Trần Mỹ Giống
Tôi vốn không quan tâm đến hình thức của mình nên hầu như không mấy khi dùng gương lược. Từ hôm vợ tôi mua cái gương cao hai mét, rộng ba gang tay, treo ở cạnh cửa buồng, để trừ tà, thì đột nhiên xuất hiện trong nhà một tay đàn ông trông thật gớm ghiếc. Mỗi khi thấy tôi đi qua là hắn lại hiện ra, mắt gườm gườm nhìn tôi, cứ như trêu ngươi làm tôi rất khó chịu.
Khi chuyển động, dáng hắn như mũi tên lao về phía trước. Trông cái lưng con tôm, đầu cắt ba phân lô nhô tóc bạc, mặt lưỡi cày, da tai tái, đôi mắt ti hí một mí rưỡi lúc nào cũng đờ đẫn, hai má hóp, mũi gẫy, cằm nhọn không râu, môi vừa mỏng lại vừa thâm, mỏ nhọn thập thò hai cái răng cửa hô cải mả, người ta cứ ngỡ hắn là “cụ”, thực ra hắn mới chỉ là “ông”.
Hắn hiền lành và tự ti. Trong các hội nghị, hoặc ở nơi đông người, hắn thường thu mình vào góc khuất. Có lẽ hắn không muốn chường cái bản mặt không lấy gì làm tự hào của mình trước mắt thiên hạ. Hắn bảo: “Gần lửa rát mặt, càng ít để lãnh đạo giáp mặt càng tốt”. Đôi lần thấy hắn xuất hiện trên ti vi, trông như đang ngủ gật. Mà hắn ngủ thật. Cái tật ngủ gật mãn tính của hắn có từ ngày hắn còn là sinh viên. Một cô giáo trẻ bực mình, bắt hắn ngồi ở bàn đầu, sát nơi cô thường đứng giảng bài, để hắn chừa cái thói ngủ gật trong giờ giảng của cô. Thế mà hắn vẫn cong cổ xuống ngủ. Cô thường tì bụng vào bàn học sinh trong khi giảng, để cho tự tin, thế nên ở dưới nhìn lên, trông đầu hắn cứ như chọc vào bụng cô. Không nín cười được, cả lớp cười rúc rích, rồi cười phá lên. Khi hiểu ra nguyên nhân lớp cười, mặt cô đỏ như gấc chín. Còn hắn thì cứ vô tư… ngủ ngon lành, chẳng hay biết chuyện gì.
Nhưng hắn có tài vặt. Hắn ngủ mà vở ghi của hắn lại đầy đủ và đẹp hơn cả của người thức. Những năm là sinh viên, hắn chưa từng bị môn nào điểm trung bình. Có lần bị điểm 7 môn toán vi phân tích phân, hắn tự trách mình đến mất ngủ mấy đêm liền. Mỗi khi bạn bè nhắc lại chuyện ngày trước hắn là sinh viên duy nhất của Trường Văn hoá được thày dạy môn tâm lý học cho điểm 10, nét mặt hắn tỉnh qoeo, không nói một lời, trông đến ghét.
Hắn biết làm thơ từ năm 13 tuổi. Năm hắn học lớp 6, trường hắn tổ chức cuộc thi thơ. Hắn nộp hai bài, được giải nhì. Đài truyền thanh huyện mấy lần đưa tin và đọc các bài thơ được giải làm hắn vênh váo lắm. Từ đó, hắn cứ ngỡ mình là nhà thơ rồi. Bất cứ cái gì cũng có thể là cái cớ để hắn “xuất khẩu thành thơ”. Bất cứ chỗ nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào hắn cũng tìm được lí do đọc thơ của mình để… tra tấn người nghe. Năm 1972, hắn bị thua trong một cuộc đấu thơ với người đồng đội, mà người đồng đội này mới chỉ học dở lớp 10, còn hắn đã học dở năm thứ tư đại học. Cũng từ độ ấy, hắn xấu hổ mà không làm thơ nữa. Nhờ thế mà bạn bè hắn không còn bị hắn tra tấn bằng những bài thơ con cóc nữa.
Hắn có tài thổi sáo trúc. Ngày học sơ tán ở Yên Dũng (Bắc Giang), tối tối hắn lên đồi thổi sáo dưới trăng, có cô bạn cùng lớp nghe rồi mê mẩn đến độ phải mò ra với hắn. Vào bộ đội, tài vặt thổi sáo trúc của hắn có đất dụng võ. Có dễ đến cả trăm lần hắn được mời độc tấu sáo trúc các bài Anh vẫn hành quân, Lý hoài Nam, Trên đường chiến thắng cho bộ đội nghe trong những khi nghỉ giải lao trên đường hành quân, hoặc trong các đêm liên hoan văn nghệ của đơn vị. Hồi ở quân đội, làm Trợ lý câu lạc bộ cấp sư đoàn, hắn vẫn thường nhận đệm thơ cho tiết mục ngâm thơ. Có tiếng sáo ngọt ngào của hắn, các tiết mục ngâm thơ hay hơn hẳn. Hắn lại còn hát cũng khá nữa. Anh quân bưu vui tính, Tôi là Lê anh nuôi là mấy bài tủ hắn thường hát đi hát lại trong hội nghị, đêm giao lưu… Lạ là nghe đi nghe lại mấy bài đó mà thính giả vẫn vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng. Nhiều người bảo: “Giá mỏ hắn không nhọn thì hắn còn hát và thổi sáo hay hơn nhiều”. Có người lại bảo: “Hắn hát hay, thổi sáo giỏi chính là nhờ có cái mỏ nhọn ấy”.
Từ ngày ra quân, về sống với vợ con, hắn không thổi sáo nữa. Chỉ thỉnh thoảng đứa cháu ngoại quấy hắn mới lấy sáo ra thổi đệm cho con bé hát bài Bé bé bằng bông hoặc Con cò bé bé… Nghe đâu vợ hắn cấm hắn thổi sáo để giữ sức khoẻ cho hắn. Lại nghe nói vợ hắn muốn tránh cho những cô gái nhẹ dạ cả tin bị mê hoặc như mình bởi tiếng sáo của hắn. Có người bảo hắn sợ vợ. Hắn bảo không phải hắn sợ mà chỉ nể vợ thôi. Chả ai tin lời hắn. Bị đồng nghiệp trêu quá, hắn khùng lên: “Ông sợ vợ ông, chứ vợ thằng khác thì còn lâu ông mới sợ, nhá!”
Tính hắn thẳng băng mực tàu. Thường thì hắn rất ít nói, nhưng khi buộc phải nói thì hắn cứ tông tốc xổ hết những suy nghĩ của mình, chẳng kiêng nể ai, thành ra nhiều khi vạ miệng. Hồi còn là sinh viên, hắn yêu cô bạn cùng lớp, chính là vợ hắn bây giờ. Nhà trường có quy định cấm học sinh yêu đương trong thời gian học tập tại trường. Hắn thản nhiên công khai chuyện yêu đương của mình cho mọi người biết. Thế là hắn bị đưa ra kiểm điểm mấy buổi liền. Cô giáo chủ nhiệm lớp tuyên bố: “Hoặc là em muốn học thì phải chấm dứt ngay chuyện yêu đương, hoặc là em cứ yêu thì phải buộc thôi học”. Hắn cảng cổ cãi: “Chả có điều luật nào cấm chúng em yêu đương cả. Cô đuổi học em là quyền của cô, còn yêu hay không là quyền của em”. Nghe hắn láo xược như thế, cô giáo chỉ còn biết lắc đầu chào thua. Thế là từ năm thứ nhất, tức là từ khi hắn bị đưa ra kiểm điểm tội yêu đương, đến nửa năm thứ tư, tức là đến khi hắn nhập ngũ, hắn đành nhận hạnh kiểm loại C, chứ quyết không từ bỏ tình yêu của mình.
Ngày chiến đấu ở Quảng Trị, do lập thành tích xuất sắc, hắn được Bí thư chi bộ trao đổi muốn kết nạp đảng tại trận. Tưởng hắn sẽ rất sung sướng đón nhận vinh dự đó, ai ngờ hắn thẳng thắn từ chối với lý do tự thấy mình chưa xứng đáng. Hỏi chưa xứng đáng ở chỗ nào? Hắn bảo ở chỗ tư tưởng hắn chưa tốt, hắn không vào đảng để có cơ hội ra quân là chớp thời cơ về học tiếp đại học. Cuối cùng thì sau chiến dịch Cửa Việt cuối năm 1972 đầu năm 1973, hắn cũng được điều ra Bắc, nhưng không phải là ra quân, mà là đi học Trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây. Học xong, được điều về giữ chức Trung đội trưởng đơn vị huấn luyện một thời gian, hắn lại được cử đi học chính trị, được vào đảng, rồi chuyển sang ngạch sĩ quan chính trị. Năm 1979 hắn làm trợ lý tuyên huấn sư đoàn, tham gia chống quân xâm lược Trung Quốc ở Lạng Sơn, lại lập thành tích xuất sắc, được giấy khen. Sau chiến dịch, quân đội có chủ trương những sĩ quan giữ chức vụ hai năm trở lên mà hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được phong hàm tương đương. Hắn giữ chức trợ lý tuyên huấn cấp sư đoàn hơn ba năm, được đưa vào danh sách đề nghị phong hàm vượt cấp. Nhưng khi đưa ra xét duyệt ở cấp Đảng uỷ sư đoàn thì hắn bị ông chính uỷ thẳng thừng gạt bỏ với lý do hắn chưa qua chiến đấu, chưa được đào tạo chính quy, chưa có thành tích xuất sắc… Thời hắn làm trợ lý cán bộ, hắn đã thẳng tay gạt bỏ tất cả con cháu, em kết nghĩa của chính uỷ không đủ tiêu chuẩn ra khỏi danh sách đề nghị cho đi học sĩ quan. Chính ủy giận tím mặt mà không làm gì được. Ông để bụng ấm ức chờ dịp dạy cho hắn biết lễ độ. Khi thấy tên hắn trong danh sách đề nghị phong hàm vượt cấp, ông gạt phắt cho bõ tức. Biết chuyện, hắn nổi khùng đem hết huân chương chiến công, giấy chứng nhận dũng sĩ, bằng tốt nghiệp sĩ quan lục quân… trình lên Bộ Tư lệnh và chất vấn vì sao hắn không được phong hàm như những người khác. Bộ Tư lệnh không trả lời được, buộc phải cho hắn ra quân theo đề nghị của hắn.
Chuyển ngành về công tác ở thư viện tỉnh, hắn vẫn chứng nào tật ấy. Lãnh đạo không thích hắn, nhất là lãnh đạo cùng thời “ngồi phệt” với hắn lại càng không thích hắn. Chỉ riêng cái tội hắn giám công khai moi móc những yếu kém của lãnh đạo, lại còn viết lên mặt báo chí nữa, cũng đủ để cho người ta đưa hắn lên máy chém rồi. Nhưng vì không thể đưa hắn lên máy chém, nên người ta để bụng thù vặt. Người ta cố tình gạt hắn ra khỏi danh sách những người được bình bầu khen thưởng, không gạt được thì gây khó khăn, để hắn lĩnh đủ hậu quả việc hắn bóc mẽ lãnh đạo. Hắn tự an ủi rằng cần quái gì cái giấy khen, thiết gì mấy đồng bọ. Hắn chửi mấy tay lãnh đạo vốn xưa cùng tầng lớp “dưới đáy” với hắn, mới nhoi lên được làm lãnh đạo đã quên quá khứ của mình, theo kiểu AQ: “Mày hơn tao cái ghế, nhưng mày kém tao cái đầu”.
Dù là yêu hay ghét, thì người ta vẫn phải thừa nhận hắn là chuyên viên giỏi. Những bài viết của hắn trên báo chí khó ai bắt bẻ được. Trái ngược với lãnh đạo, học trò của hắn coi hắn là thần tượng. Nhiều đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh rất quý phục hắn.
Nhưng hắn hâm hấp, lập dị. Năm chia tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin bổ nhiệm hắn làm Giám đốc Thư viện tỉnh mới. Tưởng hắn sẽ vồ lấy cơ hội trăm năm có một này, ai ngờ hắn từ chối không một chút đắn đo. Đồng nghiệp ngạc nhiên: “Bao nhiêu người đội lễ cầu xin chức quan này nọ mà không được. Đằng này người ta cho không mà hắn lại không nhận. Từ chối chức Giám đốc thư viện tỉnh mới chia cũng đồng nghĩa với từ chối một suất đất làm nhà giá mấy chục cây vàng. Thật chẳng còn hiểu ra sao nữa. Hay là hắn ngốc? Hắn lập dị?” Hỏi vì sao từ chối cơ hội lãnh đạo, hắn trả lời: “Mình tự biết mình có thể làm chuyên môn giỏi, nhưng làm quản lý thì rất kém, với lại mình chỉ thích làm nghiên cứu…” Thật là chẳng còn biết trời cao đất dày gì sất, nghiên cứu cái khỉ gió gì ở cái cơ quan văn hoá vốn bị xã hội nói chung và lãnh đạo nói riêng rất coi thường này? Có mà… ngâm cứu. Ai ngờ mười năm sau hắn công bố hàng loạt công trình nghiên cứu trên báo và tạp chí, hoàn thành với tư cách là cây bút chủ lực của ba bốn công trình nghiên cứu cấp tỉnh và cơ sở. Hắn in liền ba tác phẩm riêng, một đã được tỉnh trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật. Hắn còn là đồng tác giả vài chục cuốn sách đã xuất bản, lại còn gần chục bản thảo mà hắn không có tiền in. Hắn được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh. Trong các hội thảo, trên sách báo, khi nói đến hắn, người ta gọi hắn là “Nhà nghiên cứu”.
Đã là ông ngoại ông nội rồi mà tính tình hắn vẫn chả khác mấy thời trẻ. Thích thì làm say mê, không thích thì cho tiền hắn cũng từ chối. Hắn vẫn lẩn xuống ngồi cuối hội trường trong các hội nghị. Hắn viết cả loạt bài ca ngợi đồng đội từng là dũng sĩ như hắn đăng trên báo chí. Nhưng chẳng mấy khi hắn nói về mình, có nói thì lại dùng giọng văn tự trào. Nhiều người vẫn cứ tưởng hắn là loại “lính cậu”. Một văn nghệ sĩ đồng hương xã với hắn, khi thấy ảnh và sơ yếu lý lịch của hắn trong một cuốn kỷ yếu về văn nghệ sĩ địa phương thì ngạc nhiên: “Hoá ra những bài viết ký nhiều bút danh mà mình thích lại chính là của hắn. Thế thì hắn đâu có lù khù như mình nghĩ”.
Hắn thuộc “típ” người cực đoan, sống nội tâm. Đã tin yêu ai thì hắn sẵn sàng xả thân vì họ. Mà hắn lại ban phát lòng tin một cách hào phóng. Hắn yêu bạn như yêu bản thân mình. Vì sống nội tâm nên cái vẻ ngoài của hắn thường đánh lừa người mới gặp. Trông thấy bản mặt hắn người ta đã mất cảm tình rồi. Thế nhưng tiếp xúc gián tiếp với hắn, người ta cũng rất dễ lầm. Có lần, một cô giáo trẻ ở tận Long An, sau khi đọc bài viết của hắn trên tạp chí, liền gọi điện biểu lộ cảm tình với hắn. Cô gọi hắn là em và cứ lục vấn mãi làm hắn bực mình: “Cô hỏi gì thì hỏi nhanh lên, kẻo tôi về hưu mất”. Cô giáo hốt hoảng: “Cháu xin lỗi bác. Nghe tiếng bác trẻ trung, cháu cứ ngỡ bác…”
Đã vào tuổi thất tuần mà hắn vẫn chẳng làm nên trò rạng gì cho vợ con. Vợ con hắn phải chui rúc trong cái lán ổ chuột mấy chục năm trời ở cái ngách rộng chưa đầy mét lấn vào hành lang nhà của cơ quan. Năm 1990, cơ quan phân cho hắn mảnh đất con trên một đầm lầy để đuổi gia đình hắn khỏi khu vực cơ quan. Anh em, bạn bè giúp hắn vượt lập và dựng được ngôi nhà khá hơn cái ổ chuột trước đây một chút. Chuyển nhà xong, chưa kịp hoàn hồn, thì hắn lại bàng hoàng trước thông báo quy hoạch của thành phố: Nhà hắn nằm trọn trong quy hoạch đường. Thế là suốt hơn hai chục năm trời hắn sống trong bất an về nhà cửa, bởi cái quy hoạch treo của nhà nước. Nhưng trời chẳng để ai phải khổ suốt đời. Em gái hắn thương anh cả đời vất vả, bèn cho anh vay tiền mua nhà. Có tiền rồi mà hắn còn đắn đo mãi không mua. Vợ chồng người em gái tự quyết định mua cho hắn cái nhà hai tầng, sáu chục mét vuông mặt bằng, khá tiện nghi. Mãi lúc đó hắn mới hết đắn đo tính toán, sung sướng chuyển về nhà mới. So với người giàu thì ngôi nhà ấy chả là cái gì, nhưng với hắn thì là cả một bước nhảy vọt về chất lượng sống.
Ông trời chẳng cho ai được tất cả, cũng không để ai mất tất cả. Hắn hỏng đường quan chức, kém về kinh tế, trời bù lại cho hắn ba đứa con đều là cử nhân, thạc sĩ, có công ăn việc làm tử tế và hai đứa cháu ngoại, bốn cháu nội đẹp như thiên thần. Niềm vui lớn nhất của hắn hiện giờ là chơi blog và tâm tình với các cháu. Hắn thường thì thầm tâm sự với đứa cháu gái năm tuổi tất cả vui buồn của mình, cứ như con bé năm tuổi hiểu được những điều cao siêu hắn nói.
***
Bây giờ thì ngày nào tôi cũng giáp mặt hắn. Mỗi khi đi qua cái gương cao hai mét, rộng ba gang tay mà vợ tôi mua về treo lên để trừ tà, hắn lại hiện ra, mắt gườm gườm nhìn tôi, cứ như là trêu ngươi. Vẫn dáng đi như mũi tên lao về phía trước. Vẫn cái lưng con tôm, đầu cắt ba phân lô nhô tóc bạc, mặt lưỡi cày, da tai tái, đôi mắt ti hí một mí rưỡi lúc nào cũng đờ đẫn, hai má hóp, mũi gẫy, cằm nhọn không râu, môi vừa mỏng lại vừa thâm, mỏ nhọn thập thò hai cái răng cửa hô cải mả… Kể ra hắn đáng thương hơn là đáng ghét. Nhưng mà tôi vẫn không mấy cảm tình với hắn, bởi chính hắn cũng không khi nào vừa lòng với bản thân. Cũng phải thôi, hắn xấu xí, không biết uốn lưng nên phải phấn đấu thật nhiều mới bằng người ta.
Trần Mỹ Giống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét