Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

“BIỆT TAM THANH” THƠ LÊ GIAO VĂN (Khóc bạn thơ hay hơn khóc bạn tình) / Cảm nhận của Châu Thạch

 


 

BIỆT TAM THANH 

 

Anh trải thế tình qua thế sự 

Dòng sông Vĩnh Định đục hay trong ...? 

Cố quận- quê người đều đất trích 

Chỉ có quê thơ sống tận lòng 

 

Cùng một bào thai, hai thế kỷ 

Bể dâu gởi trả cuộc Nam hành 

Bao nhiêu Từ Thứ, bao Từ Hải ... 

Anh bạn của huynh- em bạn anh ! 

 

Lòng đất anh về tìm sao Đẩu 

Sao Khuê em lặng ngắm qua mành 

Giấy úa, còn nguyên hình nét bút 

Đường trần thao thức nhớ Tam Thanh. 

 

- bài 2. 

 

Chiếu thơ điểm lại biệt Tam Thanh 

Cõi mộng riêng anh bước độc hành 

Dâu bể không sờn khi sóng lớn 

Tang bồng chặng thẹn với ngày xanh 

Tứ thơ bay bỗng toan dừng lại 

Sự nghiệp cao sang cũng phải đành 

Nằm lại Vũng Tàu nghe biển hát 

Ngàn thu bên Chúa giấc mơ lành. 

 

                   Lê Giao Văn - 

 

        CẢM NHẬN CỦA CHÂU THẠCH 

 


        Nhà thơ Tam Thanh, tên thật Nguyễn Tiềm, sanh 1929 , quê Thanh Lê - Quảng Trị, mất 2011. Nhà thơ Lê Giao Văn quê Quảng Nam, hiện sông tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tiển bạn thơ của mình bằng hai bài thơ “Biệt Tam Thanh”, bài thứ nhất là thơ Mới, bài thư hai là thơ Đường luật. Cả hai bài thơ không có nước mắt, vì hình như nước mắt đã hóa thành hơi, bay lên vùng sao Đẩu sao Khuê. 

        Đọc khổ thơ đầu tiên của bài thơ thứ nhất cho ta thấy ngay nỗi đau của nhà thơ quá cố Tam Thanh không phải là nỗi đau bình thường, đó không chỉ là nỗi đau ly hương mà còn là nỗi đau thân phận như thân phận của kẻ bị lưu đày: 

        Anh trải thế tình qua thế sự 

        Dòng sông Vĩnh Định đục hay trong ...? 

        Cố quận- quê người đều đất trích 

        Chỉ có quê thơ sống tận lòng 

        “Thế tình” là thế thái nhân tình, là thời đại và lòng người. “Thế sự” nói khái quát là việc đời. Câu thơ đầu “Anh trải thế tình qua thế sự” cho thấy nhà thơ Tam Thanh đã sống trường trải với bao nỗi thăng trầm trong đời, đã kinh qua nhiều vui buồn trong cuộc sống. 

        Quê Hương của Tam Thanh là Quảng Trị, làng Thanh Lê nằm bên dòng sông Vĩnh Định. Nhà thơ Lê Giao Văn cho rằng dầu Tam Thanh ở tại quê nhà hay làm dân ngụ ở Bà Rịa- Vũng Tàu, vẫn là thân phận của một kẻ bị đày đi xa ở nơi “đất trích” 

        “Đất trích là gì? 

        “Đất trích” xuất từ tiếng “Trích điạ” trong Thơ Tỳ Bà Hành của Thi Sĩ Bạch Cư Dị: 

        Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân, 

        Tương phùng hà tất tằng tương thức. 

        Ngã tòng khứ niên từ đế kinh, 

                        Trích cư ngoạ bệnh Tầm Duơng thành. 

 

        Thi Sĩ Phan Huy Vịnh dịch: 

        Cùng một lứa bên trời lận đận, 

        Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau. 

        Từ xa kinh khuyết bấy lâu, 

        Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai. 

        Ngày xưa, những ông quan có tội thường bị Vua phạt bằng cách đổi đi làm quan ở những nơi xa đô thị, ở những vùng hoang vắng khỉ ho, cò gáy, chó ăn đá, gà ăn muối. Quan lại Tàu gọi việc viên quan bị đày đi xa là bị “biếm trích“, gọi nơi vị quan bị đày đến là “trích địa.” 

        Nhà thơ Lê Giao Văn chỉ dùng lại hai chữ “đất trích” của thi sĩ xưa, đã nói lên được tất cả nỗi đau của Tam Thanh, thi sĩ thời nay, ông không chỉ ở nơi đất trích là nơi ngụ cư, mà còn ở nơi đất trích trên chinh quê hương Quảng Trị của mình, vì nơi đây chắc ông bị ruồng bỏ, hành hạ, đọa đày, đối xử như là người tù bị biếm trích trên chính quê hương ông. Bởi thế Tam Thanh phải thoát ly đến miền trích đia xứ người. 

        Qua khổ thơ thứ hai: 

        Cùng một bào thai, hai thế kỷ 

Bể dâu gởi trả cuộc Nam hành 

        Bao nhiêu Từ Thứ, bao Từ Hải ... 

        Anh bạn của huynh- em bạn anh ! 

        Nhà thơ Tam Thanh chính là bạn với hai người anh của nhà thơ Lê Giao Văn: “Cùng một bào thai, hai thế kỷ”. Sau đó qua hai người anh của mình, tình thơ của Văn và Thanh nẩy sinh từ đó: “Anh bạn của huynh- em bạn anh” 

        “Từ Thứ” (160-220) là mưu sĩ của sứ quân Lưu Bị, sau đó là đại thần nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. “Từ Hải” là nhân vật Nguyễn Du yêu thích trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Đại thi hào Nguyễn Du đã xây dựng hình tượng Từ Hải lên một bước mới, dùng hình tượng anh hùng của Từ Hải để thể hiện nguyện vọng thầm kín của mình. Vị anh hùng ấy, ngòai thói đa tình , còn thêm hai đức tính đặc biệt khác nữa là, lòng kiêu hãnh, chí độc lập ngang tàng. 

        Lê Giao Văn đã mô tả hoặc xây dựng bạn thơ của mình, Tam Thanh thành một nhân vật đa trí đa tài như những anh hùng trong sử sách thuở xa xưa. Để làm chi? Để nhà thơ nằm xuống, như một nhân vật “Kinh luân khởi tâm thượng/Binh giáp tàng hung trung” (Việc chính trị đã định sẵn trong lòng/Việc giáp binh đã sắp sẵn trong bụng) nhưng đã bị thế thời trói tay, thời cuộc làm cho thân bại danh liệt, phải đem thân biếm trích đi cư ngụ vào nơi đất trích xứ người! 

        Nhà thơ Tam Thanh mất năm 2011, Lê Giao Văn không khóc, chỉ thao thức đêm trường đọc thơ Tam Thanh trên “Giấy úa còn nguyên hình nét bút”: 

        Lòng đất anh về tìm sao Đẩu 

        Sao Khuê em lặng ngắm qua mành 

        Giấy úa, còn nguyên hình nét bút 

        Đường trần thao thức nhớ Tam Thanh. 

        Sao Đẩu là sao gì? Đó là một nhóm gồm bảy ngôi sao ở phía Bắc trái đất, trong chòm sao Đại Hùng. Những tàu thuyền đi trên biển ngày xưa ngắm nhóm sao nầy để định hướng đi cho mình. 

        Lê Giao Văn muốn linh hồn bạn mình đi tìm sao Đẩu, là muốn bên kia thế giới, bạn mình không còn như con thuyền mất hướng, lênh đênh phiêu dạt như trên đời trần gian nầy nữa. 

        Trong văn hóa Đông Á và Việt Nam, sao Khuê là biểu tượng của văn chương, học thuật. Khuê Văn Các được xây dựng tại Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, mang biểu tượng này. Những bậc bác học lỗi lạc trong lịch sử được ví là sáng như sao Khuê; một trong số đó là Nguyễn Trãi, đã được Lê Thánh Tông cho tạc bia: Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (Tâm hồn cao thượng của Ức Trai sáng như sao Khuê) 

        Lê Giao Văn thao thức hằng đêm, đọc thơ bạn mình trên giấy úa, lặng ngắm ngôi sao Khuê qua mành, là ước vọng ở trên cao kia, bạn thơ Tam Thanh thỏa vui, vẩy vùng nơi chốn văn chương, không bị tự khóa tay bịt miệng như chốn trận gian nầy. 

        Bài thơ thứ hai Lê Giao Văn đưa tiển Tam Thanh là một bài Đường thi, tiếng thơ nghe bình tỉnh lạ thường, âm thanh như những con sóng gối đầu lên nhau, nhưng nỗi sầu cứ nhẹ bay, nhẹ bay như khói hương quyện lên giữa bầu trời trong xanh, trong ngày linh hồn người bay bổng lên cao. Hai câu thơ cuối “Nằm lại Vũng Tàu nghe biển hát/Ngàn thu bên Chúa giấc mơ lành” hòa nhập thiên nhiên cùng cõi vĩnh hằng nơi mộ chí, như ngàn vạn con sóng biển vọng muôn đời, tan linh hồn vào cõi vô vi. Hai câu thơ như hai cánh chim bay, mang linh hồn cả người sống và người chết vào miền an tịnh vô biên!: 

        Chiếu thơ điểm lại biệt Tam Thanh 

        Cõi mộng riêng anh bước độc hành 

        Dâu bể không sờn khi sóng lớn 

        Tang bồng chặng thẹn với ngày xanh 

Tứ thơ bay bỗng toan dừng lại 

        Sự nghiệp cao sang cũng phải đành 

Nằm lại Vũng Tàu nghe biển hát 

Ngàn thu bên Chúa giấc mơ lành. 

         Có lẽ không quá đáng khi tôi nói “Biệt Tam Thanh thơ Lê Giao Văn, khóc bạn thơ hay hơn khóc bạn tình”. Thật vậy, khóc bạn tình thì rơi nhiều nước mắt, khóc bạn thơ thì nước mắt ít rơi hoặc không rơi, nhưng tiếng thơ rơi vào trong lòng, như rơi vào cõi quyến luyến vô biên, như tiếng thủy tinh tan vỡ, như tiếng ngọc va vào vách đá, như tiếng nước rơi từ thạch nhủ trong động sâu, và như tiếng sóng biển thì thầm muôn đời cùng tinh tú. 

        Đọc thơ Lê Giao Văn tiển dưa bạn về trời, tôi thấy hình như có đủ những thanh âm mà tôi đã nói ở trên ./. 

 

                                                                Châu Thạch 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét