Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

ĐỌC “DÒNG NHỰA THƠM NGUYỆN ƯỚC” (TẬP THƠ CỦA NGUYÊN BÌNH) / Châu Thạch

 



           Cầm tập thơ “Dòng Nhựa Thơm Nguyện Ước” của nhà thơ Nguyên Bình do  bưu tá vừa đưa đến trên tay. Ngoài kia chiều xuống, phòng máy điều hòa chưa tắt, món ăn tinh thần biết là ngon đã đến, thôi thì cứ thưởng thức ngay. 

 


         Ăn ngấu nghiến thì biết ngon nhưng khó biết đủ đầy hương vị. Đọc ngấu nghiến thì biết hay nhưng khó biết hay vì sao. Viết ngấu nghiến, tức là viết ngay khi đọc chưa tròn một tác phẩm, thì viết không hết ý. Thế nhưng, với tập thơ nầy tôi phải viết ngay. 

Tôi phải viết ngay vì muốn giữ lại những cảm xúc dào dạt. Cảm xúc ấy khiến tôi không thể kèm chế được sự háo hức của lòng mình muốn viết . Những cảm xúc bất ngờ đến vì bất ngờ đọc được thơ hay thường rất dễ bị lịm tắt, quên đi nếu mình chưa kịp viết. 

Vậy tôi sẽ viết ngay, viết ngắn gọn về một số câu thơ mà tôi bắt gặp và yêu mến trong  “Dòng Nhựa Thơm Nguyện Ước” của Nguyên Bình. 

          Như nhà thơ Trúc Linh Lan đã viết ở phần giới thiệu tác phẩm: “Thơ Nguyên Bình phần lớn là thơ tình, trong trái tim anh đau đáu nỗi nhớ, yêu thương, chờ đợi”. Tôi viết thêm, thơ Nguyên Bình là thơ tình lãng mạn, ươm mầm tinh hoa từ dòng thơ Mới, gởi vào đó tâm tư tình cảm của thi nhân ngày nay, cống hiến cho đời những tấm lụa, một thứ lụa tơ tằm lung linh, bắt mắt trong cái nhìn của thế hệ hôm nay. 

        Để nói về người con gái chải tóc bên hiên, Nguyên Bình viết: 

              Ơ kìa…ai đứng bên hiên 

              chải tơ mà mượt xuống miền thảo thơm 

              Bếp tro con mướp dỗi hờn 

              sân vàng con mực cũng chờn vờn mơ 

              Và tôi hồn bỗng dại khờ 

               gõ bài thơ xuống phím tơ đây này… 

                                    (Nàng thơ) 

           Đây đích thị là một bài ca dao với hình ảnh nổi bậc, ngộ nghĩnh,  bình dân và thân thiện. Tóc nhà thơ gọi là “tơ”. Chải mái tóc buông xỏa xuống gọi là  “chải tơ mà mượt xuống miền thảo thơ”.  Ba từ “miền thảo thơ” làm cho không gian dưới mái tóc trở nên bao la như một khung trời lý tưởng, chứa đầy niềm vui và hạnh phúc. Thế rồi bếp tro, con mèo, con chó được đưa vào thơ, làm cho cái khung cảnh lý tưởng đó gần gũi và thân thiện với ta biết bao nhiêu. Tất cả thành thơ ngay dưới ngón tay của tác giả. Nhà thơ trở nên ông tiên nhìn cái đẹp. thấy cái đẹp và biến hóa cái đẹp thành bài ca dao thi vị. 

         Để nuôi  hy vọng về một ngày tái ngộ với người yêu, Nguyên Bình viết: 

         Rồi một ngày em sẽ hết buồn đau 

         ong rót mật óng vàng lên mái tóc 

         nắng hạ xanh vời mây trong mắt ngọc 

         trái tim hiền không dấu nỗi anh đâu 

                            (Rồi một ngày) 

         Hẹn người yêu một ngày tái ngô ở tuổi đã cao. Tả mái tóc ngã màu của nàng óng ánh như tóc một nàng tiên. Tả đôi mắt của nàng như cả một bầu trời, và tả trái tim dịu hiền của nàng thắm thiết trong trái tim yêu dấu của mình. Đây là một cách miêu tả dát vàng lên gỗ, để gỗ thành tượng vàng,  chỉ đôi bàn tay của thợ điêu luyện tài hoa mới  làm nên được thế. Đọc thơ,  ta thấy hình ảnh người phụ nữ trở nên hình tượng  cao quý, và trái tim thi nhân chung tình,  sâu xa, nhân ái đến vô cùng. 

         Để tả mùa xuân đang tới, Nguyên Bình viết: 

         Anh thử viết về mùa xuân đang tới 

         trời đất cụng ly nhắp chén giao mùa 

         ngàn tia nắng rải tơ lòng gieo hạt 

         mơn mởn đồng xanh ngàn cải đong đưa 

 

          Vạt chiều nghiêng khép giấc mơ vĩnh cửu 

          bóng mây xa ửng đỏ nét môi gần 

          ngày cuối năm chiều lên hương bát ngát 

          khói sương ngại ngùng bên nhánh phù vân 

 

          Đồi ngực trái nức đóa hình khai nhụy 

          dấu xuân ngời sau cúc áo cài khuy 

          em lung lịnh…phố chạy tràn xuân sắc 

          lộng  lẫy mùa yêu xanh biếc xuân thì… 

                   (Xuân Tới) 

         Khổ thơ thứ nhất: Trời và đất thành đôi tri kỷ đối ẩm với nhau. Ánh nắng không chiếu trên đất. Ánh nắng được nhân cách  hóa thành người, đi gieo hạt tơ lòng của mình. 

         Khổ thơ tứ hai: Mây xa và môi em là một. Mây hồng và môi son được đồng hóa trong nhau. Mây tan dần thành sương khói. Nhà thơ nhân cách hóa mây và khói sương bằng hai chữ “ngại ngùng”. 

         Khổ thơ thứ ba:Ngọn đồi và nhủ hoa của người yêu được đồng hóa cùng nhau, tất cả là dấu xuân ngời hương sắc. Con phố và bước chân em dạo phố cũng quyện vào nhau, tất cả đầy sức sống xuân thì. 

         Nếu không sợ ném đá, tôi dám nói rằng tiếng thơ  trong “Xuân Tới” mang đầy đủ tinh hoa của tiếng thơ Tự Lực Văn Đoàn thuở trước, ngoài ra trong  “Xuân Tới” còn cho ta những hình ảnh sống động, tươi vui, tràn sinh lực của mùa xuân đang tới. 

         Để nói về sự vô thường, Nguyên Bình viết: 

         Trên viên gạch lát cũ 

         trầm tích mùa xuân rêu bám 

         có tiếng guốc cung phi 

         mùi thơm bông bưởi rụng 

         có sầu em trên xác lá vàng 

                     (Trầm Tích) 

         Không như bà Huyện Thanh Quan  nhắc khung cảnh quá khứ trong dấu xưa, trong hồn thu thảo, trong lâu đài, trong bóng tịch dương, Nguyên Bình ghi dấu qúa khứ chỉ vào trong viên gạch. Viên gạch là trầm tích của một thời đại, ghi dấu đến cả tiếng guốc, hương thơm của hoa và cả nỗi buồn của người xưa lên đó. Tưởng tượng như vậy là một sự lãng mạn vô biên, liên tưởng như vậy là một ý thơ tác tuyệt, cấu tứ như vậy là môt sự độc đáo hiếm thấy trong thơ. Có thể nói là một khổ thơ cô đọng, nhà thơ đúc viên gạch lung linh như một tấm kính diệu kỳ. 

         Để nói về sự đợi chờ người yêu dài năm tháng, Nguyên Bình viết: 

               Lênh đênh bóng ngã sóng chiều 

               tôi về mây trắng cũng theo tôi về 

               Từ em vạn dặm sơn khê 

               nắng miên man nắng mưa dầm dề mưa 

               Còn trong dạ khúc xửa xưa 

               thì thầm câu hát thuở chưa hẹn hò 

               Tri âm lỡ mấy chuyến đò 

               vầng trăng cổ độ buồn xo đợi người. 

                                   (Đợi Người) 

           Để ý bài thơ, ta thấy rằng Nguyên Bình đã tạo ta một phong cách mới cúa thơ, đó là một phong cách mà tôi xin mạo muội đặt tên là “Nhị Tuyệt”. Ta thấy bài thơ được ghép bởi 8 cặp đôi lục bát, mỗi cặp đôi chỉ cần một câu 6 và một câu 8, đã nói trọn tâm tư của người thi sĩ. Mỗi cặp thơ lục bát ấy, tách ra vẫn đầy đủ ý nghĩa, ghép lại thì bài thơ xúc tích, diễn đạt lũy thừa được những diều muốn nói của thi nhân. 

           Cuối cùng xin mời đọc bài thơ “Niệm Khúc”, bài thơ “Yêu một lần để gởi lại ngàn năm”: 

            Anh hát cho em nghe bài ca mê say 

            Bài tình ca mặn mòi gọi thanh xuân trở lại 

            Bi khúc thiết tha “những ngày xưa thân ái” 

            Nắng chơi vơi khi mây trắng giao mùa 

 

            Trên phím đàn từng nhịp võng đong đưa 

            Trên ngực trái em gối đầu xỏa tóc 

            dòng thanh âm dập dìu mê hoặc 

            rạo rực ân tình réo rắt suối khe sâu 

 

            Anh hát cho em nghe niệm khúc đời nhau 

            lời hẹn hứa từ ngày xưa thơ dại 

            lời trối trăn cho mai nầy rồi mãi mãi 

            yêu một lần để gởi lại ngàn năm… 

 

            Em nghe chưa mà ban mai xa xăm 

            hương tóc ai còn vấn vương trong gió 

            lời yêu thương từ trái tim bé nhỏ 

            chở tình về bát ngát cả mùa yêu. 

                                      (Niệm Khúc) 

           Niệm khúc là gì? Niệm có nghĩa là tưởng nhớ, niệm khúc  là một khúc thi ca tưởng nhớ hay suy nghiệm về tình yêu, về cuộc đời, về tất cả những điều chất chứa trong lòng.  Bài thơ “Niệm Khúc” là một “khúc đời nhau” mà “anh hát cho em nghe”, là một khúc “rạo rực ân tình” réo rắt như dòng chảy của  “suối khe sâu”, như “nắng chơi vơi”. Như “mây trắng giao mùa”, như “từng nhịp võng đong đưa” mà âm thanh như  phím đàn phát ra thành “dòng thanh  âm dập dìu mê hoặc”. 

          Bài thơ tuyệt vời, tuyệt vời đến độ nó làm tê liệt suy tư của tôi, không cho tôi tìm ra lời ca tụng nó, chỉ còn trong tôi sự cảm xúc, khiến tôi nằm yên để nghe sự vuốt ve của bàn tay thơ làm mê mẫn tâm hồn . Nếu nói thêm, thì tôi xin dùng hai câu thơ cuối “lời yêu thương từ trái tim bé nhỏ/ chở tình về bát ngát cả mùa yêu”, sửa vài từ để nói về bài thơ nầy: “Lời yêu thương từ bài thơ trác tuyệt/ chở tình về bát ngát cả hồn tôi”. 

          Châu Thạch tôi có thể viết 10 trang, 20 trang cho tập thơ “Dòng Nhựa Thơm Nguyện Ước”  của Nguyên Binh mà không thấy chán chút nào, bởi vì nó có đến 107 bài thơ hay mà tôi chỉ trích ra đây có mấy bài. Nhưng thôi, tôi không chán nhưng người đọc thấy bài viết dài sẽ chán. Xin ngừng ở đây, để những vần thơ còn lại cho ai bước vào vườn trong trẻo, vô biên và quyến luyến của Nguyên Bình. 

                                     Châu Thạch 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét