Kết luận của Bệnh viện Bạch Mai “Xơ gan – Tổn thương phổi – Yêu cầu phải khám chuyên khoa” từ tháng trước đi khám đau lưng ở đây, làm vợ tôi lo hơn cả tôi, năm lần bảy lượt buộc tôi đi khám lại… Tôi vốn không thấy có triệu chứng gì rõ rệt về hai bộ phận gan phổi, ngoại trừ nằm đầu thấp thì khó thở đã từ mấy chục năm nay, uống nhiều thuốc tây chữa tiểu đường huyết áp nên hay đầy bụng chán ăn và thường ngứa lưng, gãi một lúc mới ngủ được. Do sức ép của vợ con, tôi đồng ý đi khám chuyên khoa gan phổi.
Thằng út thăm dò bạn bè rồi quyết định
đưa bố đi khám ở Bệnh viện Đại học y Hà Nội. Chợt nghĩ đến ông bạn Đồng Ngọc
Hoa, trước khi mất, cũng khám ở bệnh viện này phát hiện ra ung thư giai đoạn cuối…
Ông Hoa cũng chỉ đau lưng…
Bố
con tôi ra tàu lúc 5 giờ chiều 13-4-2021, đến 7 giờ tối đã nằm nghỉ tại phòng
trọ số 226 đối diện với Bệnh viện Đại học y Hà Nội.
6 giờ sáng 14-4-2021, ông chủ nhà trọ đập
cửa gọi:
- 6 giờ rồi, khách trọ đã đi xếp hàng từ
4 giờ sáng, hai bố con ngủ quên à?
Bố con tôi hấp tấp sang viện. Sân viện người
đông tấp nập. Qua kiểm tra covid19 được dán phù hiệu vào ngực áo, tôi vội xếp
vào hàng rồng rắn nhận phiếu khám. Đông thế này, khám hai khoa, cứ như bên Bạch
Mai, chắc hai ngày mới xong… Đang suy nghĩ thì nghe tiếng loa bác sĩ:
- Mời cụ ông áo bộ đội lên nhận phiếu,
đề nghị các bác nhường đường cho ông cụ.
Tôi còn đang ngơ ngác không hiểu chuyện
gì, thì người đứng trước tôi quay lại bảo:
- Mời ông lên nhận phiếu trước ạ.
Lâu lắm rồi, tôi mới lại có được cái cảm
giác sung sướng của người bệnh được đối xử tử tế. Cách đây gần nửa thế kỷ, tôi
từng đi viện quân đội ở Vĩnh Yên và được đối xử vô cùng tử tế so với bây giờ… xin
kể vào dịp khác. Tôi nghĩ, các y bác sĩ ở Trường đại học y đào tạo ra đội ngũ
bác sĩ thì lời thề y đức vẫn nhắc nhở họ hàng ngày. Lại nghĩ, chắc ông giám đốc
viện phải là người tử tế mới tuyển chọn bồi dưỡng được lớp bác sĩ tử tế… Không
kịp tìm hiểu ai là giám đốc Viện đại học y nhưng tôi thầm cảm ơn ông.
Không
kể lể con cà con kê nữa, tóm lại là công việc diễn ra như vầy:
- Vào phòng đón tiếp, khi biết tôi khám
phổi thì bác sĩ chuyển ra phòng sàng lọc.
- Phòng sàng lọc kiểm tra hồ sơ bệnh
tôi khám ở Bạch Mai xong, hỏi han cẩn thận rồi viết phiếu cho đi hai nơi khám
Gan và Phổi.
- Phòng khám phổi chỉ định chụp cắt lớp
phổi và siêu âm tuyến giáp.
- Phòng khám gan chỉ định xét nghiệm
máu và xét nghiệp nước tiểu, siêu âm ổ bụng.
Sau khi thực hiện hết các chỉ định trên, bố con tôi quay về phòng
khám gan. Tất cả các kết quả xét nghiệm truyền về phòng khám nhờ nối mạng nên
cũng đỡ vất vả cho người bệnh.
Bác
sĩ khám gan bảo:
- Các chỉ tiêu liên quan về gan của ông
không có gì đột biến. Chỉ có bạch cầu hơi tăng. Đường trong máu cao một chút…
Ông cứ uống thuốc huyết áp tiểu đường bình thường, khi nào gan không chấp nhận
nữa thì chuyển sang tiêm. Già rồi các bộ phận thoái hóa yếu đi. Ông về tiêm
phòng viêm gan B nhé. Chưa cần thuốc đâu ông ạ.
Tôi thắc mắc:
- Sao Bạch Mai họ siêu âm kết luận xơ
gan ạ?
- Vấn đề là do máy móc và người nhìn
khác nhau… Giải thích thì khó, nhưng các chỉ tiêu xét nghiệm chưa có gì phải
can thiệp. Ông không phải lo lắng quá mức đâu…
- Cảm ơn bác sĩ.
Bố
con tôi sang phòng khám phổi. Bác sĩ trao đổi với thằng út:
- Tuyến giáp của ông có một số hạt nhỏ, nhưng không vấn đề gì.
Hình ảnh chụp phổi ông xấu, mờ. Nhưng là do sẹo cũ, vôi hóa… không can thiệp được.
Anh về theo dõi nếu thấy ông khó thở, ho sốt, đau ngực, có đờm… thì đưa ông đi khám
lại ngay. Bình thường thì ba tháng sau cho ông khám lại nhé. Nếu khám lại nhớ
mang hồ sơ này. Hiện tại không cần uống thuốc gì đâu.
Tất cả các công việc trên hoàn thành trong buổi sáng.
- Bố có muốn khám cơ xương ở đây thì con đăng ký chiều nay khám
luôn.
Tôi nghĩ, Bạch Mai họ khám rồi nên họ nắm rõ bệnh cũng tốt nên tôi
quyết định sang Bạch Mai khám lại theo hẹn của bác sĩ Bùi Hải Bình (phòng 704
khoa khám theo yêu cầu).
1 giờ trưa hai bố con tôi sang Bạch Mai. 2 giờ đã có mặt tại phòng
khám. Tôi yêu cầu bác sĩ chỉ cho tiếp đơn thuốc, mà không khám.
Khi tôi đưa hồ sơ khám lần trước, bác sĩ hỏi:
- Ông đã khám chuyên khoa hô hấp chưa?
- Rồi. Không có vấn đề gì!
Thằng út giải thích thêm:
- Bố em đã khám ở Đại học y, chụp cắt lớp, tổn thương phổi là sẹo
cũ…
Tôi đưa kết quả khám bên Bệnh viện Đại học y ra. Bác sĩ Bình xem
xong yêu cầu tôi đứng cúi lưng và bảo:
- Lưng vẫn còn cứng lắm.
Bác sĩ kê đơn mới.
Xuống quầy bán thuốc, vẫn không có thứ thuốc lần trước phải mua
ngoài. Lúc này tôi mới nhận ra rất ít bệnh nhân khám so với lần tôi đi khám trước.
3 giờ chiều hai bố con tôi đã nằm giường thoải mái trên tàu về Nam
Định. Hai tiếng sau tôi đã có mặt ở nhà và vẫn còn chưa dám tin là việc lại
chóng vánh đến vậy.
Tôi hơi lăn tăn, mỗi lần đi khám như thế, công khám, dịch vụ, tàu
xe, sinh hoạt và thuốc men mất đứt một tháng lương hưu chuyên viên chính kịch bậc
của bà vợ yêu quý của tôi. Nhưng vợ tôi
bảo:
- Tốn nhưng yên tâm. Còn hơn là lo nghĩ bất an. Mà ông đã xem bài
báo nói hơn hai trăm bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai bỏ việc, mất việc
chưa?
Tôi vờ như không nghe vợ nói gì, bụng bảo dạ, lần sau chẳng may buộc
phải khám thì mong được thuận lợi như lần khám này ở Bệnh viện Đại học y…
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét