Nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang |
Bác Lê Xuân Quang kính mến!
Kể từ ngày bác ký tặng em chữ ký cuối cùng trong tác phẩm cuối cùng của bác trước khi bác chuyển sinh hoạt về với các cụ Văn Cao, Nguyễn Bính, Nguyên Hồng… ở thế giới bên kia, đến nay quay đi ngoảnh lại đã 12 con giáp trôi qua. 12 năm không dài nhưng cũng đủ để nhìn nhận được đôi điều về bình giá người văn.
Đã có hàng nghìn, hàng vạn nhà văn nhà thơ khi sống đã tốn biết bao tiền của, công sức in ấn hàng triệu tác phẩm, nhận nhiều giải thưởng của hội này hội kia, nhưng khi chết rồi, cứ như viên sỏi ném xuống ao bèo, nghe đánh bủm một phát rồi mất tăm mất tích, chả còn ai nhớ đến họ, cứ như họ chưa từng có mặt trên cõi đời bụi bặm này vậy. Số còn được hậu thế nhớ đến, tác phẩm của họ còn sống trong lòng nhiều thế hệ hậu sinh thì đếm trên đầu ngón tay. Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa dân gian Lê Xuân Quang là một trong số đó. Đây, em chứng minh điều nhận định này cho bác đọc nhé!
Khi còn sống, bác phải bôn ba kiếm sống tự học là chính, chứ có được học trường nọ trường kia như người ta đâu mà có bằng cấp. Vậy mà nhiều nhà báo, nhà văn, bạn đọc, nhân dân cứ gọi bác là GIÁO SƯ NÔNG DÂN với tình cảm chân thành, yêu mến, kính trọng, tin tưởng… Em thì gọi bác là KỲ NHÂN. Ấy là vì các tác phẩm của bác thiết thực cho cuộc sống, vì tính trung thực thẳng thắn của bác. Bác luôn lấy sự thật làm tiêu chí cao nhất của nghiên cứu, thể hiện qua hàng trăm bài dọn vườn văn sử địa của bác, chẳng kiêng nể ai, dù có là giáo sư tiến sĩ hay lãnh đạo. Những bài phản biện của bác có lý lẽ, có cơ sở chắc chắn, khiến các vị bị phê bình cứng họng, có vị ức quá quay ra trù úm bác bằng cach sử dụng quyền hành không cho đăng bài của bác.
Những phát hiện về khảo cổ, văn hóa dân gian, lịch sử của bác rất có giá trị, góp phần lấp đầy những khoảng trống trong lịch sử hoặc đính chính những chi tiết thiếu chuẩn xác của tài liệu lịch sử… Chính thái độ trung thực, coi trọng sự thật của bác làm người đọc kính trọng bác. Uy danh GIÁO SƯ NÔNG DÂN Lê Xuân Quang có ảnh hưởng rất lớn trong bạn đọc và giới cầm bút. Bằng chứng là sau khi bác qua đời hơn năm trời mà một tờ báo lớn vẫn còn in bài trò chuyện bác, cứ như bác đang còn sống vậy.(1)
Lại nhớ lần thăm bác và được bác ký tặng sách, bác đã đọc cho em ghi chép chi tiết những tác phẩm, bản thảo, giải thưởng của bác để làm tư liệu bổ sung vào Thư mục nhân vật Nam Định. Em cũng đưa các số liệu đó vào bài viết chân dung bác đăng trên Văn nghệ Trẻ… Khi nhận được báo biếu, em cùng nhà thơ Tống Hiển cầm báo vào thăm biếu bác trong bệnh viện tỉnh, hồi ấy bác phải mổ cắt mật. Bác đọc xong bài báo, đôi mắt mệt mỏi ánh lên những tía sáng long lanh. Bác xúc động nắm chặt tay em, bảo: “Đã có hàng trăm bài báo viết về tôi. Nhưng duy có bài của ông là tôi ưng nhất. Ông đúng là tri kỷ của tôi”.
Trong số nhiều tác phẩm, bản thảo của bác đã được nhận khen thưởng, giải thưởng của nhiều hội, cơ quan khác nhau, có “Trò Ổi Lỗi…” ra đời năm 1999 của bác. Tưởng Trò Ổi Lỗi… được giải của Hội Văn nghệ dân gian ngày ấy đã quá lâu rồi, chả ai nhắc nhớ nữa. Nhưng không phải vậy. Mới đây, Trò Ổi Lỗi… của bác lại vinh dự được Hội VHNT, tỉnh ta trao Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh (2011 – 2015)… Điều đó chứng tỏ, bác mất rồi, nhưng Hội ta, tỉnh ta vẫn không quên bác, tác phẩm của bác từ thế kỷ 20 vắt sang thế kỷ 21 vẫn sống trong bạn đọc.
Thử hỏi: Được như bác Lê Xuân Quang, không phải là mơ ước của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu VHNT sao?
Từ cõi trần bụi bậm, em gửi tới bác nơi vĩnh hằng cực lạc tin vui đó và tấm lòng kính trọng yêu quý bác…
Thành Nam, tháng 10 – 2018
TMG
….………
Chú thích:
(1) Trò chuyện với đại giáo sư Lê Xuân Quang / Kinh tế & đô thị. – 2007. – Ngày 21 – 12.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét