Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

VÀI KINH NGHIỆM VIẾT TIN NGƯỜI TỐT_VIỆC TỐT / Lê Văn Hy

 

     

         35 năm làm phóng viên TTXVN, tôi đã viết nhiều thể loại tin, bài trong đó có gương người tốt việc tốt. Trong bài viết này, tôi muốn được góp một vài kinh nghiệm  viết gương người tốt việc tốt để các bạn đồng nghiệp tham khảo. Vậy thế nào là gương người tốt, việc tốt?

        Tôi hiểu một cách nôm na là: Những người làm được việc đáng khen ngợi, thì báo chí cần biểu dương kịp thời . Do hiểu như vậy, nên mỗi khi nghe có người làm được việc đáng khen ngợi là tôi kịp thời đến tận nơi để viết về họ.

        “Em Hoa 13 tuổi bắt sống giặc Mỹ lái máy bay“, “Mẹ Năm Tẻo“,  ‘Chiến đấu ngoan cường chỉ huy sâu sát“, “Kiên quyết tấn công xung phong không ngại việc khó“, “Cụ già về hưu với chiếc bàn ăn máy phục vụ thương binh“, “Người chủ nông thôn tay lái giỏi“ v.v… Đó là những con người mà năm tháng trôi đi tôi không bao giờ quên được. Viết tin người tốt việc tốt tôi thường bám theo một logic, từ ý nghĩ đến lời nói, việc làm của nhân vật. Việc làm thì sờ sờ ra đó, lời nói thì nghe thấy, còn ý nghĩ thì mình phải hỏi họ mới nói ra. Lời nói biểu hiện đạo đức tính cách, thậm chí cả khí phách của một con người.

        Khi còn nhỏ tuổi, một hôm Hạng Vũ nhìn xa giá của Tần Thủy Hoàng  đã chỉ tay nói: “Có thẻ cướp mà thay thế hắn“. Câu nói đầy khí phách anh hùng của Hạng Vũ  làm ông chú phải sợ xanh mặt, lấy tay bịt ngay miệng cháu lại. Quả nhiên sau này Hạng Vũ đã chín lần đánh tướng giỏi của Tần là Trương Hàm. Ở Việt Nam, thời Nhà Trần, Trần Thủ Độ có một câu nói mang ý chí bất khuất “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo“

        Và tôi viết “Mẹ Năm Tẻo“, một bà cụ gần 70 tuổi ở xã Yên Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Tây, con trai đi bộ đội, mẹ ở với con dâu. Không quản tuổi cao sức yếu, hàng ngày mẹ gánh nước chè xanh ra trận địa pháo cao xạ ủng hộ bộ đội. Việc làm đó thật đáng khen ngợi. Nhưng bản chất của việc làm tốt đẹp lại thể hiện lời mẹ nói với con dâu: “Bây giờ trong lúc có chiến tranh, mẹ con mình làm mười chỉ nên ăn năm ăn bẩy, còn phải dành ra góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước“. Tôi đã lấy câu nói của mẹ làm lời kết cho bài viết của mình.

        Hồ Xây Bắn, người Việt gốc Hoa ở Quảng Ninh, chiến sĩ B40 xuất sắc của quân giải phóng Tây Nguyên, được tặng thưởng tới 6 huân chương chiến công. Mỗi khi bắn B40, anh thường đứng thẳng người lên. Tôi hỏi anh: “Đứng thẳng người lên như thế  thì địch dễ phát hiện, anh không thấy nguy hiểm sao?“. Anh như cười mà nói rằng: “Đứng thẳng lên thì nhìn rõ địch, đường đạn đi trúc xuống  dễ trúng. Với lại khi đánh nhau, mình chỉ nghĩ đến hoàn thành nhiệm vụ thôi“, và tôi chộp ngay câu nói đó đưa ngay vào bài viết của mình. Một kinh nghiệm khác của tôi, khi viết gương người tốt việc tốt là dùng một động tác, một khoảnh khắc hành động của nhân vật  để biểu hiện tính cách nhân vật.  Trong bài viết “Em Hoa 3 tuổi bắt sống giặc lái Mỹ“, tôi đã dùng một chi tiết về hành động: “Chiếc đòn gánh của em giơ lên, tên giặc lái run sợ cúi mặt xuống“. Ở đây tôi không dùng chữ “vung lên“ , mà dùng chữ “giơ lên“. Vì vung tức là đã đánh xuống rồi, còn giơ là mới đe dọa. Mới giơ lên chứ chưa đánh mà tên giặc đã phải đầu hàng, chi tiết đó thể hiện tính dũng cảm và mưu trí của em Hoa.  Ở bài viết “Người chủ nông thôn  tay lái giỏi“, tả cử chỉ của Trần văn Chiến, công nhân trạm máy kéo Đồng Sơn, huyện Nam Ninh, Nam Định, thể hiện rõ tác phong chu đáo cẩn thận của anh “Người lái đi vòng một lượt quanh chiếc máy gặt đập liên hợp, kiểm tra từng chi tiết, từ lưỡi cắt, trục cuốn, guồng gạt, đến bình chứa nhiên liệu, rồi mới trèo thang sắt lên ngồi vào buồng lái“. Điều nữa, tôi muốn trao đổi với các bạn đồng nghiệp là: Mỗi khi định viết một gương người tốt việc tốt, tôi thường đắn đo suy nghĩ, gương này đã thực sự là điển  hình trong số hàng trăm hàng ngàn người và việc tốt chưa. Gương này viết ra liệu có phản ứng trong dư luận? Người được việc có giữ được bản chất tốt đẹp lâu dài? Sự thận trọng đã làm cho những bài viết của tôi có sức đứng vững trong cả thời gian dài, góp phần vào chủ trương xây dựng con người mới của xã hội chúng ta ./.

                                Lê Văn Hy

Chi hội Nhà báo cơ quan thường trú TTXVN tại Nam Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét