Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

THĂM LẠI BÀI THƠ “TRÁI TIM RAO BÁN” / Phạm Đức Nhì

 



(Bàn thêm về Vần, chữ Dâm và Hồn Thơ)

  

TRÁI TIM RAO BÁN

 

Có thể
rồi sẽ đến một ngày
em phải xót xa
xót xa
đem trái tim mình
rao bán

 

Một ngày
mù khơi hạnh phúc
biền biệt tình yêu
còn lại trái tim biết đớn đau - 
niềm kiêu hãnh cuối cùng
rồi em sẽ phũ phàng
rao bán

 

Một ngày
mỏi mòn trong ảo vọng
em sẽ đem bán đi trái tim mình
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!

 

Chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!

một chút tình
cho bớt chông chênh

 

(Đinh Thị Thu Vân)

 

Vài Nhận Xét Thêm         

 

1/ Tìm hiểu tứ thơ

 

Đoạn đầu:

 

Có thể
rồi sẽ đến một ngày
em phải xót xa
xót xa
đem trái tim mình
rao bán

 

Bỗng dưng nữ sĩ Đinh Thị Thu Vân lại nghĩ đến cái ngày “phải xót xa, xót xa đem trái tim mình rao bán”. Chị lập lại hai chữ “xót xa” để “thông báo” là nỗi buồn, nỗi cô đơn đã lớn mạnh đến mức phải nghĩ đến chuyện “kỳ cục” đó.

 

Động từ chia ở thì tương lai nhưng nỗi buồn, nỗi cô đơn, khao khát tình yêu lại đang hiện hữu rất sâu đậm trong lòng chị ngay phút giây hiện tại này đây.

 

Ở đoạn kế tiếp:

 

Một ngày
mù khơi hạnh phúc
biền biệt tình yêu
còn lại trái tim biết đớn đau - niềm kiêu hãnh cuối cùng
rồi em sẽ phũ phàng
rao bán

 

tác giả cho biết nỗi đau buồn đó dâng cao lên một tầng bậc mới, lúc mà khung cảnh “tình yêu biền biệt, hạnh phúc mù khơi” thúc đẩy những con chữ thấm đẫm nước mắt rơi xuống trang thơ, cho nên dù chỉ còn lại “trái tim biết đớn đau - niềm kiêu hãnh cuối cùng” - chị cũng phải “phũ phàng rao bán”.

 

Phần đầu đoạn kết:

 

 

Một ngày
mỏi mòn trong ảo vọng
em sẽ đem bán đi trái tim mình
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!

 

Đây chính là giây phút chuyển biến thần tình của tứ thơ. “Mỏi mòn trong ảo vọng” chính là lúc cơn khát tình đã lên rất cao. Rao bán trái tim mà “không cần chọn lựa người mua” – không cần biết người đàn ông sẽ đến với mình là ai - nghĩa là chữ Tình đã đội nón ra đi để chữ Dâm độc chiếm thể xác và tâm hồn chị. Nói bạch văn là  “Khát Tình” đã biến thành “Thèm Chim”.

 

 

Như thế cũng chưa hết. Rao bán mà “không cần sòng phẳng” – cho người mua được toàn quyền quyết định giá cả - có nghĩa là cũng sẵn sàng cho không “món hàng quý giá” của mình. Đọc đến đây chắc độc giả cũng đồng ý với tôi là cơn “thèm chim” của Đinh Thị Thu Vân đã lên cao ngất.

 

Đây chính là cao trào của bài thơ. Dòng tứ thơ và dòng cảm xúc trong cơn điên đã dâng lên đến đỉnh điểm và gặp nhau ở đó. Lý trí đã trốn biệt. Tâm tình được gởi đến độc giả là những lời thơ CHÂN THẬT.

 

Đoạn kết phần sau:

 

Chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!

một chút tình
cho bớt chông chênh...

 

Nhóm chữ “một chút tình” - được lập đi lập lại ở đoạn kết, lúc “độ nóng” của cơn điên vẫn còn nhưng đang từ từ hạ xuống; “một chút tình” đó không phải là “sự tương hợp của hai tâm hồn  đồng cảm” hoặc kém hơn một chút là tình một chiều – “ta yêu chàng mà chàng chẳng yêu ta”. Ở đây chỉ là một chút thương hại của người với người.

 

Đây là sự khác biệt lớn giữa Trái Tim Rao Bán của Đinh Thị Thu Vân và Cánh Đồng (1) của Nguyễn Đức Tùng. Với Nguyễn Đức Tùng thì “Khi cơn ‘khao khát dục tình’ đã lên cao thì thoả mãn chữ Dâm với người ngoài hành tinh  cũng có thể chấp nhận được”. Còn Đinh Thị Thu Vân thì dù “thèm chim” đến nổi điên, đối tượng của chị vẫn là Con Người trên trái đất.

  

2/ Tứ thơ:

 

Nếu đọc lướt qua sẽ thấy tứ thơ rất đơn giản và “rất hiền” như sau:

 

Tác giả lên tiếng rao bán trái tim mình rồi hé mở cho biết lý do, và sau cùng là giá cả - rất đặc biệt.

 

Nhưng nếu lặn sâu một chút và đọc “giữa hai hàng kẻ” sẽ thấy:

 

Tác giả đột nhiên cảm thấy thèm khát dục tình đến cùng cực, sẵn sàng “tặng không” thân xác mình cho bất cứ ai.

 

3/ Kiếm Tông hay Khí Tông?

 

Đây là bài thơ Khí Tông, tứ thơ nhất khí liền mạch chảy thành dòng từ câu đầu đến câu cuối.

 

5/ Ngôn ngữ thơ: Bình dị, dễ hiểu. Những nhóm chữ “mù khơi hạnh phúc”, “biền biệt tình yêu”, “mỏi mòn trong ảo vọng” đã diễn tả thành công một cách xuất sắc tâm ý của tác giả mà không phải dài dòng biện giải, hai chữ “chông chênh” tượng hình và đặc sắc cả về nghĩa lẫn âm.

 

4/ Số chữ trong câu thay đổi tự do, không bị luật tắc nào bó buộc. Nhịp điệu không đều đều buồn tẻ mà có vẻ uyển chuyển, sinh động.

 

6/ Nội dung lọt vào vùng cấm, không “phải đạo” mà chảy ngược dòng với nếp suy nghĩ và cách hành xử của người đời. Tâm thế của Đinh Thị Thu Vân lúc đó nếu không thuộc loại “get it off your chest” - cho bung ra khỏi ngực (chứ giữ lại thì chịu không nổi) mà chỉ cần một chút lý trí còn sót lại, chị cũng sẽ chùn bước, không dám đi tới bến.

 

7/ Không vờn bóng giữa sân: Các con chữ nối tiếp nhau trôi thẳng xuống điểm đến của tứ thơ.

 

8/ Cảm xúc tầng 1 và tầng 2 mạnh mẽ; cảm xúc tầng 3 thì khỏi nói – cơn “thèm chim” đã lên rất cao nên có thể nói là hồn thơ lai láng.

 

 

9/ Giá mà vần NGỌT hơn ít nữa: Bài thơ Trái Tim Rao Bán tôi không dám chê là vần thiếu ngọt, nhưng dòng âm điệu chảy không được mạnh lắm. Tôi nghĩ  nếu ở 2 đoạn sau có chút “thủ thuật” điệp vận nào đó khiến các con chữ và hình tượng nối kết chặt chẽ hơn nữa thì sẽ giúp tăng vận tốc và cường độ của dòng âm điệu. Dĩ nhiên, sẽ ảnh hưởng đến dòng cảm xúc. Lúc đó tôi sẽ khẳng định - chứ không phải dè dặt “có thể nói” - là hồn thơ lai láng

 

10/ Không kết thúc ở cao trào

 

Phn sau của đoạn kết:

 

Chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!

một chút tình
cho bớt chông chênh...

  

được dùng để vừa giải thích vừa nhấn mạnh “Cơn Dâm của ta đã lên cao chót vót, nhưng ta chỉ muốn thỏa mãn cơn Dâm đó với con người trên trái đất, còn những chủng loại khác hoặc ‘người’ ở hành tinh khác thì xin mời đi chỗ khác chơi.”

 

Tôi thích cái ý này của chị. Theo tôi, nó đậm tính nhân văn hơn ý của Nguyễn Đức Tùng trong bài thơ Cánh Đồng. Nhưng để có được hai chữ “nhân văn” đó bài thơ đã phải có mấy câu giải thích và đã  không thể kết thúc ở cao trào.

 

Điểm đặc biệt nữa của Trái Tim Rao Bán là tứ thơ thì “tục”, bộc lộ những điều mà phụ nữ “kiêng kỵ” nhưng lời thơ lại rất thanh. Chị dùng thủ pháp “Show, Don’t Tell” (Gợi, Không Kể) để bóng gió nói đến cơn “Thèm Chim” của mình.

 

Tôi rất mong chị và những độc giả nghiêm túc thông cảm cho việc đưa hai chữ “Thèm Chim” vào bài bình. Tại tôi quá mê và muốn làm nổi bật tính nhân văn của bài thơ nên đã đánh liều dùng đến hai chữ này. Tôi nghĩ hai chữ “Thèm Chim” ở đây sẽ làm nét đẹp tổng thể của bài thơ rõ ràng hơn, cao hơn, sang trọng hơn.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

 

CHÚ THÍCH: 

 

1/ https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2017/12/canh-ong-mot-bai-tho-la.html

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét