Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

ĐỌC “TA NÓI ĐỂ MÀ CHI” THƠ DUNG THỊ VÂN / Châu Thạch

 

 


 

TA NÓI ĐỂ MÀ CHI  

 

Xin cảm ơn  

Lời bạc của tình nhân  

Cảm ơn người đã cho ta  

Những bài thơ bọc bằng suối lệ  

 

Cảm ơn người  

Bên đây bờ vĩnh tận  

Những tàn phai  

Ta chưa kịp cựa mình  

 

Tình nhân ơi  

- có những điều  

Viễn miền câm lặng  

Có những dối gian trầy xước chẳng nên lời.  

 

                                       DUNG THỊ VÂN  

 

 


LỜI BÌNH CỦA CHÂU THẠCH

  

     Nhà thơ Dung Thị Vân còn có bút danh khác là Lan Chi, Dung Vân, quê quán Đức Trọng - Lâm Đồng. Đã xuất bản 6 tập thơ: Như giấc mơ (2007), Nắng đổ về đâu (2007), Miền gió ngược(2010),  Tìm em gội giấc mơ vàng (2011), Tình như sương khói(2014), Miên trầm (2015), và nhiều thơ in trên các tuyển tập tạp chí trong và ngoài nước.  

     Nhìn qua quá trình sáng tác như thế, đủ biết Dung Thị Vân là một cây bút kỳ cựu, thơ chị đã được nhiều nhà phê bình khen ngợi trên văn thi đàn. Hôm nay Châu Thạch tôi xin mạo muội viết cảm nhận về một bài thơ ngắn của tác giả, có lẽ không hay bằng nhiều bài thơ khác của nhà thơ, nhưng lại truyền cảm xúc mạnh vào tâm hồn tôi, một con Dế già thích gáy.  

     Nhìn vào  đầu đề bài thơ  “Ta Nói Để Mà Chi”, ta hiểu đó không phải là một sự bất cần, một sự bỏ qua hay một sự nín lặng, mà là một tiếng thở dài. Tiếng thở dài ấy cũng không phải để trút đi u uẩn trong lòng. mà là để nén xuống, chất chứa u uẩn vào con tim đau viên miễn của mình.  

     Vào đề với khổ thơ đầu, ta thấy ngay những dòng suối lệ. Những dòng suối lệ ấy bắt nguồn từ đỉnh núi sầu bi, đỉnh núi bạc bẽo có tên là “Lời bạc của tình nhân”:  

                 Xin cảm ơn  

                 Lời bạc của tình nhân  

                 Cảm ơn người đã cho ta  

                 Những bài thơ bọc bằng suối lệ  

     Lời bạc là lời gì? Là lời nói bạc bẽo, không tình không nghĩa, quên công ơn, phủ nhận tình cảm gắn bó cùng nhau. Thơ Đinh Hùng nói về một người nữ bạc bẽo như sau: “Em đài các lòng cũng thoa son phấn/ Đôi bàn chân kiêu ngạo dẩm lên thơ”. Ta thấy Đinh Hùng chưởi thẳng vào mặt người yêu nhưng Dung Thị Vân thì ngược lại: “Xin cảm ơn/ Lời bạc của tình nhân”. Rồi ta thấy Đinh Hùng than van, oán hờn , căm giận người bạc bẽo như sau:  

             Em đài các, lòng cũng thoa son phấn, 
             Đôi bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ. 
             Ôi vô lương! Trong một phút không ngờ, 
             Ta đã muốn trở nên người vô đạo. 
             Tất cả em đều bắt ta khổ não, 
             Và oán hờn căm giận tới đau thương. 
             Và yêu say, mê mệt tới hung cuồng, 
             Và khát vọng đến vô tình, vô giác.  

                                  (Kỳ Nữ)  

      Ngược với Đinh Hùng, Dung Thị Vân thì sao?  

                “Cảm ơn người đã cho ta  

                  Những bài thơ bọc bằng suối lệ”  

     Đọc hai chữ “Cảm ơn” của Dung thị Vân, chắc chắn niềm đau của người nữ thẩm thấu vào tận đáy tim ta, cho ta cảm nhận sự bất công vô lý của cuộc đời mà người nữ nhận chịu trong mọi cuộc tình hay cả trong cuộc sống trần gian. Dung Thi Vân là người nữ, không thể thất tình quay quắt, yêu cuồng nộ, oán hờn, căm giận, đau thương, mê mệt, hung cuồng như Đinh Hùng. Ngược lại với Đinh Hùng hay với tất cả những người nam, nỗi sầu của Dung Thị Vân là sự đau thương chìm xuống, lặng lờ, trầm kha thành “Những bài thơ bọc bằng suối lệ”. Nhà thơ cảm ơn, vì nhà thơ là người nữ, tính cách khác với người nam, nên hai bên “dòng suối lệ” kia, sẻ  mọc lên cây sầu, và cây sầu sẽ kết bông trái lưu ly. Bông trái lưu ly đó đẹp như bài thơ “Ta Nói Để mà Chi” rất thanh tao rất thục nữ  mà Dung Thị Vân đem dâng tặng cuộc đời!   

       Như thế chỉ mới bốn câu thơ mở đầu của “Ta Nói Để mà Chi” đã làm tràn vào tâm hồn ta nỗi  u uât, nỗi nghẹn ngào, nỗi tiếc thương luyến nhớ, nhưng những điều ấy nẩy sinh trong lòng ta như những dòng thủy lưu trôi rất nhẹ. Đó là những dòng suối lệ mà Dung Thị Vân đã đem bọc vào thơ của mình, nghiêng mình cảm ơn người tình phụ bạc đã ban cho mình niềm đau khổ, và biến niềm đau khổ ấy thành thơ.  

     Qua khổ thơ thứ hai, nhà thơ Dung thị Vân nói đến một bờ vĩnh tận và những tàn phai bất ngờ chớp nhoáng, nhanh hơn cả sự vô thường:  

           Cảm ơn người  

           Bên đây bờ vĩnh tận  

           Những tàn phai  

           Ta chưa kịp cựa mình  

     “Vĩnh tận” là gì? Không có trong tự điển. Bình về hai chữ “Vĩnh tận” nhà thơ Nguyễn Xuân Dương đã viết:  

     “Rõ ràng cụm từ: BÊN ĐÂY BỜ VĨNH TẬN là một cụm từ sáng tạo của nhà thơ Dung Thị Vân. Hiểu thế nào về cụm từ đó chỉ có nhà thơ mới lí giải một cách cặn kẽ. Nhưng đôi khi sự lí giải ấy chắc gì đã được người đọc chấp nhận. Với tôi tôi nghĩ đây thuộc về một giới hạn vô cùng của không gian và không chỉ là không gian mà còn là giới hạn của của cảm xúc. Qua đó hình như nhà thơ đã muốn bày tỏ về sự tận cùng vĩnh cửu của những tàn phai. Ta cứ phải mặc nhiên công nhận nó và ta cảm nhận sự mông mênh của thi ca. Ta thấy những câu thơ như thế chiếm đoạt được cảm xúc của con tim mà không hiểu được vì sao lại như thế. Nó rất hay, nhưng hay ở chỗ nào thì ta cũng không thể lý giải.  

        Thi ca luôn tồn tại những phạm trù của sự phi lí và nhiều khi ta cứ phải mặc nhiên công nhận một cách mơ hồ về ý tưởng, về khát vọng của tác giả”  

     Châu Thạch tôi hiểu “tận” là hết, “vĩnh” là vĩnh viễn. Như thế vĩnh tận là chỉ mối tình đã chết vĩnh viễn không bao giờ hồi sinh trở lại. Thế nhưng có một “Bờ vĩnh tận” tức là có một chổ còn giữ lại mối tình đã chết đó, hay nói đúng hơn một nghĩa địa chôn hài cốt của cuộc tình đã vĩnh viễn ra đi.  

     Hai Câu thơ “Cảm ơn người/Bên đây bờ vĩnh tận” cho biết nhà thơ đang ở nơi bờ vĩnh tận, hay đang nằm trên chính nghĩa địa của cuộc tình, hay nói đúng hơn nữa, đang nằm trong ngôi mộ chôn hài cốt cuộc tình. Rồi hai câu thơ “Những tàn phai/Ta chưa kịp cựa mình” chỉ sự chuyển biến bất ngờ, đột xuất không có cả lý do, như một tai nạn làm cuộc tình trở thành một thi thể tình yêu nằm yên trong quan tài, vùi xuống đất sâu bên bờ vĩnh tận.    

     Bốn câu thơ ở khổ hai quả là trác tuyệt, nó là đôi cánh thiên thần cất cánh đưa thân thể bài thơ lên cao, lên rất cao, bay rất xa, bay đến một nghĩa địa cao cấp của tình yêu đầy hương hoa thơm ngát mà đìu hiu ở bên bờ vĩnh tận. Bờ vĩnh tận đó có lẽ nằm trong chính linh hồn tác giả, và cũng có thể nằm trong chính linh hồn ta,chính  linh hồn người nào đọc thơ mà liên tưởng đến một cuộc tình đã ra đi vĩnh viễn trong đời.  

    Qua khổ thơ thứ ba là khổ cuối của bài thơ, Dung Thị Vân gọi ba tiếng “Tình nhân ơi!”, nhưng chính là gọi với vào lòng mình về những điều  ở “Viễn miền câm lặng”:

                 Tình nhân ơi  

                  - có những điều  

                  Viễn miền câm lặng  

                  Có những dối gian trầy xước chẳng nên lời.  

    Khổ thơ rất dế hiểu, thế nhưng nếu chịu khó suy nghĩ, ta sẽ thấy chữ “viễn miền câm lặng” của nhà thơ đưa ta đi vào một cõi tịnh, một cõi thiền trong cuộc tình, không phải để quên nó mà để nhâm nháp chén đau thương ấy, hay uống từ từ, uống mãi mãi chén đau thương của cuộc tình “dối gian trầy xước chẳng nên lời” đã đem cho nhà thơ những lời cảm ơn lạ kỳ về nỗi đau viên miễn.  

    Cuộc tình nằm viễn trong miền câm lặng của Dung Thi Vân, thật ra không phải là cuộc tình chết trong con tim thi sĩ. Vì nếu cuộc tình đã chết thì nhà thơ không gọi “Tình nhân ơi” rất yêu thương thắm thiết. Vậy cho nên đó là một cuộc tình sống vĩnh viễn, âm thầm trong miền câm lặng. Tình yêu chân thật, vĩnh cửu, vô biên luôn luôn là tình yêu sống vĩnh hằng với chính nó, và tình yêu đó đã thể hiện rất rõ ràng trong khổ thơ chót của bài thơ “Ta Nói Để mà chi”.

    Từ xưa đến nay, hầu như thơ ca nhân loại có vô số đề tài, nhưng chỉ những đề tài động đến nỗi đau con người thì văn chương mới dễ hay hơn, mới dễ cho nhiều cảm xúc  

    Khổng Tử xưa có nói “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán”. Khả dĩ hưng, là gây niềm hưng khởi, cổ vũ. Khả dĩ quan, nghĩa là giúp nhận thức, biết nhiều chuyện. Khả dĩ quần, nghĩa là tập hợp, gọi đàn, Khả dĩ oán, là nói lên niềm oán hận, đau đớn. Văn học Việt Nam từ cổ điển đến nay có nhiều tác phẩm tuyệt đỉnh cũng đều là văn thơ tả nỗi đau như thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn,  Hàn mạc Tử....  

      Vì người xưa và người nay đều thích viết về nối đau như thế, nên thơ tả nỗi đau thì dễ hay nhưng cũng dể trở nên bình thường, bởi có biết bao nhiêu tác phẩm viết thơ cho tình tuyệt vọng. Để tìm được một bài thơ tả nổi đau không trở nên bình thường, nhưng nhẹ nhàng trong vần điệu, thánh thoát trong từ ngữ, tứ thơ độc đáo, ý thơ sâu xa là một điều hiếm có.  

       Tôi đã tìm được những điều ấy trong bài thơ “Ta Nói Để làm Chi” của Dung Thị Vân, và tôi đã ngâm bài thơ ấy trong máy tính cúa tôi gần  hai năm, để hôm nay đột nhiên viết được về nó, như cởi được chiếc vòng  kim cô ly tao mà tôi tự gắn lên đầu ngay khi đọc được bài thơ ./.  

                                   Châu Thạch

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét