Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

NIỀM TIN GỬI TRỌN NƠI BIỂN ĐẢO TRƯỜNG SA : Bút ký Nguyễn Công Thành

 

Chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 – 12

NIỀM  TIN  GỬI  TRỌN  NƠI  BIỂN  ĐẢO  TRƯỜNG  SA

             Bút ký

  Nguyễn Công Thành

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Công Thành

       Tiếng còi tàu tu! tu! vang lên thả vào không gian mênh mông xanh ngắt giữa bời bời trùng dương sóng vỗ, trong chiều tháng năm rực nắng. Tín hiệu quen thuộc từ các điện thoại di động đã vào vùng được phủ sóng đồng loạt tít! tít! Tàu sắp tới đảo. Sau tiếng sột soạt là giọng nói rành rọt trầm ấm của một nam thủy thủ trên khoang lái nhắc vào loa truyền thanh nội bộ ở các phòng trong các khoang tàu, để cán bộ thủy thủ của tàu và đoàn công tác biết tàu đang hướng tới đảo Song Tử Tây, chuẩn bị cập bến. Mọi người ồ lên vui sướng, các cửa sổ tàu được mở hết cỡ, ai nấy ùa ra hai mạn tàu, người ở khoang tầng trệt thì mau lẹ lên các boong và sân thượng tàu.

       Tất cả đều hướng về đảo xa, lúc đầu chỉ là một chấm đen to mờ phía xa, để cảm nhận giây phút thiêng liêng lần đầu tiên được trực tiếp nhìn thấy đảo Song Tử Tây, hòn đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc, mà bấy lâu nay chỉ được biết qua tài liệu và phim ảnh. Chúng tôi hơn hai trăm đại biểu trong Đoàn công tác số 10 đi Trường Sa lần này hầu hết là đi lần đầu. Mọi người líu tíu chuẩn bị điện thoại, máy quay phim, máy chụp ảnh, chọn vị trí tốt nhất để ghi lại hình ảnh toàn cảnh đảo trong ánh chiều rực rỡ. Hình như chương trình phát tin trên tàu đã được cài đặt sẵn. Khi đảo Song Tử Tây hiện dần lên như một chiến hạm màu xanh thẫm neo đậu lênh đênh nơi biển xa, cũng là lúc hệ thống loa trên tàu vang lên điệp khúc trầm hùng: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ biên cương. Biển này là của ta, đảo này là của ta.  Trường Sa! Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ, ta vẫn vượt qua....” Khi bài hát vừa kết lại “để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc Việt Nam”, trước mắt chúng tôi đảo Song Tử Tây đã là một khối màu xanh ngọc như truyện cổ tích, đang rạng ngời sức sống trong cái nắng chói chang chiều hè. Chỉ trong khoảnh khắc, sau hồi còi kéo dài, tàu đã tới đảo. Hình ảnh đầu tiên hiện lên ngạo nghễ là lá cờ đỏ sao vàng mềm mại tung bay trên tháp hải đăng - ngọn hải đăng cao nhất ở quần đảo Trường Sa, tiếp đến là hàng cột điện màu trắng mang pin điện tử hấp thụ năng lượng mặt trời dọc quanh đảo, những hàng cây xanh tươi bao bọc lấy đảo và hình ảnh người thủy thủ ở vị trí hoa tiêu đang dùng tín hiệu bằng cờ để hướng dẫn tàu cập đúng bến đỗ. Ai cũng trầm trồ bình luận về một đảo xanh ngoài sự tưởng tượng trước khi đi thăm đảo, rồi tranh thủ ghi lại những hình ảnh mới mẻ trong đời trước lúc lên đảo.Tiếng loa trên tàu nhắc lại những qui định hành trình làm việc và thời gian ở đảo. Tàu dừng thả neo cách đảo vài trăm mét, những chiếc xuồng máy đã kịp thời xếp hàng cạnh tàu để chở người và hàng vào bến cảng trong âu tàu của đảo. Lúc ấy là mười sáu giờ chiều.

       Con tàu chở Đoàn công tác số 10 đi Trường Sa mang tên TRƯỜNG SA số hiệu HQ-571 thuộc biên chế Hải đội 411 Vùng 4 Hải quân nhân dân Việt Nam. Được biết tàu Trường Sa HQ-571 là loại tàu biển chở khách hiện đại và lớn nhất lúc ấy của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Đoàn công tác số 10 đi Trường Sa gồm 205 đại biểu của bảy đơn vị: Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Quảng Ninh và các đồng chí phóng viên báo đài Trung ương và địa phương. Ngoài nhiệm vụ chung của Đoàn công tác Trường Sa số 10, được sự cho phép của Bộ Quốc phòng, sự thống nhất giữa Quân chủng Hải quân và Lãnh đạo tỉnh, đoàn đại biểu tỉnh Nam Định còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng, đại diện Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh tổ chức Lễ khánh thành Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn do Đảng bộ, quân và dân tỉnh Nam Định đầu tư xây dựng kính tặng Trường Sa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

       Những chiếc xuồng máy đưa chúng tôi cập bến đậu trong âu tàu đảo Song Tử Tây. Đã thấy cán bộ chiến sĩ và nhân dân đảo đứng thành hai hàng chờ đón với gương mặt tươi vui. Vốn là dân quê biển cũng có khu tránh trú bão cho ngư dân, tôi thoáng sững sờ vì trước mắt tôi giữa mênh mông đại dương lại có một âu tàu rộng và vững chắc, có đến vài chục thuyền đánh cá đang neo đậu rất bình yên. Một thiếu tá hải quân nước da sạm đen nhưng rắn rỏi vạm vỡ bước tới nở nụ cười rất trẻ và giọng nói nghe quen: “Chào anh! Anh là đại biểu của tỉnh nào ạ!”. “Chào chú, mình đoàn Nam Định”. “Ơ anh! Em cũng quê Nam Định, em là Đỗ Văn Kha, gia đình em ở thị trấn Thịnh Long huyện Hải Hậu; anh Vũ Văn Cường, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch xã đảo Song Tử Tây cũng quê Nam Định, anh ấy người Trực Ninh, còn có mấy anh em Nam Định nữa”. “Thế thì vui quá, mình quê Giao Thủy”. Chúng tôi nắm chặt tay nhau. Như hiểu sự quan tâm của tôi, người sĩ quan trẻ mau mắn giới thiệu như một hướng dẫn viên: “Âu tàu của đảo có sức chứa tám chục đến một trăm tàu cá vào tránh khi sóng to bão lớn. Ở đây gọi là làng chài của đảo. Âu tàu này có thể bảo đảm cùng lúc cho khoảng gần bốn trăm ngư dân khai thác hải sản trên ngư trường đến đây tránh trú ăn nghỉ. Đảo còn được cấp trên cho lập trạm bảo dưỡng kỹ thuật có khả năng bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân. Các công trình dân sự cũng như quân sự đều rất chắc chắn, chốc nữa các anh sẽ đi thăm. Em mới ra đây hơn một năm”. Tôi không thể ngờ người gặp đầu tiên khi bước chân lên đảo lại là một sĩ quan hải quân trẻ đồng hương, mới ra đảo nhận nhiệm vụ cùng đồng đội vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc lại tâm huyết và tường tận nơi mình đang sống đến vậy. Lúc này, các xuồng máy  tiếp tục cập bến, đoàn Nam Định cũng tập hợp đủ người. Các đồng chí cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân, đang giúp tỉnh Nam Định chuyển các hộp dụng cụ, vật dụng chuẩn bị Lễ khánh thành Tượng đài. Tình cảm nồng nhiệt của cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo và bóng mát của những hàng cây đặc trưng của đảo xa cây bão táp, cây phong ba, cây bàng vuông..., nghiêng ngả đan xen xanh um mát lành, làm dịu đi sự mệt mỏi của hơn hai trăm con người trong đó gần một nửa là nữ sau hai ngày hai đêm vượt đại dương từ đất liền ra đảo. Sau ít phút tất cả tập trung về sân trung tâm có cột mốc lớn đảo Song Tử Tây, để thực hiện nghi thức Chào cờ mỗi khi có các đoàn tới thăm. Từ đây, chúng tôi đã nhìn thấy tượng đài Đức Thánh Trần sừng sững hướng về phía biển, cách sân trung tâm đảo khoảng vài trăm mét.

       Ngay sau Lễ chào cờ của cán bộ chiến sĩ và Đoàn công tác số 10, chúng  tôi dự buổi gặp và làm việc với lãnh đạo, quân dân xã đảo, trao tặng các phần quà quà của Đảng bộ, quân và dân các tỉnh tới cán bộ chiến sĩ, bà con nhân dân trên đảo. Sau đó là chương trình đi thăm khu làm việc ăn ở sinh hoạt của quân và dân xã đảo, thăm nhà văn hóa kiêm trường học có thầy cô giáo, các cháu mầm non  và trường tiểu học ghép từ lớp 1 đến lớp 5. Tuy chỉ mươi học sinh, nhưng tiện nghi học tập đầy đủ, đảm bảo khi chuyển về học trong đất liền sẽ hòa nhập tốt. Bệnh xá xã đảo cũng được xây dựng kiên cố   có 1 phòng mổ, 4 phòng bệnh và 8 phòng chức năng: Phòng cấp cứu, X-quang, siêu âm, điện tim, xét nghiệm máu, phòng nội soi tai mũi họng, phòng điều trị bệnh lý giảm áp... Theo báo cáo của thượng tá Vũ Văn Cường, Trưởng đảo kiêm Chủ tịch xã đảo (sau này là đại tá chuyển về công tác tại cơ quan Quân chủng Hải quân): “Đảo Song  Tử  Tây   thuộc   quần   đảo Trường Sa có diện tích tự nhiên là 12 hec ta, là đảo lớn thứ sáu trong số hơn 100 các đảo tại quần đảo Trường Sa và là đảo lớn thứ hai do Việt Nam quản lý, sau đảo Trường Sa lớn (đảo trung tâm huyện đảo Trường Sa), trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Song Tử Tây là một trong những đảo đầu tiên được Hải quân nhân dân Việt Nam lựa chọn để giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Cuộc hồi sinh và phát triển bắt đầu từ sau giải phóng. Cùng với các đảo của Trường Sa, cuộc sống và an ninh của đảo được bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ vừa tuần tra sẵn sàng chiến đấu, vừa sản xuất và bảo vệ ngư dân đến khai thác trong ngư trường. Nhiều công trình đã được xây dựng chất lượng và hiệu quả sử dụng cao như cột hải đăng, hệ thống kè, hầm hào ngầm, đường giao thông, trạm quan trắc khí tượng thủy văn... Công tác chỉ huy điều hành áp dụng công nghệ thông tin với sóng Viettel. Ngoài âu tầu, đảo còn có dịch vụ cung cấp dầu diezen và nước ngọt với giá như trong đất liền. Đặc biệt là hệ thống cây xanh, Song Tử Tây  đã có gần chục giống cây chung sống luôn xanh tốt, trở thành tài sản vô giá của đảo. Bù lại cho những thiệt thòi về vị trí địa lý với rất nhiều thử thách nghiệt ngã trước những trận bão tố cuồng phong thường xảy ra, thiên nhiên đã ban tặng cho Song Tử Tây một khu vực đất rộng, môi trường thuận lợi các loại hải sản sinh sống, nguồn nước lợ dồi dào... Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, tại Đại hội thi đua Toàn quốc ngày 11 tháng 6 năm 1999 Đảng - Nhà nước đã phong tặng tập thể cán bộ chiến sĩ và nhân dân đảo Song Tử Tây danh hiệu cao quí “Anh hùng thời kỳ đổi mới”. Gần đây Song Tử Tây đã có ngôi Chùa Song Tử Tây khang trang thanh bình để phục vụ các sinh hoạt văn hóa tâm linh của quân dân trên đảo và những ngư dân khai thác ngư trường vào đảo. Dịp này quân dân đảo thật tự hào, công trình tượng đài Đức Thánh Trần của tỉnh Nam Định tặng Trường Sa chính thức được khánh thành.

       Sau cuộc gặp gỡ thân mật với các cán bộ chiến sĩ người con quê hương trên đảo Song Tử Tây, đoàn Nam Định triển khai ngay công tác chuẩn bị ở khu vực tượng đài để đêm nay kịp thực hiện Lễ an vị Tượng, sáng mai tổ chức Lễ khánh thành. Trưởng đoàn Nam Định là đồng chí Đoàn Hồng Phong, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định (đồng chí đã lần lượt giữ các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, hiện nay đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng - Tổng Thanh tra Chính phủ) đã chỉ đạo để tất cả thành viên đoàn cùng làm việc, xong trước 19 giờ, đảm bảo trang trọng thành kính và an toàn. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và cán bộ chiến sĩ đồng hương trên đảo, công việc chuẩn bị nhanh chóng được triển khai. Các nhà sư của Hội Phật giáo tỉnh Nam Định đều là những vị thành thạo kinh sách nghi lễ, chuẩn bị lễ vật và các dụng cụ phục vụ thực hành nghi lễ. Lúc ấy khoảng 17 giờ chiều, nắng chói chang hơn và gió cũng mạnh lên. Tình huống bất ngờ, tấm vải lụa đỏ rộng 45 mét vuông đã được chuẩn bị sẵn từ Nam Định để thực hiện nghi thức phủ kín thân tượng đài trong Lễ an  vị Tượng, sau khi đã được đưa lên đỉnh tượng, chưa kịp buộc giữ thì gió lớn thổi bay tất cả xuống sân. Đồng chí thiếu tướng bức xúc lo lắng vì công việc làm lại nhưng gió lớn quá rất khó khăn. Tôi thấy vị Đại đức trong Hội Phật giáo tỉnh đang chuẩn bị đèn nhang gần đó, đến trước Tượng đài thắp mấy nén hương dâng lên nhang án, rồi trang nghiêm thành kính lầm rầm bái lạy. Đại đức quay lại từ tốn: “Xin tất cả bình tĩnh ạ! Biết đâu đây là thử thách trước khi Ngài dẫn nhập tượng”. Ngay sau đó thượng tá Trương Ngọc Hưng (sau là đại tá công tác ở Cục Hậu cần Quân chủng Hải quân, đồng hương Nam Định) đề xuất mượn dây dù dự trữ của tàu HQ - 571 buộc vào hai đầu góc tấm lụa, đưa dây dù lên trước rồi kéo dần lên, không cầm trực tiếp tấm vải nữa. Vị Đại đức vừa dâng hương ban nãy đã tự nguyện cầm hai sợi dây dù trèo lên giàn giáo để đặt lên vai tượng rồi thả dây xuống. Hai chiến sĩ Hải quân chỉ việc kéo dây dù phía trước, còn hai người phía sau ôm tấm lụa lần lần thả theo đà kéo lên. Quả nhiên việc kéo tấm lụa đỏ rộng dài lên phủ bức Tượng đài diễn ra suôn sẻ, gió vẫn to nhưng vải không bay ra ngoài được. Xong việc, không ai bảo ai, mỗi người trong đoàn Nam Định bỗng nhớ lại cách đây không lâu, trước khi lên đường đi Trường Sa, đại diện đoàn công tác của tỉnh Nam Định đã đến Đền Trần (phường Lộc Vượng thành phố Nam Định) dâng hương và thực hiện nghi thức trình báo công việc đi Trường Sa khánh thành Tượng đài, trước anh linh Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong Đền Cố Trạch nơi thờ Ngài. Cũng một tình huống ngẫu nhiên ngoài mọi dự kiến, đến ngỡ ngàng, sau đó được suôn sẻ. Chuyến đi đã diễn ra rất tốt đẹp. Từ Nam Định đến thành phố Hồ Chí Minh và từ Quân cảng Cát Lái đi Song Tử Tây mọi việc đều thuận lợi trong sóng yên biển lặng, toàn đoàn bình an.

       Bữa cơm chiều trên đảo hôm ấy đầy ấn tượng, bữa cơm duy nhất ăn trên đảo của hành trình những ngày đến với Trường Sa. Vì số lượng khách đông, các điều kiện trên các đảo và vì an ninh an toàn, đoàn công tác ăn nghỉ trên tàu. Để phối hợp thực hiện chương trình Khánh thành tượng đài Đức Thánh Trần của tỉnh Nam Định đã được Bộ tư lệnh Hải quân chấp thuận từ trước, Ban lãnh đạo đoàn công tác Trường Sa bố trí ăn một bữa cơm chiều với quân dân Song Tử Tây và nghỉ lại trên đảo một đêm. Tôi đã cố ghi chép kịp thời với rất nhiều cảm xúc thật sự mới mẻ được trải nghiệm một đêm hè trên đảo Trường Sa ấy để làm tư liệu. Chương trình giao lưu văn nghệ Đoàn công tác Trường Sa số 10 được diễn ra lúc 21 giờ. Đoàn tỉnh Thái Bình có một số đại biểu là diễn viên của Đoàn Chèo, mang theo cả dàn nhạc hoành tráng, đoàn Thái Nguyên có đại biểu Đoàn ca múa nhạc, đoàn Hội liên hiệp Phụ nữ thì khỏi phải nói, mỗi đại biểu là một “cây hát múa siêu sao”. Những mỏi mệt dường như tan biến hết, thay vào đó là những lời ca bổng trầm tha thiết: Nơi đảo xa, Gần lắm Trường Sa, Gửi người chiến sĩ đảo xa, Khúc quân ca Trường Sa, Qua bến Đò Quan, Thái Bình quê lúa, Nắng ấm quê hương, Thái Nguyên quê tôi, Hạ Long biển nhớ, Xa khơi, Bến cảng Nhà Rồng,... Các giọng hát thi với gió biển về đêm dào dạt yêu thương, khó phân biệt ca sĩ chuyên và không chuyên. Nhiều tiết mục hát chung với cán bộ chiến sĩ hải quân. Dùng dằng mãi tận nửa đêm mới ai về phòng nấy.

       Đúng 23 giờ đêm ngày 5 tháng 5 năm 2012 cũng là đêm rằm tháng tư Nhâm Thìn, Lễ an vị Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây của đoàn Nam Định được bắt đầu bằng ba hồi chín tiếng chiêng trống dõng dạc trang nghiêm thành kính như nghi lễ truyền thống ở quê nhà. Trăng hè đêm rằm tháng tư lồng lộng nâng bổng bầu trời lên thăm thẳm. Tượng đài Đức Thánh Trần đã được phủ kín lụa điều sừng sững tỏa ánh hồng linh thiêng. Hai bên công trình tượng đài là hai khóm cây phong ba đặc trưng của biển đảo Trường Sa. Ngay trước tượng đài là biển Đông mênh mông lấp lánh như lân tinh ẩn chứa bao điều bí ẩn... Đồng chí trưởng đoàn Nam Định làm chủ lễ. Thực hành các nghi thức Yểm tâm Tượng và An vị Tượng là Đại đức Thích Thanh Việt, được trợ giúp bởi các nhà sư của Hội Phật giáo tỉnh Nam Định. Lãnh đạo Đoàn công tác số 10, đại diện quân dân đảo và các vị sư chùa Song Tử Tây đã đến dự. Âm thanh những lời tụng niệm thành kính, những tiếng kính keng kính cốc của chuông mõ  hòa  với âm vang xa êm đềm của muôn trùng biển khơi, thật sự khơi dậy cảm xúc linh thiêng cao khiết. Trong lúc chuyển mục công việc hành lễ, vị Đại đức vui vẻ quay sang nói nhỏ với mọi người: “Các vị có thấy gì lạ không ạ?” Chưa ai kịp nói gì thì một nhà sư lên tiếng: “Gió lặng ạ, từ khi dâng hương hành Lễ, tôi đã để ý gió trời lặng hẳn ạ. 100 ngọn nến tôi thắp quanh chân tượng đài và cả trên hương án thờ đều không bị tắt ngọn nào cả, các vị chứng kiến đây ạ, cầu xin Ngài linh ứng !”. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn những ngọn nến vẫn lung linh sáng, cảm nhận rất rõ không gian trời yên biển lặng thiêng liêng...

       Trước đây, lúc Hoàng Sa bị độc chiếm từ Quân đội Việt Nam Cộng  hòa, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị đe dọa nghiêm trọng, có ai đã tưởng tượng được Trường Sa có ngày hôm nay và Song Tử Tây - nơi Trường Sa gần với Hoàng Sa nhất lại có đêm nay. Đại diện con cháu quê hương Nhà Trần ở Nam Định, cùng đại biểu cả nước trong Đoàn công tác Trường Sa số 10 và quân dân trên đảo, đang thực hiện một nghi lễ văn hóa tâm linh truyền thống dân tộc, trong bình an - linh thiêng, dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần, được lấy nguyên mẫu từ thành phố Nam Định quê hương của Ngài, để thành kính thiết tha gửi gắm niềm tin với Trường Sa, rằng Chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là bất khả xâm phạm, rằng hồn thiêng sông núi, hào khí Đông A rạng ngời một thuở đã và sẽ cùng Ngài hiện diện trên biển đảo Trường sa, động viên che chở tướng sĩ và nhân dân đoàn kết một lòng bách chiến bách thắng... Khi mọi nghi thức Lễ an vị Tượng đài đã hoàn tất, tấm lụa điều được hạ xuống, Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương hiện lên dưới ánh trăng rằm sừng sững uy nghi. Trong tôi như văng vẳng vọng về lời “Hịch tướng sĩ” của Ngài khi xưa: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng...” Ai nấy đều rưng rưng thành kính và vinh hạnh được dâng những nén hương đầu tiên trước anh linh của Đức Thánh Trần trên đảo Song Tử Tây. Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm trong ầm ào tiếng sóng biển và tiếng gà trên đảo gáy sáng, để rà soát lại lần cuối công tác chuẩn bị lễ khánh thành. Mọi việc xong vừa lúc biển Đông trước khuôn viên Tượng đài một quầng sáng đỏ rực bình minh đang ánh lên hừng đông ngày mới. Đúng 6 giờ sáng ngày 6 tháng 5 năm 2012 (ngày 16 tháng tư âm lịch năm Nhâm Thìn), Lễ khánh thành công trình Tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo đựơc chính thức khai mạc. Bài chào cờ “Tiến quân ca” quen thuộc được cất lên qua tiếng hát đầy xúc cảm từ trái tim của hơn hai trăm con người từ khắp mọi miền Tổ quốc trong Đoàn công tác Trường Sa số 10 cùng với quân dân xã đảo Song Tử Tây. Diễn văn của đồng chí Đoàn Hồng Phong thay mặt Đảng bộ quân và dân tỉnh Nam Định - đơn vị chủ đầu tư công trình đã nêu rõ: “Nhân dân Nam Định rất vinh dự tự hào là quê hương của Đức Thánh Trần. Trước sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tỉnh Nam Định có tâm nguyện thiết tha được xây dựng công trình văn hóa lịch sử và tâm linh Tượng đài Đức Thánh Trần trên quần đảo Trường Sa, nhân dịp Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường Nam Định (1262 - 2012). Được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, sự giúp đỡ nhiệt tình của quân và dân huyện đảo Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây, tinh thần trách nhiệm và cố gắng cao của đơn vị thi công, hôm nay đúng vào dịp kỷ niệm 37 năm ngày Quân đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây và quần Đảo Trường Sa (1975 - 2012) tâm nguyện ấy đã trở thành sự thật. Lễ khánh thành công trình Tượng đài Đức Thánh Trần là sự kiện đặc biệt trong các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường Nam Định (1262 - 2012), tỉnh Nam Định vinh dự được Đảng Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, thành phố Nam Định được Chính phủ quyết định công nhận là Đô thị loại I trực thuộc tỉnh”. Tượng đài có chất liệu bằng đá khối, cao 11 mét, tạc theo mẫu tượng đài Đức Thánh Trần đúc bằng đồng ở Quảng trường 3 - 2 thành phố Nam Định, được đặt trên khuôn viên rộng trên 600 mét vuông, hướng ra phía biển Đông, gần chùa Trường Sa, hài hòa không gian qui hoạch chung đảo Song Tử Tây. Công ty Cổ phần Điện tử Hóa chất Bộ Quốc phòng và một doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình thi công. Phát biểu của lãnh đạo Quân chủng Hải quân, lãnh đạo xã đảo Song Tử Tây đều khẳng định công trình quà tặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định dành cho Trường Sa có ý nghĩa chính trị - quân sự - văn hóa rất lớn. Cuối buổi Lễ trang trọng ấy, đồng chí Đoàn Hồng Phong đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã trao tặng Quỹ Vì Trường Sa thân yêu với số tiền là một tỷ đồng.

       Như chúng ta đều biết Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất của dân tộc, một trong những vị tướng tài ba được thế giới thừa nhận. Tượng đài Đức Thánh Trần hiện diện nơi biển đảo Trường Sa sẽ tiếp thêm ý chí, sức mạnh, bản lĩnh, hào khí Đông A - Hào khí Việt Nam cho quân và dân nơi quần đảo tiền tiêu, cũng là một thông điệp tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước vững tâm bền chí, đoàn kết đồng lòng, mở rộng bang giao, vượt qua mọi khó khăn thử thách để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc. Hình ảnh lồng lộng uy nghiêm nhưng bình tâm thư thái của Đức Thánh Trần còn thể hiện khát vọng tha thiết hòa bình thịnh vượng của dân tộc ta.

       Tôi nhớ ngay trong dịp khánh thành tượng đài Đức Thánh Trần ở đảo Song Tử Tây, một phóng viên đã gọi điện thông báo tin vui Tượng lớn Đức Thánh Trần đã có mặt ở Trường Sa, đến Giáo sư sử học Lê Văn Lan lúc đó đang công tác ở tỉnh Hòa Bình, đồng thời muốn biết những cảm nhận của Ông về sự kiện này. Giáo sư Lê Văn Lan đã trả lời đầy hào hứng. Đại ý: Trong lịch sử dân tộc, hiếm có một vị tướng nào được đánh giá cao bằng Đức Thánh Trần. Người ta xếp các vị tướng theo những danh hiệu thứ bậc như sau: Cấp độ 1 là Dũng tướng tức là vị tướng giỏi có sức mạnh hơn người. Cấp độ 2 là Trí tướng tức vị tướng tài ba không chỉ giỏi cơ bắp mà còn có mưu lược. Bậc cao hơn nữa là Nhân tướng - đánh giặc bằng đạo Nhân, đó là cấp rất cao rồi. Nhưng duy nhất trong lịch sử có một người được phong là Thánh tướng - đó là Đức Thánh Trần Hưng Đạo... Đức Thánh Trần vị Anh hùng dân tộc, người có khả năng và đã từng nhiều phen trừ diệt yêu tà ma quái đã ngự ở đấy, thì đương nhiên không chỉ cá nhân tôi với tư cách một nhà sử học mà tôi chắc chắn toàn dân sẽ hồ hởi mừng vui và trông ngóng sự trấn giữ của Ngài cho mảnh đất nhiều lần đầu sóng ngọn gió Trường Sa...

       Trong chuyến đi trọn mười ngày đêm của Đoàn công tác Trường Sa số 10 ấy, chúng tôi còn được lần lượt đến với các đảo: Đá Nam, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô lin, Đá Đông, Đá Tây, Trường Sa lớn, Đá Lát, Quế Đường và lên thăm Nhà dàn DK1/8, DK1/19, dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh khu vực DK1... Lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến cuộc sống đích thực của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Nơi đây, nếu bình thường, để đảm bảo cuộc mưu sinh đã rất gian nan, huống chi phải đủ mạnh, đủ mưu trí, bản lĩnh phi thường, vừa bảo đảm an toàn làm ăn sinh sống, vừa sẵn sàng chiến đấu với “thiên tai, địch họa” luôn rình rập, có thể xảy ra bất cứ lúc nào để bảo vệ vùng biên cương lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc. Trên đảo luôn dư thừa gió, nắng nóng, nước mặn và giông bão, nhưng lại rất thiếu những thứ cụ thể nhất là nước ngọt và rau xanh... Hình như trong suốt hành trình đến với Trường Sa trên con tàu HQ - 571, ai cũng tạm quên đi những công việc thường ngày, để trái tim của mọi người được chung nhịp đập cùng sóng biển, thổn thức bao nỗi niềm yêu thương, quí trọng và kính phục những con người sạm nắng gió nơi đảo xa luôn vững vàng giữ vững chủ quyền Tổ quốc.

       Con tàu Trường Sa HQ - 571 cập bến Quân cảng Cát Lái sau hồi còi kéo dài. Trước khi lên tàu ra đảo, mỗi chúng tôi được cấp một bộ quân phục và một thẻ Chiến sĩ ra đảo Trường Sa có số hiệu (của tôi là 131.A4), thì trước khi rời tàu lên đất liền, chúng tôi lại được lãnh đạo Quân chủng Hải quân trao Giấy chứng nhận và Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa. Tôi đã có một viên đá Song Tử Tây, một vỏ ốc biển và mấy quả bàng vuông đặc sản Trường Sa làm kỷ niệm. Ai cũng cảm thấy như được anh linh Đức Thánh Trần phù hộ chuyến công tác “thừa chu thuận thủy”, khỏe mạnh, an toàn với rất nhiều nhận thức và suy nghĩ mới về Trường Sa. Chúng tôi lưu luyến chia tay nhau trong ý nghĩ chung Niềm tin đã được gửi trọn nơi đảo xa.

        NGUYỄN CÔNG THÀNH

(Nguồn: Tạp chí Văn Nhân số 140 / 2021)

 MỘT SỐ ẢNH MINH HỌA:











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét