Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

THƠ: XÁC VÀ HỒN / Phạm Đức Nhì

 



  

Phân Biệt Ý Và Tứ

 

Ý: Điều tác giả muốn nói đến

Tứ: Cách để tiếp cận, diễn đạt ý

 

Khi tác giả chọn cách nói trực tiếp, nói thẳng vào điều muốn nói, bài thơ có ý và tứ giống nhau. Ý là tứ, tứ là ý, ý với tứ là một.

 

Thí dụ:

 

Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính.

 

Ý và Tứ là một: Anh lái đò nói về mối tình tuyệt vọng của mình.

 

Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác.

 

Ý và Tứ là một: Hào khí của một sĩ phu trước cảnh đất nước điêu linh.

Khi tác giả không muốn nói trực tiếp, không muốn nói thẳng vào điều muốn nói mà mượn một hình ảnh khác, một sự kiện khác để thổ lộ lòng mình, bài thơ có ý và tứ khác nhau. Ý là điều muốn nói; tứ là hình ảnh mượn để thổ lộ lòng mình.

 

Thí dụ:

 

Ông Đồ của Vũ Đình Liên.

 

Tứ: Ông Đồ ngồi bên phố viết câu đối thuê cho khách du xuân. Nay xuân đến, không thấy Ông Đồ nữa, nhiều người tiếc nhớ.

 

Ý: Tác giả muốn nói đến nền Nho Học đang lụi tàn.

 

Nhớ Rừng của Thế Lữ.

 

Tứ: Lời con hổ trong vườn bách thú tiếc nhớ những ngày còn là chúa sơn lâm, tự do vùng vẫy nơi rừng sâu núi cao - giang sơn của mình.

 

Ý: Tác giả mượn lời con hổ để nói đến hào khí, ước mơ của chính mình.

 

 

Kỹ Thuật Thơ Ca: Phần Xác Của Thơ

 

Các công việc chọn thể thơ, chọn cách gieo vần (hoặc không vần), chọn chữ, câu để tạo hình ảnh, âm điệu, nhịp điệu, chọn các biện pháp tu từ, chọn thế trận chữ nghĩa… đều để phục vụ cho mục đích chính là thể hiện tứ thơ, để dàn trải tứ thơ trên trang giấy thành bài thơ.

 

Tất cả những kỹ năng ấy được gọi là KỸ THUẬT THƠ CA.

 

Không giống như nhiều người lầm tưởng, Tứ Thơ (viết về cái gì?) không phải là phần Hồn mà chỉ là phần Xác của bài thơ.

 

Tìm Tứ (Ý), mặc dù có đóng góp rất lớn cho giá trị của bài thơ, chỉ là công việc của lý trí.

 

Gọi là kỹ thuật thơ ca là vì những thứ ấy có thể học hỏi (hoặc truyền dạy) được.

 

 

Phần Xác Của Bài Thơ Có Cảm Xúc Không?

 

Câu trả lời là có.

 

Cái hay của kỹ thuật thơ cũng khuấy động và khơi dậy cảm xúc trong lòng người đọc.

 

Nhưng xin đừng lẫn lộn cảm xúc tầng 1 và cảm xúc tầng 2 với Hồn Thơ

 

Cảm xúc tầng 1:

 

Đến từ câu chữ. Một chữ “đắt”, một hình tượng đẹp, một câu thơ hay cũng có thể khơi dậy một lượng cảm xúc đáng kể trong lòng người đọc thơ. Thi sĩ trong trường hợp này đã chinh phục độc giả bằng “sự khéo léo” của mình - giống như cầu thủ, bằng kỹ thuật cá nhân, vượt qua hàng phòng ngự đối phương đưa bóng vào lưới.

 

Cảm xúc tầng 2:

 

Đến từ thế trận chữ nghĩa mạch lạc, giúp chuyển tải tâm trạng của thi sĩ đến người đọc một cách rõ ràng, hiệu quả - giống như đội bóng có đấu pháp toàn đội hợp lý, lên công về thủ nhịp nhàng, ăn ý.

 

Nếu thi sĩ thành công ở “mặt trận” này lượng cảm xúc (khoái cảm) khơi dậy trong lòng người đọc sẽ lớn hơn nhiều.

 

Cảm xúc tầng 3:

 

Không đến từ câu chữ. Cũng không đến từ thế trận. Nó là luồng hơi nóng “nằm giữa 2 hàng kẻ” được thổi vào từ trạng thái cao hứng đến mức nổi điên, “lạc thần trí” của thi sĩ. Đây là thứ cảm xúc cho người đọc cảm giác “đã” nhất, sướng nhất.

 

Đó chính là HỒN THƠ. Hồn thơ không thể “nắm bắt” bằng lý trí mà chỉ có thể CẢM được bằng tâm hồn.

 

Đưa Hồn Thơ Vào Bài Thơ Có Khó Không?

 

Nhiều người cho rằng với thơ, cái gì cũng có thể học hỏi (hoặc truyền dạy) được. Chỉ riêng Hồn Thơ là chẳng ai có thể giúp ai cả.

 

Họ nói cũng có lý.

 

Nếu tham dự một số lớp Sáng Tác, Phê Bình Thơ bạn sẽ học được nhiều điều bổ ích về Kỹ Thuật Thơ.

 

Đó là học “trường lớp”, “bài bản”.

 

Bên cạnh đó, muốn nâng cao “tay nghề“ hoặc trình độ thưởng thức thơ còn có biết bao bài thơ hay của các thi sĩ nổi tiếng, những bài bình thơ của những nhà phê bình tài năng, những bài viết về lý thuyết thơ của những học giả có kiến thức về thơ sâu rộng.

 

Nhưng tạo Hồn Thơ  vẫn là chuyện riêng của thi sĩ.

 

Lý do: Cái tâm thế Cao Hứng, Nổi Điên, “Lạc Thần Trí” đâu phải cứ muốn là có. Mà nếu may mắn nó xuất hiện đâu phải thi sĩ nào cũng có khả năng và kịp thời đưa nó nhập vào bài thơ mình đang viết.

 

Rồi còn phải biết khơi dòng chảy tứ thơ, gieo vần điệu nghệ để âm điệu cũng chảy thành dòng, tránh mô gò cản đường để cảm xúc “sóng sau dồn sóng trước” bám theo tạo cao trào cho Hồn Thơ xuất hiện. Nghĩa là cũng nhiêu khê lắm.

 

Nhưng Vẫn Có Cách  

 

Kẻ hèn này có Nợ với thơ từ rất sớm. Cũng mày mò đến trường này, lớp kia học về thơ. Đã thử nghiệm đủ các loại thể thơ. Những lúc cao hứng cũng thử thả hồn mình vào thơ. Cũng tự mình làm được vài chục bài thơ để thổ lộ tâm tình trước cảnh đời. Và cũng từng chơi trò lấy hồn ta để “cảm” hồn người.

 

Và đã nhận ra rằng “tuy không nhiều nhưng đây đó vẫn xuất hiện những bài thơ có hồn”.

 

Sẽ chia sẻ với bạn đọc một số điểm lý thú về Hồn Thơ. Và đặc biệt, vài “chiêu thức” để mời gọi hồn thơ.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét