Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

Ý TỨ TRONG THƠ / Phạm Đức Nhì

 

 


            

 

Duyên Văn Chương


Trên đường tìm học rồi nghiên cứu văn chương tôi may mắn được quen biết 2 ông giáo sư đại học Mỹ. Một ông là thầy, ông kia là đồng nghiệp của thầy. Một ông dạy Literature Review (Phê Bình Văn Học), ông kia chuyên về Creative Writing (Sáng Tác). Một ông có bằng Tiến Sĩ Văn Chương, ông kia là Master và cả hai đều là thi sĩ. 

 

Số là cách đây khoảng hơn hai mươi năm tôi bị đụng xe rất nặng. Sau khi xuất viện, không thể tiếp tục đi làm (việc nặng nhọc), tôi xin tiền chính phủ vào học mấy năm ở đại học. Mê thơ nên tôi chọn những lớp học nặng tính văn chương.

 

Trong một bài essay (luận văn) của lớp English 2 tôi đã đưa bài thơ của mình (đã dịch ra Anh ngữ) vào để đối chiếu với bài thơ  của Weldon Kees, một thi sĩ người Mỹ. Bài luận văn của tôi được điểm A+ và sau đó tôi được ông thầy và đồng nghiệp của ông xem là thành viên trong loài “động vật quý hiếm” (1), thỉnh thoảng được cùng – lúc ông này, lúc ông kia - mời uống cà phê, ăn bánh ngọt và tán chuyện văn chương với bạn bè của họ.


Hai Lời Khuyên Khác Nhau

 

 Ông thầy thì dặn tôi:

 

“Viết Cái Gì không quan trọng lắm. Tài năng của tác giả một bài thơ được đánh giá ở chỗ ông (bà) ta Viết Thế Nào. Trong sáng tác thơ ca How (Thế Nào) quan trọng hơn What (Cái Gì) nhiều lần. Từ kỹ thuật thơ như ngôn từ, hình tượng, biện pháp tu từ, thế trận chữ nghĩa đến cảm xúc, hồn thơ tất cả đều được gói trọn trong chữ How. Nếu cứ ngồi chờ đến khi có được ý tưởng hoàn toàn mới lạ, độc đáo mới viết thì cả đời liệu viết được mấy bài thơ?

 

Còn ông kia, lúc ngồi riêng với tôi hay nhắc nhở: 

 

“Trong thơ đừng coi thường What (Viết Cái Gì). Ý tưởng mới lạ làm tăng giá trị của bài thơ lên rất nhiều. Nếu không được là người tiên phong dọ dẫm những bước chân khai phá thì chí ít cũng cố gắng đừng đi vào con đường đã có hàng triệu dấu giầy”

 

Tuy Hai Mà Một

 

Cá nhân tôi, rất nhiều khi nẩy ra một ý thơ định ngồi dậy cầm bút viết thì nhận ra cái ý ấy người ta – không phải một mà vô số người – đã viết từ lâu rồi.

 

Một đề tài về bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống, thường là đã được - ở chỗ này hay chỗ khác, ở thời điểm này hay thời điểm khác  - đề cập đến. Cho nên nghĩ ra một ý tưởng hay, mới lạ, độc đáo để đưa vào thơ là cực kỳ khó. Chỉ có những tài năng đặc biệt, có khi phải nhờ may mắn, cộng thêm một chút duyên nữa mới có thể nghĩ ra. Và đôi lúc, còn cần đến lòng dũng cảm vượt bậc mới dám viết về cái “ý mới” ấy.

 

Còn số đông những nhà thơ khác đều lũ lượt nối đuôi nhau tìm đến những đề tài muôn thuở: Tình yêu, quê hương, chính trị xu thời, thị hiếu của đám đông và những đề tài phải đạo khác.

Đến đây tôi mới hiểu ra lời dặn dò của 2 ông bạn Mỹ, tuy có vẻ đối nghịch nhau nhưng bổ khuyết cho nhau và đều rất hữu lý.

 

Mượn Của Người Làm Của Ta

 

Nếu tổng hợp hai ý kiến ấy cộng với một số tìm hiểu của riêng tôi, vai trò của ý tứ trong thơ có thể được trình bày như sau:

 

Ý tưởng chính của bài thơ có thể được chia làm mấy hạng (từ cao xuống thấp):

 

1/ Cao đẹp, khai phóng, thăng hoa tâm hồn con người, hoàn toàn mới lạ, độc đáo. (Điều này có thể đạt được nhưng rất khó và rất hiếm)

 

2/ Thoát ra khỏi (hoặc ngược với) dòng thơ Phải Đạo.

 

3/ Một cách nghĩ, một hiện tượng, một lối sống có tính khai phóng của một giai đoạn lịch sử đã lác đác có người viết đề cập đến nhưng chưa có tác phẩm nào xuất sắc.

 

4/ Viết theo phong trào, xu hướng chính trị, theo thị hiếu của đám đông, chọn những đề tài muôn thuở (tình yêu, quê hương…), những con đường đã có hàng triệu dấu chân.

 

Nghĩ được một ý tưởng hay thì phải bắt lấy ngay vì bài thơ có ý hay, độc đáo sẽ được đánh giá cao gấp bội. Nhưng nếu thi hứng của mình cứ nghiêng về phía “đường xưa lối cũ” thì hãy chọn con đường ít dấu chân hoặc chưa có dấu chân nào đậm nét. Thi sĩ cũng có thể tạo một khung cảnh mới để tiếp cận đề tài (thí dụ: Sông Lấp); ý chưa được mới lạ thì ít nhất cũng có tứ hay.

 

Ý tứ quan trọng đấy; tuy nhiên, còn quan trọng hơn chính là tay nghề của thi sĩ. Kỹ thuật thơ mà kém cỏi thì ý tứ có hay bài thơ cũng chìm xuồng, không thể nổi đình, nổi đám trong tâm hồn người đọc được

 

Kết Luận

 

Tóm lại, Ý Tứ chỉ là một trong nhiều tiêu chí để thẩm định giá trị một bài thơ. Tìm được ý tưởng hay, hoàn toàn mới lạ, độc đáo sẽ nâng giá trị bài thơ lên rất nhiều. Nhưng ý tưởng mới lạ, độc đáo không dễ tìm và không phải cứ nỗ lực là tìm được.

 

Với thơý tứ là một tiêu chí rất khó đạt điểm tối đa. Tuy nhiên, nếu đặc biệt quan tâm đến việc chọn cách tiếp cận đề tài, tạo được khung cảnh thích hợp, bài thơ sẽ có tứ hay. Riêng về Ý, dù biết là cực khó để đạt được điểm 10 nhưng cũng đừng để phải ăn một con số không (0) to tướng.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

Chú Thích:

 

1/ Ở Mỹ, một nước thiên về kỹ nghệ và kinh doanh, thi sĩ được xem là “động vật quý hiếm” rất được nể trọng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét