Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

TRÊN BỜ SÔNG A DUN / Lê Văn Hy



        Sân khấu được dựng lên trên bờ sông A Dun (Gia Lai) thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Có văn công giải phóng!

        Thế là một truyền mười, mười truyền trăm, cả ấp Ba Rơ mãi vùng giáp ranh, bà con ta xôn xao hẳn lên. Bọn cảnh sát Sài Gòn ra lệnh báo động, chúng loa ầm lên:  Cấm không ai được xem văn công Cộng sản. Bất chấp những lời hò hét đe dọa, bà con ùa cả ra lối bờ sông. Hàng mấy trăm con mắt đổ về phía bờ bên kia đợi chờ hồi hộp. Mấy chục nam nữ thanh niên (có cả một số lính bảo an và phòng vệ dân sự) sang bên kia sông, tiến sát đến sân khấu  cố nhìn tận mắt các diễn viên văn công giải phóng.

        Anh chị em ta lần lượt bắt tay thăm hỏi đồng bào.

        Mở màn buổi biểu diễn, nữ diễn viên đơn ca Rơ ma I bơ Lơn hát bài “Gọi dân trong ấp về làng cũ“, lời ca có đoạn “Dân làng ơi! Buôn làng ta giải phóng rồi, dân làng ta sống yên vui, con chim cu kêu tại sao ta không nhớ quê hương ông bà ta, vì thế ta phải đấu tranh về làng...“. Từ hai bên bờ sông tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Người ta trầm trồ khen ngợi:

        - Hát hay lắm, đúng lắm!

        Hòa bình rồi, ở “ấp chiến lược“ khổ lắm, phải trở về làng cũ thôi! I bơ lơn lại hát tiếp bài “Gọi cha về“, lời ca trong đó có đoạn:  “cha ơi mẹ với con ở nhà không thấy cha, nhớ quá. Chiến tranh kết thúc rồi tại sao cha còn di lính Sài Gòn. Cha về ngay đi, mẹ vẫn còn chờ đấy“. Nhiều lính cảnh sát bảo an từ nẫy bị cuốn hút bởi tiếng hát của I bơ lơn  đã có mặt xem biểu diễn. Bây giờ nghe đến chỗ này họ cảm nhận đến rơi nước mắt.

        Buổi biểu diễn mỗi lúc một đông người xem và kéo dài tới tận đêm khuya. Đồng bào vỗ tay vui sướng khi xem các điệu múa “Được mùa“, “Mùa xuân”  mô tả cảnh đẹp, cảnh làm ăn đông vui của đồng bào vùng giải phóng sau ngày hòa bình lập lại: Những điệu múa ô, múa khiên duyên dáng khỏe mạnh mang đầy phong thái dân tộc. Đông bào ta nói với nhau : “Văn công giải phóng nói đúng cái bụng của mình lắm, diễn gì cũng hay, cũng đẹp,..’. Nhiều bà con đã nhẩm lại từng câu của bài hát. Đêm đã khuya mà bà con còn lưu luyến không muốn ra về. Họ bắt tay và dặn dò ân cần các diễn viên văn công Giải phóng:

        - Lần sau anh chị em nhớ về biểu diễn nhiều nhiều nữa.

        Sau buổi biểu diễn ấy, bọn cầm quyền Sài Gòn vô cùng tức tối. Ngay tối hôm sau, chúng đưa một gánh hát với 6 xe ô tô vô ấp Ba Rơ Mái. Bọn chúng càn trong ấp bắt đồng bào đi xem văn nghệ. Buổi biểu diễn mở đầu bằng một điệu múa với quần áo lòe loẹt hở hang đầy khêu gợi. Múa được một lúc, diễn viên mở phanh áo ra  ngay trên sân khấu.

        Không chịu được cảnh lố bịch đó, bà con ta lấy tay bưng mắt. Tiếng phản đối của bà con lại vang lên.

        - Văn công Sài Gòn xấu quá, chúng tôi không thèm xem nữa!

        - Kéo về thôi, bà con ơi! Văn công Sài Gòn xấu quá rồi!

        Bà con rủ nhau ra về, bỏ lại lũ diễn viên tâm lý chiến  Sài Gòn ngơ ngác và tiu nghỉu trên sân khấu.

        Sau tối biểu diễn thất bại ở Ba rơ mái, chúng lại kéo đến các ấp Quang Mép, Chí Ruồi, Hà Bòn (cùng ở huyện 6) nhưng đến đâu cũng bị bà con ta tẩy chay, đành phải cuốn êm  không kèn không trống . /.

                                Lê Văn Hy

        (Nguồn: Báo Thống Nhất số 225, trang 4, năm 1973.)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét