Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

Sách mới: TRĂM NĂM AI THẤU : Thơ Đường luật (2016 – 2018) / Trần Kiều Am




         Trang chủ nhận được sách tặng của nhà thơ Trần Kiều Am, cuốn:

         TRĂM NĂM AI THẤU :  Thơ Đường luật (2016 – 2018) / Trần Kiều Am. – H.: Nxb. Hội Nhà văn, 2018. – 140 tr. ; 19 cm.


         Sách tập hợp 123 bài thơ thể Đường luật do tác giả sáng tác trong ba năm 2016 – 2018, trong đó có 4 bài tứ tuyệt thất ngôn, 5 bài ngũ ngôn bát cú, còn lại là thất ngôn bát cú.
        Cái khó nhất của thơ Đường luật là phải theo đúng niêm luật chặt chẽ trong một số câu, số từ hạn chế, làm cho người sáng tác rất gò bó. Người sáng tác, nhiều khi theo đúng niêm luật thì ý không thoát, ngược lại, đạt ý phóng khoáng thì có khi lại không đạt về niêm luật.
Theo thiển ý của trang chủ, một bài thơ theo thể Đường luật thì trước hết phải tuân thủ niêm luật cơ bản của thể thơ đã được quy định. Nếu không thì nó không phải là Đường luật nữa. Mặc dù xem xét một bài thơ, trước hết phải coi trọng ý, tứ, nhưng về hình thức, niêm luật đối trong thơ Đường luật có vai trò rất quan trọng. Chính những quy định về niêm luật được đúc kết qua thời gian của thơ Đường luật đã đạt đỉnh cao nghệ thuật, làm cho bài thơ trở nên giàu tính nhạc, nhịp điệu uyển chuyển, thanh âm được bố tri cân bằng, hài hòa…
          Thực tế sáng tác rất ít nhà thơ đương thời chuyên về thơ Đường luật, có lẽ thơ Đường luật rất khó làm. Song thơ Đường luật lại được rất nhiều người dân thường, sinh hoạt trong các câu lạc bộ ưa thích và thực hành. Tuy nhiên, để có một bài thơ vừa hay về tứ, ý, vừa đảm bảo đúng niêm luật thì không phải ai cũng làm được.


          Tác giả Trần Kiều Am, tên thường dùng là Trần Hùng sinh năm 1942, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Thượng tá quân đội, đã in Cây bàng lá đỏ (2016), Bồi hồi tháng ba (2017), Trăm năm ai thấu (2018)…
          Với Trăm năm ai thấu, nhà thơ Trần Kiều Am thực sự là một trong số không nhiều những người làm thơ Đường luật vững vàng về niêm luật mà tứ ý thơ sáng rõ. Tôi rất khoái với ngón chơi “tung hoành trục khoán” mà trong tập thơ Trăm năm ai thấu của nhà thơ Trần Kiều Am có tới 6 bài.
          Tôi nghĩ, đánh giá về Trăm năm ai thấu của Trần Kiều Am, tốt nhất là giới thiệu bài viết của cụ Hoài Yên in ở đầu cuốn sách.
Xin chân thành cảm ơn nhà thơ Trần Kiều Am tặng sách và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét