Thằng cháu ngoại tôi điện bảo:
- Ông ơi! Cháu vừa đọc bài “Từ chợ Rồng đến ngõ Văn Nhân” của Nhà văn Lê Hoài Nam mà hoang mang quá. Không lẽ nhà văn mà cháu coi là thần tượng lại viết tầm bậy thế ư?
Tôi ngắt lời cháu:
- Đừng nói bậy. Lê Hoài Nam là nhà văn tầm cỡ không chỉ của Nam Định mà còn của cả nước đương đại đấy.
Thằng cháu ấm ức:
- Ông tra trên mạng báo Văn nghệ Việt Nam 08:42 13/02/2019 đọc bài này đã rồi hãy mắng cháu.
Tôi vội vàng lên máy tra cứu thì thấy có ba báo đăng bài “Từ chợ Rồng đến ngõ Văn Nhân” của Nhà văn Lê Hoài Nam”… Tôi mở báo Văn nghệ Việt Nam tại địa chỉ http://baovannghe.com.vn/tu-cho-rong-den-ngo-van-nhan-18781.html ra đọc. Đúng là đoạn mở đầu dẫn vào bài viết bá láp thật. Xin cóp nguyên văn:
Nam Định là thành phố có tuổi hơn 750 năm, từ thời vương triều nhà Trần chọn nơi đây làm hành lang kinh đô, lấy tên phủ Thiên Trường. Đến triều Nguyễn, đời vua Minh Mạng chính thức lấy tên thành phố là Nam Định. Nam Định ngày ấy có Trường Thi và Văn Miếu. Trong một bài thơ, Tú Xương viết:“Nhà nước ba năm mở một khoa/ Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Trường Hà ở đây là Hà Nội, còn trường Nam là Nam Định. Dưới triều Nguyễn, cứ 3 năm triều đình lại mở khóa thi ở Nam Định và các tỉnh có Trường Thi, giành cho mọi đối tượng, người thi đỗ được gọi là Cử nhân, năm sau sẽ lên Quốc Tử giám ở kinh đô Thăng Long để thi Hội và thi Ðình. Riêng Trường Thi Nam Định có thi Hương và thi Hội. Người đậu khóa thi Hội được gọi là Thám hoa, đậu khóa thi Ðình được gọi là Tiến sĩ. Ngõ Văn Nhân có tên cùng với sự ra đời của Trường Thi.
Xin chỉ ra cái ba láp của đoạn văn trên:
1- Thi Hương chỉ là cấp thi địa phương lấy học vị Cử nhân. Các thí sinh phải qua bốn kì thi, ai đỗ kì thi đầu gọi là Nhất trường, thi đỗ cả kì hai là Nhị trường, đỗ cả kì ba là Tam trường còn gọi là Tú tài. Thi đỗ cả bốn kì mới được công nhận là Cử nhân, đủ tiêu chuẩn đi thi Hội. Thi Hội và thi Đình là kì thi lấy Tiến sĩ ở cấp trung ương, toàn quốc. Không có chuyện trường thi ở Nam Định được vừa thi Hương vừa thi Hội.
2- Về học vị các vị đỗ Đại khoa:
- Thi Hội là để lấy Tiến sĩ. Thi Đình (do vua đích thân ra đề và chấm) là xác định vị trí của Tiến sĩ. Thể lệ thi Hội thi Đình, học vị Tiến sĩ mỗi thời có thay đổi khác nhau. Bạn đọc muốn tìm hiểu cụ thể chi tiết về vấn đề này mời đọc bài “Vài nét về học vị thời phong kiến nước ta” / Trần Mỹ Giống tại địa chỉ: http://tranmygiong.blogspot.com/2016/06/vai-net-ve-hoc-vi-thoi-phong-kien-o.html
Chúng tôi trích một đoạn trong bài để bạn đọc tham khảo:
“…Việc phân cấp người đỗ đại khoa thời Lý chưa rõ ràng, chỉ thấy khoa thi năm 1196 có học vị Xuất thân. Từ khoa thi năm 1232 thời Trần bắt đầu chia người đỗ đại khoa làm ba giáp là Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Cách chia này được dùng tới triều Nguyễn. Khoa thi năm 1239 lại chia người đỗ làm hai loại là Giáp khoa và Ất khoa. Từ khoa thi năm 1246 xuất hiện Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa lang gọi tắt là Thám hoa). Khoa thi năm 1256 và 1266 lấy hai Trạng nguyên (Kinh Trạng nguyên cho vùng đồng bằng Bắc bộ, Trại Trạng nguyên cho vùng Thanh Hoá...). Hai khoa năm 1304 và 1374 người đỗ Đệ nhị giáp được ban danh hiệu Hoàng giáp. Khoa thi năm 1426 chia người đỗ thành Giáp đẳng và Ất đẳng. Khoa thi năm 1442 xếp Đệ nhất giáp và Đệ nhị giáp vào Chính bảng, Đệ tam giáp vào Phụ bảng. Năm 1462 Lê Thánh Tông ban thêm học vị Cập đệ và Xuất thân, năm 1472 định tư cách và phân loại Tiến sĩ. Từ đây danh hiệu chính thức của người đỗ đại khoa từ cao xuống thấp là :
- Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ: Đệ nhất danh (Trạng nguyên), Đệ nhị danh (Bảng nhãn), Đệ tam danh (Thám hoa).
- Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).
- Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Năm 1829 nhà Nguyễn đặt thêm học vị Phó bảng, lấy người đỗ trong các kỳ thi đại khoa kém điểm người đỗ Đệ tam giáp, xếp riêng thành một bảng và chưa được coi là Tiến sĩ.” (hết trích)
Kết luận:
Viết “Người đậu khóa thi Hội được gọi là Thám hoa, đậu khóa thi Ðình được gọi là Tiến sĩ.” là tầm bậy, lẫn lộn học vị khoa thi…
Tôi cứ băn khoăn rằng nhà văn Lê Hoài Nam là nhà văn Việt Nam có nhiều tác phẩm khá, ít nhiều đã thành danh, tôi lại từng nhiều năm cùng hội VHNT tỉnh với anh, cũng giao du với anh và hiểu anh. Tôi không tin anh lại viết ngớ ngẩn như vậy.
Nghĩ thế, tôi đọc lại toàn văn bài anh viết một lần nữa thì không thấy đoạn văn trên ở chỗ nào. Đầu đoạn văn ấy có ảnh hai chữ “Văn nghệ”. Hóa ra đây là lời “đề pa” của tòa báo, chứ đâu phải của tác giả. Thằng cháu ngoại tôi có lần viết bài trên trannhuong.com phê phán báo Văn nghệ đăng bài của một vị viết về học vị khoa cử thời Nguyễn sai lẫn lung tung. Tôi cùng nhà nghiên cứu Hoàng Dương Chương cũng có lần đăng bài trên Văn nghệ phản biện một bài trên Văn nghệ về nội dung tương tự…
Cả một Tòa soạn Văn nghệ mà không có ai đủ năng lực trình độ hay sao mà lại để tình huống dở khóc dở cười trên mặt báo của mình vậy? Thảo nào, Văn nghệ mất bạn đọc...
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét