(Thay cho lời nói đầu cuốn
SÓNG GIÓ NỘI CUNG)
Lịch sử phong kiến Trung Quốc là lịch sử thay đổi liên tục các vương triều,
các "thiên tử". Mỗi triều đại, mỗi quân vương, nhìn chung chỉ tồn tại
với quãng thời gian ngắn ngủi. Sở dĩ các vương triều chết yểu do nhiều nguyên
nhân nhưng cơ bản là do người kế vị sau đó, sau vị vua khai quốc một vài đời đã
không xứng đáng là "con trời" để "thay trời hành đạo",
"chăn dắt muôn dân". Họ là những kẻ hoặc ngu đần, bạc nhược hoặc bất
tài, hoang dâm, hoặc kiêu căng, ưa xiểm nịnh, bụng dạ tiểu nhân... nên trong
thời gian tại vị đã làm đảo điên xã hội, gây ra bao thảm cảnh mà "thần và
người đều căm giận" nên đã bị "trăm họ" phế truất vai trò của họ
ra khỏi chính trường.
Chế độ phong kiến là chế độ thế tập quyền uy nên quyền lực của nhà vua là
tối thượng. Nền chính trị tập quyền khiến các đế vương không cần sức kiềm chế.
Một đấng minh quân hết lòng chăm lo đến muôn dân, xã tắc sẽ ảnh hưởng lớn đến
suy nghĩ và hành động của các cận thần dưới quyền, làm cho muôn dân no ấm, đất
nước được cường thịnh, nhưng một vị hôn quân thì xuất phát từ ân oán cá nhân,
tin dùng bọn xiểm nịnh làm cho muôn dân điêu đứng, đất nước bị loạn lạc, triều
chính bị tan nát để rồi dẫn đến sự diệt vong vương triều.
Dương Long Diễn, đường đường là một quân
vương, mà bị cha con Từ Tri Huấn phỉ báng, làm nhục. Thời gian ở ngôi đế vương
của ông ta dễ đến mười năm nhưng chưa một lần Dương Long Diễn thực sự được làm
thiên tử. Bản chất hèn mạt, ham sống sợ chết đã biến ông ta thành kẻ hầu hạ cho
cha con họ Từ, làm đảo lộn luân thường đạo lý: Bề tôi bỡn cợt thiên tử, đại
thần đánh đập nhà vua.
Chu Cẩn vì dốc lòng phò tá nhà Ngô mà ra tay tiễu trừ Từ Tri Huấn, nhưng
thật nực cười, trớ trêu, vị đế vương bù nhìn Dương Long Diễn (Ngô Cảnh Đế) đã
quay lưng phản bội lại sự cúc cung, tận tuỵ quên mình của các trung thần nghĩa
sĩ, dẫn đến cái chết thê thảm của đại tướng Chu Cẩn và mấy chục trung thần.
Lưu Sưởng, vị hoàng đế cuối cùng của vương
triều Nam Hán là một vị đế vương ngu muội và lẩm cẩm. Cuộc đời của y là cuộc
đời của những việc làm xằng bậy, những điều luật tàn ác, quái gở, những hành vi
hoang dâm vô đạo. Từ thời Bàn Cổ khai thiên lập địa đến Tam Hoàng Ngũ đế, rồi
đến tận bấy giờ chưa có một đế vương nào lại ra điều kiện tuyển dụng làm quan
trong triều thì trước hết phải tự thiến, nếu không tự thiến được thì triều đình
sẽ thiến hộ, vậy mà Lưu Sưởng lại ban ra cái chiếu chỉ chết người ấy.
Quái đản và vô đạo hơn nữa, Lưu Sưởng còn bắt bề tôi giao hết xe ngựa, áo
cầu cho nhà vua sử dụng, còn chuyện chăn gối của “thiên tử” thì “trẫm” vui lòng
dùng chung với thần dân trăm họ. Bản thân Lưu Sưởng không những dâm dật, thiện
nghệ trong chuyện làm tình mà còn rất thích xem người khác hành lạc. Nhà vua
thường xuyên tuyển những đám thiếu niên hư hỏng cho cặp đôi với cung nữ, từng
đôi, từng đôi trần truồng mà làm tình ở hậu viên để nhà vua thưởng thức, tùy
theo sự điêu luyện mà phạt roi hay ban thưởng. Tệ hơn nữa, Lưu Sưởng còn cho
tuyển những diện thư (đĩ đực) thật đẹp trai vào cung để chăn gối với Mị - Trư
(người được vua sủng ái nhất). Thật là trường hợp độc nhất vô nhị mà cổ kim
chưa hề có.
Võ Tắc Thiên, vị nữ hoàng đế đầu tiên
và duy nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc đã không từ một thủ đoạn tàn
khốc nào để đả kích và tiêu diệt những kẻ đối lập về chính trị để dần dần chiếm
đoạt ngôi báu. Thời gian ở ngôi đế vị, Võ Tắc Thiên có nhiều cống hiến cho lịch
sử Trung Quốc, nhưng những việc làm tàn bạo để củng cố địa vị của họ Võ thì mãi
mãi lịch sử Trung Quốc còn nhiều đàm luận.
Từ địa vị một tài nhân, Võ Tắc Thiên bước dần lên ngôi hoàng hậu để rồi từ
đó trèo lên ngai vàng tự xưng là hoàng đế. Bà không những thẳng tay đàn áp
những người đối nghịch, (cho dù đó là người trong gia tộc) mà ngay cả con cái
đứt ruột đẻ ra cũng thẳng tay trấn áp. Việc trả lại triều chính cho nhà Đường,
loại bỏ đế hiệu, trở lại ngôi hoàng hậu lúc cuối đời là biểu hiện sự bế tắc,
khủng hoảng về tư tưởng của Võ Tắc Thiên. Điều đó cho thấy dù Võ Tắc Thiên có
là một bậc kỳ tài, có thể lập lên những kỳ tích trong lịch sử nhưng bà cũng
không thể thoát khỏi sự trói buộc về tư tưởng trọng nam khinh nữ, không thể
vượt quá phạm vi mà điều kiện lịch sử cho phép, buộc phải rời khỏi vũ đài chính
trị với tư thế của kẻ chiến bại.
Những ai đã đọc và hiểu về lịch sử vương triều Tây Tấn, hẳn sẽ không quên
câu chuyện về Huệ Đế Tư Mã Ai (tức Tư Mã Trung) khi còn làm Thái
tử đã hỏi cận thần những câu hỏi ngớ ngẩn: - “Tiếng ếch kêu là của công hay
của tư?”. Dân tình đói khổ, hôn quân Huệ đế lại phán một câu nực cười: - “Sao
không nấu cháo thịt mà ăn?”. Huệ đế Tư Mã Ai là ai? Xin thưa đó là hoàng
thượng của nhà Tây Tấn! Là chồng của người đàn bà thác loạn trong tính giao: Giả
Nam Phong!
Sống cạnh một hôn quân ngu ngốc, ngớ ngẩn như Tấn Huệ Đế, người đàn bà “mặt
hai màu” ấy đã viết vào lịch sử Trung Quốc những dòng nhơ bẩn, với những tội ác
không thể tha thứ. Vì hoang dâm vô độ, ả đã giết biết bao thiếu niên xinh đẹp,
sau khi đã hầu hạ chăn gối ả qua đêm. Không chỉ tàn bạo trong tính giao, Giả
Nam Phong còn làm biết bao điều bạo ngược: Bắt giam thái hậu Dương Chính vào
cung Vĩnh Ninh rồi bỏ chết đói; Giết chết những trung thần tài giỏi không thuộc
phe cánh của mình; Đầu độc thái tử, biến dần Thái tử từ người có tư chất, ham
học hỏi, nhân nghĩa thành kẻ bạo ngược, hoang dâm và bần tiện để rồi chọn đúng
cơ hội ra tay tàn sát. Chén thuốc độc mà Tấn Huệ Đế ban cho (thực ra là của
Triệu vương Tư Mã Luân) đã kết thúc cuộc đời người đàn bà bạo ngược, hoang dâm
và tàn ác có một không hai trong lịch sử Trung Hoa. Cái chết của Giả Nam Phong
cũng đồng thời chấm dứt sự tồn tại của nhà Tây Tấn, đưa đất nước Trung Hoa vào
một thời kỳ hỗn loạn: Nam Bắc phân liệt kéo dài suốt 400 năm.
Chu Do Kiểm, vị vua cuối cùng của vương triều
Minh kế nghiệp tổ tiên khi đất nước ngày một sa sút, các mâu thuẫn xã hội phát
triển gay gắt, các thế lực chính trị đang trong tình trạng quyết đấu một mất
một còn. Những năm đầu nắm quyền bính, Minh Nghị Tông đã mang hết khả năng của
tài trai, sức trẻ phụng sự cho xã tắc, đưa vương triều Minh tránh được nguy cơ
của sự diệt vong, tiến lên một bước. Nhưng thật đáng tiếc, ông vua trẻ tuổi này
đã sớm hỉ hả trước những thành tựu của mình để lao vào trò chơi quyền lực, tin
yêu hoạn quan, bỏ bê triều chính. Mười bảy năm làm vua, Chu Do Kiểm đã đuổi hơn
50 người ra khỏi nội các, thay đổi các thượng thư như đèn cù, không khống chế
được tài chính quốc gia, giết và bãi chức rất nhiều trung thần tài giỏi, đặc
biệt là giết oan Viên Sùng Hoán một danh tướng dũng cảm, lắm mưu nhiều kế, hiếm
có bấy giờ để sau mười bảy năm cầm quyền, Chu Do Kiểm vị vua thứ tư của vương
triều Minh đã để mất nước, tự kết thúc cuộc đời bằng sợi dây treo cổ.
Ngũ Tử Tư, một trung thần của vương triều
Ngô, có nhiều công lao trong việc xây dựng và bảo vệ triều đại nhà Ngô. Ông là
nỗi khiếp sợ của cả vua tôi Việt Vương, là niềm tin và ý chí của người dân nước
Ngô, thế nhưng chỉ vì nóng nảy, trực tính mà đang là “tướng phụ” đầy quyền uy
phải chấp nhận hình phạt tự xử của Ngô Phù Sai. Chiến trận đã sinh ra “tướng
phụ”, gươm đao và hào khí của chiến trường đã tạo ra một Ngũ Tử Tư đại tài,
dũng mãnh nhưng rồi cũng chính gươm đao ấy đã kết thúc cuộc đời Ngũ Tử Tư trong
nỗi đau của trần thế, trong tiếng nức nở nghẹn ngào của người dân nước Ngô và
trong tiếng rên rỉ của một triều đại phong kiến đã đến ngày mạt vận. Những giọt
nước mắt hối hận của Phù Sai không thể làm sống lại Ngũ Tử Tư trung thần, ái
quốc, không thể làm dịu nỗi uất hận của người dân nước Ngô và càng không thể
vực dậy vương triều Ngô đã đến ngày tận thế.
Khuất Nguyên, một chính trị gia uyên
bác thời Chiến quốc rất giỏi về ngoại giao, có tài về chính trị đã nhận thấy: Nước
Sở có giàu mạnh lên mới có thể thoát khỏi sự uy hiếp của nước Tần. Vì vậy ông
đã đề xuất những chính sách: "Liên Tề chống Tần", "Cải cách những
tệ hại về chính trị để chấn hưng đất nước" được Sở Hoài Vương tín nhiệm.
Nhưng chẳng bao lâu, Khuất Nguyên gặp phải sự chống đối kịch liệt của tầng lớp
quý tộc hủ bại, sợ cải cách vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân nên đã
đặt điều vu khống, bài xích ông trước mặt Sở Hoài Vương khiến Sở Hoài Vương đày
ông biệt xứ.
Dời khỏi vũ đài chính trị, Khuất Nguyên trở thành "kẻ bị biếm
thích". Cuộc sống của người bị lưu đày biệt xứ khốn quẫn vô cùng nhưng nỗi
đau duy nhất, cao hơn nỗi khổ nhục của kẻ bị đày biệt xứ là nỗi đau phải chứng
kiến sự diệt vong đang đến dần của nước Sở - nơi Khuất Nguyên đã yêu thương, hi
sinh đến trọn đời. Đô thành nước Sở bị quân Tần chiếm đóng đã kết thúc vương
triều Sở, cũng đồng thời kết thúc cuộc đời và lý tưởng cao đẹp của Khuất Nguyên
dưới dòng sông Mịch La cuộn trào sóng hận. Sở Hoài Vương! Vị đế vương thích
nghe những lời ngọt ngào phỉnh nịnh kia dẫu chết đến nghìn lần cũng không thể
chuộc lại lỗi lầm y đã mắc phải.
Ở chế độ mà đế vương có quyền hạn tối thượng ấy, không chỉ sinh mạng của
người dân khó bảo toàn mà ngay cả sinh mạng của đấng chí tôn cũng khó được bảo
đảm vì những âm mưu cung đình cứ ngấm ngầm tạo dưỡng trong nội bộ vương triều
từng giờ từng phút. Chế độ thế tập quyền uy đã sản sinh ra những âm mưu, thủ
đoạn, những việc làm bất nhân, bất nghĩa, chà đạp lên luân thường đạo lý. Chỉ
vì chiếc ngai vàng, vì chỗ ngồi quyền lực mà gia đình tan nát, nồi da xáo thịt:
Cha giết con, em giết anh, con giết bố.... Đi hết tập sách này, bạn đọc sẽ thốt
lên đau đớn, phẫn nộ: Đâu rồi tính người ở những ông vua? đâu rồi phụ tử tình
thâm - đặc trưng cơ bản của xã hội loài người - ở các hoàng tộc?
Bộ sách "CHUYỆN VUA CHÚA TRUNG
HOA" ghi chép gần một trăm quân chủ phản diện kiểu như vậy. Họ là những kẻ
đại diện cho thế lực thống trị thối nát ở Trung Quốc từ xã hội nô lệ đến chế độ
phong kiến. Trong số những vị hôn quân đó, có những vị đế vương trong những năm
đầu nắm quyền bính là những ông vua sáng suốt, có nhiều công tích, hoặc đứng ở
mặt nào đó là những thiên tài nhưng hoặc do kiêu căng, dâm dật, hoặc do ân oán
cá nhân, hoặc do bị lung lạc bởi hoạn quan, ngoại thích mà trở nên bạo ngược,
dẫn đến cảnh nước mất nhà tan; nhưng có những vị đế vương ngay từ ngày mới được
kế vị không có ý chí, thậm chí còn có ngớ ngẩn, đần độn trong hành xử... nên
trong thời gian tại vị họ chỉ biết lao vào những lạc thú riêng tư, bỏ bê triều
chính, xáo trộn xã hội, dẫn đến sự sụp đổ cả một vương triều.
Công ty Văn Hóa Bảo Thắng trân trọng giới thiệu với Quý bạn đọc: "SÓNG
GIÓ NỘI CUNG", tập đầu của bộ sách 15 tập về “thâm cung bí sử” của các ông
hoàng bà chúa (Trung Hoa) như thế, do Lý Khắc Cung dịch thuật.
Hà nội, ngày 17 tháng 04 năm 2002
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét