Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

NHẬT KÝ CHIẾN TRƯỜNG TRẦN ĐĂNG THẮNG / Trần Đăng Tính

 

Tác giả Trần Đăng Thắng


       Thương binh Trần Đăng Thắng sinh năm 1955,  nguyên giảng viên Học viện Hậu cần, chiến sĩ thông tin Sư đoàn 316, sĩ quan hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện anh đã nghỉ hưu về sinh sống tại quê hương thành phố Nam Định.

       Trần Đăng Thắng tốt nghiệp Trường phổ thông Cấp III Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định khóa 1970 – 1973. Ngày 30 tháng 8 năm 1973 anh lên đường nhập ngũ, bỏ lại giấy báo trúng tuyển Đại học Giao thông.

       Trần Đăng Thắng viết nhật ký ngay từ những ngày đầu sống cuộc đời người lính. Cuốn sổ nhật ký thứ nhất của Trần Đăng Thắng viết từ ngày 23 tháng 9 năm 1973 (tại huyện Anh Sơn, Nghệ An) đến ngày 9 tháng 7 năm 1975 (viết tại rừng cao su Bình Dương), không đặt tên nhật ký. Đây là thời gian Trần Đăng Thắng đi chiến trường nên tôi tạm đặt tên cho cuốn nhật ký thứ nhất này là “Nhật ký chiến trường”.





       Cuốn sổ nhật ký khổ 18 cm, 180 trang, chữ nhỏ đều đặn, dễ đọc.

       Như chúng ta đã biết, những sự biến lớn của dân tộc đất nước được ghi lại trong lịch sử. Những sự kiện tuổi trẻ đời người thường được ghi vào nhật ký của mỗi người. Với người lính đi chiến đấu là “Nhật ký chiến trường”, có người ghi vào sổ tay, có người lại ghi nhớ trong lòng. Nhật ký chiến trường của Trần Đăng Thắng ghi chép nhiều sự kiện, suy nghĩ, cảm xúc tình cảm của mình về bản thân và đơn vị. Đọc nhật ký của Trần Đăng Thắng ta thấy nhiều tư liệu quý về người lính trong chiến dịch giải phóng miền Nam:

       - Cuộc hành quân vô cùng gian khổ (đỉnh cao là vượt Trường Sơn) thiếu thốn mọi bề.

       - Khao khát tình yêu gia đình, bạn bè.

       - Thèm khát tình yêu nam nữ.

       - Những cuộc đụng độ hành quân, chiến trận gian khổ, ác liệt, hy sinh, mất mát… Vượt lên tất cả là sự quả cảm, xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Sáng ngời tình thương yêu đồng đội sống chết bên nhau, tình quân dân thắm thiết ân tình.

       - Cuối cùng là niềm vui chiến thắng, đất nước, dân tộc được thống nhất. Gia đình đoàn tụ trong khúc khải hoàn ca.

       Gấp cuốn sổ nhật ký Trần Đăng Thắng lại, tôi thấy lòng ngập tràn niềm vui, xúc động, tự hào, hạnh phúc và biết ơn:

       - Cúi đầu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

       - Về người lính bộ đội cụ Hồ.

       - Về thế hệ trẻ Việt Nam yêu nước.

       - Về mọi người dân Việt Nam đã góp phần vào cuộc chiến tranh Chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là những gia đình có con em hy sinh xương máu.

       - Về dân tộc, quê hương, đất nước Việt Nam bất khuất anh hùng.

       Tôi luôn ghi nhớ lời dạy của thầy giáo cũ:

       1- Hãy “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ”.

       2- Hãy “Sống xứng đáng là một CON NGƯỜI của thời đại mới tiến bộ”

       3- Những người dũng cảm, có trí tuệ luôn biết ĐƯỜNG ĐI TỚI.

       Trân trọng trích giới thiệu một số trang viết ngày ghi cuối sổ Nhật ký chiến trường của Trần Đăng Thắng. Trang viết chứa đựng nhiều cảm xúc, suy tư, khát vọng của tác giả.

                                            TRẦN ĐĂNG TÍNH


NHẬT KÝ CHIẾN TRƯỜNG TRẦN ĐĂNG THẮNG

       (Trích)

       Ngày 9 – 7 – 1975.

       Một đêm trăng sáng, bầu trời cao xanh lồng lộng, ánh trăng rọi khắp nơi, xuyên qua các khe hở của rừng cao su rơi xuống đất.

       Mỗi cơn gió nhẹ, rừng cây xao động làm ánh trăng rung rinh. Nếu đi ra khỏi cây cao su xa mấy bước là cả một vùng trời lặng. Tất cả đều dịu dàng, ngọt ngào, đầm ấm. Nhìn lên trời cao ấy, tôi có cảm giác như đang trôi trên biển. Cả bầu trời như một đại dương nước rất xanh. Thuyền tôi là mặt trăng. Tôi lênh đênh trên biển cả, gió nhẹ thổi, cánh buồm no gió căng phồng. Tất cả chỉ một màu xanh của nước, không có một bờ nào, không một hòn đảo hay một làng xóm nào xa vời hiện ra. Cho dẫu biển mênh mông, cho đêm sương mù, thuyền tôi vẫn đi vững mái chèo. Giông bão sẽ phải qua, sao sáng đang hiện lên trên biển cả.

       Tôi cảm thấy hạnh phúc.

       Sở dĩ tôi có cảm tưởng như vậy bởi vì tôi nghe được một bài hát có những hình ảnh ấy. Vào một đêm trăng sáng tôi đã nghe, tôi thấy người tôi chơi vơi theo lời hát. Tôi tin mình đang bơi trên biển thật. Hôm nay nhìn trăng sáng tôi nhớ kỷ niệm ấy. Bỗng thấy tha thiết với những gì mình đã sống, đã trải qua. Ôi cuộc sống bình yên và êm đềm quá. Hết chiến tranh rồi, màu xanh của hòa bình và hạnh phúc đang tràn về trên khắp đất nước ta. Không khí vui tươi và sôi nổi của muôn triệu bàn tay, khối óc đang đem hết khả năng của mình ra xây dựng xã hội.

       Sau này tôi sẽ góp phần của mình vào đấy. Tôi muốn làm một người lao động và sáng tạo. Tôi muốn được học tập suốt cuộc đời, muốn được thưởng thức những nghệ thuật lành mạnh của dân tộc và thế giới. Tôi muốn được thật nhiều giây phút lạc quan và yêu đời. Muốn đẩy lùi những lúc buồn nản xuống mức thấp nhất. Trong cuộc sống không thể làm một người hay bi quan. Phải biết sống, nghĩ và hành động cho chính bản thân mình. “Biết cụ thể sống là một hạnh phúc”.

       Bởi vậy phải yêu đời. Nhưng trên đời này không có ai có thể vui vẻ từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay được. Buồn vui là lẽ thường. Phải làm sao cho niềm vui nhiều hơn lúc buồn. Nhưng muốn nói sao thì nói, tuổi trẻ vẫn phải lạc quan và sôi nổi. Đúng là tôi đang sống trong thời kỳ ấy. Tôi hát luôn mồm suốt ngày được.

       Sao hôm nay tôi thấy yêu đời học sinh quá vậy. Có lẽ tôi có duyên nợ với nó nên tôi hay nhớ. Một cái gì đó liên quan đến học sinh là những kỷ niệm cũ của tôi vụt sống dậy. Hai năm rồi mà chất học sinh còn đầy trong con người tôi. Cứ nghĩ như mình sắp sửa trở về đời học sinh không bằng. Cái thuở mà đầy những ước mơ mà tôi xây đắp. Không ngờ tôi lại vào bộ đội như hôm nay. Hồi ấy sức khỏe của tôi tưởng như không có khả năng vào bộ đội được, nên tôi cứ nghĩ rằng sẽ học đến đại học. Nay thì khác rồi. Không biết khi nào ra khỏi đời lính cho mình trở về với môi trường cũ.

       Giờ mà nhớ lại đời học sinh ai cũng thấy hồi ấy mình khờ khạo. Tôi cũng vậy.

       Hồi ấy tôi sợ nhất là bạn con gái. Bên tôi chẳng có lấy một người bạn gái nào cả. Chỉ mấy thằng con trai bé gần nhất lớp, lại hay nghịch chơi với nhau. Bọn tôi hay phá tình yêu của những đứa lớn. Mãi đến khi chuẩn bị ra trường, tôi mới hơi bạo lên một chút, nhưng cứ nói chuyện với con gái là tôi đỏ mặt ngay. Hôm tôi đi bộ đội, tôi chẳng cho một cô bạn nào biết cả, thành ra liên hoan và đưa tôi ra tập trung chỉ toàn bạn con trai.

       Hôm lên đường vào Nam chiến đấu (Tháng 1 – 1975) có Phi Yến đưa tôi ra ga. Đó là do tình bạn cũ, tôi đã thấy thỏa mãn. Cho đến nay tôi vẫn chưa một lần yêu, mặc dù tôi rất muốn yêu và ham tình yêu qua văn học và câu chuyện của mọi người kể.

       Trong Nam này toàn những truyện nói về tình yêu nhưng không hay, vì những mối tình ấy quá thỏa mãn và cuối cùng là đi đến cắt đứt, buồn bã.

       Bây giờ tôi vẫn còn nhớ đến một cô bạn học cũ của tôi, mặc dù tôi không nghĩ đến chuyện yêu cô ta nữa. Mỗi lần gặp một cô gái có cảm tình là tôi hay nghĩ đến Kim Yến. Tôi và Yến chưa bao giờ yêu nhau mà tôi vẫn nhớ. Tôi còn thầm hứa là tôi sẽ yêu cô ta trong suốt cả cuộc đời. Chắc hồi đi học tôi đã quá dát nên không thực hiện ý định của mình. Hồi cuối năm 1974 về phép lên Hà Nội, bọn thằng Bình, Thăng bảo tôi vào Trường đại học kinh tài chơi. Không biết sao tôi lại thôi, mặc dù rất muốn gặp Yến. Tôi chỉ muốn nhìn thấy Yên mà lại không muốn Yến thấy tôi. Lúc ấy tôi lại chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Nghĩ cũng lạ cho mình.

       Hai năm qua tôi đã đi một con đường khác, không như số đông bọn bạn học của tôi. Phần lớn họ vào cả đại học, chỉ còn tôi và Viết Bình ở đây. Bây giờ nó sắp sửa đi học sĩ quan nốt, chỉ còn lại mình tôi. Nghĩ cũng buồn.

       Nhiều khi ngồi một mình suy nghĩ, điểm lại bước đường mình đã qua, thấy cuộc đời phức tạp và phong phú thật. Nhiều khi tâm hồn tràn ngập niềm vui, yêu đời tha thiết, có lúc một nỗi buồn vô cớ đến day dứt.

       Tôi nhớ đến một bài hát, bài hát mà tôi luôn thấy phù hợp với con người mình. Bài “Cuộc sống ơi! Ta mến yêu người” có những câu: “Cả tình yêu trao cuộc sống, mãi mến yêu người dù năm tháng qua”. Mỗi lần hát lên tôi đều thấy xao xuyến, dù là lúc buồn hay lúc vui, tôi đều muốn sống như câu hát ấy.

       Thời gian có thể làm ra những nếp nhăn trên má tôi, có thể làm cho đầu tôi thêm bạc, sức khỏe của tôi sẽ giảm sút, nhưng tất cả tình yêu của mình tôi xin hiến trọn cho cuộc sống.

       Có phải sống trên đời này là một hạnh phúc thật không nhỉ? Nhiều khi tôi tự hỏi mình như thế. Nếu muốn trả lời nó phải có thời gian và những hành động mình làm. Không phải một cuộc sống trong nhung lụa, thừa thãi về vật chất do gia đình truyền để lại là hạnh phúc. Cũng không phải cuộc sống có một địa vị nào đấy do mình luồn lụy là một hạnh phúc. Tóm lại một cuộc sống hạnh phúc vẫn là một cuộc sống “lao động và sáng tạo.” Điều này cũng chẳng phải do tôi nghĩ ra, mà từ lâu rồi các lãnh tụ, những người thiên tài đã phát biểu. Mình chỉ là một người áp dụng và rút ra kết quả, một đáp số đúng như thế. Nên biết những cuộc đi xa, nên biết những phút chia tay lưu luyến mà mình là trung tâm lúc trở về, mọi người sẽ ấp ủ ta trong tình thương yêu nhất. Khi ấy ta sẽ thấm thía nhất những gì khi đi xa ta nhớ.

       Nhớ một câu thơ như thế này:

       “Đất nước của những người con gái con trai

       Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép

       Xa nhau không hề rơi nước mắt

       Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt”.

       Câu thơ này chỉ dành cho những người dũng cảm, dám đi tới để thực hiện ước mơ và hoài bão của mình.

       “Biết suy nghĩ và biết sống”.

       Tôi viết những trang cuối cùng cho cuốn nhật ký này bằng những suy nghĩ như vậy.

       Đây không phải là cuốn nhật ký duy nhất của tôi. Tôi sẽ còn viết, vẫn viết ở những trang khác mặc dù viết tốc độ có chậm.

       Hai năm trời mới có được thế này. Nhưng dù sao tôi vẫn rất yêu quý và trân trọng quyển sổ nhỏ, người bạn đường của tôi.

       TRẦN ĐĂNG THẮNG.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét