Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

SỰ MẶC KHẢI CỦA THI CA - THƠ: TA HAY TÂY, HƯỚNG NỘI HAY HƯỚNG NGOẠI? - NƠI NÀO TRIẾT HỌC IM TIẾNG THÌ MINH TRIẾT CẤT LỜI - BÀN THÊM VỀ "CÁI TÔI" TRONG VĂN HỌC CỔ VIỆT NAM - CỨU LẤY MÔN VĂN ĐÃ VÀ ĐANG BỊ BỌN ĐỒ TỂ MANG DANH GIÁO SƯ TIẾN SĨ GIẾT CHẾT LÀ CỨU LẤY TÂM HỒN DÂN TỘC

 


                                          Trần Mạnh Hảo

 

        SỰ MẶC KHẢI CỦA THI CA

 

Từ độ con người chia tay với Thượng Đế, đi theo tiếng gọi của tình yêu và nỗi chết trong cuộc trưởng thành thống khổ của nhân loại, nó luôn tìm cách trở lại tuổi thơ của mình, trở lại vườn địa đàng tìm lại trái cấm thuở ban đầu ngon ngọt. Cuộc hành hương mơ mộng ấy có tên là Thi Ca…

        I. Thi ca – giấc mơ về tuổi thơ nhân loại:

Kinh Thánh không chép được lời của Eva xui Adam ăn trái cấm. Chỉ biết rằng khi đôi môi ma túy của nàng ghé sát vào tai chàng, chợt cơn thèm ăn trái cấm bùng vỡ trong cuống họng chàng, bất chấp lời răn đe chết người của thần linh. Mắt Adam chỉ nhìn thấy trái cấm trong y phục lõa thể của tòa thiên nhiên tuyệt mỹ. Chàng đã hành động chiều theo ý người đẹp, để chia tay sự bất tử, đồng thời nhận lấy tình yêu và cái chết. Có lẽ, lời thì thầm của Eva khuyên Adam ăn trái cấm hôm đó là bài thơ đẹp nhất của nhân loại? Vì vậy người đời đã gọi thi ca bằng cái tên diễm lệ: Nàng Thơ.

        Thi ca và tình yêu do đó đã được sinh ra đồng thời với niềm xúc cảm tuyệt vời của ngôn từ, thông qua tiếng nói linh thiêng của Eva, đánh thức trái tim gỗ đá Adam, khiến nó phát lộ đam mê cùng tận. Nếu phẩm hạnh của triết học là hoài nghi, của tôn giáo là đức tin, thì phẩm hạnh của thi ca là rung cảm và mơ mộng. Thi ca và tình yêu đều được phát nguyên từ cội nguồn trái tim con người, thông qua hình tượng và ngôn ngữ. Chừng như sự xuất hiện tiếng nói trong vườn Eden còn quan trọng hơn sự hiện diện của Thượng Đế.

        Bởi vì trong buổi bình minh của nhân lọai, tiếng nói cũng được đồng nghĩa với thần linh. Eva và Adam cùng dắt tay nhau, một bàn tay nàng vịn vào tình yêu, một bàn tay chàng vịn vào thi ca, trả lại Thượng Đế sự bất tử để đi về phía mồ hôi, nỗi thống khổ, khoái lạc và cái chết có tên là trần thế. Từ đó, thi ca là giấc mơ của con người luôn luôn khao khát tìm về thời ấu thơ của mình trong vườn địa đàng ký ức. Nơi đó, con người sống chung với thần linh trong gia đình vũ trụ. Nơi đó, như kinh Veda mô tả, con người không thể và không muốn phân biệt mình với một đám mây, con bò hay thần thánh. Tất cả là nhất nguyên đơn sơ mà kỳ lạ, lắng đọng mà riêng rẽ, hài hòa mà phân thân.

        Kinh Cựu Ước nói rằng Thượng Đế đã sáng tạo ra con người theo hình ảnh của mình. Điều này phải nói ngược lại mới chính xác. Sự sáng tạo ra khái niệm Thượng Đế là sự sáng tạo vĩ đại nhất của con người để tháo bỏ cái lốt cuối cùng của dã thú, sau khi tiếng nói và tư duy xuất hiện. Chính ý thức đã ném con người vào vũ trụ cô đơn, khiến nó sợ hãi vô cùng trước hư vô và cõi chết.

 Để có một cứu cánh, một nơi bấu víu cuối cùng vào thế giới trơn tuột này, con người đã rất thông minh khi sáng tạo ra người bạn vĩ đại toàn năng theo hình ảnh của mình, như cái phao trên biển cả để vượt thoát nỗi cô đơn và cái chết. Người bạn đó, cái phao cứu hộ đó có tên là thần linh. Thiêng liêng hóa hình ảnh của mình là bước tiến nhân bản nhất của khởi nguồn nhân loại. Có thể nói, thần linh đã được sinh ra trong cảm hứng thi ca, trong rung cảm cô đơn tột cùng của con người. Ngay cả khi con người đã thoát khỏi đa thần giáo, Thượng Đế của các tôn giáo hầu như đều là đứa con sinh đôi đồng thời với thi ca.

        Apollon, vị thần thi ca uy quyền vào loại bậc nhất trong thần thoại Hi Lạp là hứng khởi của chiến thắng trừ cha mình là thần Zeus. Apollon có mặt trong hầu hết sự sáng tạo nơi đỉnh Olempo, tham dự vào mọi xúc cảm của vũ trụ và con người. Chừng như chính Apollon đã hóa thân vào Homère để sáng tạo ra thiên anh hùng ca Iliade và Odyssée? Thi ca hay là sự huyền ảo của tuổi thơ nhân loại, một lần nữa, đã được một người trần mắt thịt là Homère đưa trở lại vườn Eden Hi lạp.

Ở đó, nhờ thi ca, thần linh được sống kiếp con người với tất cả bản năng nguyên thủy, với vẻ đẹp của đam mê, khoái lạc và tội lỗi. Có thể ngày nay thần linh đã rời bỏ đỉnh Olempo huyền thoại, nhưng thi ca đã không rời bỏ con người. Thi ca đã hóa thân thành nàng Pelenop, luôn luôn biết cách đợi chờ niềm thi hứng của con người, như đã từng đợi chờ chàng Odyssée trở về từ cuộc lãng du thần thoại. Từ độ con người chia tay với Thượng Đế, đi theo tiếng gọi của tình yêu và nỗi chết trong cuộc trưởng thành thống khổ của nhân loại, nó luôn tìm cách trở lại tuổi thơ của mình, trở lại vườn địa đàng tìm lại trái cấm thuở ban đầu ngon ngọt. Cuộc hành hương mơ mộng ấy có tên là Thi Ca.

 II. Thi ca hay là sự cứu rỗi của cái Đẹp.

        Trong cuốn “Thi Pháp”, Aristote đã gọi khoa học, nghệ thuật, trong đó hàm chứa cả khái niệm nguyên thủy linh hồn và Thượng Đế bằng một cái tên rất khải thị là Thi Ca. Chừng như khái niệm Thi Ca của Aristote có nét gì đó hao hao với khái niệm Đạo của Lão Tử, mặc dù chữ Đạo của Lão có phần căn nguyên và rốt ráo hơn. Triết học, nói cho cùng đã được giáng sinh trong máng cỏ ấm nồng của niềm hứng khởi thi ca. Vũ trụ được gói trong một chữ Dịch của Khổng Tử hay một chữ Đạo của Lão chỉ có thể đi vào tâm trí con người bằng niềm xao xuyến thi ca. Ngay cả thế giới ý niệm duy tâm của Platon cũng phải thông qua hình ảnh ngôn từ, trong nỗi xúc cảm dù thoáng gợn lăn tăn của thi ca. Có thể mượn lời của Socrate nói về mình để nói về thi ca: “Mẹ tôi đỡ đẻ cho những sản phụ, tôi đỡ đẻ cho những bộ óc.”

        Thi ca – bà đỡ kỳ diệu của triết học, đã tìm ra phép cắt rốn cho niềm siêu hình tăm tối, khiến cái tưởng như già cỗi nhất, khô cằn nhất biết cất lên tiếng khóc non tơ chào đời trong ánh sáng của suy tưởng và xúc cảm. Vì vậy, chúng ta dễ giải thích vì sao nền văn minh Trung Hoa được khởi nguồn bằng bộ Kinh Thi vĩ đại. Hầu hết các nền văn minh đều được sinh thành từ nguồn sữa Thi Ca. Văn mimh Hi Lạp bắt đầu từ thần thoại của thần thi ca Apollon và nữ thần Athena, vị thần của văn học và điêu khắc. Văn minh Do Thái khởi phát từ các chương Thi Thiên trong Cựu Ước. Trường ca Veda là nền tảng cho nền văn minh bí ẩn Ấn Độ.

        Đức Phật, Chúa Jésus hay tiên tri Mahomet… nói cho cùng đều là những nhà thơ lớn vào bậc nhất nhân loại. Khởi nguồn, thông qua sự mặc khải thi ca, tôn giáo đã tìm đến con người với đôi tay bè bạn, với tiếng nói của tình nhân, với niềm an ủi sẻ chia hơn là niềm cứu rỗi. Tôn giáo mượn con đường thi ca để con người tìm ra đối trọng trước hư vô, đặng hoá giải cái chết, mang đến cho cái chết xiêm y trần gian xúng xính và một bộ mặt đầy thiên giới, do đó cũng đầy nhân tính hơn. Tôn giáo đã dùng thi ca làm đôi cánh để đưa con người bay qua vực thẳm cô đơn, giúp con người có thêm người bạn đồng hành Thượng Đế. Người bạn siêu phàm kia cũng chính là sự hoá thân của con người thông qua xúc cảm thi ca đầy mộng mơ và lãng mạn.

        Nếu triết học đi tìm sự khôn ngoan, tôn giáo đi tìm thần linh thì thi ca đi tìm cái Đẹp. Chiến tranh, cuồng tín, dịch bệnh, thiên tai… hàng mấy nghìn năm qua đã đe dọa cái Đẹp của con người bằng sự dung tục hóa, bằng lòng tham và thù hận, nhưng không tước đọat được niềm mộng mơ đầy thi vị của nhân loại.

        Bởi vì thi ca chính là hài nhi trong máng cỏ loài người, là sự hồn nhiên nhất của tuổi thơ nhân loại còn sót lại. Nếu đứa trẻ con ấy không còn, thì đôi mắt ngây thơ của loài người cũng biến mất, đồng thời cái Đẹp cũng biến mất. Nếu triết học là sự già giặn, là ông lão của con người thì thi ca càng cần phải giữ lấy tính trẻ con của nhân loại. Người Trung Hoa đã nhìn ra điều đó nên gọi Tạo Hóa là hóa nhi. Vì mãi giữ được sự trẻ con như vậy, nên Tạo Hóa chính là nhà thơ vĩ đại nhất đã sáng tạo ra vũ trụ và con người trong niềm thi hứng vĩnh cửu, rồi truyền cho con người xúc cảm thi ca khởi nguồn mọi sáng tạo ấy. Chính vì vậy, cái Đẹp đã được thi ca cứu chuộc trên cây thập tự của xúc cảm ngôn từ.

        III. Thi Ca trong đời sống tâm linh người Việt.

        Trong lịch sử thi ca thế giới, hiếm thấy tác phẩm nào đi sâu vào đời sống tâm linh con người như Truyện Kiều của Nguyễn Du đối với dân tộc Việt Nam. Hiện tượng bói Kiều của người bình dân đã chứng tỏ vai trò của thi ca trong đời sống xã hội thật to lớn, mặc dù Truyện Kiều mới xuất hiện trên hai trăm năm nay. Chừng như Thi Ca đã mượn Nguyễn Du để cài vào mỗi câu, mỗi trang Kiều toàn bộ bí ẩn của đời sống với sự mặc khải về một tôn giáo mới-tôn giáo của cái đẹp. Trong hố thẳm tuyệt vọng, thi ca đã để sẵn một bàn tay dìu dắt.

        Trong trái cây đau khổ, thi ca là cái nhân cựa quậy một niềm vui rón rén nảy mầm. Bằng hai bàn tay may rủi, con người tìm cách bấu víu vào mỗi câu Kiều như bấu víu vào ánh lửa le lói trong chính tâm hồn mình, đặng nhờ thi ca mách bảo những điều mà thần linh không thể mách bảo. Thi ca tìm đến với con người không phải bằng nỗi sợ hãi thần thánh của tôn giáo mà bằng niềm tri âm tri kỷ rất tình nhân, an ủi mà không thương hại, trìu mến mà không ban phát, say đắm mà không cuồng dại. Cái đẹp nơi Truyện Kiều không chỉ cần được giải mã bằng tiếng kêu thương, bằng niềm khắc khoải, mà còn cần được giải mã bằng đức tin và niềm hi vọng.

        Người ta chắp tay để: “Lạy ông Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều…” như là để lạy chính nỗi thống khổ của kiếp người, lạy sự chịu đựng, sự hi sinh, thậm chí yếu đuối thiệt thòi của cái thiện, lạy cái phần bị đày ải nhất của nhân sinh. Ở nơi đó là “thập loại chúng sinh”, cái gốc của cái đẹp nâu sồng mà mimh triết,giản dị mà bền vững. Do vậy, chúng ta hiểu vì sao thi ca có lúc đã biến thành kinh kệ trong đền chùa miếu mạo như trường hợp “văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du và của một số nhà thơ khác.

        Trước khi tam giáo được truyền vào Việt Nam,thi ca đã xuất hiện cùng với tuổi bình minh của dân tộc. Nền văn chương truyền miệng với ca dao tục ngữ đã làm nên dấu ấn tâm hồn Việt Nam, tạo nên bản sắc thẩm mỹ của đời sống tinh thần dân tộc. Trong chừng mực nào đó, thi ca với gương mặt ca dao tục ngữ là nơi ký gởi ký ức và kinh nghiệm nhân sinh của cộng đồng, đồng thời thi ca còn đóng vai trò như những câu kinh trong tôn giáo, giúp con người có cơ hội tìm lại hình ảnh mình trong đời sống tâm linh, thông qua nỗi xúc cảm và vẻ đẹp của thế giới trong tư duy, trong ngôn từ. Sự sáng tạo ra thể thơ lục bát trong ca dao phải chăng là sự sáng tạo kỳ vĩ nhất của thi ca dân tộc, là nhịp đưa nôi của tuổi thơ Lạc Việt, là tiếng ầu ơ của của mẹ Âu Cơ, của biển ru bờ.

        Nhịp thơ sáu tám dường như cũng đưa đẩy, gập ghềnh, trầm bổng theo vận nước nổi trôi, theo dáng hình tia chớp của một đất nước mà lịch sử luôn giành cho những con đường khúc khuỷu, cam go. Cái hồn nước đã được thi ca gởi gắm trong lục bát ca dao, may mắn thay thế hệ chúng ta vẫn còn giữ được, mặc những hò hét hiện đại chủ nghĩa, mặc những dòng thơ lai căng tây hoá giả cầy. Cái hồn lục bát ca dao mới mẻ mãi mãi kia chính là của ăn đường, là vốn liếng của hành trình thi ca dân tộc. Nó được lời thêm, giàu thêm bởi Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Huy Cận…Nó rung động ngay cả niềm tin tôn giáo của dân chúng trong điệu hát chầu văn nơi đình chùa lễ hội, khơi dậy niềm vui sống trong làn điệu chèo, quan họ, ví dặm hoặc hát đúm. Lục bát như sợi dây lạt buộc lời giao duyên, buộc liền anh vào liền chị, buộc bộ tộc Lạc Việt vào mảnh đất hình chữ S này trong niềm đa cảm của nền văn minh lúa nước.

        Dân tộc chúng ta đã tiếp nhận Phật giáo, Nho giáo,Đạo giáo thông qua đôi mắt hồn nhiên, mơ mộng, thông qua một tâm hồn thi sĩ. Tôn giáo được truyền vào nước ta không chỉ có niềm tin siêu hình, mà còn cả nét tinh hoa của văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ. Phật giáo được kết hợp với triết học đầy thi hứng của Lão Trang truyền qua nước ta sau khi đã được truyền trực tiếp từ Ấn Độ. Từ thiền phái của nhà sư Tây Trúc Ti-ni-đa-lưu-chi đến thiền phái của nhà sư Trung Hoa Vô Ngôn Thông đã tạo ra thiền tông Trúc Lâm Trần Nhân Tông,

        Tuệ Trung Thượng Sỹ chính là công cuộc Việt hoá thiền tông trong cảm xúc thi ca bí ẩn của đời sống tâm linh dân tộc. Thiền,hay chính là thi ca được cô tịch trong tột cùng im lặng? Cuộc đi tìm Niết Bàn trong mỗi tâm hồn con người hoá ra lại thông qua niềm hứng khởi thi ca, thông qua xúc cảm về cái đẹp hằng sống trần gian hơn là đi tìm chỗ bấu víu trong hư không thăm thẳm. Hầu hết các nhà sư thời Lý đều là những nhà thơ thiền như Không Lộ thiền sư, Mãn Giác thiền sư… Phật giáo thông qua đôi mắt ngơ ngác huyền ảo Lão Trang tạo tiền đề cho Thiền xuất hiện, được truyền qua Việt Nam trong tinh thần thực tiễn thâm sâu Nho giáo, kết hợp với cái mộc mạc hồn nhiên, dân dã, giản dị và chân thành Giao Châu, tạo ra hàng loạt nhà thơ, những người hướng dẫn tinh thần dân tộc như: Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn, Lã Đinh Hương, Lý Phật Mã…Thi ca đã biết cách cư trú nơi chùa chiền miếu mạo không phải trong vai trò tín đồ hay sư sãi, mà là biểu hiện của cái Đẹp, là nét xao xuyến trần gian ngay trong lòng siêu hình hư tưởng.

        Thi ca – con đường sương khói dẫn đến đời sống tâm linh con người, là con thuyền chở Đạo, đồng thời cũng biết cách biến mình thành phương tiện tự vệ khi cộng đồng lâm nguy. Huyền thoại về bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt trên phòng tuyến sông Như Nguyệt đã chứng tỏ vai trò, sức mạnh của thi ca trong cuộc đánh bại quân xâm lược qủa là to lớn. Suốt hành trình lịch sử, khi có giặc, thi ca đã thành vũ khí, thành tiếng kèn xung trận. Khi hòa bình, thi ca tham gia vào đời sống đạo hạnh, gìn giữ thuần phong mỹ tục khi Nguyễn Trãi soạn “Gia huấn ca”, Lê Thánh Tông tức cảnh sinh tình, mượn thi ca mà an dân trị quốc …Thi ca tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội, gia đình và cá thể. Cuộc sống dù cực nhọc chừng nào cũng phải giữ lấy chất thơ của nó, như giữ lấy cốt cách mộng mơ dân tộc.

        Cũng như bao đất nước khác trên hành tinh, đất nước chúng ta bao giờ cũng vẫn là một đất nước thi sỹ. Thi ca đã xuất hiện đồng thời với tiếng Việt, đã song hành với mọi thăng trầm lịch sử, đã góp phần to lớn trong sự hình thành bản sắc văn hóa và nền tảng tinh thần dân tộc. Nhiều người lo sợ cho sự tồn tại của thi ca trước sự xâm lăng toàn diện của chủ nghĩa thực dụng thời kinh tế thị trường khắc nghiệt này. Không, thi ca vẫn là dòng nước ngầm nuôi dưỡng sự xanh tươi trong đôi mắt hồn nhiên ngơ ngác của dân tộc. Thiếu đôi mắt hồn nhiên kia, thi ca có thể sẽ ra đi cùng với sự ra đi của ngôn ngữ. Nhưng thảm hoạ ấy sẽ không bao giờ xảy ra, khi thi ca mãi mãi giữ lại cho chúng ta cái tuổi thơ huyền nhiệm của dân tộc và nhân loại. Ở đó, trong đời sống tâm linh con người, thi ca bao giờ cũng là niềm mặc khải của Chân Thiện Mỹ, hoài niệm và tiên cảm cho chúng ta về một thế giới mãi mãi tồn tại trong nỗi xúc động ban đầu…

……………………….

 

THƠ: TA HAY TÂY, HƯỚNG NỘI HAY HƯỚNG NGOẠI?

 

Trong một hội nghị, nhà văn Đình Kính Hải Phòng dắt một cụ già là nhà thơ - bác Lê Đại Thanh đến gặp TMH. Bác Thanh ôm tôi và nói : "Trong đời mình, bác chưa từng đọc bài viết về thi ca nào hay như bài của cháu vừa in trên "Văn Nghệ" : " Thơ - ta hay Tây, hướng nội hay hướng ngoại" :

        I

        Ngày 21 tháng 7 năm 1969, ba chàng ngự lâm pháo thủ do nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong chỉ huy đã bước ra khỏi tàu Apollo 11 của Hoa Kỳ để đáp xuống nguyệt cầu. Nhân loại như đứa trẻ con tò mò, nghịch ngợm, lần đầu tiên đã liều mạng đặt chân lên xứ sở của thần linh, bước những bước trần thế lên thế giới mộng mơ, thế giới huyền thoại và thi ca của chính mình. Trong vòm trời không đáy của huyền thoại Hy Lạp, thần Zeus, vị chúa tể của muôn loài, cao cả và hùng mạnh đến thế, nhưng mới chỉ dám đặt trụ sở triều đình mình trên đỉnh núi Olympos, chứ chưa hề dám tơ hào đến mặt trăng, chưa dám mang bầu đoàn thê tử lên đóng đô ở nơi người phương Đông cổ giam hãm chị Hằng và người Việt chúng ta từng gởi một vị đại sứ trên đó là chú Cuội.

        Con người đã tìm thấy gì trên mặt trăng hay chỉ góp phần làm sa mạc hóa những giấc mơ hàng triệu năm của nhân loại ? Rằng hóa ra, mặt trăng chỉ là một miền đất đá khô cằn, không có dưỡng khí và nước… Trong dịp kỷ niệm 25 năm con người đặt chân lên mặt trăng, vừa qua, các báo Mỹ và phương Tây đã nêu ra nhiều ý kiến trái ngược nhau về sự được thua do hành động phiêu lưu rất kỳ diệu ấy. Có báo cho rằng, việc bỏ ra hàng chục tỷ đôla để mang về mấy chục ký đất đá và nỗi sợ hãi về sự cô đơn thăm thẳm của loài người trong vũ trụ, liệu có đắt quá chăng ? Rằng tham vọng khai mỏ, khoét rỗng mặt trăng để tìm kim cương liệu có thực tế và hợp ý Chúa chăng ? Rằng công cuộc thuộc địa hóa mặt trăng, phải chăng là hành trình cuối cùng của nhân loại trong quá trình xâm lăng toàn diện của nền khoa học thực dụng vào thế giới tâm hồn của con người ?

        Quả thật, những vấn đề báo chí phương Tây nêu trên không phải là không có lý. Mặc dù, sự kiện con người lên mặt trăng là sự thành công lớn lao của khoa học, của nền văn minh phản lực và văn minh vi tính. Sau hai ngày rưỡi bay lượn như tinh cầu của Hoàng Tử Bé Saint Exupery, con tàu Apollo 11 đã vượt qua 384.000 km để đáp xuống mặt trăng. Nhưng thực ra, con tàu kia đã được chắp đôi cánh của thi ca và tôn giáo cách đây gần hai nghìn năm khi Đức Jésus Chris chui ra khỏi mộ đá và bay lên trời. Nền văn minh Thiên Chúa giáo xuất hiện với khát vọng đi tìm thiên đường, tìm nơi vĩnh hằng cho con người tồn tại sau cái chết. Thi ca và tôn giáo là hai cánh thiên thần của nền văn minh lúc nào cũng hướng lên trời cao ấy mà cầu nguyện : “Lạy cha chúng tôi ở trên Trời, chúng tôi nguyện danh cha cả sáng”. Nếu nền thi ca phương Tây, sau hơn bốn nghìn năm từ thuở Kinh Cựu Ước ra đời là nền thi ca hướng ngoại, luôn ngước mắt lên thẳm xanh ngóng đợi sự xuất hiện của Thiên Chúa, thì nền thơ phương Đông từ thuở kinh Veda và Kinh Thi xuất hiện lại là nền thi ca hướng nội : luôn luôn dõi theo nhìn vào bề sâu của tâm hồn con người để tìm tới Chân Thiện Mỹ.

        Người phương Đông, hay thi ca phương Đông đi tìm mặt trăng trong bản thân mình, trong thăm thẳm hồn mình chứ không tìm mặt trăng ở ngoài trái đất. Người phương tây, hay văn minh phương tây đã bay hết hai ngày rưỡi để đến mặt trăng, nhưng người phương Đông, mà cụ thể là thi hào Lý Bạch đã đi tìm mặt trăng bằng phương pháp Thủy Thần từ năm 762 sau công nguyên, nghĩa là đã 1232 năm rồi, chưa thấy ông trở về. Mặt trăng với Lý Bạch nói cho cùng không phải chỉ có vài chục ký đất đá mang về, không phải là Xahara trá hình như một phi hành gia đã gọi, mà là vòng nguyệt quế của tuổi thơ nhân loại. Ở đó, ông đã bế mặt trăng trên tay như bế một em bé, như ẵm một bầu rượu. Trong bài thơ Nguyệt hạ độc chước, Lý Bạch coi mặt trăng chỉ là một người bạn nhậu : “Cử bôi yêu minh nguyệt / Đối ảnh thành tam nhân”. Ôi chao, pha rượu vào ánh trăng và ngược lại, hóa ra chỉ có một thân mình mà thành ba vị : thân ta, bóng ta, và bóng trăng, tam vị nhất thể, một mà ba, ba mà một, gần với thần học Ấn Độ giáo mà sau này Do Thái giáo đã tiếp nhận : ba ngôi thiên Chúa là một… Lý Bạch không phải nhờ mũi tên của Hậu Nghệ để tìm trăng, theo thuyết có âm có dương, trong dương có âm, diễn ra là trong ta có trăng, trong trăng có ta, do đó trăng hay không trăng là tùy ở cái tâm mà thôi. Thuyết âm dương của Dịch, thuyết của vũ trụ đồng nhất đã được phương Đông tiến rất xa về thế giới quan so với phương Tây.

        Thi ca phương Đông, do đó, không hề phân biệt hiện thực và siêu thực. Hai cái đó như hồn và xác, như sắc đẹp và mùi hương hoa ở chung với nhau, ở trong nhau. Khi Trần Tử Ngang viết : “Tiền bất kiến cổ nhân / Hậu bất kiến lai giả”, hay khi Thôi Hạo viết : “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản / Bạch vân thiên tái không du du…” thì quả tình không còn biết đâu là hiện thực, đâu là siêu thực nữa rồi. Nền thi ca phương Tây, nhìn chung là nền thi ca của thế giới nhị nguyên, khác với thế giới nhất nguyên của thi ca phương Đông. Nền thi ca lôgíc, thi ca phân tích của phương Tây đi từ thực đến ảo, từ cái có thể đến cái không thể… Thi ca phương Tây hầu như đã chấp nhận cái chiều hiện hữu của không gian và thời gian, cùng với tôn giáo đã chắp cánh cho khoa học đi vào vũ trụ, leo trèo lên những vòm tinh tú để nhìn về quê hương trái đất trong một nỗi cô đơn cùng tận. Trái đất nhìn từ mặt trăng hệt như con tàu của ông Noe đang lênh đênh trên cơn đại hồng thủy vũ trụ. Con người ra khỏi trái đất, cố tìm xem có bạn hàng xóm nào chăng, càng tìm càng vô vọng, càng thấy trái đất mỏng manh dễ vỡ, càng thấy lạnh lẽo vì con người là sinh vật hoàn toàn cô đơn, bị cô lập trong vũ trụ vô biên.

        Descartes kéo nền văn minh phương Tây ra khỏi bàn tay của Chúa Trời, đưa nó vào vòm trời của duy lý : “Tôi tư duy tôi tồn tại”. Có lẽ, sau ba thế kỷ, Descartes chưa hiểu hết ý của đại thi hào Dante khi ông lôi nền văn minh Thiên Chúa giáo đang lơ mơ ngủ gà ngủ gật trong nỗi ngủ dài nửa giáo đường, nửa thiên đường xuống tuốt tuột chín tầng địa ngục để thức tỉnh nó ? Thi Ca – được gọi bằng tên gọi khác là Dante, đã tìm ra đủ vần điệu để dẫn nền văn minh u tối thời trung cổ xuống địa ngục, không phải để đầy đọa nó, mà cốt giúp nó luyện tội để tìm lại thiên đàng của thiêng liêng và huyền thoại : Từ khi nền văn minh duy lý chia tay với thần linh để đi vào thế giới thực dụng với máy móc và tiện nghi, thi ca hầu như đã biến thành chàng Hamlet nửa điên nửa tỉnh luôn luôn tìm đủ mọi phương cách nghi ngờ sự tồn tại của chính mình. Thơ ca phương Tây từ đó, một nửa mang hoài niệm xa xưa về thần thánh của Dante, một nửa mang tinh thần day dứt và đau khổ của Hamlet, nó muốn thoát khỏi tồn tại bằng đủ phương cách, đủ các thứ chủ nghĩa : cổ điển, hiện thực, lãng mạn, siêu thực, hiện sinh, cấu trúc, hiện đại và hậu hiện đại… Nhưng đỉnh Olempia của thần thoại đã biến thành nơi phóng đi các thứ tàu vũ trụ để đi tìm gương mặt cụ thể của hư vô ở ngoài trái đất, ngoài con người. Từ bỏ cả thi ca và thượng đế, hầu như nền văn minh thực dụng đang lao ra khỏi trái đất để đi tìm lợi lộc và thuộc địa trên vũ trụ. Lên tới gần nóc của duy lý, gần như nó cảm thấy mình bất lực với một nhận thức mơ hồ rằng : cần phải tìm cách trở về nguồn, trở về phương Đông…

        Hình như cuộc hành hương về Jerusalem đang bắt đầu thì phải ? Té ra, mọi thần linh, mọi tôn giáo đều sinh ra từ phương Đông : từ Đức Phật đến Chúa Kitô, từ Khổng Mạnh – Lão Trang đến thánh Ala của tiên tri Mahomet… Và kỳ lạ thay, mặt trời, địa bàn, bánh xe, chữ viết con số Ảrập, số không, café, thuốc súng và giấy viết đều được sinh ra đầu tiên từ phương Đông. Mở đầu Kinh Cựu Ước của dòng dõi Apraham vùng Tiểu Á và Trung Đông, Đức Chúa Trời hình như đã sai Moisen viết rằng : “Khởi thủy là Lời”. Vâng, cũng có nghĩa rằng : Khởi thủy là Thi Ca.

        Thi Ca phương Đông từ đó đã thi theo chiều thứ tư của không gian để tìm tới cái vô chiều của không gian, của hồn người ( thực ra không gian không có chiều nào cả nhưng chiều nào nó cũng có). Nó- Thi ca được diễn đạt bằng giấc mơ mặc khải của Trang Tử : mơ thấy mình là bướm, thức dậy không biết mình vừa hóa thành bướm hay bướm vừa hóa thành mình ? Thi ca phương Đông không quan tâm đến tồn tại hay không tồn tại. Nó không thích rách việc khi tự biến thành hai cánh tay diễn dịch và quy nạp của tư duy. Nó tham dự vào cuộc chia ly của tình yêu, tự động xẻ vầng trăng làm hai nửa : nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường. Thi ca phương Đông cũng tự nhiên nhi nhiên như trời đất. Nó là tuổi thơ, là đứa trẻ con của loài người. Đến cả đấng tạo hóa kia mà người phương Đông còn gọi là hóa nhi nữa là… Thi ca phương Đông không chỉ tìm thấy mặt trăng, mà còn biết làm mặt trăng rung động chỉ bằng một tiếng trống : “Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt !”. Mặt trăng ấy, biến hóa khôn lường, có khi lại là tấm lòng của người chinh phụ gởi đến khắp nơi theo vó ngựa của chàng : “Mặt chinh phu trăng rõi rõi theo”. Mặt trăng ấy, là mặt trăng của thi ca phương Đông. Mặt trăng ấy cư ngụ không chỉ nơi to rộng của trời biển, mà còn biết cách ẩn mình trong mắt kiến :

“Kiến con đi đón trăng rằm

        Trăng chui vào mắt kiến nằm trăng chơi

        Trăng to giữa biển, giữa trời

        Vẫn tìm mắt kiến làm nơi ẩn mình”

 ( TRĂNG VÀ KIẾN- Thơ Trần Mạnh Hảo)

        Thế giới vô chiều của thơ ca phương Đông là thế giới tâm linh con người. Biết đâu, nhờ sự tung tẩy và vu vơ đến phi lý của mộng tưởng thi ca, con người càng lúc càng nhận ra rằng, cái thế giới vi mô của tâm hồn con người có khi lại vô tận hơn, sâu thẳm hơn, rực rỡ và cao xa hơn cái thế giới vĩ mô có tên là vũ trụ?

Có phải nền văn minh vật chất sở dĩ phải mò lên thóc mách mặt trăng, sao Kim, sao Hỏa , tham vọng đi tìm bí mật của thiên hà chỉ vì nó bất lực không biết cách đi vào thế giới tâm linh con người? Con người phải lang thang ra ngoài trái đất cốt tìm ra chìa khóa để mở bản thân mình? Chiếc chìa khóa ấy có lúc là tôn giáo, lúc là thi ca, lúc là khoa học… Cầm được chiếc chìa khóa trời ban trong tay, con người hám lợi nhìn vào bản thân mình như nhìn vào két bạc, do đó vẫn chưa mở nổi bản thân mình. Và vì vậy, thi ca – tình nhân của Cái Đẹp vẫn lảng vảng nơi ranh giới hư và thực, thiên đường và hạ giới để toan mượn chiếc chìa khóa Thánh Phêrô để mở vào cái bí mật khôn cùng của chúng ta đang nằm phía sau lưng tồn tại?

        Đại thi hào Goethe, người đã đặt được hai bàn tay lên hai thế kỷ: 18 và 19, bằng tác phẩm Faust bất hủ, giống như Dante bằng Hài kịch thần tiên (La divina commedia) đã đặt hai bàn tay lên thế kỷ thứ 13 và 14. Goethe làm nốt cuộc đối thoại của Dante với địa ngục, nhưng lần này cụ thể hơn trong cuộc bán đấu giá, cuộc nhượng quyền sở hữu bản thân, quyền sở hữu linh hồn của chàng Faust cho quỷ Méphistophélés. Thi ca được biểu tượng bằng chàng Faust đem linh hồn mình bán cho quỷ để đổi lấy sự khôn ngoan. Nhưng sự khôn ngoan thì có giới hạn, còn linh hồn con người thì vô hạn. Sự thất bại của bác sĩ Faust chính là lời cảnh báo của Goethe trước nền văn minh duy lý. Và dường như vậy, Goethe đã mang thi ca quay về phương Đông, nơi ra đời của Chúa Trời và Kinh Thánh? Hành trình của Dante và Goethe đi tìm Chân Thiện Mỹ thông qua trạm dừng chân của ma quỷ, thực ra từ khởi nguồn, phương Đông đã rốt ráo hơn, bản chất hơn khi không tách ma quỷ ra khỏi con người, ra khỏi thi ca: THI TRUNG HỮU QUỶ. Quỷ thần không hề ở ngoài con người, mà nó tồn tại trong con người và thi ca. Cũng như vậy, Phật Giáo khởi nguồn là một triết học, là niềm thi ca hơn là một tôn giáo. Phật, hay Niết Bàn ở trong mỗi chúng sinh. Địa ngục cũng ở trong mỗi chúng sinh. Wallace Stevens từng nói: “Thi sĩ là gạch nối giữa con người và vũ trụ”. Văn minh phương Đông mà cụ thể là thi ca phương Đông quan niệm rằng tâm linh con người là vũ trụ, không tách vũ trụ ra khỏi con người, tách hồn ra khỏi xác, tách siêu thực ra khỏi hiện thực như nền văn minh và thi ca phương Tây.

II

        Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn trong bài tiểu luận thông minh và rậm rạp của mình : Tiếp cận giá trị thơ ca in trong báo Văn nghệ số 36 có đoạn viết : “… Chúng tôi chỉ muốn trao đổi vắn tắt với nhà thơ Trần Mạnh Hảo rằng, không nên quan niệm “muốn siêu thực, thơ phải đi tới tận cùng, tới đầu mút của hiện thực cái đã”. Chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa hiện thực là hai phương pháp sáng tác xây dựng trên những nền tảng triết học và mỹ học hoàn toàn khác nhau, giống loài bò sát và loài chim là hai cấu trúc sinh học khác nhau. Không nên nghĩ rằng muốn bay như chim phải bò thật giỏi như bò sát đã”.

        Trước hết thơ muốn đạt được giá trị nghệ thuật, nó phải vừa là bò sát vừa làm chim. Bởi vì, theo thuyết tiến hóa của Darwin, loài chim đã tiến hóa từ loài bò sát. Thi ca tìm thấy khả năng chim muông ngay trong lòng loài bò sát không phải đợi hàng chục triệu năm theo quy trình tiến hóa thời gian như Darwin đã chỉ ra, mà theo phép vũ trụ đồng nhất phi thời gian, phi không gian của tâm linh con người. Rằng, thi ca mô phỏng hành trình phát triển của bào thai trong bụng mẹ : chỉ cần chín tháng mười ngày, nó đã có thể lặp lại quy trình tiến hóa từ thế giới đơn bào đến đa bào, qua tảo, cá lưỡng tiêm, rồi loài cá, loài bò sát, loài chim, loài thú và đến con người mà khởi thủy vốn đã phải mất cả tỉ năm. Nhưng thi ca đã từng bay lên trời bằng đôi cánh của thần thoại, sau khi từ giã nền-văn-minh-bò-sát-hiện-thực, nó chợt thấy trống trải và cô đơn nên đã tự đốt đôi cánh Inca để đi trên mặt đất hiện thực của con người bằng bốn chân của loài có vú, chứ không còn trườn bằng cái bụng hiện thực như xưa. Và thi ca đã biết bám vào mặt đất bằng đôi chân của chính con người hiện thực, trước khi bộ óc con người biết khám phá ra thế giới siêu hình và các thần linh. Trên tinh thần của thi ca phương Đông, chúng tôi cho rằng cái siêu thực, cái siêu hình đã nằm ngay trong lòng cái hiện thực, cái hữu hình. Do đó, ngay từ khởi nguồn thi ca phương Đông, những bài thơ hay nhất đã rất siêu thực vì nó đạt được cái tận cùng của hiện thực. Cần phải tiếp nhận câu : “Muốn siêu thực thơ phải đi tới tận cùng tới đầu mút của hiện thực cái đã” trên tinh thần trường cửu của thi ca phương Đông, chứ không phải trên sự nhận thức giai đoạn của chủ nghĩa siêu thực phương Tây.

        Thực ra, chủ nghĩa siêu thực của nghệ thuật phương Tây đã chỉ còn là quá vãng, đã hết thời. Nghệ thuật phương Tây, sau những cơn dò đường, thay ngừơi tình như thay áo, đã bỏ chủ nghĩa siêu thực trong nghĩa địa của hoang phế, để đi qua các thứ chủ nghĩa hiện sinh, cấu trúc, hiện đại và hậu hiện đại, giờ có khi nó đã trườn qua giai đọan phản hậu hiện đại để phản chính nó rồi nên ? Chừng như các thứ chủ nghĩa nghệ thuật của phương Tây đã chán mọi trò chơi phi thân, trò chơi leo cột mỡ hay trồng cây chuối ? Nó đang trở lại với đôi chân cổ điển và truyền thống của chủ nghĩa hiện thực… ? Dù ngay cả chủ nghĩa hiện thực ( là một quan niệm của văn học Âu Tây) cũng không cứu nổi văn học hay làm văn học tiến lên; chỉ vì NÓ tách cái THỰC ra khỏi cái SIÊU, tách cái VÔ ra khỏi cái HỮU.Và trên cơ bản của nền văn minh duy lý, phương Tây, một lần nữa, bằng truyền phái huyền thoại của Mỹ La-tinh đang quay lại thế giới trẻ thơ của tâm linh con người, một cuộc về nguồn, về với quê hương của mặt trời, của thần thánh và thi ca có tên là phương Đông. Gần đây, một số nhà thơ Việt Nam giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa hiện đại đang bước vào thời kỳ tàn phai, kêu gọi nền văn nghệ Việt Nam đi tìm gương mặt mới của mình dưới vòm trời ảm đạm của những nền nghệ thuật đã ế ẩm, đã xế chiều. Đưa nền thi ca Việt Nam vào các cuộc thí nghiệm liên tu bất tận của nền văn minh thực nghiệm, kể ra cũng chả chết ai, ngoài sự mất thời gian và công sức cho một hành trình lẽ ra phải quay trở lại chính mình, quay về với tinh thần hướng nội của mình. Tất nhiên việc học tập cái tốt cái hay của phương Tây rất là đáng làm. Trong khi phương Tây đang tìm về phương Đông, mình lại lẽo đẽo chạy theo các thứ chủ nghĩa phương Tây. Biết đâu, sau những cuộc phiêu lưu theo đuôi các chủ nghĩa nghệ thuật phương Tây, những nhà thơ tây hóa của Việt Nam giật mình tưởng mình đã tới đích khi thấy nền thi ca kia lù lù dừng lại ngay trước ngôi nhà phương Đông của mình. Tìm kiếm, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt để một hồi hóa ra lại quay về ngọn nguồn của dòng suối nơi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lý Bạch, Trần Tử Ngang tuôn chảy. Cuối thế kỷ 19, Freud mới khám phá ra vô thức, mở màn cho chủ nghĩa siêu thực ra đời. Trong khi kinh Dịch đã biết luật âm dương trong nhau từ mấy nghìn năm trước. Cái siêu thực đã nằm trong hiện thực ; thơ cứ hay, nó sẽ đạt được hai yếu tố: hư và thực.

(Đã in trên báo VĂN NGHỆ số 84 ra ngày thứ bảy 3-12-1994)

…………………………………………

 

NƠI NÀO TRIẾT HỌC IM TIẾNG THÌ MINH TRIẾT CẤT LỜI

 

“ Nếu bạn loại trừ đối lập, bạn sẽ loại trừ chính thực tại”

(Héraclite)

Diogène nhà triết học cổ Hi Lạp, bạn thân của đại đế Alexandre,  theo trường phái thiên nhiên, khổ hạnh, chống phân biệt chủng tộc, coi rẻ danh vọng, tiền bạc, thoát khỏi dục vọng, khinh thường mọi lý luận triết học siêu hình, nhất là thế giới ý niệm của Platon…đã nhiều lần cầm đèn đi giữa ban ngày trong thành Athènes đô hội để tìm một con người; nhưng rồi ông lắc đầu : không tìm thấy ai ngoài chính ông (!) Có lần Diogène vặt trụi lông một con gà, cho gà chạy ra đường phố Athènes để diễu cợt Platon, rồi chỉ vào con gà trụi lông hô hoán : tìm thấy rồi…tìm thấy con người của Platon rồi ! Chẳng là chính Platon thông thái lại rất ngờ nghệch khi định nghĩa con người : “ con người là con vật không có lông, đi hai chân”…

Diogène không hề bị điên hay chập mạch, ông tuyệt nhiên tỉnh táo cầm đèn đi tìm con người trong thành phố giữa ban ngày đầy ắp người ta; chừng như ông muốn giễu cợt các nhà triết học đang uổng công đi tìm chân lý tuyệt đối; hoặc giả, Diogène cầm đèn giữa ban ngày đi tìm cái chúng ta đang tìm là minh triết chăng ?

Triết học, kể từ thời Platon đốt đuốt siêu hình đi tìm thế giới tuyệt đối, con người tuyệt đối trong vũ trụ Ý niệm suốt hơn hai nghìn năm trước, cho đến Kant toan bằng con đường tiên nghiệm, thường nghiệm, vượt qua bản thế thực tại “ vật tự nó” nhưng không tới được, bèn níu lấy sợi dây siêu nghiệm, đánh đu trong trầm tư mặc tưởng đi tìm cái tuyệt đối bản thể vũ trụ, tìm Thượng Đế kiểu Brahman Ấn Độ giáo; đến lượt Hegel- Marx lại đi tìm cái tuyệt đối trên cõi đời, cái tuyệt đối chân thiện mỹ mà khởi thủy Platon hằng mong đạt tới; nhưng, hầu như thảy đều vô vọng…Hình như việc làm của các nhà triết học duy niệm kia giống hệt hành vi của triết gia Diogène cầm đèn giữa ban ngày đi tìm một con người Ý niệm siêu tồn tại…

Sinh thời, chính Marx cũng đã phải thốt lên : triết học Đức đã đến thời khốn cùng…Nhưng Marx vẫn hi vọng sự phục sinh của triết học trong công cuộc “ cải tạo thế giới”, nên ông bám riết lấy ngọn lao triết học duy tâm đang mất đà là biện chứng pháp Hegel, dùng lực tàn duy vật toan phóng lao này tới cõi tuyệt đối đại đồng, nơi biện chứng pháp bị tiêu diệt, thực tại bị lãng quên, chỉ còn nằm tênh hênh cái thiên đường hư ảo mịt mờ…

Trước Marx, đại thi hào Goethe đã khuyên các nhà triết học: “Bạn ơi, mọi lý thuyết đều nhuộm màu xám, nhưng cuộc đời khác nào cây mãi xanh tươi…”

Nietzsche, người đã kết thúc một thế kỷ triết học duy lý Đức bằng sự giễu cợt và báng bổ, đập phá, từng tuyên bố khi ông nghiên cứu bi kịch Hi Lạp: “Chân lý là người đàn bà mà các triết gia vụng về không chinh phục nổi”

Triết học, nói cho cùng, giống hệt một đứa trẻ con truy nguyên mọi thứ và mọi thứ hầu như vẫn im lặng, vẫn chưa có hồi âm?  Tôi là ai? Tôi từ đâu ra? Tôi đến đây làm gì? Tôi đi về đâu? Đứa trẻ con triết học có lúc gào khóc cật vấn hư vô, như câu thơ Huy Cận: ”một câu hỏi lớn không lời đáp”… Nhưng các triết gia chừng như chưa tìm ra câu trả lời bản chất nhất, đúng đắn nhất có thể được coi là chân lý . Than ôi, có phải vì “chân lý là cái lý có chân” vun vút chạy theo dòng cuồng lưu đời sống biến dịch như Héraclite từng quan niệm?

Platon phán: “triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên”. Chúng tôi xin thêm: triết học bắt đầu từ sự hoài nghi, từ sự bế tắc của con người trước thực tại.

Rằng tôi có thực là tôi hay không, hay tôi đang là một kẻ khác? Kẻ khác kia có khi nào là chính tôi hay không? Hay chính là kẻ khác đang núp trong tôi để ngụy tạo thành tôi? Tôi có thực sự tồn tại hay tôi đang ở trong một ảo giác về sự tồn tại…? Tôi, như Trang Chu hoài nghi sau khi ngủ dậy: tôi vừa mơ thấy mình thành bướm, thức dậy ngơ ngác không biết mình vừa hóa thành bướm, hay bướm vừa hóa thành mình? Hay chàng Hamlet từng day dứt  đến khốn khổ: “tồn tại hay không tồn tại”?

Biết rằng, những suy tư triết học rốt ráo có thể là vô vọng, cốt để thỏa trí tò mò, là rách việc, là bao đồng, thậm chí có thể trở thành cái nguyên cớ, nguyên lý, cái công cụ cho các nhà cai trị gian hùng kiểu Machiavel  thực thi cái ác và lý thuyết hoang tưởng Marx sau này.

 Nhưng, nếu để mất đi tư duy triết học, con người có cơ teo dần khối óc, lý trí rồi tăm tối, ý niệm sẽ tàn phai, không còn biết cô đơn, day dứt. Như vậy, có thể con người chỉ dừng lại ở thời kỳ mê cuồng của thần rượu nho Dionysos, trong khoái lạc hiện sinh kiểu Dương Chu, mãi mãi không thể bước lên đỉnh cao trang nhã, mực thước của cái đẹp sang trọng mang tinh thần và thi pháp Apollon như nghệ thuật trác việt Hi Lạp đã đạt tới, hay trong cảm hứng thi ca quý phái, bay bổng, mẫu mực Đường thi.

Con người khổ vì trí tuệ, bất an vì triết học. Không có sự ngơ ngác trước hiện tồn, không có sự hoài nghi trước vũ trụ, không có sự tự lục vấn mình và tự nhiên, con người chỉ còn là một cây sậy thuần túy, không phải là một cây sậy có tư tưởng như Pascal từng tôn vinh. Vâng, “tôi tư duy, tôi tồn tại”… Đây là câu khẩu hiệu tự tin quá trớn của trường phái duy lý mà Descarter là chủ soái…Chẳng lẽ, con người không tư duy, không mang những thao thức triết học trong đầu lại không tồn tại hay sao? Khi con người nằm ngủ, nó ở trong tình trạng mất tư duy; nhưng chẳng lẽ, khi ngủ, con người lại không tồn tại hay sao? May thay, khi triết học đã leo tới cõi sơn cùng thủy tận của duy lý thì con người vẫn còn những thung lũng, những khoảng trời minh triết…để “cư trần lạc đạo”… Ngoài tư duy, ngoài triết học, con người đã tìm ra nhiều phương cách để tồn tại : tồn tại bằng tôn giáo, tồn tại bằng hoan lạc bản năng, tồn tại bằng khoa học, tồn tại bằng nghệ thuật… chẳng hạn.

Tiếp thu tinh thần duy lý của Hi Lạp, Hegel tiếp tục chỉ đường: “Cái gì tồn tại đều hợp lý”… Sự chỉ đường thiếu minh triết này của Hegel đã góp phần đưa triết học duy lý phương Tây tới chỗ cùng đường. Có rất nhiều món vô lý, phi lý trong vũ trụ vẫn tồn tại đó sao? Ví dụ, con người đi từ đâu tới trái đất này, nó được Chúa tạo ra hay con khỉ tạo ra, vẫn là cái vượt qua sự hiểu biết, vượt qua cái có lý của con người. Thế giới này sinh ra do tất định hay ngẫu nhiên? Rằng có Thượng đế và linh hồn hay không? Chỉ cần một đứa bé chưa biết chữ, suốt ngày hỏi vặt (truy nguyên) cũng có thể đánh bại được triết luận trên của Hegel. Marx lại tiếp tục góp phần vào công cuộc làm bế tắc triết học bằng nhận định đại loại, lý trí của con người có thể nhận thức được toàn thể vũ trụ, giải thích được mọi hiện tượng của thế giới hiện tồn… Marx khẳng định không có Chúa, không có linh hồn, nhưng nghe đâu, trước khi lìa đời, Marx sợ hãi hỏi cha linh hồn đâu? Người giúp việc hỏi lại : thưa, tìm cha đạo Do Thái hay cha đạo Thiên Chúa giáo?…

Sự chủ quan, áp đặt định kiến giới hạn của con người lên vũ trụ vô hạn là một hạn chế chết người của Hi Lạp, thông qua câu cách ngôn rất nổi tiếng của triết gia thời cổ đại  Protagoras: “Con người là thước đo vạn vật”. Ngày nay, vạn vật đang đo đạc lại con người; rằng xem mày còn đủ kích thước tinh thần và văn hóa ở trọ thêm vài trăm năm nữa trên trái đất xanh tươi, nơi đang bị chính mày tàn phá có cơ tiêu vong này hay không?

Minh triết không cãi lý và cậy mình cậy mẩy kiểu thông thái triết học. Nó thuần phác là những nghiệm sinh đầy chất thấu thị của con người, kiểu như câu thơ Nguyễn Trãi: “Hoa thường hay héo cỏ thì tươi”, “Nước chảy không mòn bóng núi” hay câu thơ tuyệt diệu của Nguyễn Gia Thiều: “Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán/ Chết đuối người trên cạn mà chơi”…

Vậy, triết học có trước hay minh triết có trước? Hay hai cái cùng sinh ra trong cõi u tịch, khi con người khắc khoải đi tìm tia sáng của sự khôn ngoan?

 Chúng tôi xin mạo muội có mấy định nghĩa về minh triết như sau:

Minh triết là trực giác thông tuệ.

Minh triết là khi bắt đầu suy tư bằng đôi mắt trẻ thơ.

Minh triết xuất hiện khi con người ngó vào bên trong bản thân mình để tìm ánh sáng.

Minh triết là sự thấu thị của tâm hồn…

Có lẽ con người đã đi từ thế giới khả giác đến thế giới khả niệm, nên minh triết xuất hiện trước triết học chăng?

Nghiên cứu cái gọi là “ triết học tiền Socrate”, chúng ta thấy rằng, phần cốt lõi của dòng chảy tư tưởng này nghiêng về minh triết hơn.

Bằng trực giác có một không hai tạo ra sự minh triết, Héraclite đã tìm ra biện chứng pháp nguyên thủy, điều mà hơn hai nghìn năm sau Hegel tiếp thu và nâng cao thành hệ thống triết học biện chứng danh giá, đến nỗi có người đã gọi Hegel là Chúa Jesus của triết học thế kỷ thứ 19… Không có biện chứng pháp cổ sơ Héraclite, không thể có biện chứng pháp duy tâm Hegel… Trong cuốn “Luận lý học ”, Hegel từng viết: “Tất cả những mệnh đề trong quyển “Luận lý học” của tôi, đều là những mệnh đề của Héraclite”.

 Thuyết biến dịch của Héraclite là một lý thuyết vĩ đại, chi phối toàn bộ dòng chảy của minh triết và triết học Hi Lạp cũng như của thế giới phương Tây mãi tới sau này: tất cả đều tuôn chảy, không một sự gì đứng trong hữu thể vững chắc, cũng như “không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”… Cắt nghĩa thuyết biến dịch của Héraclite, Aristote giải thích thêm: “Cùng một sự vật vừa có lại vừa không , thực đấy mà ảo đấy”, rất gần với thuyết sắc – không nhà Phật.

Chính vì vậy, Nietzsche mới đề cao Héraclite đến mức : “Một khi trần gian này còn cần đến chân lý thì sẽ luôn mãi cần đến Héraclite”… Có thể nói, minh triết của Héraclite có nhiều nét tương đồng với minh triết của Lão tử, nhà Đạo học vĩ đại phương Đông đồng thời với ông : cùng coi vũ trụ tồn tại trong biến dịch, có đấy mà không đấy, cùng coi vạn vật là đồng nhất thể : muôn cũng là một, một cũng là muôn nên mới có từ “muôn một”, vũ trụ nhất thể trong đa thể và ngược lại.

Cùng với Lão tử, Héraclite có thể là một trong hai nhà minh triết vĩ đại nhất của nhân loại ngay từ buổi bình minh của lịch sử…

Bằng trực giác minh triết, hai nhà triết học Democrite và Leucippe đã tạo ra tiền đề cho lý thuyết vật lý nguyên tử xuất hiện sau hai ông hơn hai nghìn năm. Từ khoảng mù sương của lịch sử, hai nhà triết học này đã khám phá ra vạn vật được cấu tạo bởi nguyên tử là những hạt vật chất nhỏ nhất không thể bị chia cắt…

Bằng trực giác minh triết, thiên tài toán học Pithagore đã coi toán học là chìa khóa mở vào vũ trụ, nâng toán học lên thành triết học, thành vũ trụ luận. Pithagore coi bản chất của vạn vật là con số, vì con số tượng trưng cho những chân lý bất dịch…Có thể coi Pithagore là vị thần minh, là tiền đề khởi xuất ra lý thuyết computer của thời đại Internet chúng ta chăng ? Vì nhà toán học vĩ đại đã mở ra thuyết số hóa vạn vật, linh hồn của kỹ thật số computer hiện đại. Có thể, những tiên cảm, tiên tri của Pithagore về việc tạo hóa đã số hóa, chương trình hóa, mã hóa mọi hoạt động của con người và vũ trụ (có thể hiểu như số phận = phận người đã được số hóa)… đang có cơ được khoa học vật lý hiện đại coi hình như là… chân lý…?

Từ bỏ thời đại thần linh của hai đại thi hào mở đầu văn minh là Homère và Hésiode , Hi Lạp đã chuyển sang thời đại minh triết Héraclite, mở ra hừng đông triết học với khởi đầu Socrate.

 Có thể nói: MINH TRIẾT của thời đại hoàng kim này được trực giác thấu thị, thời đại mà Héraclite đại diện, đã góp phần sinh ra triết học cổ đại Hi Lạp và toàn bộ nền triết học phương Tây đến tận thời của Descartes, Pascal, Kant, Hegel, Marx, Nietzsche, Heidegger…

 Vâng, minh triết đã có trước triết học, cảm quan về thế giới khả giác đã có trước cảm quan về thế giới khả niệm. Dù ngay cả khi triết học khủng hoảng, bị thời đại tri thức bỏ rơi, minh triết vẫn còn hằng sống với con người, là thái độ khôn ngoan lương thiện của con người trước thực tại; bởi minh triết bao giờ cũng là cặp tình nhân của đời sống; khác với bà dì ghẻ triết học chỉ thích đay nghiến và cao ngạo, lăm lăm nén thực tại vào những phạm trù, những khái niệm, những quy nạp, những diễn dịch, những hệ thống theo kiểu nén cà nén dưa, toan khái quát hóa cả ánh trăng và sương khói, toan làm cuộc hôn phối giữa thực tại và hư vô, đặng lục vấn hiện tồn bằng gương mặt cau có của lí trí còi xương…

Tuy vậy, minh triết không tìm cách xung khắc với triết học mà đồng hành cùng triết học, bổ sung dưỡng chất thể xác và tinh thần cho nhà tu khổ hạnh triết học lúc sắp tàn hơi trên đường chinh phục ảo ảnh chân lý. Trên sa mạc triết học, minh triết có thể là những khóm mây hay thảng hoặc những cơn mưa. Khi dòng sông triết học phóng ra những ghềnh thác, hun hút chảy đến mệt nhoài, minh triết chợt hóa thân thành những chiếc hồ êm ả để dòng sông lý trí nghỉ ngơi, an ngủ…Và trong giấc ngủ đông của triết học, minh triết hầu như hiện thân thành những giấc mơ, những ngọn lửa sưởi ấm cả vô thức lẫn hữu thức. Ngọn lửa mà Héraclite từng coi như một biểu hiện của Logos, mang tinh thần biến dịch Thượng Đế, hóa thân vào mọi hình thái sống và chết, thực và mộng, có và không…

Có thể nói, minh triết phần nào giống với linh hồn của triết học, dù triết học có chết đi, thì hồn vía của nó vẫn còn mãi với con người, đặng lúc tăm tối nhất, con người vẫn có thể xé lồng ngực mình, biến trái tim mình thành ngọn đuốt soi đường, như chàng Danco xưa của Gorki đã hóa thân thành ánh sáng, đưa đồng loại vượt qua cái chết đến sự sống…

Lạ thay, trong buổi bình minh của lịch sử, ở ba điểm khác nhau của thế giới, biệt lập nhau là Hi Lạp, Ấn Độ, Trung Hoa… trong cùng một thời gian từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ III trước Thiên Chúa, đã xuất hiện sự khởi đầu vĩ đại của minh triết, triết học và tôn giáo một cách rực rỡ nhất, huy hoàng nhất…

Cùng xuất hiện một lượt với minh triết Hi Lạp tiền Socrate, Đức Phật bước ra từ thế giới đa thần giáo Bà – la – môn. Ngài good bye siêu hình học đầy hỗn mang lẫn lộn trời và đất, lẫn lộn giữa thần và bò, giữa cái vô cùng và cái móng tay của sự vật trong kinh Veda; good bye siêu hình học Upanishad với Brahman (đại ngã) hít thở muôn ức các atman (tiểu ngã) vào trong buồng phổi hư vô của mình, rồi thở ra như thủy triều những atman được làm mới bằng những đợt sóng luân hồi đổi phận; good bye đấng sáng tạo toàn năng Brahma ẩn chứa trong Siva hủy diệt tượng hình Linga, ẩn chứa trong Visnu bảo tồn hình ảnh sinh nở phồn thực Yoni.

Chia tay các thần linh, chia tay ngai vàng thực tại, chia tay vợ và con trai mới sinh, chia tay hoan lạc trần gian, Đức Phật  khoác trên mình tấm vải gai thực tại của thầy tu khổ hạnh, chân đất cô độc đi giữa vô minh để ăn mày chân lý, lách qua bạo tàn lừa dối, lặn ngụp trong chết chóc, trong đói rách nhân quần đặng tìm ra phương pháp giác ngộ mà diệt trừ khổ nạn chúng sinh.

Minh triết của Đức Phật là một công án lớn vào bậc nhất nhân loại: nghỉ chơi với Thần Linh, vĩnh biệt các Niết Bàn (thiên đường) ảo tưởng… Ngài chỉ đường cho loài người: hãy tìm ra Niết Bàn trong chính mình, trong sự giác ngộ về vô ngã sắc sắc không không, từ bỏ tham sân si, từ bỏ hận thù, lấy ân báo oán sẽ diệt được Karma (nghiệp chướng), thoát vòng bể khổ bằng từ bi hỉ xả…Tôn giáo của Phật là tôn giáo con người: “Phật là chúng sinh đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ngài chỉ mang theo cái đuôi luân hồi của Bà – La – môn đến trú gốc bồ đề và tìm cách tu hành, đặng tiêu diệt nó…

Này bạn, bạn chỉ cần diệt được dục vọng là bước tới Niết Bàn ngay trong chính mình, trong nhà mình, trong vợ con mình, trong làng xã, trong quốc gia và trong thế giới của mình. Tìm thấy Niết Bàn trong thực tại, đặng sang bên kia thế giới, bạn sẽ được tịnh diệt, không còn phải luân hồi, không còn bị tái sinh trong kiếp con mèo con chó, trong kiếp kẻ nô tì hay kiếp bà bí thư, kiếp ông cán bộ…Lúc ấy, bạn đã đạt được tới toàn ngã (Brahman), không còn là một tiểu ngã (atman) một linh hồn cô đơn trôi dạt như loài sứa vật vờ trên bể khổ trầm luân…

Minh triết Phật giáo là một tôn giáo kỳ lạ, tôn giáo vô thần. Phật bảo: bạn đang thờ chính cõi chân thiện mỹ trong tâm hồn bạn đấy, bạn vừa chuyển hóa thành Phật tự bên trong, thân xác bạn vừa là ngôi chùa nhìn tự bên ngoài. Vâng, một ngôi chùa biết đi lại, biết cần lao, biết khóc cười và biết lấy vợ…

Bằng trực giác nhìn xuyên tám cõi, Phật là hiện thân của minh triết. Có nhiều lời phán dạy của ngài đi trước khoa học thực nghiệm phương Tây hơn hai nghìn năm. Có lần Phật bảo : trong một giọt nước tồn tại hàng vạn sinh linh… Chân lý này làm nhiều người hồ nghi. Chỉ đến thế kỷ thứ XIX, Pasteur mới khám phá ra thế giới vi khuẩn, vi trùng thì lời Phật dạy trên mới được thực chứng. Một thí dụ khác, khi Phật bảo, rằng chúng ta đang sống trong càn khôn chứa ngàn muôn muôn thế giới…Vật lý hiện đại đã chứng minh lời Phật trên là đúng : có rất nhiều vũ trụ chồng chéo lên vũ trụ của chúng ta, có rất nhiều thiên hà bao bọc thiên hà của chúng ta, có rất nhiều thế giới song hành với thế giới chúng ta trong đại vũ trụ không đáy, không chiều, trôi dạt một cách cố định và ngược lại, chúng có thể nuốt chửng nhau vào các lỗ đen như loài mực nuốt bọn phù du…

Minh triết của Phật là minh triết của sự giải thoát: giải thoát chính cả sự giải thoát, giác ngộ chính cả sự giác ngộ. Ngài trỏ đường thoát vô minh, để chúng sinh tự do chọn lựa… Ngài không ép buộc ai phải đi tìm thiên đường trong chính mình: rằng con đường đi tới cõi mình còn khó hơn con đường đi tới cõi người, khó hơn con đường đi ra thế giới truy tìm hoan lạc trần gian… Sau này, có những kẻ bắt chước Ngài, nhưng làm ngược lại Ngài : đi tìm thiên đường trong cõi thế mù tăm. Họ trói hàng đoàn người không thích món thiên đường vật dục, áp tải đoàn người gào khóc kia bằng súng, bằng lưỡi lê, lưỡi mác… ép hàng triệu triệu người phải nhịn đói nhịn khát, rách rưới vô tài sản, lếch thếch lang thang chống gậy đi ăn mày thiên đường.

Dạ thưa các bác, em không thích vào hợp tác xã nông nghiệp đâu ạ! Không thích cũng phải vào! Dạ thưa các bác, em không thích vào thiên đường của các bác đâu ạ! Không thích cũng phải vào!

Họ thúc báng súng vào lưng những đoàn người bị áp tải đi tìm thiên đường, bắt cắt rừng, băng sa mạc, vượt biển bão tố để tìm cõi không cần làm vẫn có ăn, cõi chỉ nhìn đã sướng muốn chết… Ai trốn khỏi hành trình thương khó truy tìm thiên đường của họ, họ bắn bỏ…

Chưa bao giờ chúng con cần sự cứu độ của Ngài như lúc này, thưa Đức Phật ! Xin Ngài mở vòng tay từ bi đón nhận những người anh em chúng con vừa trốn thoát khỏi cái thiên đường giả tạo được cai trị bằng đàn áp…

Ở bên kia dãy núi Pyrénées, à quên, bên kia dãy núi Himalaya cùng thời Đức Phật, tại nước Sở, thời nhà Chu, trên bờ sông Dương tử – chân lý vẫn được gọi là chân lý, không phải như danh ngôn của triết gia Pascal -xuất hiện một vị thánh làm thay đổi thế giới Phương Đông. Vị thánh ấy là đức Lão tử, đã sinh ra một hệ thống triết học độc đáo bằng chính trực giác rất mực minh triết.

Nhiều người hiểu Đạo vô vi của Lão là không nói gì, không làm gì, tự nhiên sinh ra thế nào cứ để vậy, không cần tác động vào tự nhiên khiến vạn vật được tư do tự tại mà sinh sinh diệt diệt. Hiểu như vậy thì không còn Lão tử nữa. Minh triết Đạo vô vi của Lão là đây: “Đạo vô vi không nói gì mà không có gì không nói, không làm gì nhưng không có gì không làm”… Tinh thần Lão tử là vô vi một cách hữu vi và hữu vi một cách vô vi… Ngài để tâm đến vạn vật, nâng đỡ và an ủi vạn vật. Nhưng tuyệt nhiên ngài không can dự quá sâu vào sự phát triển của chúng, tuôn thủ quá trình tự nhiên của sự vật.

Lão tử sinh ra trong thời loạn, dân chúng bị quan quyền hà hiếp vô cùng tận: cướp bóc, tham nhũng, hành pháp là hành dân bằng mọi phương pháp, hành chính là hành dân là chính. Lão tử cho rằng làm (hữu vi) như vậy, thà không làm (vô vi) còn hơn. Quan lại thời Xuân Thu biến dân thành nô bộc, mặc dù Trung Quốc thời cổ đại không có chế độ nô lệ như thời cổ đại Hi-La; việc lập ra Đạo vô vi là ý nguyện cứu đời của Ngài, muốn dân được hưởng chút tự do, tự tại của kiếp người…

Căm hận bọn cầm quyền áp bức hành hạ dân đen, Lão tử đã ngó lên trời mắng cả Thiên Địa là bất nhân, sao không biết thương dân nghèo, sao thấy dân lành bị khốn khổ mà không cứu: “Thiên địa bất nhân, xem vạn vật như chó kết bằng rơm”. Như vậy, theo Lão tử, ông trời nếu có kia không phải là người, vì ông đâu có biết thương người. Thuyết “thiên địa bất nhân” của Lão chống lại thuyết “thiên nhân đồng loại” của thời Văn vương, Võ vương nhà Chu… Trời không biết thương dân, nên Trời là kẻ độc ác.

Cho hay, thuyết Đạo vô vi của Lão vẫn là thuyết cứu đời, cứu người, thậm chí là siêu cứu người vì nó rất nhân bản và cao cả, rất thẳm sâu vậy. Đấy chính là minh triết.

Ngày nay, thuyết vô vi của Lão chừng như vẫn còn rất cần thiết, để những kẻ nóng ruột từng đốt cháy giai đoạn quá độ, bỏ qua quá trình tiến hóa tự nhiên của sự vật mà làm hỏng sự vật suy nghĩ lại mà ăn năn sám hối. Này anh kia, anh mới được mười tuổi sao đã “bỏ qua thời kỳ quá độ” là tuổi thanh niên mà đòi cưới vợ nhỉ? Này chị kia, quả mít mới đang còn tuổi lớn, đang còn tuổi non, sao chị nỡ “ bỏ qua thời kỳ quá độ “là thời kỳ già của nó, đã vội bẻ non hòng giấm giúi rồi ngồi chờ suốt cả trăm năm xem mít có chín hay không? Này, bác kia, nước bác đang còn phong kiến, chưa từng qua tư bản chủ nghĩa, sao bác đã bỏ qua thời kỳ quá độ tư bản mà tiến thẳng lên xã hội đại công nghiệp xã hội chủ nghĩa, bác đã hỏi Ngài Lão tử chưa? Chết thật, hữu vi như thế thà rằng vô vi triệt để còn hơn?

Cách đây hơn hai mươi năm, trong một bài bàn về triết học hữu vi và vô vi Trung Hoa, chúng tôi từng viết: ”Nếu sông Hoàng hà là bộ óc của nước Trung Hoa thì sông Dương tử chính là tâm hồn của Trung hoa vậy”; có ý cho rằng nếu Nho giáo của Khổng Mạnh cương cường phương bắc là dương, thì Lão Trang phương nam uyển chuyển lãng mạn là âm, hài hòa nhau, bổ khuyết nhau, ôm ấp nhau mà làm nên văn hóa Hoa Hạ. Một bên hữu, một bên Vô, một bên lấy Nhân rất thực làm gốc, một bên lấy Đạo rất  ảo làm gốc thì văn hóa Trung nguyên mới có cơ đứng vững suốt mấy nghìn năm, nếu chỉ có một bên, e rằng nước Trung Hoa đã đổ từ lâu vậy…

Nay bằng cái nhìn minh triết của hai phái Đạo và Nho, mới thấy cách ví von trước kia của chúng tôi là quá khập khễnh… Bởi vì vô vi của Lão là một kiểu siêu hữu vi, hữu vi ở bề sâu: cứu đời ở chỗ tưởng như không cứu đời, ấy mới là cứu đời đích thực vậy.

 Minh triết lớn nhất của Lão tử là phát hiện ra khái niệm Đạo : cao hơn thiên địa, sinh ra cả có và không, sinh ra tồn tại và hư vô, sinh ra tất thảy trừ chính mình, có trước vô cùng, không tự sinh không tự diệt…Vũ trụ luận này của Lão là minh triết lớn nhất, vượt qua các vũ trụ luận từ xưa tới nay…Phát minh này của Lão không thể chứng minh bằng thực nghiệm, vì nó mang tính trực giác mặc khải, chỉ có thể gọi nó là minh triết mà thôi.

Trong thời Xuân Thu, gần như cùng trang lứa với Lão tử, ở nước Lỗ bên bờ sông Hoàng Hà, một vị thánh cứu đời khác là Đức Khổng Phu tử đã được sinh ra. Nếu không có sự xuất hiện của nhà bách khoa này, lịch sử Trung Hoa, lịch sử phương Đông sẽ gần như không còn là lịch sử nữa, giống như sự giáng thế của Chúa Kitô đã quyết định nền văn minh Thiên Chúa giáo cho thế giới phương Tây hôm nay. Vai trò của Ngài với minh triết, với triết học và luân lý phương Đông là tối quan trọng, hệt vai trò quyết định của Aristote với văn minh phương Tây vậy.

Sau hơn hai ngàn rưởi năm, cho tới ngày nay (và có thể cho tới khi loài người kết thúc) thuyết CHÍNH DANH của Khổng tử vẫn còn quá cần thiết cho từng con người và cho toàn bộ xã hội: “Danh chính thì ngôn thuận, ngôn không thuận thì việc không thành”… Trong quá trình tiến hóa từ dã man tới văn minh, từ độc tài tới dân chủ, từ văn minh cơ bắp tới nền văn minh tri thức, chưa có học thuyết nào giản dị mà sâu sắc, tác động tích cực lên sự phát triển của lịch sử loài người như học thuyết chính danh này của Khổng tử.

Ngày nay, khi nhân loại đã bước sang kỷ nguyên tri thức, kỷ nguyên văn hóa của thế giới phẳng, mà lạ thay, có một số xứ sở, ví như xứ sở của chúng ta, vẫn còn tình trạng xã hội nhân quần lộn tùng phèo như thời Khổng tử đã nhìn thấy các trật tự luân thường bị đảo lộn: vua không ra vua, dân không ra dân, cha mẹ không ra cha mẹ, con cái không ra con cái, người không ra người, ngợm không ra ngợm, luật pháp không ra luật pháp, giáo dục không ra giáo dục, văn hóa không ra văn hóa, bằng cấp không ra bằng cấp…thì than ôi, thuyết chính danh vẫn còn đó để cứu đời…

Nho giáo Khổng Mạnh là những minh triết nhân bản nhất khi đã đưa con người lên hàng thần linh để tôn thờ, đó là Đạo Nhân: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ngày nay, trên những phần đất đau thương của thế giới, có những kẻ cầm quyền vẫn tôn thờ bạo lực, thờ thuyết duy ác mà lờ đi đạo thờ Người nhân bản của Đức Khổng phu tử, thì học thuyết Nhân vị, học thuyết chính danh, học thuyết trung dung, học thuyết lấy dân làm gồc… của Nho giáo vẫn còn nguyên giá trị cứu đời, cứu người vốn có từ thời cổ đại.

 Sau sự thất bại của các tà thuyết xa lạ với con người được thể nghiệm bằng máu và nước mắt, minh triết phương Đông lớn nhất của dân tộc ta vẫn là thế giới đa nguyên văn hóa: tam giáo đồng nguyên. Nhìn vào truyền thống văn hóa dân tộc, nhìn vào văn học nghệ thuật, vào miếu mạo đình chùa, nhà cửa, ẩm thực, ngôn ngữ, tôn giáo, ngó vào tư tưởng tâm hồn ông cha, đâu đâu ta cũng thấy hòa trộn ba yếu tố nhân bản nhất, thiêng liêng và sâu sắc nhất: Phật, Nho, Lão…

Trở lại với nền văn hóa đa nguyên này của ông cha đã từng làm nên nước Việt một nghìn năm Thăng Long, đã đánh bại các đế quốc phương Bắc như Hán, Đường, Tống, Nguyên , Minh, Thanh (mà không cần có sự chi tiền tối đa nào của ngoại bang ví dụ như Liên Xô, Trung Quốc mới đây chẳng hạn) để bảo tồn giang sơn giống nòi, có lẽ là phương cách tốt nhất đưa đất nước ta thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng văn hóa do sự thiếu chính danh, thiếu lòng nhân mà dư hận thù, thiếu chuẩn mực văn minh hôm nay gây ra. Đây  chính là minh triết lớn nhất vậy. Hình như “ Zarathoustra đã phán như thế”?

Sài Gòn ngày 24-08-2010

…………………………….

 

BÀN THÊM VỀ "CÁI TÔI" TRONG VĂN HỌC CỔ VIỆT NAM

 

        Hiện nay, quan niệm văn học cổ Việt Nam từ ca dao, tục ngữ qua thơ văn Lý Trần, Lê, Nguyễn cho tới năm 1932 tất thảy đều phi ngã, đều thiếu vắng "cái tôi" cá nhân, đã, đang được dạy trong môn văn trên đại học và bậc phổ thông. Chúng tôi từng viết một bài báo khá dài mang tên "Có thật nền văn học cổ Việt Nam mang tính phi ngã ?" (in trên báo "Người Hà Nội" số 42, ngày 26-10-1996) để chỉ ra chỗ chưa ổn của quan niệm trên, song dường như chưa được các vị thức giả lưu tâm chỉ giáo. Nay, chúng tôi muốn phát triển và phân tích sâu hơn cơ sở triết học và quan điểm thẩm mỹ tạo nên tính bản ngã, tức "cái tôi" trong văn học cổ phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời bước đầu tìm hiểu về sự khác nhau giữa quan niệm "cái tôi" phương Đông và "cái tôi" phương Tây, rất mong được các nhà lý luận nghiên cứu và phê bình văn học góp tiếng nói về vấn đề rất thiết cốt này của văn học.

        Thực ra, khi những con người đầu tiên xuất hiện ý thức, nó đã kinh ngạc ngó vào bản thân mình đồng thời ngó ra vũ trụ bao la. "Cái tôi" về một phương diện nào đó đã manh nha xuất hiện . Con người từ thuở sơ khai đã biết suy tư về tồn tại của mình và thế giới, băn khoăn đi tìm căn nguyên rằng tôi là ai, tôi đến đây làm gì và tôi đi về đâu ? Do vậy, ngay từ buổi bình minh của lịch sử, trước khi văn minh Hi Lạp xuất hiện, những cư dân vùng Lưỡng Hà, cư dân Ai Cập cổ đại đã phần nào có ý thức về "cái tôi" như là một mảnh vỡ của vũ trụ, một hóa thân của thần linh.

        Triết học phương Tây trước và sau Socrate cho đến Descartes nhìn chung là một nền triết học mang xu thế phóng thể, nghiêng về vũ trụ quan, ưu tiên hướng ngoại, ít quan tâm đến chiều sâu bản thể con người. Chỉ từ Descartes, qua triết học thời ánh sáng, con người trong ý niệm phương Tây mới tìm cách giải phóng mình khỏi sự vong thân triết học, tạo tiền đề cho "cái tôi" trong văn học xuất hiện cùng việc phá ngục Bastille và trào lưu giải phóng của dòng văn học lãng mạn.

        Tuy nhiên, những trường ca, anh hùng ca vĩ đại của Homère cổ đại, dù núp dưới vỏ bọc thần thoại, bao giờ cũng là khát vọng vượt qua giới hạn "cái tôi" để hòa vào cái "ngoài tôi" - cái bản thể vũ trụ. Trong kinh Veda của Ấn Độ và Kinh Thi của Trung Quốc, "cái tôi" xuất hiện như một nền tảng của tính nhân bản, của niềm tôn vinh mọi vui buồn sướng khổ của từng con người và từng tập đoàn người, dù con người kia đôi khi còn sống chung với thần linh, đặng khẳng định vẻ đẹp, nghị lực, sức mạnh của con người trên mặt đất. Người Trung Hoa cổ đại đã đẩy "cái tôi" lên ngang hàng trời đất trong một thế chân vạc : Thiên - Địa-Nhân. Các nhà triết học cổ đại hàng đầu Trung Hoa từ Lão Tử, Khổng Tử, Dương Chu, Mặc Tử, Mạnh Tử, Trang Tử qua Hán nho, Tống nho... đều hết sức quan tâm đến điều cốt lõi của triết học là Tha và Ngã, Ngã và Thiên, Ngã và Địa.

        Ở phương Tây, sau khi đế quốc La Mã để gần ba trăm năm cấm đạo Thiên Chúa giáo, cuối cùng vua Conxtantin đã trở lại đạo và biến đạo này thành quốc giáo. Từ đó, hình thành nền thần học của các giáo phụ coi "triết học là đầy tớ của thần học", với hai cây trụ cột là Augustin và Thomas D' aquin. Triết học kinh viện nhà thờ dần dà phủ nhận "cái tôi", một biểu trưng của tính nhân bản thời đại hoàng kim Hy-La để tôn vinh Thiên Chúa, coi con người - "cái tôi" đồng nghĩa với tội lỗi như một câu châm ngôn trong kinh  "Tin Kính " : "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng". Con người sinh ra đã mắc tội tổ tông truyền. Nó bị coi là vong thân, là kẻ bị nguyền rủa, kẻ bị kết án, luôn lấy sự sám hối ăn năn tội làm lẽ sống, lúc nào cũng bị phán xét, bị ra tòa khi sống và cả khi chết. Dưới bóng giáo đường và bóng lâu đài của các lãnh chúa, châu Âu dường đánh mất bản thân mình, như quên đi thời văn minh  nhân bản Hi-La cổ đại, chìm đắm trong sợ hãi địa ngục, hóa thành bầy chiên được chăn dắt dưới ánh lửa hỏa thiêu của những tòa án dị giáo man rợ. Đó là bóng đêm thời trung cổ (moyen-âge) thời kỳ thiếu vắng tự do tư tưởng kéo dài từ năm 395 sau công nguyên, năm đế quốc La Mã sụp đổ đến năm 1453, năm quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thành Constantinople.

        Hơn 1000 năm trung cổ, phạm trù "cái tôi" hầu như biến mất trong triết học và văn học châu Âu vì sự độc tôn, độc đoán, độc tài của nhà thờ Thiên Chúa giáo. Nếu châu Âu thời trung cổ thiếu vắng tự do tư tưởng, triệt phá mọi quan niệm triết học và khoa học khác với quan niệm Cơ Đốc thì văn minh phương Đông ngược lại, khuyến khích tự do tư tưởng, tôn trọng tam giáo đồng nguyên. Con người trong văn hóa phương Đông vẫn là trung tâm của các nhà tư tưởng, là mục đích của những suy tư triết học chứ không bị triệt tiêu như bên phương Tây trung cổ. Suốt hơn 1000 năm trung cổ, nếu châu Âu gần như thiếu vắng "cái tôi " trong triết học và văn học, thậm chí thành tựu văn học hầu như không có gì thì ngược lại, văn học Trung Quốc kể từ Đào Tiềm cuối đời Tấn, qua Tùy, Đường, Tống, Nguyên, đầu Minh chính là thời kỳ nở rộ nhất, hay nhất với cảm hứng "cái tôi" thấm đẫm vần điệu thi ca.

        Người ta đã khá sai lầm khi đem nội hàm của khái niệm trung cổ phương Tây áp đặt lên văn hóa phương Đông. Do vậy, việc cho rằng văn học trung đại phương Đông thiếu vắng "cái tôi" là một áp đặt hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.

        Nhờ phong trào văn nghệ Phục hưng (Re-naissance) thế kỷ thứ XV-XVI, châu Âu ngơ ngác bừng tỉnh khỏi bóng đêm trung cổ, quay về tìm lại tinh thần nhân văn Hy-La, ý thức được việc cần phải giải phóng mình ra khỏi bầy đàn, vươn lên khát vọng tự do cá nhân, thoát khỏi sự đàn áp tôn giáo. "Cái tôi" có cơ được thể hiện trong văn học dưới những hình thức khác nhau với thuở ban đầu nao nức của Dante, Shakespeare, Cervantes, Rabelais... Nhưng rồi chủ nghĩa cổ điển xuất hiện với văn chương cung đình, với những ước lệ, quy tắc khắt khe nghiêng về luân lý, thuyết giảng khô khan, duy lý, thiếu tình cảm cá nhân, xa lánh dần tinh thần khai phóng rạo rực thời phục hưng. Do vậy, nền văn học cổ điển phương Tây là một nền văn học mang tính phi ngã. Chỉ khi chủ nghĩa lãng mạn xuất hiện cùng với Cách Mạng Pháp, văn học phương Tây mới trở về với chủ thể "cái tôi" một cách đích thực. Rất tiếc, một số nhà lý luận nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam coi phương Tây là trung tâm, lấy thước đo phương Tây để đo đạc dòng văn học lãng mạn Việt Nam 1930-1945.

        Họ coi dòng văn học này tương ứng với chủ nghĩa lãng mạn xuất hiện bên phương Tây thế kỷ XVIII, rồi cho nền văn học trước thơ mới và Tự lực văn đoàn thảy đều mang nội hàm của chủ nghĩa cổ điển phương Tây (!) Thậm chí họ còn dồn ngót nghìn năm văn học ông cha vào cái rọ của phương thức văn học trung cổ phương Tây, để gán bừa cho chúng nhãn hiệu phi ngã, thiếu vắng "cái tôi" cá nhân. Rồi áp đặt quan niệm chưa chuẩn này vào việc giảng dạy văn học, vào nghiên cứu sinh văn học và các công trình khác. Trong quan niệm về văn học cổ, các nhà nghiên cứu lý luận Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản về cơ bản, hầu như không "phi ngã hóa" văn học ông cha xưa của họ như quan niệm của ta hiện nay.

        "Cái tôi" trong quan niệm triết học và mỹ học của người phương Đông hầu như khác hẳn với "cái tôi" phương Tây. Người phương Tây tuyệt đối hóa "cái tôi", phân biệt "cái tôi-cá nhân" và "cái tôi- xã hội". Họ quan niệm rằng "con người phổ quát - ta" hoàn toàn chưa phải là "con người cá nhân - tôi". Thậm chí sau này trường phái triết học hiện sinh còn tuyệt đối hóa cái tôi cá nhân tới mức không bao giờ chấp nhận cái ngoài tôi với những định đề kỳ lạ rằng, tự do của tôi là nô lệ kẻ khác và ngược lại, hoặc "địa ngục là tha nhân". Nó chỉ chấp nhận Ngã mà chống lại Tha. Quan niệm về "cái tôi" phương Đông khác hẳn vì nó hài hòa giữa Ngã và Tha, tôi vừa tồn tại trong tôi, vừa ở trong cái ngoài tôi và ngược lại. Con người chỉ thực sự là con người, là hiện hữu tôi nếu tôi đặt tôi bên cạnh tha nhân, nếu tôi đặt tôi trong những mối quan hệ sống còn với kẻ khác và với môi trường thiên nhiên như Marx nói : "Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". Người phương Đông không bao giờ tách cá nhân ra khỏi gia đình, xã hội, thậm chí không bao giờ tách cá nhân con người ra khỏi trời đất trong mối tương quan : thiên, địa, nhân. Cho nên "cái tôi" của phương Đông là một "cái tôi kép", vừa là tôi, vừa là ta, vừa là "tôi cá nhân", vừa là "tôi xã hội", không phải là "cái tôi" đơn lẻ, cái tôi tuyệt đối phi xã hội, phi quan hệ như phương Tây quan niệm.

        Chính vì những lẽ trên, nên văn học phương Đông từ khởi thuỷ đã là nền văn học đầy tính bản ngã vì nó là nền văn học sinh ra từ con người, vì con người. Mệnh đề "Văn dĩ tải đạo" của Khổng Tử cần phải hiểu thông thoáng hơn, đa ngữ nghĩa hơn, chứ "Đạo" đây không chỉ là đạo lý mà còn bao hàm cả Chân Thiện Mỹ. Chúng tôi xin lấy vài ba thí dụ trong ca dao Việt Nam như : "Chàng ơi phụ thiếp làm chi / Thiếp là cơm nguôïi đỡ khi đói lòng", thì nhân vật "thiếp" kia không chỉ là một "con người phổ quát" mà còn là một " con người cá nhân", con người cụ thể  đầy thân phận với đủ "cái tôi" tự ý thức. Hai câu ca dao khác : "Chính chuyên chết cũng ra ma / Lẳng lơ chết cũng đem ra ngoài đồng" hoặc "Lẳng lơ chết cũng không mòn / Chính chuyên cũng chẳng sơn son mà thờ" là những câu ca dao phản kháng, đòi giải phóng, đòi quyền sống, quyền tự do yêu đương, quyền tự do tìm lạc thú, quyền làm người của phụ nữ trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ .

        Thơ ca bác học Việt Nam khởi từ Lý-Trần qua Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát tới Tú Xương, Nguyễn Khuyến... bị ai đó dùng nội hàm văn học trung đại phương Tây để phi ngã hóa. Khi Dương Không Lộ thời Lý viết bài thơ tứ tuyệt "Ngôn hoài" là viết trong cảm hứng tuyệt vời bản ngã, đẩy cái tôi cá nhân lên chót vót đỉnh thiền với hai câu thơ cuối hay đến kinh ngạc như sau : "Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh / Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư " (Gặp dịp ta sẽ trèo thẳng lên ngọn núi cô độc cao ngất / Hét lên một tiếng hét dài làm lạnh toát cả càn khôn). Qua bài thơ thần diệu của Không Lộ thiền sư, chúng ta biết thêm rằng tiền nhân đã không chỉ lặn vào sâu thẳm nội tâm bản thể mình để đi tìm "cái tôi", mà còn hướng ra thái hư, thám hiểm vô biên để tìm kiếm bản ngã ngoài mình nữa.

        Thơ chữ Hán và nhất là "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi quả là đại kiệt tác trong văn học Việt Nam. "Quốc âm thi tập" chính là bài ca tuyệt mỹ của tính bản ngã, của "cái tôi" thân phận Nguyễn Trãi hóa thân vào cuộc đời và tạo vật, là tấm lòng đau đáu, cô đơn của hồn thơ thiên tuế "Đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay". Người ta dùng hệ quy chiếu phương Tây để đọc cổ nhân Việt Nam nên không thể tiếp nhận  được tinh thần bản ngã của hai câu thơ hay vào loại nhất trong "Quốc âm thi tập" : "Nguyệt xuyên há dễ thấu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non". Chỉ thấy ánh trăng và cây trúc, nước chảy và bóng núi, nào thấy "cái tôi" ở đâu ? Không, "cái tôi" đó nằm giữa hồn thơ, hồn người trong tận cùng gan ruột câu thơ và bàng bạc cả trong trời đất. Trăng sáng chiếm lĩnh cả vũ trụ, đâu đâu cũng phủ lên, trùm lên được mà sao chỉ có lòng trúc, ruột cây trúc là ánh trăng không thể soi thấu ? Nguyễn Trãi giấu hồn mình trong "lòng trúc thi ca" khiến vầng trăng thời đại không thể nào tiếp cận ; cũng như ông cha ta thường giấu "cái tôi" trong thơ ngoài tạo vật với thi pháp "thi tại ngôn ngoại". "Nước chảy đá mòn" nhưng với Nguyễn Trãi, nước chảy mãi vẫn không mòn được bóng núi. Bóng núi in xuống dòng sông nhẹ như không mà nước muôn đời chảy mãi vẫn không đẩy được, trôi được bóng núi - bóng thi ca kia. Câu thơ trên chỉ mượn trăng, mượn trúc, mượn bóng núi in trên nước chảy mà tỏ nỗi lòng nghìn thu Nguyễn Trãi với những suy tư sâu sắc tới vô cùng về thân phận làm người, sao lại bảo chúng thiếu vắng "cái tôi" cá nhân ?

        "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm là khúc ngâm đoạn trường của "cái tôi" cá nhân  người chinh phụ trải nỗi đau, trải niềm phản kháng, trải tiếng thét gào bản thể từ khuê phòng tới tận chiến trường đẫm máu. "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương... thảy đều là tiếng kêu thương đòi quyền được thể hiện "cái tôi" cá nhân, đòi quyền sống, quyền làm người của người đàn bà trong xã hội phong kiến. Nếu phủ nhận tính bản ngã trong thơ ca cổ dân tộc, cầm bằng như cố tình không công nhận tính nhân bản và tính nghệ thuật của những thiên tài thơ bậc nhất Việt Nam vậy ! Chúng tôi xin mượn lời nhà phê bình văn học kiệt xuất Viên Mai đời Thanh trong "Tùy viên thi thoại" bàn rất hay về "cái tôi" trong thơ làm lời kết : "Làm người thì không nên có cái tôi, có cái tôi thì hay mắc bệnh kiêu căng cậy tài. Cho nên Khổng Tử nói "không cố chấp", "không chỉ cho mình là đúng" vậy. Nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi. Không có cái tôi thì dễ mắc cái tệ cóp nhặt phô diễn..." (Lý luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc - Khâu Chấn Thanh - NXB GD 1994, tr.133).

        Sài Gòn 18-3-1999.

(Đã in trên "Kiến thức ngày nay" số 10.04.1999 và in

trên "Văn nghệ" số 48 ngày 27.11.1999)

………………………………..

 

CỨU LẤY MÔN VĂN ĐÃ VÀ ĐANG BỊ BỌN ĐỒ TỂ MANG DANH GIÁO SƯ TIẾN SĨ GIẾT CHẾT LÀ CỨU LẤY TÂM HỒN DÂN TỘC

 

        TS. Chu Văn Sơn tiếp tục sự nghiệp phá hoại môn văn trong Bộ GD & ĐT nơi trường trung học và đại học của thầy mình là GS. Nguyễn Đăng Mạnh:

        'Đây thôn Vĩ Dạ' cũng là thơ điên (!) - một 'phát minh' mới của ông Chu Văn Sơn?

        "Đây thôn Vĩ Dạ cũng là thơ điên",... "hình thức điên" của thơ Hàn Mặc Tử... - những "nhận định" quá ư rùng rợn trên nói về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ không phải do chúng tôi mà là của Tiến sĩ Chu Văn Sơn viết trong bài luận về Hàn Mặc Tử cũng như trong bài bình giảng bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, in trong trang 240 và trang 255 cuốn Ba đỉnh cao Thơ Mới (Nxb. Giáo Dục, 2003).  

        TRẦN MẠNH HẢO:

        Coi bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là thơ điên cũng được Chu Văn Sơn cho in từ trang 417 đến 436 trong cuốn Hàn Mặc Tử - Tác phẩm & Dư luận (Nxb. Văn Học, 2002). Bài phân tích thơ này cũng được in trong cuốn Phân tích - Bình giảng tác phẩm văn học 11 do Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên (Nxb. Giáo Dục, 1999). Tiến sĩ Chu Văn Sơn, người làm chuyên nghiệp nghiên cứu, phê bình văn học, lại thường xuyên được mời giảng văn trên Đài truyền hình Việt Nam, chắc là vừa phát minh ra phương pháp tiếp cận văn học xuyên văn bản, xoá văn bản hay sao mà lại cho bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, một bài thơ trong sáng, bình dị nhất của Hàn Mặc Tử là thơ điên? Chu Văn Sơn lại còn tuyên bố rằng Hàn Mặc Tử đã dùng “hình thức điên” để diễn đạt “nội dung đau thương”(!)?

        Ấy vậy mà lạ lùng thay, trên báo Văn Nghệ số 47, ra ngày 20/11/2004, trong bài Thêm một công trình nghiên cứu có chất lượng về Thơ Mới, tác giả Văn Giá đã đề cao cuốn Ba đỉnh cao Thơ Mới (viết về Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử) của Chu Văn Sơn bằng sự ca ngợi hết lời như sau: “Người viết đã như gọi được hồn vía của mỗi nhà thơ hiện lên trang giấy”...“Công trình này tự nó đã có dáng dấp của một lý thuyết nghiên cứu riêng, mặc dù tác giả chưa có ý định lập thuyết. Một công trình nghiên cứu được gọi là hay không chỉ có được những kết quả hay mà còn thể hiện được phương pháp ngiên cứu hay, mới mẻ, thú vị. Công trình này có được những phẩm chất như vậy”...“Chu Văn Sơn đã có một thứ ngôn ngữ phê bình riêng...mang ấn tín, quyền uy của Chu Văn Sơn”...“...chữ nghĩa của tác giả đã làm nên tư tưởng. Làm nên dấu ấn riêng, đường nét riêng trên con đường định hình một phong cách nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn”...“Những bài viết về “Nguyệt cầm”, “ Mưa xuân”, “Đây thôn Vĩ Dạ” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghệ thuật kể trên mà tác giả (tức Chu Văn Sơn - chú của TMH) đã tự quán triệt”...

        Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin khảo sát phần bình giải của Chu Văn Sơn với bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, xem Chu Văn Sơn có “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghệ thuật” như những lời ca ngợi tít cung mây của Văn Giá trên báo Văn Nghệ dành cho tác giả này hay không? Cũng xin lưu ý phần bình giải bài Đây thôn Vĩ Dạ của Chu Văn Sơn in trong cuốn Ba đỉnh cao Thơ Mới và phần bình bài thơ này của cùng tác giả in trong cuốn Hàn Mặc Tử - tác phẩm và dư luận nhìn chung chỉ là một, chẳng qua có chỉnh trang chữ nghĩa đôi chút mà thôi.

        Trong trang 240 cuốn Ba đỉnh cao Thơ Mới (BĐCTM), Chu Văn Sơn viết: “Đây là bài thơ trong trẻo bậc nhất của Hàn. Có lẽ bởi những lý do đó mà nhiều người đã yên trí rằng, Đây thôn Vĩ Dạ là một ngoại lệ, như lạc vào phần Thơ điên chứ không phải một thành viên thứ thiệt của nó. Không phải. Nó vẫn thuộc thơ điên, nhất là ở mạch liên kết siêu logic”... Trang 255, cuốn BĐCTM, Chu Văn Sơn khẳng định tiếp về sự điên của Đây thôn Vĩ Dạ như sau: “Có hình dung như vậy, mới thấy Đây thôn Vĩ Dạ cứ là Thơ điên theo đúng nghĩa. Không có những hình ảnh kỳ dị ma quái, những tiếng kêu kinh dị, nhưng mạch liên kết toàn bài thì rõ ra là “đứt đoạn”, “cóc nhảy”. Mạch thơ như một dòng tâm tư bất định, khước từ vai trò tổ chức chặt chẽ của lý trí”. Tiến sĩ Chu Văn Sơn viết ở dòng thứ 14, kể từ dưới lên, trang 420 cuốn Hàn Mặc Tử - tác phẩm - dư luận (HMT-TPDL) như sau: "Có hình dung như vậy mới thấy Đây thôn Vĩ Dạ cũng là thơ điên theo đúng nghĩa. Tuy không có những tiếng kêu lạ, không có những hình ảnh kỳ dị, ma quái, nhưng mạch liên tưởng toàn bài rõ ràng đã khước từ vai trò tổ chức của lý trí". Trước đó, từ dòng thứ nhất đến dòng thứ 5, cũng trang 420 (HMT-TPDL), Chu Văn Sơn định nghĩa thơ điên như sau: "Thơ điên thường có những biểu hiện: a) Mở ra một kênh hình lạ lùng, với vẻ đẹp kỳ dị (thậm chí dễ sợ); b) Những tiếng kêu lạ buột lên từ những cơn đau (hú, hét, gào, rú); c) Một lối liên tưởng rất phi logic (thoát ly hẳn áp lực của lý trí)".

        Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ trữ tình trong sáng vỏn vẹn 12 câu, dễ hiểu, dễ cảm, chẳng có một câu nào đáp ứng “ba tiêu chuẩn điên” trên đây của Chu Văn Sơn. Thế mà rất nhiều lần khi bình giảng bài Đây thôn Vĩ Dạ, Tiến sỹ Chu Văn Sơn cho rằng đây là tiếng kêu tuyệt vọng của thi sĩ, ví như ông viết ở trang 422 (HMT-TPDL), dòng 1 đến dòng 3 kể từ trên xuống, như sau: "Trên đây, người viết đã lần theo tình yêu tuyệt vọng, để thấy nó chi phối hình thức “điên” bao trùm của thi phẩm này". Trời, lại một phát minh cực mới của Tiến sĩ! Chu Văn Sơn có thể làm giật thót mình toàn bộ giới lý luận phê bình văn học bằng việc công bố trong văn chương còn có một “hình thức điên”? Thế nào là “một hình thức điên” thì xin ông Sơn tiếp tục chỉ giáo! Vậy, trong trường hợp cụ thể Đây thôn Vĩ Dạ, “hình thức điên” đã bao trùm lên một nội dung điên hay một nội dung tỉnh táo? Chẳng lẽ thể thơ thất ngôn cổ điển được Hàn thi nhân dùng viết ra Đây thôn Vĩ Dạ cũng là một thể thơ điên? Tạo ra một thuật ngữ mới tinh: “HÌNH THỨC ĐIÊN” như thế cho lý luận văn học mà không hề lý giải, có thể Tiến sĩ Sơn toan làm điên đầu bạn đọc chăng? Ngay ở đầu bài bình thơ này, ông Chu Văn Sơn, để tuyên bố “công án điên” của mình bằng một khái quát hết hồn là “điên hoá” toàn bộ hình thức thơ Hàn Mặc Tử như sau: “Vâng, đau thương và điên chính là Hàn Mặc Tử. Đau thương là cội nguồn sáng tạo, còn điên chỉ là hình thức của sáng tạo ấy”. Tuyên bố “đau thương” là nội dung thơ Hàn Mặc Tử còn “điên là hình thức” thơ Hàn là một nhận thức không chỉ kỳ quặc, bí hiểm, hũ nút mà hoàn toàn sai lạc với thơ Hàn Mặc Tử nói chung và Đây thôn Vĩ Dạ nói riêng. Xin xem thêm ở cuốn Ba đỉnh cao Thơ Mới, trang 231, Chu Văn Sơn “điên hoá” toàn bộ thơ Hàn bằng một kết luận tương tự như sau: “Và đây là cái gốc của Thơ điên. Đúng thế, nếu đau thương là nội dung sáng tạo, thì điên là hình thức của sáng tạo ấy”.

        Trần Mạnh Hảo tôi vốn người trần mắt thịt, ngồi một mình lẩm nhẩm đọc thuộc lòng Đây thôn Vĩ Dạ đến 25 lần xem bài thơ này của Hàn Mặc Tử có điên như Tiến sĩ Chu Văn Sơn kết luận trên chăng? Tuyệt nhiên tôi chẳng thấy “nó” điên ở chỗ nào. Có lẽ khi đọc bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Tiến sỹ Chu Văn Sơn đang ở trạng thái lên đồng, hoặc ông ta đã học được phép loại trừ chính lý trí của mình khi bình giảng một bài thơ trữ tình trong sáng như Đây thôn Vĩ Dạ chăng? Hàn Mặc Tử không bao giờ bị điên, không có bài thơ nào, câu thơ nào của ông điên cả, dù ông có đề tên bài là “Anh điên”, “Em điên” đi nữa. Chúng tôi đành phải chép ra đây bài thơ “Anh điên” để thấy thơ Hàn Mặc Tử và chính ông chẳng hề điên tí nào, thậm chí còn rất tỉnh táo, tuân thủ cái logic hiện thực trữ tình một cách rất lý trí như sau: “Anh nằm ngoài sự thực / Em ngồi trong chiêm bao / Cách nhau xa biết mấy / Nhớ thương quá thì sao // Anh nuốt phút hàng chữ / Anh cắn vỡ lời thơ / Anh cắn cắn cắn / Hơi thở đứt làm tư!”. Còn đây, bài thơ “Em điên” của Hàn thi sĩ vẫn cứ là một lý trí tỉnh táo dù tình cảm mấp mé bờ mê bến ảo đi nữa: "Em xé toang hơi gió / Em bóp nát tơ trăng / Em túm muôn trời lại / Em cắn vỡ hương ngàn // Em cười thì sao rụng / Em khóc thì đá bay / Em nhớ chàng quá Trí / Mà chàng vẫn không hay!".

        Có thể Tiến sĩ Chu Văn Sơn chỉ căn cứ vào những lời tuyên bố của nhóm thơ "loạn" Quy Nhơn thời Hàn Mặc Tử, hay căn cứ vào lời tuyên bố về thơ điên của chính nhà thơ này, ví như việc Hàn thi nhân toan đặt tên tập thơ Đau thương viết trong thời kỳ chữa bệnh phong tại trại phong Quy Hòa là “Thơ điên” mà vơ đũa cả nắm đối với Đây thôn Vĩ Dạ chăng? Nên nhớ rằng một người điên không bao giờ thừa nhận mình điên cả. Ngay cả các thi sĩ cực đoan nhất của phái tượng trưng hay phái siêu thực có tuyên bố mình làm thơ điên, mình điên loạn đi chăng nữa thì cũng chỉ là một cách nói làm dáng, một “phong trào” giả điên mà thôi. “Trường thơ loạn” Quy Nhơn với Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên tuy có những tuyên bố “điên loạn” dị thường nhưng thơ của họ thực chất vẫn là phong cách trữ tình truyền thống pha một tí xíu lãng mạn hoặc chút chút gia vị tiêu ớt tượng trưng mà thôi. Cả hai nhà thơ này chỉ “điên” trong tuyên bố cho hợp thời trang tượng trưng, siêu thực chứ còn thơ họ hoàn toàn tỉnh táo, chẳng có một tẹo điên nào.

        Bình văn, giảng thơ là căn cứ vào văn bản, chứ không căn cứ vào những tuyên bố ngoài văn bản dù của chính tác giả. Trong trường hợp Đây thôn Vĩ Dạ, một bài thơ trong sáng, mộng mơ, hy vọng, giản dị, nhà thơ mượn “Vĩ Dạ”, mượn “Em” để tỏ tình với trời đất, với cuộc đời. Bài thơ này chính là niềm hy vọng, là tình yêu, là tấm lòng thiết tha với trần thế, ràng buộc hồn mình với tạo vật của tác giả. Bài thơ toàn nắng với trăng, có một thoáng "buồn thiu" của dòng nước lặng, nhưng ngay sau đó, ánh trăng đến phả lòng yêu đời xuống bến sông trăng. Cả bài thơ là niềm yêu đời khôn xiết, sao Tiến sĩ Chu Văn Sơn dám bảo rằng Đây thôn Vĩ Dạ toàn là tuyệt vọng? Còn việc Tiến sĩ Sơn cho rằng bài thơ này có nội dung đau thương và hình thức điên thì không còn có thể bàn luận gì được với ông nữa rồi. Nhận thức về toàn bộ thơ Hàn nói chung và Đây thôn Vĩ Dạ nói riêng sai lạc trăm phần trăm như thế thì bài bình thơ sao có thể đúng cho được? Chỉ xin dẫn ra đây một dẫn chứng về lối bình thơ dung tục, phi thơ của Chu Văn Sơn khi bình câu “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” để bạn đọc thấy khoảng cách giữa cảm nhận của nhà bình giảng thơ và nhà thơ là "nghìn trùng xa cách" như thế nào: "...Cau có dáng mảnh dẻ, bóng đổ xuống vườn trong nắng mai, in thành những đường tinh tế như kẻ chỉ xuống lối đi, xuống cảnh vật. Thân cau chia làm nhiều đốt đều đặn, cau khác nào như một cây thước mà thiên nhiên dựng sẵn trong vườn dùng để đo mực nắng. Nắng mai rót vào vườn cứ đầy dần theo từng đốt, từng đốt. Đến khi tràn đầy thì nó biến cả khu vườn xanh thành một viên ngọc lớn..."(Ba đỉnh cao Thơ Mới, tr. 260,261)

        Điều kinh ngạc lớn nhất của chúng tôi là một bài bình thơ sai lạc như thế này, lại liên tục được in trên nhiều cuốn sách tham khảo cho học sinh sinh viên. Bảo nội dung thơ Hàn Mặc Tử là đau thương còn hình thức thơ ông là hình thức điên như sự bình giải phi văn bản, phi thơ này của Tiến sĩ Chu văn Sơn thì quả tình là một cách hữu hiệu nhất xóa bỏ tài năng thơ của Hàn thi nhân, không cứ chỉ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ. Lại nữa, ông Chu Văn Sơn là một người hay lên giảng thơ văn trên đài truyền hình Việt Nam cho cả nước học tập. Liệu khi ông lên truyền hình giảng “Đây thôn vĩ Dạ cũng là thơ điên” thì có làm điên đầu cả nước hay không?

        Chỉ với một bài thơ giản dị, dễ hiểu như Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử mà Tiến sĩ Chu Văn Sơn còn chưa hiểu, còn bình giảng sai đến kinh ngạc như trên, thì thử hỏi, làm sao ông có đủ khả năng làm nên một cuốn sách nghiên cứu phê bình tuyệt vời như Văn Giá vừa ca ngợi hết lời trên báo Văn Nghệ?

        Sài Gòn, 24/11/2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét