ảnh "U tôi ngày ấy", như "Dặm liễu mây bay" và chân thành, chân chất như "Miền quê ngoại"... chỉ nhìn được, cảm được, nhưng không phân tích được... Khổ thơ bốn câu ba vần, nhà thơ xử dụng vần ân: xuân, gần, thân tạo cho người đọc cảm giác rân rân, gần gần, phân thân, bần thần... như một tiếng chuông ngân dài mãi nỗi phân vân "U tôi" ngày ấy. Thơ họ Đoàn là bức tranh tĩnh vật, nhưng là tĩnh vật của tĩnh vật, tuy có bóng người đang hoạt động đấy nhưng vì nó xưa quá, xa quá nên lặng lẽ quá, yên bình quá tưởng như không còn thấy thơ đâu cả, chỉ toàn vật sinh tâm, tâm sinh cảnh, cảnh sinh tình, tình sinh... thơ:

       "Tôi nhớ đi qua những rặng đề

       Những dòng sông trắng lượn ven đê

       Cồn xanh, bãi tiá kề liên tiếp

       Người xới cà ngô rộn bốn bề".  

       Nếu khổ thơ thứ nhất, nhà thơ tả cảm giác về không gian và thời gian, khổ thơ thứ hai tả khái quát toàn cảnh quê hương, nơi nhà thơ thời bé theo mẹ về quê ngoại ngày đầu xuân, thì khổ thứ ba là khổ thơ thành công nhất của bài thơ vì nó tả rất hay người mẹ Việt Nam xưa:

       "Thúng cắp bên hông, nón đội đầu

       Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu

       Trông u chẳng khác thời con gái

       Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au".

       Bài thơ từ tĩnh chợt chuyển sang động, hoạt và bừng lên như giữa vầng lá xanh chợt đột ngột hiện một bông hồng chớm nở. Người mẹ hiện lên đẹp như buổi sáng mùa xuân, gọn gàng và duyên dáng từ diện mạo, thần sắc đến trang phục như nét thanh tân dịu dàng của một cô Tấm, của một Giáng Kiều bước ra từ bức tranh Tố Nữ làng quê. Khổ thơ này tả người nhưng thực ra để tả tình, tả tình nhưng là cốt để nâng cảnh nông thôn Việt Nam lên cho quyến rũ và đa tình, cho thân thương và hấp dẫn.

       Cái duyên ngầm của người mẹ xưa cũng chính là cái duyên ngầm của thơ vậy. Khi mắt người đọc đã đọc sang tiếp khổ thơ khác, nhưng lòng thì đã ở lại, nhập vào hồn vía của câu thơ "Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au" từ lúc nào rồi. Khổ thơ này về ngoại hình thì động, nhưng hồn của nó lại ở thể tĩnh. Người mẹ xưa đã bước vào thơ Đoàn Văn Cừ, để tuổi đôi mươi duyên dáng lại mãi với bài thơ, không bao giờ già đi, mất đi như người mẹ thật ngoài đời. Thời gian ngừng lại không qua mùa hạ mùa thu, mà mãi mãi là mùa xuân với bà mẹ tuổi xuân xanh trong thơ họ Đoàn muôn thuở. Nhà thơ dùng bút pháp tĩnh lặng của thi ca phương Đông để làm xao động lòng người đọc: lấy tĩnh mà khơi động, lại biết lấy động mà đạt tĩnh là nghệ thuật của tranh Tống vậy.

       Khổ thơ thứ tư tác giả mượn cảnh giãi bày tâm trạng, mượn cái đông vui để diễn tả nỗi cô đơn và cái buồn của trời đất:

       "Chiều mát đường xa nắng nhạt vàng

       Đoàn người về ấp gánh khoai lang

Trời xanh cò trắng bay từng tốp

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng".

Ba câu thơ đầu của khổ thơ này phải nói là vui như tết, mắt ta đọc đến nhưng tình chưa đến kịp. Nhưng đến câu thơ thứ tư, mắt ta chưa đọc hết mà tình đã đến trước rồi vậy: "Xóm chợ lều phơi xác lá bàng". Hoá ra mùa xuân vừa đến, hồn của mùa đông vừa lìa khỏi xác lá bàng. Không phải cái lá bàng mà xác lá bàng, chỉ còn xác, vì cái hồn lá bàng đã về hư vô cùng với mùa đông vừa biến mất. Xác lá bàng rải rác trên các lều chợ kia đỏ như vệt máu đau thương của mất mát, chính là nỗi buồn xưa còn vương lại trong bài thơ. Nhà thơ ngầm cám ơn cái lá bàng rụng xuống cho mùa xuân về, cũng chính là nỗi lòng biết ơn quá khứ, biết ơn người mẹ.

       Chính quy luật sinh diệt của tạo hoá trong số phận xác lá bàng kia khiến ta cùng với nhà thơ, cố gắng lần cuối, níu lấy ngày xưa, níu lấy thì con gái của mẹ và níu lấy tuổi thơ thần tiên của mình, nhưng chừng như nón quai thao xưa đã mang đi tất cả:

"Bóng u hay bóng người thôn nữ

Cuối nón mang đi cặp má hồng".

Chiếc nón thời gian đã che mất cặp má hồng của quá khứ, chỉ còn là hoài niệm, nỗi buồn cũng cần phải biết lắng xuống như phù sa, để niềm an ủi nổi lên, để làng xóm bình phẩm về đức hạnh của mẹ, cũng là đức hạnh của nông thôn Việt Nam và là đức hạnh của thơ Đoàn Văn Cừ:

"Tới đường làng gặp những người quen

Ai cũng khen u nét thảo hiền

Dẫu phải theo chồng thân phận gái

Đường về quê mẹ vẫn không quên".

Có thể bạn trẻ làm thơ bây giờ cho là người bình bài thơ này tán hưu tán vượn, chứ thơ Đoàn tiên sinh thật như đếm, nôm na như mô - đen nâu sồng giờ không ai mặc nữa. Có thể thơ họ Đoàn còn chút nôm na, nhưng là cái nôm na của rơm rạ, của khói bếp làm nên vẻ răng đen bồ hóng, của hồn quê đất nước nhà tranh vách đất, của cái nôm na níu kéo tình người. Đọc bài thơ này của ông, không hiểu sao tôi cứ có cảm giác cái đẹp hồn hậu, cái đẹp chân nhiên nhất bao giờ cũng biết khoác lên mình chút vẻ sương khói của nỗi buồn vạn cổ. Mùa xuân, chúng ta hãy tìm về vơi nông thôn, nơi không chỉ là quê hương của dân tộc Việt, mà còn là quê hương của thi ca, quê hương của hồn người, tình người muôn thuở, để cám ơn nhà thơ Đoàn Văn Cừ, còn giữ lại cho ta cái bâng khuâng  thương mến, cái mỹ cảm của một thời đại đã đi qua.,.

              Nam Định 1985

                     TMH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét