Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

THĂM NHÀ LƯU NIỆM NAM CAO VÀ NHÀ BÁ KIẾN / Trần Mỹ Giống




THĂM NHÀ LƯU NIỆM NHÀ VĂN LIỆT SĨ NAM CAO

        Sáng 8 - 7 - 2014 tôi cùng nhà thơ Chu Đình An và nhà thơ Nguyễn Hữu Thức (Phó chủ tịch CLB thơ Non Côi Sông Vị) đi thăm nhà lưu niệm nhà văn liệt sĩ Nam Cao ở Nhân Hậu (Lý Nhân - Hà Nam).  Nhìn từ trên đường cái xuống nhà lưu niệm thấy khá đẹp. Ngõ nhỏ dốc từ trên đường cái xuống xây bậc gạch, giữa có gờ khoảng một gang tay... Mộ nhà văn bên ngoài, nhà lưu niệm bên trong.

       Sân gạch ẩm ướt do mưa, rêu lờ mờ xanh. Tôi dắt xe máy cua trong sân, trượt bánh xuýt đổ. Vườn trước sân, bên ao cá, có hai cây của bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trồng lưu niệm, nhỏ và còi cọc giữa lớp cỏ xanh um phát triển tự do. Bên trái góc vườn có cây đa xanh tốt xum xuê treo biển Tỉnh ủy Hà Nam trồng.

       Trong nhà lưu niệm trưng bày đơn sơ. Bác trông coi nhà lưu niệm không thuyết minh, vui vẻ chụp hộ tôi mấy tấm ảnh lưu niệm.

       Bác An yêu cầu tôi ghi sổ lưu niệm.

       Chúng tôi dâng hoa và thắp hương tưởng nhớ nhà văn. Nhà thơ Chu Đình An tặng nhà lưu niệm tác phẩm thơ "Chí Phèo" chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao.

       Khi ra về, tôi mắc giữa dốc lên đường cái, lùi xe xuống không được mà đẩy lên thì không đủ sức. Bác An và bác Thức xúm vào đẩy giúp. Bác An cưỡi xe từ trong sân, cua ra ngõ, xe trượt bánh đổ nghiêng...

       Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình thăm nhà Bá Kiến...

 













       THĂM NHÀ BÁ KIẾN



       Theo biển chỉ dẫn đã lả tả chữ còn chữ mất, chúng tôi vào thăm nhà Bá kiến cách nhà lưu niệm Nam Cao khoảng 2 km. Nhìn nhà Bá Kiến từ nhiều góc độ, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: "Đâu rồi nhà ngang dãy dọc với nhiều người làm thuê ở mướn của ông Bá nổi tiếng giàu và quyền thế nhất làng? Hóa ra địa chủ ngày xưa cũng chỉ giàu đến thế này thôi ư? So với quan chức thời nay thì ông Bá Kiến chỉ là con tép!"

       Sau cú điện thoại hai phút, chị trông coi nhà Bá Kiến đã có mặt mở cổng mời chúng tôi vào nhà.

       Vườn trước vườn sau cỏ rả tranh đua với ổi, chuối.

       Vào nhà, cảm giác hơi lạnh lạnh. Đơn sơ, chỉ  có gian giữa bày bàn thờ cụ Bá. Gian bên có mấy cái nồi đất và tấm biển quảng cáo xếp xó, ghi: "Bán cá bống kho..." Thấy tôi chăm chú nhìn tấm biển, bác Thức nói nhỏ: "Cá kho nổi tiếng ở đây đấy, có dùng không, hai triệu một niêu thôi!"

       Nhìn lại căn nhà, thấy hàng cột lim nhẵn bóng rất giá trị, tôi đo bằng tay chu vi cột được 5 gang tay....

       Chị chủ nhà rót nước mời khách rồi bắt đầu thuyết minh theo bản chuẩn bị sẵn y như trẻ con đọc thuộc lòng bài học. Tôi hỏi:

       - Chị có lương không? Chị là con cháu cụ Bá à?

       - Dạ không ạ. Chúng cháu là người làng tự nguyện trông coi. Không ai trả lương cả. Chỉ khách tham quan cho đồng nào được đồng ấy thôi ạ.

       - Thế nhà đất cụ Bá bây giờ ai quản lý?

       - Sở Văn hóa Hà Nam mua rồi ạ.

       - Nhà cụ Bá còn nguyên cũ hay làm lại rồi?

       - Nhà cũ đấy ạ. Cách đây 147 năm rồi. Còn dãy nhà ngang 5 gian thì không còn ạ.

       - Ồ, dãy nhà đó, bà Ba và anh Chí... Truyện của Nam Cao đúng thực tế không, có gì khác không?

       - Dạ, truyện nói cụ Bá 3 vợ, thực tế cụ 5 vợ cơ ạ. Cũng không phải anh Chí đâm chết cụ, mà cụ chết tự nhiên thôi, sau khi bà Ba treo cổ tự vẫn ạ... Cụ có bắt anh Chí đi tù một thời gian ngắn...

       Tôi thấy gai gai lạnh, bèn bỏ ra ngoài nhìn ngó ngẩn ngơ. Đâu rồi hình bóng cụ Bá, bà Ba, anh Chí...







                     8 – 7 – 2014

TMG


 



 


 


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét