Lại tin buồn một đồng đội ra đi. Lòng
nặng trĩu những buồn thương nhớ bạn. Ký ức đã nhạt nhòa theo năm tháng, nay trở
về xao động trong tôi.
Lũ chúng mình mười tám đôi mươi, gác bút nghiên lên đường cứu nước. Bỏ lại người yêu, gia đình, trường học. Hát vang bài Giải phóng miền Nam…
Thằng Hảo trường ngoại giao, thằng Thủy
trường Kinh tế, thằng Ứng trường Mỹ thuật. Đủ, Thị và tao khoa Thư viện xuất
thân. Anh Ổn giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Thằng Cầm từ Tổng hợp văn… Và
bao nhiêu thằng nữa tao chẳng thể nhớ tên, tập hợp lại dưới cái tên đơn vị.
Các Tiểu đoàn 17, 18, 19, 20 sinh viên,
trong trung đoàn 101 của sư đoàn 325B ngày đó, giờ nhắc lại lòng vẫn thấy tự
hào. Mới tập chưa thạo đội hình, đi chưa đều một hai hai mốt, vừa qua bắn đạn
thật bài bắn đêm đã lên đường ra trận.
Lũ chúng mình nhiều thằng thư sinh sức
trói gà không chặt, mang trên lưng nặng trĩu gánh giang sơn, xung trận bằng cả
trái tim tràn đầy nhiệt huyết.
Vượt Bến Hải, qua Cồn Tiên, Dốc Miếu,
Đông Hà, Ái Tử, Chi Bưu… Tuyến phòng thủ Thạch Hãn bao thằng bỏ mình trên chốt.
Bảo vệ cổ thành bao đồng đội xả thân nằm lại không về… Cối xay thịt chẳng phân biệt lính cộng hòa miền
Nam hay cộng quân miền Bắc. Giá thống nhất non sông đắt đến vô cùng.
Nhớ thằng Hiền nặng tám mươi cân, tính
nhút nhát hiền lành như con gái, bị thương thủng đùi vẫn quyết chặn địch cho
đơn vị rút lui bảo toàn lực lượng. Mười ngày sau cánh mình chiếm lại chốt, thằng
Hiền nổ súng từ lòng địch đánh ra. Đồng đội bế nó lên nhẹ như bế đứa trẻ ba bốn
chục cân mà không cầm được nước mắt.
Thằng Hảo nói tiếng Anh như gió, được điều đi
phiên dịch cho cấp trên, phái đoàn bốn bên, đã bỏ mình trên trực thăng khi đi
làm nhiệm vụ.
Thằng Ứng hay hát bài Chiến sĩ Việt
Lào, đi chiến dịch Hồ Chí Minh, đạn mù mắt, còn dùng máu vẽ chân dung Hồ Chủ tịch.
Thằng Cầm hay đọc thơ với giọng sang sảng
đầy nhiệt huyết trước toàn đơn vị, như Maiacopxki đọc thơ trước hồng quân bảo vệ
Matxcova…
Năm tháng qua đi, tao thành lão già
quên quên nhớ nhớ, không thể nào nhớ hết tên đồng đội năm xưa. Chỉ số ít thằng
Cầm, thằng Ứng… đã thành người của công chúng, mới được người đời biết mặt nhớ
tên. Còn vô số những thằng như tao, về làm phó thường dân, lo mưu sinh chạy ăn
vàng mắt, nào mong ai nhòm đến cảm thông. Dù thế nào chúng mình vẫn giữ vững
nhân cách anh bộ đội cụ Hồ sống cuộc đời thanh bạch.
Nghe tin buồn lại một thằng sống sót
qua mùa hè đỏ lửa 1972 Quảng Trị ra đi, tao bùi ngùi thương xót. Nhưng thôi, số
rất ít cánh mình sống sót trở về, còn may mắn gấp trăm lần số đông nằm lại… Thọ
bảy chục giờ đâu còn là xưa nay hiếm, nhưng cũng cảm ơn trời.
Vĩnh biệt người chiến binh giữ mình đẹp
mãi trong lòng người ở lại. Vĩnh biệt mày, Cầm ơi!
20-4-2021
Cần là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Ứng là họa sĩ Lê Duy Ứng
Trả lờiXóa