Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Sách mới: LỜI DÂNG : Thơ / Trần Đắc Trung - TRỞ VỀ: Tập ký / Phạm Hồng Loan

 

LỜI DÂNG : Thơ / Trần Đắc Trung



       Cảm ơn nhà thơ Trần Đắc Trung, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định gửi tặng tác phẩm quý:

       LỜI DÂNG : Thơ / Trần Đắc Trung. – H.: Hội Nhà văn, 2020. – 76 tr.: 3 ảnh màu ; 21 cm.

       Tập thơ 36 bài, gọn gàng, nhẹ nhàng mà sâu lắng tâm tình, để lại ấn tượng tốt trong lòng tôi. Cảm xúc chủ đạo tập thơ là tình yêu quê hương đất nước, con người. Tập thơ tập trung thể hiện cảm xúc, tình cảm, góc nhìn nhân văn trước các địa danh, nhân vật, di tích, người thân… của đất nước mà tập trung là Nam Định quê hương tác giả.


       Trần Đắc Trung được bạn đọc nhớ tới là nhà thơ sở trường viết cho thiếu nhi, có một số bài được tuyển vào sách giáo khoa phổ thông. Một số tác phẩm ghi dấu tên tuổi Trần Đắc Trung là “Trăng và cánh đồng” (In chung, 1982), “Vàng anh đi hội” (1993), “Đám mây đi chợ” (2001). Trong tập “Lời dâng” anh có hai bài viết cho thiếu nhi như là một bè trong bản hợp xướng yêu quê hương đất nước con người…

       Tôi quen biết và yêu quý kính trọng nhà thơ Trần Đắc Trung từ những năm chín mươi thế kỷ trước, nhất là từ ngày anh làm Trưởng phòng Văn hóa huyện Nghĩa Hưng. Sau anh được mời về làm Chánh văn phòng Hội VHNT tỉnh, lần hồi lên Phó rồi Chủ tịch Hội VHNT Nam Định. Hình ảnh Trần Đắc Trung đậm nét trong tôi là một người hiền lành, luôn hòa nhã quý mến bạn bè, kiên trì khiêm tốn học tập. Anh tự học chữ Hán – Nôm, hiện có kiến thức rất khá trong lĩnh vực dịch thuật. Một thời anh hàng ngày đạp xe từ bên nam cầu Đò Quan sang bắc cầu vào cơ quan văn phòng Hội VHNT ở trung tâm thành phố làm việc. Tôi đã ngẫu hứng viết về anh (dù tôi rất dốt làm thơ) như sau:

              Hỏi “Trăng và cánh đồng” làng

       “Đám mây đi chợ” có sang bên này?

              “Vàng anh đi hội” cầu may

       Chiều về hoa nắng rắc đầy đường quan.

       Lần trước anh tự nguyện rút tác phẩm của mình khỏi Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh, dành giải cho đồng nghiệp. Anh cũng xin rút khỏi danh sách đề cử vào ban lãnh đạo hội mới trong khi rất đông hội viên tín nhiệm anh. Cách ứng xử của anh làm tôi càng quý trọng anh.

       Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh lần này, tập “Lời dâng” của anh đoạt Giải C. Vì tránh dịch covid nên không thể trực tiếp mừng anh. Thầm trong lòng, tôi vẫn muốn cùng anh “Nghiêng chén vào thân phận / Ta rót mừng cho ta.” Phải công nhận thơ anh… mà thôi, sợ tôi yêu quý anh mà đánh giá không khách quan. Xin chọn bằng cách mở sách ngẫu nhiên chép mấy bài trong tập để bạn đọc thưởng lãm và bình tán…

 

VÓ BÈ

 

Bốn mùa

Kẽo kẹt

Kéo

       Đồng chiêm

                       Lên

 

Bè giăng

Vó thở

Khê nồng

Giấc đêm

 

Com tôm

Chạng vạng

Đàn cá

Rạng đông

Tăm tăm

Lộc nước

Cọ mình

Đáy sông

 

Làng chiêm

Cua ốc

Hát lời

Rêu rong

Nghe tay

Có mắt

Nhìn trăng

Có dòng

 

Đánh đu

Mưa nắng

Mà đơm

Phập phồng

Mòn đêm

Bóng nước

Đổ vào

Chợ đông.

 

HÀNG NÂU

 

Gạt bụi số nhà

Kìa mưa sông Lấp

The lụa về đâu

 

Vạt áo đa tình

Trăm năm chưa khô

Ai người phương xa

Tam Đảo Ngũ Hồ?

 

Gác lạnh đêm khua

Cười trông đời tục

Câu chữ Thánh hiền

Bẽ bàng nghiên bút

 

Sương khói Hàng Nâu

Còn nghe thổn thức

Giọt buồn thi nhân

Còn nghe tiếng cười

Vỡ trăm mảnh sắc.

 

Nhặt trên dòng Lấp

Chuỗi cườm long lanh.

…………….

Hàng Nâu nay là phố Minh Khai tp. Nam Định, có khu lưu niệm nhà thơ Trần Tế Xương (1870 – 1907)

 

HỒ GƯƠM

 

Một chén bỏ bùa nhân thế

Nghìn xuân men ngọc không vơi

Tháp Bút chép câu kinh sử

Tay hoa thơm nét văn tài

 

Trăng vẫn mài xanh nước thép

Gươm báu vua treo đáy hồ

Lục Thủy bóng rồng ẩn hiện

Mây về so tuổi thiên đô.

 

LỜI DÂNG

 

Ngày mai con rước cha sang nhà mới

Ngày mai được tắm cho cha lần cuối

Đêm chờ dọn lại ba năm

Gió bụi đường cha bấy nhiêu năm.

 

Bữa ấy hớt hải chạy về không kịp

Bến khuya mưa ướt tiếng gọi đò

Cha biết mệnh cha không cho biết

Dưới gối tay run nét dặn dò.

 

Núi ngỡ trên đầu đá lở

Bàn chân đất sụt hố sâu

Bao lời cha dạy chưa kịp nhớ

Mai ngày con biết hỏi đâu.

 

Hỏi đâu gió Lào, Cửa Rào, Mường Xén

Đuốc dân công bỏng rát vai thồ…

Lãi được bầy con ngày hết giặc

Về quê bầu bạn với chiêm mùa.

 

Nghiêng nghiêng lòng chén đạm bạc

Hương đồng dại trúc trăng soi

Cha ngồi sách mở làm sông làm núi

Tựa bóng con đi rộng mái trời.

 

Thăm thẳm chiều xa ngoái vọng

Đầm đìa bóng lệch hai vai

Xót lần vụng nhỡ câu cạn nghĩ

Tủi bàn tay vắng chén dâng mời.

 

Giờ đã trên đầu hai thứ tóc

Nóc trời ngọn gió mồ côi

Đâu như tiếng chân khỏa nước

Cha về nhà mới thảnh thơi.

 

MỪNG SÁCH

 

Liềm hái gác sau nhà

Rạ rơm vào trang viết

Bao đêm lặng khóc cười

Thức một vuông cửa hẹp

 

Thưng nỗi buồn thành liếp

Giường chật cơm riêng nồi

Khoe còn chum bản thảo

Gió bồng cao ghế ngồi…

 

Không đến e tủi chữ

Đến chạnh niềm cho hoa

Nghiêng chén vào thân phận

Ta rót mừng cho ta.

 

TRẦN ĐẮC TRUNG


.....................


TRỞ VỀ : Tập ký / Phạm Hồng Loan

 


       Đã nghe bạn đọc bạn văn khen tập ký của nhà văn Phạm Hồng Loan, nhưng mãi hôm họp tổng kết bộ môn mới được tác giả tặng sách. Cảm ơn nhà văn Phạm Hồng Loan tặng sách quý:

       TRỞ VỀ : Tập ký / Phạm Hồng Loan. – H.: Thanh niên, 2020. – 224 tr. ; 21 cm.

       Tập ký của Phạm Hồng Loan tuyển 29 bài trong đó một số bài tôi đã được đọc trên mạng. Ký của Phạm Hồng Loan xen kẽ hiện thực và hồi ức với sự tinh tế nhạy cảm và tấm lòng, tình cảm chân thực tái hiện những nhân vật và sự kiện lịch sử, truyền cảm xúc cho người đọc…

       Đọc tập ký của Nhà giáo, Nhà văn Phạm Hồng Loan, tự nhiên tôi lại nghĩ: Giải thưởng này nọ rồi cũng vào dĩ vãng. Tác phẩm sống được lâu dài trong lòng bạn đọc mới thực sự giá trị. Đó là phần thưởng quý hơn tất cả các loại giải thưởng… Ký của Phạm Hồng Loan để lại ấn tượng khó quên.

       Đầu sách có bài “Trở về – lắng nghe từng tiếng vọng thiêng” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nhượng, người vừa được nhận Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh loại A. Bài viết cảm xúc và chi tiết. Thiết nghĩ tôi không cần phải nói thêm gì về “Trở về”, mời các bạn tìm đọc tác phẩm.






 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét