Thứ Ba, 7 tháng 3, 2023

BÌNH THƠ BẠN - MỘT TRẢI NGHIỆM KHÓ QUÊN / Phạm Đức Nhì

 



            
Vài Lời Phi Lộ

 

Bài thơ Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai của bạn tôi – Yên Sơn – đã có một người viết lời bình. Nhưng bạn tôi, có lẽ muốn có một “ý kiến thứ hai” (second opinion) nên đã thư yêu cầu tôi cho vài “lời bàn của Mao Tôn Cương”. Tôi không thích và cũng chưa từng bình thơ bè bạn nhưng, nể lời anh, đã viết một bài không phải dạng bình thơ mặc dù cũng nói đến ưu, khuyết điểm, cũng có khen, có chê.

 

Ưu điểm thì đã có anh Nguyễn Xuân Đấu trong bài Về Bài Thơ “Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai” (1) phân tích kỹ lưỡng nên trong bài viết như một Thư Góp Ý này tôi chỉ gói gọn ưu điểm trong hai đoạn và dành một vùng đất khá rộng cho phần khuyết điểm. Đó là chỗ mà nếu ngòi bút của tôi đủ sức thuyết phục, sẽ đem đến cho độc giả một vài chi tiết mới để thẩm định giá trị nghệ thuật một bài thơ.

 

Rất mong nhận được góp ý, phê bình của người yêu thơ.

 

1/ http://thovanyenson.com/?p=6845

  

Sau khi đọc Thư Góp Ý anh Yên Sơn đã viết mấy lời giới thiệu trong đó rất nhẹ nhàng, lịch sự bày tỏ quan điểm của mình trong sáng tác thơ ca, khác với cách nhìn nhận đánh giá của tôi. Và anh đã quyết định cho phổ biến toàn bộ bài viết “không sửa một chữ”. Trong thư cho tôi anh viết thêm:

 

Tôi rất vui là chúng ta đủ trung thực để nói với nhau về quan điểm thơ văn.

 

Tôi cũng rất vui là chúng ta đã cộng hưởng để gửi đến độc giả một cái nhìn phóng khoáng, đa chiều về thơ phú.

 

Lời Giới Thiệu Của Yên Sơn

 

Thưa quý bằng hữu, quý độc giả,

 

Rất tình cờ, tôi được quen biết Văn hữu Phạm Đức Nhì.

 

Lần đầu tiên đọc bài thơ "Bờ Vẫn Quá Xa" - http://t-van.net/?p=9852 - của anh đã cho tôi một cảm xúc rất thân tình, rất tâm đắc. Bài thơ đã cho tôi nguồn cảm hứng để viết một bài cộng hưởng gửi anh -  http://batkhuat.net/tho-guianh-phamducnhi.htm - Và từ đó chúng tôi quen biết nhau, rồi thân nhau.

 

Một số bài thơ và những bài bình phẩm thơ của anh đã cho tôi thấy ở anh có cái nhìn sâu sắc và rất khác người. Dù tôi không hoàn toàn đồng ý những gì anh viết, những khía cạnh suy tư của anh nhưng rất quý mến tấm lòng ngay thẳng, can trường của anh với cái nhìn trực diện, không màu mè, không chải chuốt.

 

Dù tôi không thích đọc những bài thơ chứa đựng nhiều ngôn từ dung tục của anh nhưng tôi biết anh cố tình và có dụng ý sâu xa. Dù tôi không thích nhưng tôi có lòng nể trọng anh trong những ẩn dụ sâu sắc đó. Dù biết chúng tôi không cùng một trường phái nhưng vẫn đi chung lối về.

 

Hôm nay, trong dịp lễ tết cuối năm, tôi bỗng dưng nghĩ đến việc nhờ anh viết cảm nghĩ của anh về một một bài thơ ưng ý của tôi. Bài "Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai" là bài thơ mở đầu trong loạt 6 bài của tập Trường Ca Nguời Em Mạn Bắc (*) tôi khởi viết từ năm 2006 và kết thúc năm 2013. Những bài thơ này đã được đăng trên website nhà và đăng rải rác trên các diễn đàn Việt ngữ và được chuyển tải nhiều nơi, trong cũng như ngoài nước, được độc giả đón nhận với nhiều thiện cảm.

 

Chính vì tôi biết anh khác người, với tầm nhìn thẳng thắn không nương tay nên tôi rất mong được nghe thấy những lời phẩm bình ở anh để được chia sẻ với mọi người. Hơn nữa, tôi cũng nghĩ rằng, "đôi khi mình nghe hoài những lời xã giao, vị nể, đãi bôi sẽ làm cho mình chủ quan, mù quáng." Với ý nghĩ đó nó càng thúc giục tôi hơn để yêu cầu anh viết.

 

Tôi viết email khuyến khích anh cứ thẳng thắn cho tôi biết ý nghĩ trung thực của anh mà không cần phải câu nệ việc "thế gian thường tình"; và thâm chí còn bỏ ra mấy tiếng đồng hồ chạy tới nhà anh để cùng uống với nhau vài ly rượu tâm tình.

 

Hôm nay, sau vài tuần lễ, anh đã gửi cho tôi bài viết sau đây. Dù những điều anh nghĩ không nhất thiết phản ảnh những gì tôi nghĩ. Những nhận xét về chữ nghĩa của anh không nhất thiết đúng như chữ nghĩa tôi cố tâm dùng.

 

Tôi đồng ý với anh tôi làm thơ theo những khuôn mẫu nhất định dù là Thơ Mới: Bài thơ của tôi viết luôn có bố cục chặt chẽ, có nội dung hẳn hòi theo một trình tự hợp lý; có vần điệu, có âm hưởng, có màu sắc. Tôi cân nhắc từng câu, từng chữ trong bài thơ chứ không thể phóng tay theo cảm hứng. Tôi cố tạo một bức tranh hài hoà, sống động trong mỗi bài thơ tôi viết. Tôi muốn tạo cho mình một lối đi rất riêng trong thi ca nhưng biết chắc rằng cũng không có gì mới lạ cho lắm.

 

Tôi chưa từng có ý nghĩ so sánh thơ của mình với thơ bất cứ một người nào khác. Dù vậy, tôi cũng rất ưu ái đón nhận bài viết của anh, chân thành cám ơn anh Phạm Đức Nhì đã bỏ nhiều tim óc viết cho tôi. Tôi gửi nguyên bài lên đây, không sửa một chữ, mời quý vị cùng chia sẻ như một câu chuyện văn chương của hai người cầm viết không cùng trường phái để có cái nhìn khoáng đạt hơn, thi vị hơn.

Yên Sơn

 

            VỀ BÀI THƠ CỦA BẠN 

 

Bạn hiền thân mến,

 

Bình thơ – khen chê một bài thơ – là công việc rất chủ quan. Dĩ nhiên, cũng có một vài nguyên tắc chung của nó, nhưng tùy theo độ dầy kiến thức, cách nhìn nhận thơ ca của người viết mà mỗi bài bình thơ đều có những nét riêng.

 

Một bài bình thơ, ngay khi được phổ biến, chưa phải là cách đánh giá chuẩn mực của một bài thơ nào đó. Nó còn phải chịu rất nhiều những cái nhìn soi mói của những người đọc thơ, làm thơ sành sõi, và nhất là, của những người bình thơ khác, “cao tay ấn” hơn. Khen, chê nặng tay hoặc nhẹ tay một tý là bị “giũa” ngay.

 

Chính vì thế tôi thường không bình thơ của người quen, bạn bè thân thiết, trừ trường hợp bài thơ đó có những điểm hay (dở) thật đặc biệt. Có 2 lý do:

 

1/ Khen nhiều thì độc giả cho là vị tình, là nịnh. Chê nặng tay một tý thì mất lòng tác giả.

 

2/ Khi chọn bình bài thơ nào là tôi đã đọc kỹ và thấy ở bài thơ đó một hoặc vài ưu (khuyết) điểm mà nếu được phân tích, giải thích sẽ đem đến cho độc giả những thông tin mới, kiến thức mới để họ hứng thú hơn trong thưởng thức thơ ca. Tưởng tượng ra vẻ mặt hài lòng, khoái chí của độc giả, tâm trạng người viết sẽ phấn khích hơn, ngòi bút sẽ linh động hơn, bài viết (tôi nghĩ) sẽ hấp dẫn hơn. Bình thơ bè bạn không có cái tâm trạng phấn khích, hào hứng đó.

  

Cho nên đây không phải là một bài bình thơ như tôi thường viết. Bạn cứ xem đây như một thư góp ý về bài thơ của bạn. Tôi sẽ liệt kê những ưu, khuyết điểm của bài thơ một cách thật tình, không khách sáo theo đúng như bạn yêu cầu:

 

Khen chê đối với tôi đều có giá trị như nhau. Nhiều khi nhận xét của bạn sẽ giúp tôi xem lại cách hành văn hoặc sắp đặt tư tưởng, từ ng của mình. Vì tôi tin sự thẳng thắn, thành thật của bạn mình khi viết về văn chương thi phú.

  

Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai

 

Chạy theo bảng chỉ đường
về nhà em mạn bắc
nơi em ở cách phố phường xa lắc
một khu rừng rợp bóng cả lối đi
chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít

 

Chiều hơi sương mờ mịt
có ngàn thông reo vui
sánh vai nhau từng bước nhỏ rong chơi
dừng bên suối vẫy đàn nai ngơ ngác
tôi đứng lại nhìn bước chân đài các
mái tóc huyền óng ả ngập bờ vai

 

Thương con nắng cuối ngày
như lụa vàng, heo hắt
cuối chân mây bóng ngày vừa chợt tắt
tay trong tay lưu luyến phút quay về
tự đáy lòng choáng ngập nỗi đam mê
và hương sắc đã làm tôi chao đảo

 

Em thầm thì khẽ bảo
gió se lạnh làn da
tôi hôn em với tất cả thiết tha
lời run rẫy trong làn hơi đứt quảng
không biết bao lâu chỗ ngồi chợt sáng
khi vầng trăng lơ lửng vượt lên đồi

 

Em ơi đã khuya rồi
giã từ bờ suối mộng
ngước lên cao nhìn trăng sao lồng lộng
đêm mênh mang, đêm rạo rực vô bờ
ôm chặt em vẫn cứ tưởng như mơ
nghe sóng vỗ trong biển tình dào dạt

***

Gió rì rào, xao xác
lòng tràn ngập niềm vui
sáng tinh mơ em đã nhoẻn môi cười
ngày chưa đến mà ánh hồng rạng rỡ
nằm bên em nhưng lòng tôi đã nhớ
đến một ngày khi tôi phải xa em

 

Ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng
cho chú Cuội nôn nao nói với chị Hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt

 

Em bắt tôi nhắm mắt
vớ chăn quấn lên vai
giấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài
kéo màn cửa cho nắng xuân tràn lên gối
một chú sóc trên đầu cành chới với
phóng lên cao khiến chim chóc giật mình

 

Kìa giọt nắng lung linh
xuyên qua vuông cửa sổ
đến rồi đi cũng chỉ là duyên số
cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi
tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ

 

 Ưu Điểm

 

Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai của bạn là một bài thơ “đẹp”. Câu văn sáng sủa, dễ hiểu, ngôn ngữ sang trọng, quý phái tuy đôi lúc cũng ra vẻ làm dáng như lời trong vài bản nhạc của Từ Công Phụng. Hình ảnh đẹp, lãng mạn, tứ thơ “dễ bắt” - cuộc tình đẹp, lãng mạn của tác giả với người em mạn bắc - chức năng truyền thông của bài thơ thành công.

 

Nếu đặt lên bàn cân thì phía bên ưu điểm sẽ nặng hơn. Những ưu điểm, những cái đẹp của bài thơ có thể gói gọn trong vài hàng nhưng đó là những tuyệt kỹ mà tác giả của nó phải có một nội lực sung mãn, một thời gian dày dạn sương gió trên cánh đồng văn chương và một hồn thơ sâu lắng mới thể hiện được. Cái hay của thơ bạn là cái hay đẳng cấp chứ không phải cái hay chiêu thức.

 

Khuyết Điểm

 

Đọc 2 đoạn đầu bài thơ của bạn tôi đã thấy mừng mừng; hình như bạn đã thoát cũi sổ lồng, không còn tự trói buộc mình trong cái rọ của “Thơ Mới” nay đã không còn mới nữa. Số chữ trong câu đã thay đổi - lúc 5, lúc 8. Nhưng đọc kỹ tôi mới biết mình mừng hụt. Bạn đã phá cái cũi kiểu Nhớ Rừng của Thế Lữ để tự đóng một cái cũi khác lạ hơn, hẹp hơn rồi rất vui vẻ chui vào, bóp khóa, vất chìa ra thật xa và bình thản … ngồi tù trong đó.

 

Bài thơ của bạn có 54 câu, chia làm 9 đoạn, mỗi đoạn 6 câu. Trong mỗi đoạn thì 2 câu đầu 5 chữ, 4 câu sau 8 chữ (558888). Toàn bài có 4 câu thơ 9 chữ (thay vì 8) trong đó có 3 câu theo tôi, bạn viết như vậy không phải vì muốn phá cách mà vì  … kẹt.

 

cho chú Cuội nôn nao nói với chị Hằng


và:

 

giấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài
kéo màn cửa cho nắng xuân tràn lên gối


Đó là những câu thơ rất khó bỏ đi một chữ mà vẫn giữ được cái đẹp, cái hay của nó. Trường hợp này cách hành xử của bạn giống Thế Lữ trong Nhớ Rừng. Ông đã chấp nhận phạm luật Thơ Mới (khác với tinh thần phá luật của Yên Thao trong Nhà Tôi) để giữ lại câu thơ 10 chữ (thay vì 8) rất hay sau đây:

 

 Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi

 

Riêng câu:

 

để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái

 

thì không biết suy nghĩ của bạn thế nào. chứ nếu ở trường hợp của tôi, muốn bỏ bớt một chữ thì bỏ chữ nghe là tiện nhất. Chữ nghe có thể hiểu ngầm nên đứng ở chỗ ấy là thừa.

 

để gió vờn hoa hát lời ân ái

 

vừa gọn lại vừa hay hơn nhiều.

 

Khi đã chui vào trong cũi để làm thơ, phong thái của thi sĩ đã hơi bị … mất đẹp, không có dáng vẻ ung dung thoải mái. Hơn nữa, vì bị gò bó nên rất dễ có thêm những khuyết điểm khác.

 

Thí dụ:

 

Chạy theo bảng chỉ đường
về nhà em mạn bắc
nơi em ở cách phố phường xa lắc

một khu rừng rợp bóng cả lối đi
chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít

 

Nếu không kẹt dính trong cái thể thơ cứng ngắc bạn đã có thể bỏ đi cụm từ “chỗ của em” để tránh cái lỗi câu chữ vô tích sự, thừa thãi.

 

Đó là về thể thơ - số câu, số chữ.

 

Sau đây là cách gieo vần của bạn:

 

Bài thơ có 9 đoạn, 54 câu. Trừ câu đầu và câu cuối, bạn tao ra 26 cặp vần trong 52 câu thơ. Bài thơ từ khởi đầu đến chấm dứt vần cứ “đến hẹn lại lên”, không bỏ lỡ một dịp nào. Có thể nói trong cách gieo vần bạn như một quân nhân gương mẫu, nghiêm chỉnh tuân hành kỷ luật nhà binh một cách hoàn toàn tự giác.

 

Nguyễn Hưng Quốc mà đọc phải bài thơ này sẽ giơ 2 tay lên trời than “Hết ‘ví dầu ầu ơ’ lại ‘ầu ơ ví dầu’”.  Còn tôi nghĩ đến món chè trong mấy câu thơ:

 

Đường ít: chè không đủ ngọt, không ngon

đường nhiều: ngọt lợ, ăn gắt cổ

nấu chè ngon do đó

cũng cần có tài

ngoài việc phải biết chọn các thứ đậu, dừa, bột , nếp

các thứ khoai

(thứ nào nấu với thứ nào

 liều lượng bao nhiêu thì hợp)

còn phải biết nêm đường cho vừa ngọt

 

Vần và nhịp điệu tạo nên vị ngọt của thơ ca. Nó là những cái “móc” để giúp nối những chuỗi hình ảnh, sự kiện tạo nên cảm xúc của tác giả và - qua bài thơ - trở thành một thứ “thuốc dẫn” giúp những chuỗi hình ảnh, sự kiện ấy đi vào tâm hồn đọc giả một cách dễ dàng hơn.

 

Trong những bài thơ thành công cái “thuốc dẫn” này giúp cảm xúc vận chuyển thành một dòng chảy, chảy trong tâm hồn người đọc. Nhấm nháp được chút vị ngọt này người đọc sẽ bỏ bớt sự cẩn trọng thái quá (như khi đọc một hợp đồng, một án quyết), tạm thời gác lý trí qua một bên, để có thể tiếp cận bài thơ một cách nhẹ nhàng thoải mái, cho trái tim trần trụi của mình đối diện với hồn thơ của tác giả.

 

Tuy nhiên, cũng như đường trong chè, ngoài ý tứ, ngôn từ, hình ảnh, việc xử dụng vần điệu đúng liều lượng để thơ ca có vị ngọt vừa phải cũng là một tài năng của tác giả.(Chè Đường, PĐN)

 

Bạn đã nêm đường quá nhiều cho món chè “Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai” và độc giả như tôi “ăn” thấy ngán lắm. Hơn nữa, số chữ trong câu của bài thơ cứ theo một nhịp nhất định không thay đổi (558888) nên bài thơ đã đơn điệu lại càng thêm tẻ nhạt. Đặc biệt là ở đoạn cuối; vần đã quá “nặng nề” bạn lại đưa thêm vào một kiểu điệp ngữ rất vụng về.

 

Kìa giọt nắng lung linh
xuyên qua 
vuông cửa sổ

đến rồi đi cũng chỉ là duyên số
cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi
tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài 
khung cửa sổ

 

khiến món chè đã ngán lại càng thêm ngán.

 

Hội Chứng Barcelona Trong Thơ

 

Cách đây không lâu, những tháng ít việc làm, thỉnh thoảng tôi cũng xem bóng đá. Tôi chú ý đến đội Barcelona vì ở đó có Messi (cầu thủ hay nhất thế giới) và một dàn cầu thủ có khả năng che bóng và kiểm soát bóng rất hay. Sau trận đấu, nhìn vào chỉ số kỹ thuật thì tỷ lệ kiểm soát bóng (possession) của đội thường cao hơn đối thủ nhiều (thí dụ 58% v/s 42%).

 

Trong một số trận quan trọng, khi dẫn trước đối thủ 1 bàn đội Barcelona thường vờn bóng giữa sân để … câu giờ (hoặc thực hiện một ý đồ chiến thuật nào đó). Đối phương đuổi theo bóng thì họ chuyền cho nhau, thường là ngược về phía sân nhà. Sau đó từ từ đưa lên giữa sân rồi lại ngược về cho thủ môn.

 

Cuối cùng họ thường đạt được mục đích của mình là thắng trận. Thật ra, vờn bóng giữa sân không phải dễ. Như đã nói ở trên, phải có những cầu thủ giỏi, có kỹ thuật cá nhân điêu luyện, đặc biệt là khả năng che và kiểm soát bóng tốt. Nhưng dù cầu thủ có giỏi cỡ nào đi nữa mà đá kiểu đó thì khán giả cũng rất bực bội vì phải xem một trận đấu tẻ nhạt.

 

Vài nhà bình luận thể thao đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng lối chơi của Barcelona (trong những trận đó) đã giết chết nét đẹp của bóng đá, đã tạt nước lạnh vào lòng mê say của khán giả đối với môn thể thao vua này.

 

Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai của bạn cũng gần giống như thế. Tứ thơ nhờ vần liên tiếp nên như một dòng sông cảm xúc chảy trong tâm hồn độc giả. Tuy nhiên, có lẽ kỷ niệm về mối tình với người em mạn bắc đẹp quá, không có ups and downs, không có những tình tiết hồi hộp, hấp dẫn, nên dòng sông thơ không thác, không ghềnh, chảy lờ đờ chậm rãi.

 

Với mối tình nhiều kỷ niệm đẹp như thế, bạn có thể ngồi cả buổi nghĩ về nó, thả hồn vào những chuỗi ngày thơ mộng đó mà vẫn thấy thích thú, hạnh phúc. Nhưng với độc giả, phải đọc bài thơ dài đến 54 câu (Nhớ Rừng của Thế Lữ chỉ có 47 câu), số chữ trong câu theo một quy định cứng ngắc, hội chứng “ầu ơ ví dầu” quá nặng, quanh đi quẩn lại chỉ có “cảnh đẹp, em đẹp và anh yêu em chất ngất” thì … “chán như cơm nếp nát”.

 

Trong bóng đá, trận đấu có hấp dẫn hay không, khán giả có hài lòng hay không - nếu FIFA vẫn chưa tìm được phương cách để thay đổi luật lệ – trận thắng vẫn là trận thắng với tất cả những mối lợi, những vinh quang của nó.

 

Nhưng với thơ thì khác. Độc giả đọc vài câu mà không thấy lạ, đẹp, không thấy hơi nóng của cảm xúc bốc lên thì dù tứ thơ có “dễ bắt”, chức năng truyền thông của bài thơ có thành công trọn vẹn, họ cũng chán, không thèm đọc nữa, và bài thơ sẽ phải mang số phận “có tên mà không có tuổi”.

 

Về điểm này tôi có viết một bài thơ ngắn; nhân tiện mang ra để minh họa.

 

       ĐỪNG  ĐỂ  CƠM  ÔI

 

Chị Cả sợ cơm ôi

chờ nước sôi

mới đổ gạo vào nồi

rồi chị khơi lò, trở củi

để ngọn lửa cháy đều, cháy mạnh

cho đến lúc nồi cơm cạn nước

“Cơm sôi cả lửa thì ngon”

câu ca dao mẹ dạy

chị vẫn còn ghi nhớ

 

Qua chuyện ái ân chồng vợ

chị với anh đã ăn ý rõ ràng

phải đâu đó sẵn sàng

mới cho chốt nhập cung

và rồi tấn công dồn dập, tưng bừng

cho đến lúc gạo thành cơm vừa chín tới

 

Bài thơ đang viết dở

chị nhắc anh đoạn giữa

đừng như nồi cơm ôi.

 

(Có người quen Bắc Kỳ chính gốc nhắc tôi là chữ “ôi” hơi bị sai. Phải dùng chữ “trương” (sình) mới đúng. Nhưng đã lỡ rồi mong độc giả thông cảm)

 

 Bạn thân mến,

 

Viết đến đây tôi muốn có vài hàng cám ơn bạn. Bạn đã bỏ thời gian lái xe một đoạn đường rất xa đến nhà tôi để chúng ta mặt đối mặt nói chuyện. Bạn đã bật đèn xanh cho tôi được tự do, muốn viết gì thì viết mặc dù tôi đã trình bày với bạn những gì tôi hứng thú để viết phần lớn nằm ở phần khuyết điểm của bài thơ.

  

Và tôi đã viết thật thoải mái. Tôi đã nói hết – nói đến tận cùng - những gì tôi muốn nói, đôi khi vượt quá những khen chê thường lệ của một bài bình thơ.

 

Viết BTLKBV bạn đã chứng tỏ được đẳng cấp của mình. Tuy nhiên, nếu bảo tôi ngưỡng mộ tài thơ của bạn thì đó là câu nói khách sáo, đãi bôi.

 

Nhưng thật tình mà nói, tôi kính trọng, quý mến cái “nhân cách đặc biệt” của bạn. Mình gặp nhau đã nhiều lần, hội họp nghiêm túc có, bù khú văn nghệ vui chơi cũng có. Trong đám đông bạn có phong thái chững chạc, đàng hoàng, nụ cười luôn nở trên môi, lúc nào cũng là chất keo kết dính nhiều thành phần bạn hữu khác nhau đến cùng tụ hội.

 

Hy vọng đọc xong bài viết này, khi sáng tác những bài thơ mới bạn sẽ không còn “nêm đường quá ngọt”, không “vờn bóng giữa sân” quá nhiều, và nhất là không tự trói tay mình rồi chui vào trong cũi.

 

Cũng hy vọng bạn sẽ không giận tôi, vẫn thực hiện những điều bạn đã dự định về bài viết này. Được như vậy tôi sẽ rất vui vì đã không sai lầm khi – trong số bạn hữu của mình – đã dành cho bạn một vị trí rất trang trọng và gần gũi.

 

Galveston 11/26/2015

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

  

Phần Viết Thêm:

  

CÓ MỘT ĐIỀU RẤT LẠ

 

1.
Khung cửa nhỏ- mở ra-
ngày nắng 
hạ.
Ngày thương yêu, thuở ấy,
nắng Sài 
Gòn.
Những hàng cây ven đường lay bóng 
lá.
Chỉ dám nhìn- guốc mộc- gót chân 
son.

Em dễ ghét từ khi còn đi học.
Tóc ngang vai cứ buộc túm đuôi 
.
Ai đã viết về mùi hương tóc rối.
Tôi vô tình nghe kỷ niệm bay
 xa.

2.
Khung cửa nhỏ- mở ra-
chiều rơi chậm.
Chiều đừng rơi
để nhớ mãi Sài 
Gòn.
Căn nhà gỗ,
con đường Hồng Thập Tự.
Một điều gì… rất lạ, rất bâng 
khuâng.

Em dễ ghét từ nụ cười răng 
khểnh.
Kính Hippy khiêu khích nắng Sài 
Gòn.
Áo lụa trắng theo gió vờn vô 
định.
Tôi ước gì mình xa lạ , dững 
dưng.

3.
Khung cửa nhỏ- mở ra-
đêm nguyệt tận.
Đêm hoang vu
xanh mướt dáng Sài 
Gòn.
Có vì sao- buồn- cô đơn- bật khóc.
Giọt lệ này
rơi,
ướt lạnh trăm 
năm

Em đừng vội ra đi, vầng nguyệt 
khuyết.
Tôi rưng rưng
mở ký ức dịu 
dàng.
Ai vẫn đứng bên trong khung cửa 
khép.
Ngón tay gầy còn giữ búp Ngọc 
Lan?

Tôn Nữ Thu Dung

  

Phân Bua Trước

 

Đây không phải là bài Bình Thơ mà chỉ là vài nhận xét về Kỹ Thật Thơ.

 

Đọc bài thơ Có Một Điều Rất Lạ của Tôn Nữ Thu Dung thấy mấy điều rất thích:

 

1/ Ngôn ngữ đẹp, nhẹ nhàng - hình tượng thân quen, dễ cảm dễ thương.

 

2/ Giọng điệu dịu dàng, từ tốn

 

3/ Câu thơ, đoạn thơ gọn và chắc, chứng tỏ một bút pháp vững vàng.

 

4/ Gieo vần gián cách rất khéo. Sáu cặp vần 2/4 là chính trong đó có 3 căp chính vận (Gò son, gà xa, dàng Lan) và 3 cặp thông vận xa (Gòn khuâng, Gòn dưng, Gòn năm). Theo tôi tác giả không chủ ỷ gieo vần 1/3 nhưng con chữ lỡ đi vào nàng cũng không tránh né. Có 3 cặp vần 1/3 - một chính vận (hạ lá) và 2 cặp thông vận (khểnh định, khuyết khép).

Bài thơ khá dài (6 đoạn, 24 câu) mà vần vừa độ ngọt – không bị “nhàm chán vần” cũng là rất đáng nể.

 

5/ Cảm Xúc:

 

Cảm xúc tầng 1: Mạnh nhờ nét đẹp ngôn ngữ, hình tượng và câu thơ gọn chắc.

 

Cả xúc tầng 2: Có được do thế trận chữ nghĩa của bài thơ - chỉ ở mức trung bình

 

Cảm xúc tầng 3: Có nhưng chỉ thoang thoảng vì tứ thơ phân tán, không có dòng cảm xúc.

  

Nhưng Cũng Thấy Một Hai Điều Rất Lạ:

  

1/

 

Cho đến thời điểm này mà một người có khả năng văn chương như thế vẫn sử dụng thể thơ Trường Thiên, phân mảnh, đứt đoạn để bài thơ phải chịu mấy khuyết điểm oan ức:

 

     a/ Tứ thơ không “nhất khí liền mạch” chảy thành dòng mà “bị” phân thành 6 “hố” thơ riêng biệt. Ý tứ bị phân tán, phần âm điệu bị đứt đoạn nên cũng không có dòng nhạc.

 

     b/ Mỗi câu 8 chữ cứng ngắc khiến nhịp điệu của bài thơ đều đều, tẻ nhạt.

 

     c/ Bài thơ không có dòng cảm xúc vì cảm xúc ở hố nào nằm im hố đó.

 

2/

 

Tác giả đã bỏ công chế ra 3 cái hộp thật đẹp để làm chỗ trưng bày cảnh thơ và tâm trạng của mình.

 

Mỗi cái hộp gồm 2 đoạn thơ. Câu thứ nhất của đoạn đầu sẽ khởi đi từ 5 chữ “Khung cửa nhỏ - mở ra” và sau đó là cảnh thơ. Đoạn sau là tâm trạng của thi sĩ. Rất gọn gàng và ngăn nắp.

 

Nhưng nếu nhìn đến sự tự do, tung tẩy của ngòi bút thì đó lại là khuyết điểm. Tôi, người đọc thơ, có cảm tưởng như thi sĩ đã đem những con chữ của mình – và cả chính mình - nhốt vào 3 cái hộp.

 

Hộp đẹp, hộp xấu cũng đều là hộp. Mất tự do, lời thơ bị gò bó và cảm xúc không thể lớn mạnh được.

 

Các nhà thơ đương đại đang tìm cách bứt bỏ những lề luật trói buộc của thơ truyền thống và Thơ Mới để khi nổi hứng, cảm xúc dâng trào có thể nhập vào dòng chảy của tứ thơ – sóng sau dồn sóng trước - chảy tới Bến.

 

Tự nhốt thơ mình – và cả chính mình – vào hộp như Tôn Nữ Thu Dung đã làm giảm giá trị của bài thơ có kỹ thuật thơ xứng đáng được xếp vào hàng cao thủ.

 

Thật đáng tiếc.

 

Phạm Đức Nhì

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét