Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

ĐỌC “MỘT HÔM CHỢT NHỚ SÀI GÒN” THƠ TRẦN HOÀNG VY / Châu Thạch

 

  


        Chỉ cần đọc “Một Hôm Chợt Nhớ Sài Gòn” thì những cảm xúc dâng tràn trong tâm hồn tôi rồi. Tựa đề bài thơ đã là môt câu thơ bình dị, nhưng hiên hữu ngay trong tôi cả một khung trời yêu thương dẫy đầy kỷ niệm. “Sài Gòn ơi, ta nhớ người trong cuộc đời!”  

       Khổ thơ đầu tiên cho tôi thấy lại những tà áo của “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát” năm xưa:  

                    Một hôm chợt nhớ... con đường  

                   Năm xưa, trưa nắng tan trường em đi  

                   Giòn vang tiếng guốc xuân thì  

                  Áo bay cánh trắng nhu mì nón che  

       Một hôm chợt nhớ…” không phải là nhớ hoài. Nhớ hoài nhớ mãi chỉ là một cách nói. Một hôm chợt nhớ là cách nói thật của lòng mình. Cuộc sống xô bồ đâu cho ta có thì giờ đề nhớ. Một hôm chợt nhớ mới là cái nhớ làm cho ta tỉnh thức, và chỉ cần “Một hôm chợt nhớ…” đủ diễn đạt nối nhớ bất chợt tràn vào tâm hồn ta với biết bao hoài niệm thân thương về một quá khứ dầu vui dầu buồn cũng vẫn vàng son trong đời.  

       Giòn tan tiếng guốc xuân thì/ Áo bay cánh trắng nhu mì nón che” tức thì cho ta liên nghĩ đến bài thơ “Áo Lụa Hà Đông” của Nguyên Sa mà môt thời quá khứ người ta yêu mến nó: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặt áo lụa Hà Đông”. Thời đó chúng  tôi yêu bài thơ Áo Lụa Hà Đông bao nhiêu thì bây giờ chúng tôi yêu câu thơ “Áo bay cánh trắng nhu mì nón che”  bấy nhiêu vì trong câu thơ nầy có áo lụa Hà Đông và biêt bao tà áo khác của Sài Gòn thiếu nữ năm xưa.  

       Sài Gòn năm xưa là hoa lệ, Sài Gòn năm xưa là Hồn Ngọc Viễn Đông, là đô thành, là chốn đèn màu, là chốn ăn chơi, nhưng tác giả không nhớ những điều đó. Nhà thơ chỉ nhớ vỉa hè với những món ăn bình dân và những rạp chiếu phim bình thường cho cọng đồng thuở ấy:   

                     Một hôm chợt nhớ vĩa hè  

                    Bột chiên, bò bía, chén chè, ly kem...  

                    Là khi tôi chợt nhớ em  

                    Bộ phim rạp Rex, Eden... đượm tình!  

       Khổ thơ cũng bình thường như ly kem năm xưa, như chén chè năm xưa của một công nhân, của một chàng học sinh, sinh viên hay của bất kỳ người dân nào của Sài Gòn một thời chưa bị đổi tên. Thế nhưng, khổ thơ tự nhiên thẩm thấu vào lòng ta biết bao hương vị đậm đà mà ta nhớ mãi trong đời với vô biên yêu thương, vô vàn quyến luyến của một thời tưởng như ở cõi Thiên Đàng trong tâm tưởng  mà ta chẳng bao giờ có lại.  

       Thế rồi từ con đường, từ chén chè, từ rạp chiếu phim nhà thơ nhắc đến tình yêu, thứ tình yêu của thuở vừa mới lớn,  

                     Con đường với hàng me xinh  

                 Một trưa bất chợt ve thình lình vang  

                 Nụ hôn vội vội, vàng vàng  

                 Ghế công viên, phút mơ màng chợt qua?  

       Nhớ đến tình yêu thì dòng sông ký ức chuyên chở về biêt bao nhiêu kỷ niệm, kỷ niệm từ chiếc xe  chuyên chở công cọng Lambretta thời ấy, đến những  đia danh, đến con đường chính Bornard của  phố Bến Thành thời xưa, đến tiếng chim gù nơi thư viện của môt thời sinh viên  yêu đương hò hẹn:  

                    Nhớ Sài Gòn, Lambretta...  

                  Tiếng xe quyện khói đường ra Bạch Đằng  

                   Hàng Xanh, cư xá mưa giăng  

                   Nhớ Sài Gòn, Thảo cầm viên... chung dù  

 

                   Phố Bonard, đường Nguyễn Du  

                   Hàng hiên thư viện, tiếng gù chim câu  

                   Dìu nhau ý hợp tâm đầu  

                   Sài Gòn hò hẹn, lâu lâu Bến Thành...  

       Có lẽ ai chưa từng ở Sài Gòn năm xưa thì không cảm động mấy với hai khổ thơ nầy. Ngược lại ai từng ở Sài Gòn năm xưa, nhất là ở đó trong thời tuổi trẻ thì từng hình ảnh, từng địa danh trong thơ đã gắn sâu trong ký ức, khiến cho mỗi câu thơ đem đến cho ta một khung trời kỷ niệm, một vùng trời yêu thương và một nỗi niềm thương nhớ. Cái còn chưa chắc sẽ còn một ngày nào đó, nhưng cái  mất đi mà ta yêu quý mới là cái còn mãi trong đời.  

       Bài thơ hay nhất ở một niềm mơ uớc thời trai trẻ. Niềm mơ ước ấy đẹp biết bao, thấm thía biết bao mã mỗi chưng ta ai có niềm mơ ước ấy, cứ mỗi lần nhớ lại thì một bầu trời êm đềm với màu sắc, với âm thanh êm ái hình nhứ tái hiện trong hồn, cho dầu ta ở bất cứ lứa tuổi nào đi nữa:  

                          Nhớ đêm đèn đỏ, đèn xanh  

                           Đêm màu hồng ước ta thành phu thê?  

                           Rước dâu xe ngựa Thị Nghè  

                           Qua Văn Khoa chợt lòng nghe mơ màng             Đêm màu hồng mơ ước được kết hôn cùng nàng, xe rước dâu đi qua vùng đất Thị Nghè, nơi có trường đại học Văn Khoa trên đường Cường Để. Có hàng ngàn ước mơ như thế, có hàng vạn bức tranh rước dâu như thế ấp ũ trong lòng những chàng sinh viên Văn Khoa, Luật khoa, Nông Lâm Súc…của  thuở ấy, của các chàng trai có trường học trong vùng  Thị Nghè hay vùng gần đó . Bức tranh nào ở đây cũng đẹp, cũng thơ, cũng mơ đến thắm thiết vô cùng.  

       Tất nhiên ước mơ không thành. Ước mơ mà thành thì khó thành thơ. Ước mơ không thành đem vào lòng mỗi chúng ta nỗi nhớ lưu ly, cho ta hương thơm vĩnh hằng, và cho thơ những vần tuyệt mỹ  mà không cần gắn chữ kim cương, chỉ cần gắn tên các địa danh vào đó như tác giả đã làm, đủ cho mỗi chứng ta thấy lòng mình thổn thức!  

       Thế rồi, cuối cùng nhà thơ thu gọn một thời Sài Gòn trong các cụm tư “lang thang”, “gác trọ”, mưa và chiếc lá che mưa cầm trên tay. Những cụm từ nầy đủ nói lên tất cả, cho ta nhớ đến  bài ca “Lời Buồn Thánh” của Trịnh Công Sơn: “Chiều chủ nhật buồn/Nằm trong căn gác đìu hiu/Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều/Trời mưa, trời mưa không dứt/Ô hay mình vẫn cô liêu.”, cho ta nhớ đến rất nhiều bài thơ, bài hát về một Sài Gòn năm xưa với vô vàn hình ảnh vui, buồn, đẹp và  thân yêu đọng trong hồn ta mãi mãi:  

                    Sài Gòn thuở bước lang thang                         

                    Trót thương gác trọ đêm vàng vọt đau  

                    Lăn theo từng giọt mưa mau  

                   Trên tay chiếc lá mùa sau biết còn?  

 

                    Một hôm chợt nhớ Sài Gòn  

                   Sài Gòn... đi mất chỉ còn mùi hương?...  

      Hai câu thơ “Một hôm chợt nhớ Sài Gòn/ Sài Gòn…đi mất chỉ còn mùi hương?...” khô khan biêt bao, khô khan  không có môt giọt lê, không có một tiếng thở ra nuối tiếc, như một cái bấm bất ngờ tắt hình ảnh trên màng hình, và bóng tối hiện lên trên đó, người xem ấm ức trong lòng, bỏ đi mà vẫn trông chờ được xem tiếp, một sự trông chờ vô vọng. Hai câu thơ hàm chứa tất cả hụt hẫng, cho ta sự nhói đau như nhói đau của một vết thương lòng chẳng bao giờ lành được!  

       Nhà thơ Trần Hoàng Vy, một thi nhân có từ thời Sài Gòn chưa đổi tên, cho đên sau Sài Gòn đổi tên, nhà thơ vẫn còn được bạn đọc, bạn thơ ái mộ, yêu mến trên thi đàn. Tôi biết nhà thơ đã lâu,  từ khi vườn ươm văn thơ Đất Đứng -Tây Ninh của nhà văn La Ngac Thụy trồng bút danh tôi vào đó. Như thế đủ biết rằng thơ hay của ông không chỉ là bài thơ nầy mà còn rất nhiều bài thơ khác nữa. Sở dĩ tôi chọn bài này để viết vì tôi không viết cho người có danh, bởi người có danh nhiều đến trăm, vì tôi cũng không viết cho thơ hay, bởi vì thơ hay nhiều đến ngàn, mà tôi chỉ viết cho tôi, cho những bài thơ của bất kỳ ai đem đến cho quả tim tôi sự quyến luyến không dời chân đi được.  

       Sáng hôm nay, tôi được hạnh ngộ với “Một Hôm Chợt Nhớ Sài Gòn” của nhà thơ Trần Hoàng Vy cũng giống như Nguyên Sa năm xưa ngồi ở một quán cà phê nào đó, thấy tà áo em làm rợp mát cả Sài Gòn. Bài thơ của nhà thơ Trần Hoàng Vy không là một tà áo, là môt bài thơ đã làm rợp mát cả Sài Gòn kỷ niệm trong tôi, cho tôi quay về thời tuổi trẻ đầy ứ mộng mơ và cho tôi những phút giây được sống lại trong Thiên Đàng quá khử. Tôi thấy lại cả Sài Gòn năm xưa  trong trong thơ Trần Hoàng Vy!  

                                                Châu Thạch  

                                          Đà Nẵng 15/5/2021  

 


MỘT HÔM CHỢT NHỚ SÀI GÒN  

 

Một hôm chợt nhớ... con đường  

Năm xưa, trưa nắng tan trường em đi  

Giòn vang tiếng guốc xuân thì  

Áo bay cánh trắng nhu mì nón che  

 

Một hôm chợt nhớ vĩa hè  

Bột chiên, bò bía, chén chè, ly kem...  

Là khi tôi chợt nhớ em  

Bộ phim rạp Rex, Eden... đượm tình!  

 

Con đường với hàng me xinh  

Một trưa bất chợt ve thình lình vang  

Nụ hôn vội vội, vàng vàng  

Ghế công viên, phút mơ màng chợt qua?  

 

Nhớ Sài Gòn, Lambretta...  

Tiếng xe quyện khói đường ra Bạch Đằng  

Hàng Xanh, cư xá mưa giăng  

Nhớ Sài Gòn, Thảo cầm viên... chung dù  

 

Phố Bonard, đường Nguyễn Du  

Hàng hiên thư viện, tiếng gù chim câu  

Dìu nhau ý hợp tâm đầu  

Sài Gòn hò hẹn, lâu lâu Bến Thành...  

 

Nhớ đêm đèn đỏ, đèn xanh  

Đêm màu hồng ước ta thành phu thê?  

Rước dâu xe ngựa Thị Nghè  

Qua Văn Khoa chợt lòng nghe mơ màng  

 

Sài Gòn thuở bước lang thang  

Trót thương gác trọ đêm vàng vọt đau  

Lăn theo từng giọt mưa mau  

Trên tay chiếc lá mùa sau biết còn?  

 

Một hôm chợt nhớ Sài Gòn  

Sài Gòn... đi mất chỉ còn mùi hương?...  

       Tháng tư, Sài Gòn  

        TRẦN HOÀNG VY  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét