Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

HOA DẠI VÀ TÂM THẾ CỦA THI SĨ / Phạm Đức Nhì

 



 

 

HOA DẠI

(Tâm sự một nhà thơ)

 

Tôi là loài hoa dại

mọc bên đường

tỏa sắc hương

dịu lòng những ông bố

trên đường đến xưởng

những bà mẹ

đi thăm ruộng trở về

 

Tôi thêm nét vui tươi

cho cô gái quê

xách làn đi chợ

Các cô cậu học trò

mặt mày hớn hở

cười với tôi mỗi buổi đến trường

 

Tôi đứng đây

mở lòng đón gió bốn phương

để thêm sắc thêm hương 
cho người đời thêm đẹp dạ

Bạn đừng tưởng đời tôi êm ả

như mặt nước hồ

tôi đã bao phen nghiêng ngả

trước những trận gió to

Có lúc thân tôi xác xơ

tả tơi từng cánh

lá rụng phấn bay

lịm dần trong đêm lạnh

nhưng nghĩ đến ngày mai

tôi gượng dậy mỉm cười

 

Tuy nhiên

nếu lúc này bạn ngỏ ý mời tôi

đến một ngôi nhà sang trọng

dành cho tôi

chỗ ngồi ấm cúng

có kẻ chăm lo trẩy lá tỉa cành

tôi vẫn lắc đầu

nhìn dưới chân mình

mảnh đất nhỏ

tôi vô cùng yêu mến

 

Tôi sống

không phải để riêng ai âu yếm

sắc hương này

tôi muốn sẻ chia

cho tất cả mọi người

từ em bé ngây thơ

đến các cụ già trăm tuổi

 

Và nếu nơi đây

nước dâng bão nổi

tấm thân này

tan nát cuốn muôn nơi

tôi vẫn vui

bởi phấn nhụy của tôi

sẽ mọc lên                                                      

trăm ngàn cây hoa mới

(Phạm Đức Nhì) 

Thơ tôi viết có một phần khá lớn sử dụng phép ẩn dụ trong đó có gần hai chục bài bàn về Lý Thuyết Thơ được bạn bè xếp vào loại “Những Bài Thơ Về Thơ”. Hoa Dại là bài thơ thuộc loại này.

 
Tứ: Tác giả nói lên tâm sự của một loài hoa dại.
Ý: Bóng gió nói đến tâm sự của chính tác giả - một nhà thơ


Giải Thích Thêm Về “Tứ Thơ”


Khi nghe nói hoa dại người đọc sẽ có thể nghĩ đến một loại hoa khác với loại “hoa nhà” được con người trồng, như một cách trang trí, ở trong nhà hay ngoài vườn.

 

Nếu đem so sánh sẽ có một số khác biệt như sau:

1/ Môi Trường


     a/ 
Hoa Dại: Mọc ở môi trường tự nhiên, ven đường, ven rừng, chịu đựng nắng mưa, sương gió, có khi cả bão lụt - bất trắc xảy đến bất cứ lúc nào.


     b/ 
Hoa Nhà: Được con người trồng trong vườn hoặc ở trong nhà, được lên luống, chăm bón, tưới tắm, bắt sâu, tỉa lá, bẻ cành, trong một môi trường được kiểm soát, “nuông chiều” và dĩ nhiên, an toàn.


2/ Tự Do

     a/ 
Hoa Dại: Gió thổi hạt đến đâu có thể mọc cây ở đó, cảnh quan trước mắt rộng rãi, thoáng đãng, tầm nhìn bao la.


     b/ 
Hoa Nhà: Chỉ được trồng hoặc trưng bày ở nơi người chủ nhà muốn, bị tù túng trong khung cảnh chật hẹp.

3/ Đối Tượng Phục Vụ:


     a/ 
Hoa Dại: Phục vụ tất cả những người qua lại


     b/ 
Hoa Nhà: Phục vụ những người trong gia đình chủ nhà và khách khứa, bạn bè của họ

 

Từ Tứ Suy Ra Ý - Nghĩa Bóng

Sau đây là nghĩa bóng (ý) của bài thơ, liên quan đến nhân cách của thi sĩ. Bài thơ muốn nói đến hai loại thi sĩ: 
Thi Sĩ Hoa Dại và Thi Sĩ Hoa Nhà.

1/ Môi Trường


     a/ 
Thi Sĩ Hoa Dại: Không chức vụ (trong chính quyền), không đặc quyền đặc lợi, không được che chắn, bảo vệ. Thơ là tiếng lòng chân thật nên dễ đụng chạm, sóng gió có thể ập đến bất cứ lúc nào – nghĩa là Thi Sĩ Hoa Dại phải có cái tính “ngông”, coi thơ trọng hơn một cuộc sống no ấm, an bình.

     b/ 
Thi Sĩ Hoa Nhà: Bám vào hoặc dựa dẫm quyền hành để được chữ “an thân”, được quyền lợi vật chất cho mình và gia đình, thường được gọi là “nhà thơ cung đình” (của chế độ), coi sự chân thật trong thơ, hồn thơ nhẹ hơn danh lợi.

2/ Tự Do


     a/ 
Thi Sĩ Hoa Dại: Viết tự do, thoải mái, không chịu áp lực, kiểm soát từ người có chức, quyền, tiền bạc, tứ thơ hướng đến một khung trời rộng hơn, một chân trời xa hơn, giọng điệu cao sang hơn.


     b/ 
Thi Sĩ Hoa Nhà: Viết theo “đơn đặt hàng” (trực tiếp hoặc gián tiếp) của những người có quyền chức cao, bạc tiền nhiều nên đề tài bó buộc, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, viết không vừa lòng chủ thì sẽ “mất” hết, tứ thơ chật hẹp, giọng điệu ít nhiều có tính nịnh bợ, hèn kém.

3/ Đối Tượng Phục Vụ:


     a/ 
Thi Sĩ Hoa Dại: Phục vụ tất cả mọi người, toàn thể nhân loại, nhờ thế nhân cách cao đẹp.

     b/ 
Thi Sĩ Hoa Nhà: Phục vụ một thiểu số có chức quyền, tiền bạc nên nhân cách hèn kém.


Những tính xấu như tham quyền, tham danh lợi, thích được an nhàn không những làm tâm hồn của thi sĩ mờ đục mà ngay chính thơ của Ngài cũng thiếu trong sáng, tươi mát. Thi sĩ kiểu ấy xã hội nào cũng có và thường chiếm số khá đông.

 

Nhưng đặc biệt trong xã hội chuyên chế, quyền tự do ngôn luận bị tước đoạt hay giới hạn, một số rất đông thi sĩ còn có thêm một chứng bênh nan y: Bệnh Sợ. Chứng bệnh này làm phẩm chất thơ bị xuống cấp trầm trọng.

  

Một Đoạn Thơ

 

Lục bình ơi cho tôi trôi với
trôi lên rồi trôi xuống thôi mà
trong đầu tôi bao ý nghĩ bôn ba
làm sao hôm nay có ai đặt bài
kiếm một chút tiền còm cho trẻ nhỏ
kiếm một vài cánh hoa chầm chậm thả
lên trời

(Thanh Thảo)

“Anh không triết lý, chất giọng của anh là của những tâm sự riêng tư. Đời sống là kết hợp nhiều chuỗi khoảnh khắc, tốt và xấu, hy vọng và thất vọng, hơn là một đường vạch đơn điệu từ quá khứ đến tương lai”.

 

http://phudoanlagi.blogspot.com/2022/10/thanh-thao-hat-giua-gio-mua-nguyen-uc.html?m=0

 

Trên đây là một đoạn trong Lời Tựa Cho Tập Thơ HÁT GIỮA GIÓ MƯA của Thanh Thảo được nhà thơ Nguyễn Đức Tùng viết rất công phu và ưu ái.

Tôi thích hình thức phóng khoáng của đoạn thơ. Còn giọng thơ thì đúng như Nguyễn Đức Tùng nhận xét “chất giọng của anh là của những tâm sự riêng tư”. Lời thơ nhỏ nhẹ mà khá đậm chất tình.

Nhưng có mấy câu thơ làm tôi ngạc nhiên:

trong đầu tôi bao ý nghĩ bôn ba
làm sao hôm nay 
có ai đặt bài
kiếm một chút tiền còm cho trẻ nhỏ
kiếm một vài cánh hoa chầm chậm thả
lên trời

Làm thơ theo “
đơn đặt hàng” để kiếm tiền – dù thực tế là “cho (nuôi) trẻ nhỏ” hay lãng mạn hơn, để “kiếm một vài cánh hoa chầm chậm thả lên trời” – cũng là điều không được hay ho gì cho lắm. Thanh Thảo rất tự nhiên đưa vào thơ, coi như “chuyện thường ngày ở huyện”, và lại ít nhiều được nhà thơ Nguyễn Đức Tùng thông cảm.

Tôi cảm phục sự chân thật của thi sĩ Thanh Thảo và lòng độ lượng của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng.

 

Nhưng theo tôi, “Hoa” Thanh Thảo ít chất Dại mà có vẻ gần Nhà hơn.

  

Mời độc giả đọc một bài Thơ Về Thơ khác.

 
 XIN  ĐỪNG  EM  NHÉ


(Làm tình cũng như làm thơ)

Anh có thể bỏ dở ván cờ
để đưa em đi chùa
lễ Phật
có thể tắt ngay tiếng nhạc
cho em được thanh thản tụng kinh

Anh cũng có thể cố quên
(nếu là rằm hay mùng một)
món canh chua cá lóc (1)
để chiều nay
cùng em ăn chay

Nhưng nếu lúc lên giường hành lạc
em vẫn cứ tay lần tràng hạt
mồm niệm Nam Mô
trong khi chim, vú nhấp nhô
theo nhịp nắc

Anh sẽ đạp em xuống giường tức khắc
và từ đó
em ơi
chúng mình mỗi đứa một nơi.

Chú Thích:

1/ Món anh thích nhất

Lời Bàn Của Tác Giả

Làm thơ giống như làm tình. Phải để hết tâm hồn vào cuộc chơi. Khi lên giường với người yêu phải vứt bỏ hết, từ chí lớn trong thiên hạ cho đến những vụn vặt chén cơm manh áo trong cuộc sống hàng ngày. Có thế mới dễ bò lên tới đỉnh Vu Sơn, có thế mới có thể chết chìm trong sông Ân, bể Ái.

Với thơ cũng vậy. Nếu không để hết tâm hồn vào câu chữ và tứ thơ, những toan tính vị kỷ của lý trí sẽ chen vào làm khựng lại dòng chảy của thơ, khiến thi sĩ cụt hứng.

Lý trí rất cần thiết cho hầu như mọi sinh hoạt của cuộc sống con người. Nhưng với thơ, nó là kẻ thù số một. Không cẩn trọng, nó sẽ len lỏi vào tận hang cùng, ngõ hẹp của tâm hồn để khi thì rù rì thuyết phục, lúc lại cao giọng hối thúc, khiến nhà thơ ngập ngừng, bối rối, nửa muốn tiến, nửa lại muốn lùi, không dám phóng tay xuống bút.

Cứ nghe lời lý trí thì khối cảm xúc của nhà thơ sẽ không phình to lên được. Bởi khi đã bình tâm suy nghĩ thì hào khí ngất trời cũng xẹp dần như bong bóng bị xì hơi. Khi lý trí đã trụ ở trong lòng thì đau thương chất ngất sẽ nguôi ngoai, hận thù đằng đằng sẽ lắng xuống, tình yêu bỏng cháy sẽ nguội dần đi.

Chỉ có lúc cao hứng, thật cao hứng, mới có thể “nói thật, nói thẳng được, nổi điên lên mà nói, nói mặc kệ thiên hạ sự, nói cóc sợ ai, không ‘quan trên trông xuống, người ta trông vào’, và lúc ấy mới có thể viết được mấy lời kha khá” (Nguyễn thị Hoàng Bắc – Thơ Đến Từ Đâu - Nguyễn Đức Tùng)

 

Anh yêu em, chiều em, chiều cả tính “ngoan đạo” và cung cách “ngoan đạo” của em. Nhưng nếu em đem những thứ đó vào các “cuộc mây mưa” của chúng mình thì anh thà chia tay với em chứ cái lúc cần trao hết thể xác lẫn tâm hồn cho nhau mà:

 

em vẫn cứ tay lần tràng hạt
mồm niệm Nam Mô

như thế anh bực mình lắm, em ơi?

 

Vơi thơ cũng vậy. Nếu không để hết tâm hồn vào câu chữ, tứ thơ mà cứ vẩn vơ suy nghĩ chuyện “vợ đẻ, con đau, nhà mái dột” thì Nàng Thơ cũng sẽ đạp anh ra khỏi bài thơ và “đội nón ra đi”.

  

Kết Luận

 

Cho nên khi làm thơ, nếu mang cái tâm thế của loài Hoa Dại sẽ được Nàng Thơ chào đón niềm nở và thân tình hơn.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét