Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

NHÀ VĂN TRẦN THỊ HẰNG / Trần Mỹ Giống

 


           Trần Thị Hằng tên thật là Trần Thị Nguyệt Hằng, sinh ngày 28 tháng 4 năm 1947 tại xóm Đông Thành, xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tuổi ấu thơ của chị được nuôi dưỡng bằng tình yêu sâu sắc của mẹ và tính nghiêm khắc của cha, một sĩ quan hải quân. Tâm hồn chị thấm đẫm những câu hát ru, những chuyện kể của mẹ về truyền thống làng Trà Lũ, một làng nổi tiếng nhiều giai thoại về văn và võ.

       Năm 1969 chị nhận công tác ở Đài Phát thanh Hải Phòng (nay là Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng) và gắn bó với nghề báo tới khi nghỉ hưu. Chị lần lượt đảm nhiệm các công việc và chức vụ: Phóng viên Kinh tế - Văn hoá xã hội - Thời sự Chính trị, Trưởng phòng chuyên đề, Phó ban kinh tế, Trưởng ban văn nghệ, Trưởng ban văn xã thời sự chính trị. Hiện nay chị là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Hải Phòng, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng.

       Hơn ba mươi năm gắn bó với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, bằng tài năng và lòng yêu nghề, chị đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng đài phát triển và được đồng nghiệp quý mến. Trong cương vị một nhà báo, chị luôn bám sát thực tế, dồn hết tâm huyết vào tác phẩm, phản ánh cuộc sống một cách chân thực. Các tác phẩm của chị đã thể hiện thái độ khen chê rõ ràng, nhiệt tình ủng hộ cái tốt, kiên quyết đấu tranh với cái tiêu cực. Những kẻ làm ăn bất chính bị chị phơi bày trên công luận đã gây cho chị không ít phiền phức bằng những lời đe doạ, những hành vi trả thù hèn hạ, mua chuộc tinh vi. Trước sự phản kích của cái tiêu cực, chị vẫn vững vàng, dũng cảm, giữ trọn phẩm chất người làm báo. Chị được dư luận đồng tình ủng hộ và khuyến khích. Các tác phẩm của chị liên tiếp nhận được những giải thưởng của trung ương và địa phương: "Hợp tác xã Sông Hương và những vấn đề của nghề thêu xuất khẩu" (Phóng sự điều tra) được Giải nhì Báo chí toàn quốc năm 1983, "Đường vào của những con tàu" (Phim tài liệu) đoạt Huy chương bạc trong Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1992, "Thấy gì nơi cửa ngõ thành phố" (Phóng sự điều tra) được nhận Huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1993, "Đằng sau những hợp đồng kinh tế " (Phóng sự điều tra) được nhận Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1994, "Mùa xuân hát đúm cho em hẹn hò" (Phim tài liệu) giành Huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1998...

       Không chỉ thành công trong nghề làm báo, đặc biệt là phóng sự điều tra, mà chị còn thành công trong cả sự nghiệp văn chương.  Tác phẩm đầu tiên của chị được in thành sách là kịch ngắn "Cứu xe"  (Nhà xuất bản Văn hoá, 1968). Chị bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, lấy tiêu đề là "Chúng tôi đang sống với nhau". Khi viết xong, chị hăm hở đem bản thảo đến một số nhà xuất bản và... không được in. Mất bao công sức, thời gian mà không thành công, chị không nản chí. Chị tự nhủ coi như đây là sự tập dượt trong nghề văn. Chị lao vào công tác báo chí, dự các trại sáng tác để tăng vốn sống và hiểu biết về lý luận văn học. Một số bút ký, truyện ngắn, bài viết của chị được đăng trong báo, tạp chí trung ương và địa phương. Năm 1993 chị hoàn thành bản thảo tiểu thuyết "Những người đàn ông đã gặp" và gửi Nhà xuất bản Hải Phòng rồi chờ đợi trong lo âu, phấp phỏng. Không đầy ba tháng sau, cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản và phát hành rộng rãi. Tác giả được nhà xuất bản bao cấp toàn bộ. Ngay sau đó, cuốn sách lại được nhận Giải nhì (Không có Giải nhất) Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm thành phố Hải Phòng. Chị lấy những người, những việc diễn ra ở làng Trà Lũ quê hương mà chị từng quen, từng biết làm "chất liệu" cho tiểu thuyết của mình. Chị tâm sự: "Xuân Trung, Xuân Trường là vùng trù phú, trên bến dưới thuyền, nhà thờ, chùa chiền cổ kính. Thuở nhỏ vào dịp hè, tôi rất thích theo mẹ đi chợ phiên"... Có lẽ tình yêu quê hương đã giúp chị viết thành công tiểu thuyết "Những người đàn ông đã gặp". Tình yêu quê hương và lòng say mê nghiệp văn chương thôi thúc chị viết tiếp tập hai với tiêu đề "Cây trầu không", nhà xuất bản Hải Phòng in năm 2001. Vừa qua "Cây trầu không" của chị đã được nhận Giải C của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho thể loại tiểu thuyết.

       Đã nghỉ hưu, nhưng sức viết của chị không suy giảm. Chị thổ lộ: "Cuộc sống riêng có niềm say mê làm báo, viết văn, thích đi, thích đọc, thích viết, điều gì cũng muốn biết. Khi làm báo, ưu thế là thể loại bút ký và phóng sự điều tra ở mảng kinh tế. Khi viết văn, biết rung động trước số phận không may mắn và cả... câu nói, cái nhìn của người khác" (Nhà văn Hải Phòng chân dung và tác phẩm). Dường như niềm đam mê nghiệp văn chương không cho chị nghỉ. Chị đang tập trung viết tiểu thuyết "Sóng nhiễu" với lời tựa: "Đây là câu chuyện có thật ở một đài truyền hình địa phương - Thật đến từng chi tiết. Nhưng vì những lý do tế nhị tôi không đề tên thật mong bạn đọc thông cảm". Vốn đã thành công khi lấy bản thân và những người xung quanh làm nguyên mẫu, coi trọng tính chân thực lịch sử cụ thể, chắc chắn chị sẽ thành công trong "Sóng nhiễu".

       Vừa đi trại sáng tác ở Tam Đảo về, chị hồ hởi báo tin cho tôi biết: "Hằng đang chuyển thể hai tiểu thuyết "Những người đàn ông đã gặp" và "Cây trầu không" sang kịch bản phim. Hy vọng cái làng quê nhỏ bé Xuân Trung, Xuân Trường của chúng ta sẽ lên phim đấy. Đó còn là nỗi khát khao về những gì muốn làm cho quê hương của Hằng".

       Với tài năng, niềm say mê nghệ thuật và tình yêu quê hương tha thiết của mình, nhà văn Trần Thị Hằng sẽ còn thành công hơn nữa trong những tác phẩm sắp ra đời của chị.

 

       Trần Mỹ Giống


Nguồn: Trần thị Hằng nhà văn nữ Nam Định / Trần Mỹ Giống // Văn hoá Nam Định. – 2003. – Số 4. – Tr. 39 – 40.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét