Khi tôi còn công tác ở Thư viện tỉnh Nam Định (năm 2009 tôi mới nghỉ hưu), nhà thơ Bùi Đức Vinh thường xuyên đến chơi thăm tôi. Mỗi lần Vinh đến là không khí phòng tôi sôi động hẳn lên. Vinh nói nhiều, nói say sưa về thơ, đọc thơ, khi cao hứng còn hát rất hay nữa. Vinh mơ mộng, thơ thẩn như trên mây trên gió. Ông nhà thơ nào mà chả mơ mộng ngẩn ngơ chứ! Làm thơ mà lúc nào cũng tỉnh, thuần lý trí thì chỉ đẻ ra thơ không có cảm xúc, hay thế quái nào được.
Những năm hai nghìn, thơ Vinh được nhiều báo đăng và giới thiệu, coi là một hiện tượng thơ trẻ, mới. Vinh được mời dự nhiều hội thảo về thơ trẻ… Trong cuốn “Thư mục nhân vật Nam Định” tôi có ghi lại một số bài viết về Bùi Đức Vinh như: “Gặp nhau để chia lửa” (Phương Thanh // Thế giới trong ta. – 2007. – Số 188. – Tr. 29 – 30); “Lầm lụi và quyết liệt” (Phong Điệp // Văn nghệ trẻ. – 2007. – Số 23); “Thơ Bùi Đức Vinh” (Nhân đạo và đời sống. – 2007. – Số 21); “Về một cánh đồng thi ca” (Trần Văn Lợi // Nam Định cuối tuần. – Ngày 10 – 8))...
Khi được Vinh tặng tập thơ “Những bước chân của bão”, tôi có ý định viết bài giới thiệu với bạn đọc. Nhưng tôi đã bỏ ý định đó khi Tạp chí Văn Nhân đăng bài giới thiệu tập thơ “Những bước chân của bão” của một tác giả có học hàm học vị viết rất hay, ngôn từ rất phù hợp với giọng thơ Bùi Đức Vinh. Tôi tự biết mình viết thua xa tác giả này…
Hoàn cảnh Vinh thật ái ngại, bố mẹ mất, vợ rời xa đi kiếm sống, con phải nhờ ông bà ngoại nuôi. Vinh không có việc làm, nuôi thân còn khó, nuôi sao được vợ con. Một thời gian Vinh mắc chứng lẩn thẩn, ngẩn ngơ. Bệnh lui rồi vẫn để lại di chứng thẩn thơ mơ mộng trên mây trên gió… Cái tính thẳng ruột ngựa, yêu nói yêu, ghét nói ghét, ăn mặc lếch thếch, ngơ ngơ ngẩn ngẩn của Vinh làm nhiều người không thích. Nhưng thơ Vinh vẫn đều đều được đăng báo.
Vinh thường đến nhà thăm tôi. Vẫn thao thao bất tuyệt về thơ, mơ mộng thiên tài. Tôi chỉ lắng nghe, vì biết có nói gì thì Vinh cũng bỏ ngoài tai khi đang trong cơn say sưa mơ mộng không dừng lại được.
Nhớ một lần Vinh bảo:
- Hội ta đang thu bài in tuyển “Thơ Nam Định 5 năm đầu thế kỷ”, chú có tham gia không?
- Mình có chuyên thơ đâu, gửi chắc cũng chả được chọn.
- Chú đưa cháu mấy bài cháu duyệt cho.
Chiều Vinh, tôi đưa bài thơ “Đêm Yên Dũng”. Vinh đọc xong, phán liền:
- Toàn bích! Cháu đảm bảo bài này sẽ được tuyển. Mặt bằng thơ tỉnh ta cháu biết rõ! Tin cháu đi!
- Ừ thì gửi hú họa, có mất mát chi!
Ai ngờ bài thơ lại lọt được vào mắt xanh của nhà thơ Phạm Trọng Thanh. Nhà thơ Phạm Trọng Thanh đã chọn bài thơ của tôi vào tuyển.
Cũng không ngờ, một ông nhạc sĩ lấy bài thơ đó để phổ nhạc thành ca khúc “Đêm Thành Nam” nhưng phớt lờ tên tác giả lời. Lại không ngờ một ông tác giả chép bài thơ của tôi, đổi tên thành “Đêm Thành Nam”, cắt bỏ một khổ giữa cho phù hợp tên bài, rồi đăng lên tạp chí. Chuyện bung bét một dạo, tạp chí phải xin lỗi và in lại bài thơ nguyên bản trả về cho tác giả đích thực.
Nhờ hai nhà thơ Bùi Đức Vinh và Phạm Trọng Thanh mà bài thơ của tôi được chắp cánh!
***
Sáng 25-3-2021 Vinh đến tôi chơi rất lâu. Khi tôi mở FB trang ông Trần Văn Sản mới giật mình bảo Vinh:
- Sáng nay bộ môn Thơ họp đầu năm, sao Vinh không đi dự? Ông Sản thông báo đây này!
Vinh buồn hẫng:
- Cháu có biết gì đâu, không nhận được giấy mời, không ai báo!
Một nhà văn đến thăm tôi đúng lúc Vinh đang thao thao bất tuyệt về thơ với tôi, nhà văn tỏ ra khó chịu. Sau nhà văn khuyên tôi:
- Ông tiếp làm gì thằng lôi thôi lếch thếch, lúc nào cũng trên mây trên gió, nói năng chẳng coi ai ra gì ấy. Thơ của nó chẳng đâu vào đâu, tôi chả tiêu hóa được. Nó đến tôi, tôi đuổi thẳng.
Nhà thơ có tài nhiều khi cũng lôi thôi lếch thếch, sống lập dị, như Bùi Giáng, Văn Thùy… đấy. Thơ của Văn Thùy chẳng in ấn, chỉ chép tay, pho to mà bán đắt như tôm tươi. Thơ của khối nhà thơ nghiêm chỉnh có nhà xuất bản đàng hoàng mà tặng biếu mấy ai chịu đọc. Thơ Vinh nhiều bài đúng là lập tứ không được coi trọng, hoặc tứ hổ lốn không nhất quán, nhưng cảm xúc được coi trọng thể hiện bằng những ngôn từ chọn lọc đẩy cảm xúc lên mức cao nhất… Mỗi người có cái gu thẩm mỹ nghệ thuật riêng, không thể áp đặt cái gu thẩm mỹ của mình lên người khác. Thơ truyền thống cách luật có bạn đọc của nó, thơ mới có bạn đọc của thơ mới, thơ Bùi Đức Vinh có bạn đọc của thơ Bùi Đức Vinh. Bằng chứng là Vinh từng một thời được dư luận khen ngợi, được nhiều giải thưởng đấy thôi. Thế còn mấy ông nhà thơ muốn đuổi Vinh ra khỏi nhà có được như Vinh không nhỉ!
Lẽ nào cùng giới văn nghệ sĩ mà chỉ vì không hợp gu thơ, cách sống lập dị của nhau mà đuổi nhau ra khỏi cộng đồng? Lẽ nào mang danh là văn nghệ sĩ chúng ta lại không đủ bao dung đồng nghiệp có phong cách, lối sống, gu thẩm mỹ, nghệ thuật khác mình?
30-3-2021
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét