Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

KHÍ CỤ BÌNH AN TRONG BÀI THƠ “LỜI KHUYÊN KỲ DỊ” CỦA CHÂU THẠCH / Lê Liên

 


 

     LỜI KHUYÊN KỲ DỊ 

 

Hãy trang bị cho mình chiếc gậy 

Như thêm chân để đi giữa cuộc đời 

Và chiếc túi như chiếc hồ lô nhỏ 

Bạn lên đường làm hành khất rong chơi. 

 

Bạn bước xuống đi con đường nhân ái 

Nẽo yêu thương gót rãi những nhân lành 

Đến từng nhà xin chớ gỏ tay nhanh 

Cứ từ tốn như ngày xưa Chúa gỏ. 

 

Ai tiếp bạn và ai lòng mở ngõ 

Bạn nhân danh công lý tạ ơn Người 

Ai quay lưng chế nhạo, bạn tươi cười 

Phủi hết bụi, đi xa vùng ô trọc, 

 

Bạn sẽ thấy tay mình ngăn tiếng khóc 

Nếu đi xin vì trái đất nhân danh 

Băng vết hằn đang rũa cả màu xanh 

Lấy tình nghĩa trồng hoa vườn khổ nạn. 

 

Cả nhân lọai nếu ai đồng như bạn 

Nhanh bàn tay với gậy, túi yêu thương 

Thì thế gian nay đã biến thiên đường 

Và đau khổ đâu còn trên mặt đất, 

 

Xin hết thảy đăng quang làm hành khất./         

 

                        Châu Thạch 

 



LỜI BÌNH CỦA LÊ LIÊN 

 

       Dạ thưa, 

       Có một điều kỳ lạ chạm đến trái tim mình khi tôi đọc câu cuối của bài thơ: 

“Xin hết thảy đăng quang làm hành khất.”/. 

       Và tôi hiểu vì sao lại có tựa bài thơ là LỜI KHUYÊN KỲ DỊ của nhà bình thơ CHÂU THẠCH. 

       Bản thân tôi rất say mê, rất yêu quý “KINH THÁNH”. 

       Đặc biệt khi đọc bài thơ “Lời Khuyên Kỳ Dị” của nhà thơ Châu Thạch, tôi liên tưởng đến đoạn Kinh Thánh trong sách MÁC. (Chương 6: từ câu 7 đến câu 13.) 

       Tôi thầm cảm ơn huynh ấy, đã chuyển hóa đoạn Kinh Thánh trên thành một bài thơ rất ngộ nghĩnh, mang tính tự sự cá nhân, rồi nhẹ nhàng đi vào lòng người như một lời mời gọi… rất ư là kỳ dị! 

       "Hãy trang bị cho mình chiếc gậy 

Như thêm chân để đi giữa cuộc đời 

Và chiếc túi như chiếc hồ lô nhỏ 

Bạn lên đường làm hành khất rong chơi." 

                                     (thơ Châu Thạch) 

        Khi còn nhỏ, tôi rất yêu những cây gậy trong những câu chuyện thần thoại. 

        Bởi vì, khi cây gậy còn được gọi là đủa thần của cô tiên, của ông bụt huơ lên không trung là lập tức phép màu biến hóa, đáp ứng cho người ta những ước nguyện tốt lành. 

       Ôi! Sung sướng làm sao! 

       Trong tuổi thơ của trẻ con nước Việt, ai cũng biết truyền thuyết chống giặc ngoại xâm của nước ta có cây gậy của Thánh Gióng… rất thần kỳ. 

        Nhớ lại, thuở ấy tôi hay lén Ba tôi đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Tôi rất thích cây “Đả Cẩu Bổng” đầy uy lực và những “cái túi” phân cấp bậc của các đệ tử cái bang đầy nghĩa khí. 

         Lớn lên một chút, hình ảnh cây ba-ton trong phim ảnh của các nhà quý tộc cho tôi cảm giác yêu, ghét khác nhau tùy theo bối cảnh. 

        Mấy ai quên những cây gậy, một đạo cụ trong nhiều bộ phim mà điển hình là cây gậy của vua hề Charlie Chaplin nhỉ? 

        Rồi trong mỗi chúng ta, có mấy ai không thích cây thiết bản nhỏ bé của Tôn Ngộ Không? Mỗi khi vung lên, to lớn là uy lực của lẽ phải, chiến đấu cho điều thiện, tiêu trừ tất cả điều ác. 

        Nếu nói về những cây gậy trong văn học thì nhiều vô kể… ta tản mạn một chút cho vui. 

        Trở về thực tại, chúng ta còn bắt gặp những cây Thiền Trượng của những vị chân tu. Đó chính là Pháp Cụ rất vi diệu của các ngài trên con đường hành đạo dẫn dắt con người đi vào vùng sáng tâm linh.  

        Nổi bật trong Kinh Thánh có cây gậy của ông Moise trên Con Đường dẫn dắt dân Chúa. 

        Nhưng gần gũi nhất vẫn là những cây gậy của các cụ ông, cụ bà mà ta thường nhìn thấy trong đời sống hàng ngày. Nó như là chân đế vững chắc, nâng đỡ cho những bước chân đã oành gánh nợ đời của các cụ già. 

       Nhà thơ Châu Thạch đã lấy hình ảnh mộc mạc, thân thiết trong đời sống, bảo chúng ta trang bị cho mình: Cây Gậy và Chiếc Hô lô. 

       Hô lô chính là biểu tượng của sự Ngọt Ngào, An Lành, và Sức Khỏe được trao ban, được cho đi bất tận. 

       Hình ảnh của chiếc hô lô làm tôi nhớ đến dòng Cam Lồ của Phật Bà Quan Âm khi tôi còn nhỏ; của nồi cơm Thạch Sanh không bao giờ cạn hết. 

       Làm hành khất là sống bằng của bố thí! Có ai làm hành khất mà lại thong dong không nhỉ? Đã vậy, nhà thơ lại còn bảo “làm hành khất rong chơi” nghe nó là lạ, nghịch lý làm sao sao ấy?!?… 

       Làm hành khất trang bị cho mình “chiếc Gậy” còn có lý, nhưng làm sao có túi Hồ Lô đây? Và trong túi hồ lô đó chứa đựng những gì, nhỉ? 

       Xem chừng đoạn thơ mở đầu này có điều kỳ bí, bất thường chăng? 

       Không đâu, chỉ là nhà thơ nhắc nhỡ cho chúng ta hiểu rằng: hãy sẵn sàng lên đường, rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bởi, giữa đời sống đầy nhiễu nhương này, con người cần được dẫn dắt đi trên con đường ngay lành, đầy tình yêu thương. 

        Vị hành khất này không xin của cải vật chất tầm thường của thế gian, mà vị hành khất này đang trên con đường hành hương, đến từng nhà, xin từng Người: 

- hãy cho tôi sự tăm tối trong cuộc đời bạn. Và từ trong chiếc túi hồ lô này, tôi có Nguồn - Phước - Hạnh (từ Đấng Ban Cho) trao tặng bạn. 

       "Bạn bước xuống đi con đường nhân ái 

       Nẽo yêu thương gót rãi những nhân lành 

       Đến từng nhà xin chớ gõ tay nhanh 

       Cứ từ tốn như ngày xưa Chúa gõ." 

                                      (thơ Châu Thạch) 

       “Nẽo yêu thương gót rãi những nhân lành” 

       Đường trần muôn lối đi, một khi ta chọn “con đường nhân ái”, thì đường đi ấy đã được định hướng bởi “nẽo yêu thương” rồi. 

       Không dễ gì khi mỗi bước ta đi đều gieo nhân tốt, để được gặt quả lành! 

       Chúa mời gọi chúng ta hãy nhẫn nại khi làm nhân chứng tình yêu của Ngài bằng lòng bác ái, sự khiêm nhu khi gõ cửa trái tim của mỗi con người. 

       Đọc đoạn thơ trên tôi nhớ đến câu: 

"Hãy Xin thì sẽ được 

Hãy Tìm thì sẽ gặp 

Hãy Gõ cửa sẽ mở cho.” 

(Mt 7: 7-8) 

       Hãy Xin, Hãy Tìm, Hãy Gõ: đây là chuỗi trợ động từ làm sáng thêm câu thơ: 

"Đến từng nhà xin chớ gõ tay nhanh 

Cứ từ tốn như ngày xưa Chúa gõ." 

               (thơ Châu Thạch) 

       Đây là hình ảnh đẹp, với tâm thái khoan thai, khiêm nhu, hoan lạc vô cùng. 

"Ai tiếp bạn và ai lòng mở ngõ 

Bạn nhân danh công lý tạ ơn Người 

Ai quay lưng chế nhạo, bạn tươi cười 

Phủi hết bụi, đi xa vùng ô trọc," 

               (thơ Châu Thạch) 

       Thật ngộ khi chúng ta làm hành khất nhưng lại “không nhận” mà chỉ có “cho đi”. 

       Brian Tracy tâm niệm : 

“Hãy luôn CHO mà không ghi nhớ 

Hãy luôn NHẬN mà không lãng quên” 

       Khi người ta mở cửa lòng để đón nhận chân lý; thì mình hân hoan cảm ơn người, lại nhân danh công lý mà tạ ơn Chúa. Cảm Ơn Ân nhân. 

       Khi người ta chưa có niềm tin, từ chối hảo ý của mình, thậm chí chế nhạo thì cũng lấy lòng khoan dung mà đối đãi. Thật không dễ dàng gì! 

“Bạn sẽ thấy tay mình ngăn tiếng khóc 

Nếu đi xin vì trái đất nhân danh 

Băng vết hằn đang rũa cả màu xanh 

Lấy tình nghĩa trồng hoa vườn khổ nạn.” 

                    (thơ Châu Thạch) 

       Làm Hành khất vì miếng cơm manh áo đời thường đã khó. Bởi không dễ gì ta nhận được của bố thí từ lòng nhân hậu thật sự. 

       Làm hành khất mà chỉ TRAO GỞI TÌNH YÊU THƯƠNG môt cách “Nhưng Không” càng khó hơn. 

       Chữa lành một tổn thương 

Cứu vớt một linh hồn, 

Thay đổi môt tập tính, 

Xóa bỏ một hủ tục... quả là một sứ mạng lớn. Rất cao cả và thiêng liêng. 

       Khi lòng ta tràn ngập Tình Yêu và Hy Vọng thì sẽ thắng vượt mọi thử thách, khổ nạn. 

       Cả Nhân Loại này ai cũng được thúc đẫy bởi Tình Yêu tha nhân thì hành trang gọn nhẹ chỉ là Cây Gậy đầy quyền năng ánh sáng và Chân lý. Cùng với chiếc túi yêu thương vô vụ lợi, chắc hẳn Trái Đất xinh tươi, tốt lành trở thành Thiên Đường. 

       "Cả nhân lọai nếu ai đồng như bạn 

Nhanh bàn tay với gậy, túi yêu thương 

Thì thế gian nay đã biến thiên đường 

Và đau khổ đâu còn trên mặt đất," 

              (thơ Châu Thạch) 

       "Xin hết thảy đăng quang làm hành khất!" 

                                            (thơ Châu Thạch) 

        Cho nên Nhà thơ Châu Thạch chẳng ngần ngại khi mời gọi mọi Người hãy làm một việc lạ kỳ mà xưa nay chưa từng được công nhận: LÀM HÀNH KHẤT mà lại “tự mình” ĐĂNG QUANG. 

       Một bài thơ đầy Tánh Linh, Tôi cảm nhận sâu sắc, nhưng không đủ ngôn từ mầu nhiệm để diễn tả. 

       Tôi chỉ viết nửa vời, và lòng thì nôn nao muốn là tình nguyện viên, làm sứ giả ra đi loan báo Tin Mừng. 

       Chỉ bảy câu trong Kinh Thánh thôi, mà tác giả Châu Thạch đã viết thành một bài “Hịch”, đã hiệu triệu được nhiều Người làm theo “LỜI KHUYÊN KỲ DỊ” của huynh ấy. Thật đáng ngưỡng mộ. 

       Cảm ơn nhà bình thơ Châu Thạch rất nhiều, bởi bài thơ “Lời khuyên kỳ dị” của huynh quá sâu nhiệm và rất Nhân Văn. Nó cho ta tràn đầy năng lượng yêu thương trong cuộc sống này. 

Alleluia ! 

                                              Lê Liên 

                                  Sài Gòn, Mùa Vọng 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét