Tập sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm Văn hoá Doanh nhân (TTVHDN) và Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) vừa ấn hành đã bị dư luận trong nước và ngoài nước phản ứng. Theo lời nói đầu của TTVHDN và NXBGD cho tuyển tập này, thì đây là cuộc thi bình chọn các bài thơ hay của thế kỷ XX, diễn ra trong suốt hai năm, có hàng nghìn thí sinh khắp nước và hải ngoại tham gia; cuối cùng, qua “mắt xanh” của ban chung khảo gồm năm vị: nhà thơ Hữu Thỉnh (trưởng ban), nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Trần Đăng Khoa, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh và nhà thơ Bằng Việt, mới lọc ra “vàng ròng” là 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX này.
Nhân việc nhà thơ Bằng Việt (người trong ban chung khảo) công bố trên báo Nông thôn Ngày nay (website báo Nhân dân có đưa lên mạng, nhờ trang web talawas nối mạng nên nhiều người trong và ngoài nước mới biết) thông qua hình thức phỏng vấn về những bất cập, những bê bối của việc tuyển chọn thơ kia. Trong bài trả lời phỏng vấn này, anh Bằng Việt tiết lộ: “Bài thơ ‘Nguyễn Trãi trước giờ tru di’ của Trần Mạnh Hảo đã có trong danh sách tuyển chọn, bị gạch đi thay bằng bài thơ ‘Đêm mưa’ của Tô Hoàn”. Nhân chuyện này, anh Việt Hùng của đài RFA (Á châu tự do) đã phỏng vấn chúng tôi. Bài phỏng vấn này đã được các trang web hải ngoại nối mạng, nên nhiều người đọc thông cảm, đã phôn cho chúng tôi, hỏi rằng: tìm bài thơ “Nguyễn Trãi trước giờ tru di” ở đâu? Vậy trước khi có một vài nhận xét về tuyển tập thơ trên, chúng tôi xin chép ra đây bài thơ “Nguyễn Trãi trước giờ tru di” của mình và bài thơ “Đêm mưa” của Tô Hoàn.
Nguyễn Trãi trước giờ tru di
Trên đường pháp trường con dâu ta trở dạ
Tiếng cháu thét chào đời như tiếng nghìn chim lợn báo tang
Đội ơn vua ban tã lót
Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt!
Ôi con đường ba họ ta đến nơi thọ hình
Sao dài hơn đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ
Ông Cao Xanh bỏ kinh thành về rừng xưa ở
Nơi vua lấy đất làm ngai, tình huynh đệ làm long bào
Nơi ta mót dần xã tắc cho vua như mót lúa
Chừng như ta đã đi con đường này từ Ải Bắc
Tiễn cha già hay đưa tiễn đời ta?
Đêm mưa đá, mưa tròng ngươi, mưa xuống nghìn con mắt
Ôi xã tắc
CON ĐƯỜNG NÀO CŨNG DẪN ĐẾN PHÁP TRƯỜNG
BÀN TAY CHỈ ĐƯỜNG NÀO CŨNG BÀN TAY ĐAO PHỦ?
Thân tùng bách há phải thân mùng tơi
Mây trắng xưa ơi
Sao giờ toàn những đám mây mưng mủ?
Ta thương xã tắc không mất về tay giặc
Lại mất về tay bọn nịnh thần
Triều đình ai cũng là Lê Sát
Mắt thiên tử như Nam Hải đố ai lấp đầy giai nhân?
Luân thường đem gác gác bếp
Chỉ ba ông đầu rau nhìn thấy dân
Ôi Hàn Tín, Bành Việt, Phàn Khoái
Gió trung thần đang hú gọi hồn đi
Dưới vòm trời Lã Hậu
Mưa tru di đỏ rực gió lăng trì…
Vẫn biết vân cẩu bày trò sinh diệt chơi
Lịch sử cợt đùa sai đúng
Sao cứ quặn lòng nhìn đám trẻ lôi thôi
Đội ơn vua không trói chúng
Tội chết chém còn được vua ban đao phủ cõng
Giá chỉ mình ta chui qua lỗ nẻ giữa đất dày trời cao?
Ừ, mây mù vừa làm cỏ sạch trăng sao
Chợt gió dữ tru di mây trời từng đám
Mặt trời văng ra như đầu thánh hiền bị trảm
Sao phép nước dùng dao chém đại thần
Để chém trẻ sơ sinh?
Mai sau lấy gì chém sông núi?
Đầu người đang rụng quanh ta
Máu là nước lũ Hồng Hà dời non
Hồn ta là đứa trẻ con
Đi vào cõi chết vẫn còn ngu ngơ
Nỗi oan không chết bao giờ
Ta còn bị chém dọc bờ thế nhân…
Trần Mạnh Hảo
Sài Gòn, tháng 9-1993
(http://www.gio-o.com/TranManhHaoTho1.html)
Đêm mưa
Con về thăm mẹ đêm mưa
Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên
Bao nhiêu hạt thẳng hạt xiên
Đã rơi vào mẹ những đêm trắng trời?
Con đi đánh giặc suốt đời
Mà không che nổi một nơi mẹ nằm!
Tô Hoàn
(100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX, trang 77)
Một điều rất lạ là hai vị trong ban chung khảo, nhà thơ Bằng Việt và nhà thơ Phạm Tiến Duật (cả hai vị đều có thơ được chọn) lại chê tuyển tập thơ quý hoá này là hỏng, là ẩu. Đây là lời anh Bằng Việt trong bài đã dẫn: “Trong 100 bài hay nhất thế kỷ XX… tôi thấy chỉ có 50% là xứng đáng… Một cuốn sách mà 50% chưa đạt thì thật khó chấp nhận”. Như vậy, dựa vào ý anh Bằng Việt, chúng tôi đề nghị TTVHDN và NXBGD lần sau tái bản, nên đổi nhan đề cuốn sách, từ 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX thành 50 bài thơ hay nhất và 50 bài thơ dở nhất thế kỷ XX mới đúng! Nhà thơ Phạm Tiến Duật trong bài “Chọn bài thơ bình thường thành… hay nhất thế kỷ XX” in ở trang 17, báo An ninh Thế giới Cuối tuần số 68, 3-2007, cũng đồng ý với ý kiến của nhà thơ Bằng Việt ở trên. Anh Phạm Tiến Duật tỏ ra rẻ rúng, coi thường chính sản phẩm mình tham gia tuyển chọn: “Tôi chưa hài lòng vì tôi không cảm thấy vinh dự lắm khi đứng trong tuyển tập 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX”.
Cũng trên trang báo An ninh Thế giới Cuối tuần này, bên cạnh bài của anh Phạm Tiến Duật là bài “Cơ quan Hội Nhà văn cảm thấy như thể bị mắc lừa” của nhà thơ Vũ Quần Phương - chủ tịch hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam - người có bài được tuyển chọn trong tuyển thơ, gay gắt và “phủ nhận sạch trơn” công lao của TTVHDN và NXBGD, cũng như công lao của ban chung khảo do nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cầm đầu, bằng những lời “ác chiến” sau: “Việc TTVHDN và NXBGD công bố 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX thì tôi cho rằng, đó là 100 bài thơ hay của các doanh nhân mà thôi. Mà đây mới chỉ là 100 tác giả thì chính xác, chứ 100 bài thơ hay thì chưa”… “Tôi thấy có một điều đáng lo là, việc rối loạn tiêu chí trong tuyển chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX. Nếu NXBGD in ra và đưa xuống các nhà trường thì chính các thầy cô giáo và học sinh nhầm lẫn. Đó là điều nguy hiểm. Cuộc bình chọn này cũng khiến cơ quan Hội Nhà văn cảm thấy hụt hẫng như thể bị mắc lừa”.
Người có bài phê phán tập 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX nhanh nhất in trên báo điện tử talawas và một vài báo trong nước là nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Anh Nguyên cho tuyển tập này là phản… thơ! Ba nhà thơ vinh dự có bài trong tuyển tập này là Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo và Hoàng Hưng cũng lên tiếng chê tuyển thơ này trên báo chí trong nước. Các vị này cho rằng tuyển thơ thế kỷ XX mà thiếu vắng hầu hết các nhà thơ của Việt Nam Cộng hòa, từc Sài Gòn cũ, cũng như các nhà thơ Việt Nam di tản là một thiếu sót lớn. Trên website Đàn Chim Việt, tác giả Nguyễn Văn Lục cũng dành hai bài phê phán tuyển thơ này.
Chúng tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của các nhà thơ, nhà phê bình trên sau khi đã có trong tay tập 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX. Nay, chúng tôi xin phép được nêu ra một số nhận xét, ngõ hầu để các nhà tuyển chọn, những “con mắt xanh” làm nghề chấm giải thưởng văn học, xét tuyển thi phẩm, văn phẩm cho các tuyển tập rút kinh nghiệm để trả văn học về cho văn học, trả thơ về cho thơ, nghĩa là phải lấy cái hay làm tiêu chí khi tuyển lựa giải thưởng hay tuyển chọn thơ cho các thi tuyển.
Sau khi đọc tới ba lần tập 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX, chúng tôi thấy tiêu chí chọn bài của ban tuyển chọn hầu như là tiêu chí chính trị. Có tới hơn ba mươi bài thơ trong tuyển thơ lấy đề tài “chiến tranh cách mạng”, tức đề tài chính trị làm nội dung phản ánh là hơi bị… nhiều. Ngay cả việc ban tuyển chọn đưa một số nhà thơ của Việt Nam Cộng hòa (1954-1975) từng có thành tích “chống cộng” là Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Đinh Hùng… để phục vụ Nghị quyết 36 về Việt kiều (khúc ruột ngàn dặm) của Bộ Chính trị cũng là tiêu chí chính trị, quyết không phải tiêu chí thơ; rằng tuyển thơ công bằng chưa nào, đủ cả Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rất chi là “mặt trận”! Còn các trường hợp các nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng của Sài Gòn cũ được đưa vào tuyển vì cụ Á Nam từng là Việt cộng nằm vùng; Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng không có “tì vết” chống cộng! Thế thì còn các tác giả thơ “thứ dữ” của Việt Nam Cộng hòa như các vị: Quách Tấn, Đông Hồ, Bàng Bá Lân, Kiên Giang, Nhất Hạnh, Cung Trầm Tưởng, Tuệ Mai, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thuỳ Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nhã Ca, Nguyễn Bắc Sơn, Trụ Vũ, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Viên Linh, Trần Tuấn Kiệt, Quách Thoại, Tường Linh, Luân Hoán, Hà Huyền Chi, Hà Thúc Sinh, Vi Khuê, Vũ Hữu Định, Nguyễn Tất Nhiên, Vương Đức Lệ, Kim Tuấn, Nhất Tuấn, Hoàng Anh Tuấn, Cao Thoại Châu, Cao Tần (Lê Tất Điều)… lại không có mặt trong một tuyển thơ hay của Việt Nam thế kỷ thứ XX là sao? Chưa kể các nhà thơ Việt hải ngoại như Nguyễn Hồi Thủ, Khế Yêm, Thường Quán, Hoàng Xuân Sơn, Đinh Linh… cũng bị bỏ rơi?
Có rất nhiều bài thơ dở trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX được chọn với tiêu chí chính trị, chứ không phải tiêu chí thi ca. Chúng tôi xin lần lượt chứng minh.
Trường hợp thứ nhất là một bài thơ dở của Sóng Hồng, bài “Đọc thơ Ức Trai”. Xin chép nguyên bài thơ từ các trang 84, 85, 86 của tuyển thơ đã dẫn.
Đọc thơ Ức Trai
Đêm đông sương lạnh
Quanh nhà tiếng trùng ra rả
Dưới đèn đọc thơ Ức Trai
Canh khuya nói chuyện với người xưa
Và thức tỉnh một thời qua
Hơn năm trăm năm trước
Nhân dân ta vùng lên đuổi quân xâm lược
Ai chí khí hiên ngang
Hơn đời mưu lược
Cứu dân cứu nước, nhớ lời cha
Một lòng ưu ái vì dân tộc
Lo trước vui sau giữ nếp nhà
Mười năm quyết chiến
Ngang dọc xông pha
Lấy nhân nghĩa chống bạo tàn
Dựa sức dân dẹp tan kình ngạc
Vung gươm khiếp vía quân Minh
Múa bút mềm gan tướng giặc
Sau khi sóng kình im bặt
Chí đang hăng dựng nước buổi thanh bình
Vì đâu phải lui về núi cũ
Bạn với cúc tùng cho ngày tháng trôi qua
Tưởng thoát chốn phồn hoa
Mặc ai bon chen danh lợi
Đau đớn nhìn việc đời biến đổi
Như mây trôi nước chảy xuôi dòng
Lúc thuyền ai hờ hững ở trên sông
Nhưng duyên nợ nước mây chưa trọn
Chí lo việc lớn vẫn hăng say
Bi kịch Lệ Chi Viên để lụy bậc thiên tài
Hận anh hùng, nước biển đông cũng không rửa sạch
Nay đọc thơ Người
Lòng ta đau xót
Thấm từng câu:
Yêu nước thương dân
Tâm hồn cao khiết
Sự nghiệp muôn năm vẫn sáng ngời
Ù ù gió thổi bên ngoài
Trăng bạc rung rinh cành sấu
Trông ra tưởng thấy Ức Trai
Trên đỉnh Côn Sơn đang mỉm cười
Nhìn con cháu thời đại Hồ Chí Minh anh dũng
Đã lấy máu viết nên Bình Tây đại cáo
Sóng Hồng
Hà Nội, mùa đông 1963
Có lẽ “quần chúng yêu thơ” và ban chung khảo tuyển chọn của nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Lê Lựu khi chọn bài thơ này của Sóng Hồng đã không phân biệt được sự khác nhau về thể loại giữa “thơ” và “tấu” chăng? “Đọc thơ Ức Trai” của Sóng Hồng thực ra chỉ là một bài tấu cũ, tức nói có vần, tịnh không có một câu thơ. Có lẽ bài này được tuyển chọn chỉ vì Sóng Hồng là bút danh của ông Trường Chinh – lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam - được coi như ngang hàng với ông Lê Duẩn, chỉ xếp dưới ông Hồ Chí Minh mà thôi? Ví dụ, chúng tôi xin ngẫu hứng theo bài tấu trên của ông Sóng Hồng mà “tấu” thử vài câu “thơ” về Nguyễn Du chơi :
Đọc thơ Tố Như
Đêm thu lá vàng
Ngoài trời qụa kêu quang quác
Dưới trăng đọc thơ Tố Như
Một mình ta ngồi thưa chuyện với tiền nhân
Người đã làm mất ngủ nhân dân suốt hai trăm năm nay
Thuở xưa đất trời đảo lộn
Nhân dân khổ ải vì chế độ phong kiến
Ai đã lấy tâm hồn để cứu khổ muôn dân
Người đó là Nguyễn Du thiên tài
Đã viết nên Truyện Kiều tuyệt tác
Nay ta soi vào còn thấy nỗi thương đời cồn cào
Từng câu thơ hay lắm lắm
Đọc Tố Như mà ứa lệ nhân dân…
Những câu thuần nói như trên, dù tới tấp xuống dòng cũng không thể gọi là thơ được!
Trường hợp thứ hai để minh chứng cho tiêu chí chính trị khi tuyển chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX, chúng tôi xin chép nguyên bài thơ “Sư đoàn” của Phạm Ngọc Cảnh in ở các trang 14, 15, 16 trong tuyển thơ đã dẫn:
Sư đoàn
Sẽ có những sư đoàn thép
Bất kỳ nơi đâu
Không khuất phục tù đầy chém giết
Nơi đâu
Người sống nợ nần người đã chết
Bất kỳ nơi đâu, từ một cây “mút nhét”
Một sải xuồng bơi
Một nọc ong châm góp làm sự nghiệp
Gốc tre xanh thắng trận cả ba đời
Ba mươi triệu tấm lòng xông ra tuyến lửa
Vạch lối điều quân
Vai cháy xe thồ
Trồng cây xanh che chở
Mỗi bước quân đi
Đánh trận trường kỳ
Đêm trước nấp trong lùm bắn tỉa
Sớm sau dàn trận chính quy
Đến trận bão hiệp đồng cả nước
Mỗi sư đoàn mang gió lốc bay đi
Đất giải phóng thênh thang
Sẽ cho ta dàn đội ngũ sư đoàn
Phía trước gọi ta
Những Điện Biên, vòng đai thép tung ra làm chiến dịch
Đòn gánh hậu phương vượt đèo đi phản kích
Hành quân
Hành quân
Trùng điệp những sư đoàn
Đi lên phía bắc
Tràn xuống phía nam
Những vị tướng lại cầm quân đi đánh giặc
Trải bản đồ
Còn nguyên
Vạch chì đỏ thắt quanh hầu giặc Pháp
Bài học chiến tranh nhân dân
Lại tiếp
Trang Ấp Bắc, Plâyme
Và chiến công trên ngực áo những binh nhì
Đất nước sẽ cho ta
Những chùm con số đẹp
Làm tên gọi khai sinh sư đoàn thép
Này đây
Doi cát Cửu Long xanh
Sư đoàn Châu thổ
Giữa bãi sú, rừng tràm
Vụt đứng dậy sư đoàn Nam bộ
Sư đoàn Tây Nguyên
Từ hầm chông bẫy đá chông tên
Này đây Cực Nam, Phan Rang, Phan Thiết
Này đây Quãng Ngãi, Phú Yên
Trên nguồn xa Ô Lâu, Thạch Hãn
Sẽ tiến về
Sư đoàn Trị Thiên
Lại có một ngày
Mọi cửa ô xanh Sài Gòn hớn hở
Như Hà Nội đã từng
Ba mươi sáu đường hoa tung sóng đỏ
Phất rừng cờ thổi hồng ngọn gió
Đón con em
Đón những sư đoàn
Mang chiến thắng trở về
Rập bước
Ca vang!
Phạm Ngọc Cảnh
1966
“Sư đoàn” là “bài thơ” viết theo trường phái “tấu thi” của Sóng Hồng: nghĩa là toàn những câu nói xuống dòng liên tù tì, toàn những câu nói rất sáo, mà là sáo cũ; thơ gì mà toàn khẩu hiệu, rất đao to búa lớn, quát tháo inh ỏi. “Sư đoàn” tịnh không có một câu thơ. Một số người hoài nghi: không biết nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh có ân oán giang hồ gì với “hàng nghìn quần chúng yêu thơ” và năm vị trong ban chung khảo tuyển thơ này hay không, mà họ lại chơi xỏ ông bằng cách chọn bài thơ dở nhất của ông vào tuyển thơ 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX, trong khi ông còn có vài ba bài thơ hay khác lại dìm đi, không chọn?
Trường hợp thứ ba, chúng tôi muốn chứng minh tiêu chí chính trị là tiêu chí tuyệt đối của ban tuyển chọn để tuyển thành tập thơ này. Đấy là bài thơ “Cô bộ đội ấy đã đi rồi” của chính một nhà thơ trong ban chung khảo: anh Phạm Tiến Duật. Nhưng lạ nhất là chính nhà thơ Phạm Tiến Duật lại chê bai chính bài thơ do anh và bốn thành viên chung khảo cùng “hàng nghìn quân chúng yêu thơ” đã chọn. Anh Duật viết về bài thơ này của anh trong bài báo đã dẫn: “Sở dĩ tôi nói chưa hài lòng vì họ lựa chọn bài mà tôi thấy không thích, thậm chí chỉ ở mức trung bình”. Tại sao bài thơ anh không thích, anh cho là trung bình, lại được đôn lên thành một trong những bài thơ hay nhất của thế kỷ XX? Xin chép nguyên văn bài thơ “không thích”, thơ “trung bình” của nhà thơ Phạm Tiến Duật:
Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy
Em gái đi, các anh ở lại
Biết đến bao giờ mới được gặp nhau
Lũng thì thẳm mà rừng thì sâu
Để hun hút nhớ nhau biền biệt
Bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu bạn bè thân thiết
Xa nhau như xa nhau hôm nay
Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay
Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá
Anh biết nói rồi bao nhiêu vất vả
Tháng năm dài cùng nhau đi qua
Để sáu bảy năm em gái xa nhà
Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói
Cả một thời trẻ trung sôi nổi
Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa
Nhớ nhau, nhớ nhau ở giữa rừng già
Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát
Cái đêm đói ngồi nghe chim đắp tát
Con chó vàng cọ chân em đòi ăn
Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm
Căn nhà dột tóc em ướt hết
Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết
Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ
Nhớ trưa đỉnh đèo ta đứng ngẩn ngơ
Nhìn mây trắng chân trời ngỡ biển
Biển Đông thì xa biết ta nhìn chẳng đến
Nhưng em vui anh kể chuyện em nghe
Trưa vác gạo ta dừng bên khe
Một đoàn tù binh đi qua đang đứng ngó
Bên những thằng người áo quần loang lổ
Bóng em lồng bóng suối trong veo
Lúc ấy lòng anh biết mấy tự hào
Tự hào vì có em ở đây, tự hào vì đất nước
Ở đây màu hồng xiết bao thân thuộc
Xao xuyến lòng anh, xao xuyến bạn bè
Đến chào anh sáng mai em đi
Như ngày nào chào bà con hàng xóm
Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn
Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay
Rồi ngày mai xa vắng nơi đây
Em lại có bao nhiêu đồng đội mới
Trong chiến tranh một khát khao sôi nổi
Là nhân dân đoàn tụ muôn đời
Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Phạm Tiến Duật
Người viết bài này xin van lạy “hàng nghìn quần chúng yêu thơ” theo sự quảng cáo của TTVHDN đã bỏ phiếu chọn bài thơ “Cô bộ đội ấy đã đi rồi” của Phạm Tiến Duật và ban tuyển chọn do nhà thơ Hữu Thỉnh cầm đầu, xin thương xót chúng tôi mà viết bài chỉ giúp chúng tôi xem bài thơ này hay ở chỗ nào, vì sao nó lại được chọn làm một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ thứ XX? Riêng ngu ý của chúng tôi, thì bài thơ này quá dở vì nó chỉ là một bài tấu, chẳng có một câu thơ hay, lại toàn lời nói sáo ngô nghê, dông dài, lẩm cẩm, mà sáo mới, khác sáo cũ của bài thơ trên của Sóng Hồng và bài thơ trên của Phạm Ngọc Cảnh. Thơ, chỉ có hay và dở. Nay, Phạm Tiến Duật xếp bài thơ trên của mình là bình thường, trung bình, mình không thích, tức thị là thơ dở rồi còn gì?
Trường hợp thứ tư trong tiêu chí chính trị để chọn thơ của “hàng nghìn quần chúng yêu thơ” và ban tuyển chọn của nhà thơ Hữu Thỉnh là trường hợp bài thơ “Nói sao cho vợi” của tiến sĩ Thu Trang, nhà sử học, cựu minh tinh màn bạc từng đóng phim chống cộng Chúng tôi muốn sống, nữ Việt cộng nằm vùng của Sài Gòn những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, Việt kiều yêu nước tại Paris nước Pháp. Xin chép trọn vẹn bài thơ của nữ sĩ Thu Trang in ở trang 203, 204 tuyển thơ đã dẫn:
Nói sao cho vợi
(Thương mến gửi các em ở bên nhà)
Paris tối nay tuyết đổ
Rơi rơi phủ trắng phố phường
Hoa đèn tăng phần rực rỡ
Kinh thành bát ngát sắc hương
Ánh sáng át hẳn màn sương
Chen chân trên khắp ngả đường
Vui tươi trai thanh gái lịch
Hồn nhiên họ đón xuân sang
Chân bước mà lòng miên man
Quê ơi xa cách muôn vàn
Không khóc mà lòng thổn thức
Nói sao cho vợi niềm thương
Paris bát ngát sắc hương
Quê tôi giờ này ai biết
Chắc bên mái tranh đạm bạc
Vườn rau là bãi chiến trường
Tôi đi giữa vầng ánh sáng
Nhìn thiên hạ đón xuân sang
nghe câu hỏi thầm đau buốt
Bao giờ mùa xuân Việt Nam?
Bao giờ xuân thanh bình sang?
Mùa xuân thống nhất quê hương
Mùa xuân tự do độc lập
Mùa xuân không đượm tóc tang
Trong hồn day dứt mênh mang
Quê tôi miền Bắc miền Nam
Chắc đang hào hùng chiến đấu
Ngăn bàn tay giặc hung tàn
Giữa muôn hương sắc huy hoàng
Tôi không thấy mùa xuân sang
Hồn tôi ở phương trời ấy
Tôi đợi mùa xuân Việt Nam
Thu Trang
1969
Có thể khi viết bài thơ này, nữ sĩ Thu trang rất chân thành, rất xúc cảm. Nếu bài thơ này chỉ nằm trong tập thơ riêng của bà, thì tuyệt nhiên chúng tôi không dám động tới. Nhưng khi nó đã được “hàng nghìn quần chúng yêu thơ” và nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Lê Lựu cùng tập thể các nhà thơ số một Hà Nội, giáo sư số một Hà Nội tuyển chọn thành một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX thì nó đã vượt qua cảm xúc chân thành riêng tư nữ sĩ, mà nó thành tài năng, tài sản quốc gia, thành nghệ thuật, thành mẫu mực cho thơ hay, đè bẹp hàng vạn bài thơ chưa hay khác! Nó, tức nhiên bài thơ trên của nữ sĩ phải chịu sự thử lửa của dư luận, điều mà nữ sĩ Thu Trang chắc chắn không hề muốn. Bởi vì trong đời, bà đã có quá nhiều lĩnh vực thành công, chẳng dại gì chen chân vào chốn trường văn trận bút để làm trò cười cho thiên hạ. Nhưng, lỗi là ở “hàng nghìn quần chúng yêu thơ” do nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn đắt, đã đẩy bà bỏ sở trường khoa học vốn dĩ của mình, để liều mạng nhảy ùm xuống sông sở đoản của mình là thơ, để “giơ đầu chịu báng”! Có nhiều luồng dư luận quanh vụ chọn bài thơ này của bà Thu Trang (và một vị Việt kiều khác) rằng các anh Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa mỗi lần du Tây, ghé qua Paris luôn luôn được Ban Việt kiều Yêu nước của nữ sĩ Thu Trang tiếp rước linh đình. Nay, các nhà thơ này tìm cách trả nợ, đã đẩy bài thơ còn ở dạng báo tường này của nữ sĩ Thu Trang thành một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX theo kiểu ngụ ngôn La Fontaine: con ễnh ương toan phình bụng lên thành con bò. Cũng có luồng dư luận bảo, “hàng nghìn quần chúng yêu thơ” và hai ông Hữu Thỉnh, Lê Lựu thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị “lôi kéo khúc ruột ngàn dặm”, nên trong tuyển thơ hay nhất thế kỷ, sao lại quên bà con Việt kiều? Và nữ sĩ Thu Trang được ưu tiên hơn tỉ lần những Việt kiều “chưa yêu nước” khác như các thi sĩ: Nguyễn Hồi Thủ, Thường Quán, Khế Yêm, Đinh Linh… Cả hai dư luận trên, dù ban tuyển chọn tập thơ hành xử theo phương cách nào, xét cho cùng, thì việc đưa những bài thơ kém cỏi như bài thơ này của nữ sĩ Thu Trang vào tuyển thơ 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX cũng là hành vi không lương thiện.
Một hành vi không lương thiện khác của “hàng nghìn quần chúng yêu thơ” và hai vị Lê Lựu và Hữu Thỉnh là việc chọn bài thơ “Cổ Luỹ cô thôn” của nhà thơ Phạm Thiên Thư, một bài thơ thất ngôn bát cú; xin chép nguyên văn từ trang 202 của tuyển tập đã dẫn:
Cổ Luỹ cô thôn
Một dãy trường thành trấn ải biên
Còn viền dương lạnh gác bên triền
Cô thôn trúc lặng – sương nhòa khói
Cổ Lũy thành trơ – gió thoảng nền
Buồm cá nâu vênh - bờ bến đậu
Đàn cò trắng nổi - cụm tùng lên
“Cô thôn Cổ Lũy” hư mà thực
Dù chỉ nghe qua cũng chạnh niềm
Phạm Thiên Thư
Đây là bài thơ vào loại dở nhất của anh Phạm Thiên Thư. Anh Phạm Thiên Thư có nhiều bài thơ hay khác sao không chọn, lại đi chọn bài thơ kém cỏi này? Ngay cả thiên tài thơ như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương… cũng vẫn còn có bài thơ dở, huống hồ Phạm Thiên Thư? Phạm Thiên Thư rất xứng đáng được chọn vào 100 bài thơ hay thế kỷ XX nhưng không phải là bài thơ dở tệ như bài này? Hay là “hàng nghìn quần chúng yêu thơ” và hai ông Lê Lựu, Hữu Thỉnh không phân biệt được thơ dở và thơ hay? Hay là ban tuyển chọn ra đòn chính trị, chơi khăm Phạm Thiên Thư để chơi xỏ các nhà thơ của Việt Nam Cộng hòa: rằng, thơ các anh dở ẹc, các ông thử chọn ra vài mống để thiên hạ cười chơi?
Vì khuôn khổ bài báo không cho phép, chúng tôi không thể chép ra đây hết 70 (bảy mươi) bài thơ dở khác theo trường phái “tấu thi” của cuốn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX để quý bạn đọc cùng phán xét. Chúng tôi có một yêu cầu, nếu TTVHDN và NXBGD (thấy ghi ở trang 4: “Bản quyền thuộc NXBGD) tái bản tuyển tập thơ có một không hai này, xin nhớ thay đổi nhan đề cuốn sách thành: 30 bài thơ hay và 70 bài thơ dở nhất thế kỷ XX.
Sài Gòn 18-04-2007
Trần Mạnh Hảo
…………………………..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét