(Trích từ: 1001 KIÊNG KỴ
TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN của Đặng Xuân Xuyến ; Thanh Hóa ; 2010)
Không chỉ xưa mà nay, khi
khởi sự những công việc quan trọng người ta thường cẩn trọng chọn ngày, kén giờ
sao cho đúng vào giờ đẹp, ngày lành mới tiến hành để cầu mong sự tốt lành sẽ
đến với con cháu, gia tộc nhưng việc chọn được ngày đẹp, không bị các sao xấu
xâm phạm thì thật khó, mỗi tháng chỉ được vài ngày trong khi công việc lại cần
kíp, không thể trì hoãn, nếu cứ câu nệ vào việc chọn ngày đẹp, giờ đẹp sẽ làm
lỡ dở công việc, lỡ mất những vận may của mình, rồi thành sự nuối tiếc của bản
thân và trở thành chuyện cợt nhả, mua vui của thiên hạ.
Hơn một lần chúng tôi đã
lưu ý: Có thờ có thiêng có kiêng có lành nhưng cũng không nên quá câu nệ vào
những kiêng kỵ mà làm lỡ dở công việc, lỡ mất vận may, trong khi công việc,
nhất là vận may có khi chỉ đến một lần trong đời.
Vậy khi có việc cần kíp
không thể trì hoãn mà gặp phải ngày - giờ xấu thì nên làm thế nào? Chẳng lẽ đợi
tháng sau, năm sau mới tiến hành? Người viết lược soạn bốn (4) phép “hóa giải”,
ngõ hầu giúp bạn đọc vẫn tiến hành công việc dù ngày giờ xấu nhưng kết quả cũng
không đáng ngại.
1. Dùng cơ chế “chế sát”:
Đây là cách hóa giải kiểu
lấy độc trị độc, tức là dùng quan hệ tương khắc của ngũ hành để chế sát sự hung
hiểm của ngày xấu. Ví dụ: Ngày hung thuộc Thủy thì dùng giờ Thổ để hóa giải
(Thổ khắc Thủy); ngày hung thuộc Hỏa thì dùng giờ Thủy để hóa giải (Thủy khắc
Hỏa); ngày hung thuộc Mộc thì dùng giờ Kim để hóa giải (Kim khắc Mộc)......
Có người kỹ tính hơn còn
căn cứ vào ngũ hành nạp âm của ngày, giờ để chế sát sự hung hiểm của ngày xấu.
Ví dụ, ngày xấu là Ất Hợi (Sơn Đầu Hỏa - Lửa đỉnh núi) sẽ chọn giờ Bính Ngọ
(Thiên Hà Thủy - Nước sông trời) để chế sát. Như thế, theo thiển nghĩ của người
viết là khiên cưỡng, phi thực tế bởi trong một ngày có 24 giờ, ứng với 12 giờ
trong lý số mà ngũ hành nạp âm thuộc lục thập hoa giáp được
tính từ Giáp Tý (tuổi) đến Quý Hợi (tuổi) trọn đủ 1 vòng là 60 (năm) nên việc
dùng nạp âm ngũ hành của giờ để chế sát hung hiểm của ngày (nạp âm ngũ hành)
xấu là khó khả thi, có thể coi là không thực tế.
2. Dùng cơ chế “hóa Sinh”:
Đây là cách hóa giải dùng
quan hệ tương sinh của ngũ hành để chế sát sự hung hiểm của ngày xấu. Ví dụ: Ngày
xấu thuộc Kim thì dùng giờ Thổ để hóa giải (Thổ sinh Kim); ngày xấu thuộc Thủy
thì dùng giờ Kim để hóa giải (Kim sinh Thuỷ); ngày xấu thuộc Hỏa thì dùng giờ
Mộc để hóa giải (Mộc sinh Hỏa).
Tương tự như trường hợp
dùng quan hệ tương khắc của ngũ hành để chế sát sự hung hiểm của ngày xấu,
không ít người cũng căn cứ vào ngũ hành nạp âm của ngày, giờ để hóa giải. Cách
làm này cũng khiên cưỡng, phi thực tế như trường hợp dùng cơ chế “chế sát”,
người viết không nhắc lại, chỉ lưu ý bạn đọc: Khi xét ảnh hưởng qua lại (tốt
xấu) trong các mối quan hệ của ngũ hành thì tùy từng trường hợp mà căn cứ vào
đặc tính của ngũ hành hay lý tính của ngũ hành mà ứng dụng, nếu nhất nhất việc
gì cũng lấy đặc tính của ngũ hành hoặc lý tính của ngũ hành mà ứng dụng sẽ có
thể không những không hiệu quả mà còn phản tác dụng.
3. Dùng cơ chế “tị hòa”:
Đây là cách dùng quan hệ
tương hòa (bình hòa) của ngũ hành để hóa giải sự hung hiểm của ngày xấu. Ví dụ:
Ngày xấu thuộc Âm Mộc thì dùng giờ Dương Mộc để hóa giải; ngày xấu thuộc Âm Kim
thì dùng giờ Dương Kim để hóa giải.....
Cũng như quy luật tương
sinh hoặc tương khắc của ngũ hành, ở quy luật tương hòa của ngũ hành, bạn đọc
cũng không thể bỏ qua quy luật Âm - Dương của ngũ hành.
Tính chất trong Âm (-) có Dương (+), trong Dương (+) có Âm (-), Âm (-) cực
sinh Dương (+), Dương (+) cực sinh Âm (-) của dịch lý nên khi 2 hành tương hòa,
nếu có một Âm (-) và một Dương (+) thì sự phù hợp và phù trợ nhau sẽ rất đắc
lực.
Ví dụ: Dương Thổ và Âm
Thổ, Dương Thủy và Âm Thủy, Dương Hỏa và Âm Hỏa, Dương Kim và Âm Kim, Dương Mộc
và Âm Mộc.
Nhưng nếu 2 hành tương
hòa đó cùng khí Âm (-) hoặc cùng khí Dương (+) thì sự hòa hợp đó trở thành vô
nghĩa.
Ví dụ: Dương Thổ và Dương Thổ, Âm Thủy và Âm Thủy, Dương Mộc và Dương Mộc...
Trong trường hợp này, sự tương hòa về đặc tính của các hành đó không tốt mà
cũng không xấu.
4. Thay đổi người chủ trì:
Đây là cách “mượn tuổi”
để hóa giải sự hung hiểm của ngày xấu. Người ta thường cậy nhờ bạn bè, người
thân - những người hoặc thuộc tam hợp tuổi với gia chủ lại “được tuổi” cho việc
sẽ khởi sự hoặc người “được tuổi” (âm lịch) cho việc sẽ chuẩn bị tiến hành,
thay Mệnh chủ đứng ra làm chủ công việc để hóa giải sự hung hiểm của ngày xấu.
Ví dụ: Người tuổi Tỵ nếu không được tuổi làm nhà sẽ nhờ người thuộc tam hợp
tuổi (Tỵ - Dậu - Sửu) với bản Mệnh của mình mà người đó lại “được tuổi” làm nhà
sẽ đứng ra chủ trì công việc, ít nhất là đứng làm chủ lễ, bổ nhát cuốc đầu tiên
khi động thổ hoặc đổ xô vữa đầu tiên khi đổ mái bằng. Nếu trong tam hợp tuổi,
không có người “được tuổi” thì sẽ nhờ người nào đó “được tuổi” nhưng không xung
khắc với bản Mệnh của mình, đứng ra làm chủ lễ, chủ trì công việc.
Lời kết:
Trong bốn phép “hóa giải”
trên, theo thiển nghĩ của người viết, khi công việc cần kíp không thể trì hoãn
được, bạn có thể dùng cơ chế “chế sát” là cách tốt nhất để hóa giải sự hung -
sát của ngày xấu. Còn nếu vì lý do nào đó không chọn được giờ khắc với ngày
xấu, lúc bấy giờ mới dùng cơ chế “hóa sinh”, sau cùng mới đến dùng người khác
thay Mệnh chủ hoặc dùng cơ chế “tị hòa” để hóa giải những hung họa của ngày xấu.
Hà Nội, cuối thu Kỷ Sửu
(2009)
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét