Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

TẢN MẠN VỀ CHUYỆN BÀI ĐƯỢC ĐĂNG BÁO / Vũ Việt Thắng

 



       Hồi mới bập bẹ viết văn thơ, tôi khao khát có bài được đăng báo. Và tất nhiên khi bài được đăng tôi sẽ bắt chước mấy anh chị hội viên trong các CLB; phô tô ra mấy chục bản và đem tới các CLB thơ ca tặng bạn bè. Một điều cũng không thể quên sẽ gửi về quê tặng mấy ông bạn cùng thời cua, ốc... để khoe mẽ?!

       Lòng vòng mấy năm, gửi hết báo này đến báo kia, chả có ma nào đăng. Một lần đi sinh hoạt CLB thơ, bạo gan hỏi thật ông bạn già nghe nói được nhiều bài đăng báo, coi có cách nào để được đăng báo. Ông ta cười:

       - Mãn cuộc sinh hoạt CLB, cậu cứ đãi lon bia tớ chỉ cách cho.

       Tôi thầm nghĩ, gì chứ một vài lon bia mà ông bạn chỉ cách cho mình được đăng báo thì còn gì bằng.

       Ra quán gọi đĩa thịt bò xào hành Tây cùng vài lon bia. Đưa ly bia lên miệng mỉm cười trân trọng tôi mời anh:

       - Mời thày uống với em lon bia và chỉ giáo giúp em có bí quyết nào để gửi bài báo đăng ạ!

       Ông bạn đưa ly lên cụng vào ly của tôi, uống một hơi cạn ly bia. Bỏ ly xuống bàn, mủm mỉm cười ông nháy mắt nhìn tôi:

       - Cậu có thể làm thơ và viết truyện ngắn hay hơn tớ; nhưng cậu còn thơ ngây về thời cuộc lắm.

       Ông đưa đũa gắp miếng thịt bò xào bỏ vào mồm nhai nhồm nhoàm, khi đã nuốt xong, tay ông cầm ly bia tôi đã rót sẵn lên uống một hơi hết nửa ly. Dằn mạnh ly xuống bàn ông lên giọng kẻ cả:

       - Cậu nên nhớ chúng ta đang sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Họ tuyên truyền là tự do báo chí, nào “Nghệ thuật vị nghệ thuật”... Nhưng thực tế những bài báo, bài thơ cho đến truyện ngắn, cậu thử tìm xem hiếm có cái nào vì nghệ thuật. Ngõ ngách nào cũng đảng lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm nếu có bài nói xấu... được in. Thế cho nên tớ cứ canh me gần đến ngày kỷ niệm nào đấy là tớ viết sẵn bài ca ngợi, làm gì báo chả đăng.

Ngừng lại lấy hơi ông ta nháy mắt nhìn vào mặt tôi tiếp:

       - Xã hội này đầy rẫy quan tham, lớp lộ tẩy đi tù đếm chả xuể, lớp chưa lộ tẩy còn đông hơn quân Nguyên. Ai cũng biết như vậy; nhưng cậu cứ viết moi móc họ thì bảo làm sao báo nó đăng cho. Nếu cậu không thích viết tung hô như tớ, thì viết về cảnh đẹp quê hương, tình yêu quê hương, tình yêu trai gái... và gửi thử coi họ có đăng không.

       Từ hôm gặp ông bạn tôi chuyển hướng viết. Đâu gửi cả chục tờ báo mới được một tờ báo đăng. Đó là lần về thăm nơi chôn nhau cắt rốn quê nhãn Hưng Yên; vào dịp tháng ba âm lịch đang mùa nhãn trổ hoa. Thế là cảm hứng viết bài: Mùa hoa nhãn. Nhìn cảnh làng xóm đã đô thị hóa, chả còn thấy bụi tre, khóm trúc... nào như ngày xưa, đường làng đã bê tông hóa hết; cảm xúc viết bài: Hồn quê hóa đá. Gửi cho báo Người Cao Tuổi, họ đăng cả hai bài. Mừng quá điện thoại bảo tiền nhuận bút được bao nhiêu xin quy ra báo, còn gửi tiền mua thêm, gửi về quê biếu tặng bạn bè. Phát huy tinh thần đang hưng phấn tôi viết những bài về người tốt việc tốt, bảo vệ tổ quốc, biển đảo... gửi cho mấy báo đều được đăng. Có báo sống bằng vốn nhà nước thì trả được 100 đến 200 ngàn một bài. Báo có tiếng bán chạy thì trả vài trăm cho một bài thơ, truyện ngắn thì nhiều hơn.

      Một buổi sáng đang ngồi nhâm nhi ly cà phê ở quán cóc vỉa hè; nhận được điện thoại từ một tòa sọan, cô nhân viên gợi ý: “Nếu bác mua giúp tạp chí vài chục cuốn thì báo sẽ đăng cho bác từ vài bài trở lên.” Thế là tôi im lặng và cũng chả dám gửi bài cho báo đó nữa. Thảo nào nghe nói có “nhuận bút ngược” chả sai tý nào.

       Một lần ngồi uống cà phê với một nhà văn có tên tuổi, tôi nói chuyện về bài được đăng báo và dẫn chứng một tay trong làng văn thơ; thơ lão ta cũng chỉ nhàng nhàng vậy mà số báo nào ra cũng có bài của lão. Anh nhà văn vỗ vai tôi:

       - Toàn nhuận bút ngược cả đấy, thậm chí cuối năm lão ta còn phải biếu xén quà cáp linh đình cho mấy tay ở ban biên tập báo đó nữa kìa.

       Còn nhớ một lần tôi gửi cho một tạp chí có tiếng về chuyên ngành văn chương hai bài thơ. Bài thứ nhất: Bức tranh trên xe buýt, nói về người thương binh cụt một chân được lắp chân giả bằng gỗ; đã nhường chỗ cho một người đàn bà chửa sắp tới ngày sinh trên xe buýt. Bài thứ hai tả cảnh chiều tà miền trung du, tựa: Chiều trung du. Bài thứ hai xét về tứ thơ và từ ngữ đều nổi trội hơn bài thứ nhất nhiều. Nhưng tạp chí đó chỉ đăng bài thứ nhất: Bức tranh trên xe buýt.

       Từ đó tôi thấy chán nản về chuyện đăng báo, họ chỉ xét chỉ tiêu “Nghệ thuật vị nhân sinh” theo “định hướng” của họ. Vì thời nay đã có mạng INTERNET, mỗi người đều có quyền lập FACE BOOK và nó cũng như một tờ báo riêng của mỗi cá nhân. Thích thì viết, thích thì kết bạn tự do để giải bày tâm sự về thời cuộc, vui buồn chuyện cá nhân... với nhau. Viết bài dù hay dù dở là cho lên “Tờ báo nhà” chả cần tiêu chí định hướng nào cả. Mỗi bài cũng có cả trăm người đọc và viết lời bình, cần chi cứ phải đăng báo?!

       Đầu năm 2021 hội nhà văn Sài Gòn ra thông báo: “Vì dịch COVID nên không tổ chức nguyên tiêu, đề nghị các hội viên trong và ngoài thành phố gửi bài để hội chọn ra bài thơ hay”. Tôi gửi bài: Chiều trung du, được hội nhà văn chọn là một trong 10 bài thơ nguyên tiêu hay năm 2021. Đấy bài thơ báo chê không đăng mà trúng giải? Chuyện thật như đùa!

       Đọc tới đây chắc quý vị cũng đã hiểu được phần nào những bài được đăng báo. Mở ngoặc thêm về vấn đề thơ văn, đầu năm 2021 HNV Việt Nam và báo văn nghệ công bố bài được giải nhì: Mẹ tôi chửi kẻ trộm. Thì hỡi ơi! Thiên hạ từ người trong nghề đến người ngoài nghề phần nhiều là ném đá không thương tiếc ban giám khảo.

       Đấy, ngay cả những bài trúng giải của một tạp chí lớn chuyên ngành của hội nhà văn còn chả ra cái trò trống gì, nói chi tới bài được đăng báo?!

       VŨ VIỆT THẮNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét