Nguyễn
Thế Đường kể.
Trần
Mỹ Giống ghi.
Du khách đi từ thành phố Nam Định xuôi theo đường 21 qua cầu Lạc Quần rẽ phải 2 km là tới chùa Nghĩa Xá thuộc xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tên chùa là Viên Quang nhưng chùa nằm trên đất thôn Nghĩa Xá nên nhân dân thường gọi là chùa Nghĩa Xá.
Ngôi chùa toạ lạc trên một khu đất rộng
khoảng 5.000 m2. Chùa được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” với nhiều
công trình hạng mục kiến trúc nối tiếp nhau liên hoàn, cái nọ bổ trợ cho cái
kia, tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh thống nhất từ tam quan, giải vũ, tiền
bái, toà đệ nhị, hành lang đến thượng điện, cấm cung, nhà thờ tổ, phủ, khu mộ
tháp. Phía trước chùa là cánh đồng thoáng đãng càng tôn thêm vẻ bề thế của
chùa, tạo sự cảm nhận choáng ngợp cho du khách khi bước chân tới đây. Phần cao
nhất của chùa là tam quan in bóng xuống mặt nước hồ lung linh huyền ảo. Bắt đầu
từ tam quan, chùa được kiến trúc thấp dần qua giải vũ, đến tiền bái và điểm cuối
cùng là nhà thờ tổ.
Tam quan gồm ba hộp chồng diêm, tầng
hai treo chuông, tầng ba treo khánh. Các chi tiết của tam quan như mái cong,
hoa văn lá lật thể hiện nghệ thuật kiến trúc truyền thống tạo dáng mềm mại,
thanh thoát.
Giải vũ được trùng tu xây dựng từ năm
1889 có quy mô cao rộng. Nơi đây còn là nơi sử dụng thay cho đình làng làm nơi
hội họp của nhân dân, vì thế địa phương có câu:
Bao giờ Nghĩa Xá có đình,
Trung
Ninh có chợ thì mình lấy ta.
Từ tiền bái đến thượng điện là những
công trình còn lưu giữ được nhiều dạng kiến trúc thời hậu Lê như hoành tròn,
chân đá tảng, chạm trổ gỗ… Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ những vị Thánh tổ tu
hành đắc đạo nên chùa có cung cấm và lưu giữ các sắc phong của các triều đại
ban tặng.
Theo bia “Viên Quang tự bi minh tỉnh
tự” do Dĩnh Đạt soạn khắc năm 1121 hiện còn đặt tại chùa thì Viên Quang tự có gốc
tích từ thời Lý, do Giác Hải thiền sư sáng lập và trụ trì. Ban đầu chùa được
xây dựng ở bờ nam của một nhánh sông Hồng thuộc hương Giao Thuỷ. Giác Hải khởi
công xây dựng chùa từ năm 1121, hoàn thành năm 1122 và đặt tên chùa là Diên
Phúc. Năm 1138 vua Lý Anh Tông xuống chiếu tu sửa chùa, năm 1167 lại xuống chiếu
tu sửa lần thứ hai và đổi tên thành Viên Quang tự với ý nghĩa “viên mãn quang đại”.
Theo văn bia “Viên Quang tự bi ký” khắc năm 1888 thì sau lần trùng tu năm 1167
chùa có quy mô lớn tới 36 toà với hàng trăm gian nhà. Về sau do sự đổi dòng của
sông Hồng, chùa có nguy cơ lở xuống sông
nên nhân dân địa phương chuyển chùa về xứ Bát Dương (nay thuộc xã Vũ Phong và
xã Vũ Hợp, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Năm 1865 nước sông xâm thực đất lở tới sát chân chùa, nhân
dân địa phương lại chuyển chùa về khu đất trại của làng Hộ Xá (tức Nghĩa Xá hiện
nay). Đến tháng 5 – 1868 thì dựng xong chùa theo đúng quy cách cũ. Từ đó đến
nay do thời gian, thiên tai tàn phá, chùa hư hỏng nhiều, lại nhiều lần tu sửa
thay đổi nên nguồn gốc vật liệu xây dựng ban đầu hầu như không còn. Thời kỳ thực
dân Pháp đô hộ nước ta, chúng nhiều lần tàn phá, huỷ hoại tượng Phật và đồ thờ
tự. Hiện nay, ngoài tượng phật, chùa chỉ còn lưu giữ được một số bảo vật như:
–
Chuông đồng đường kính 0,8 m, cao 1,5 m, đúc năm 1826.
–
Khánh đồng dài 1,3 m, rộng 0,93 m có chạm rồng, hoa cúc, hoa văn sóng nước, mây
bay.
–
Kiệu bát cống thời hậu Lê có chạm khắc rồng rất gần với con rồng thời Trần.
–
Nhang án bằng gỗ thời hậu Lê chạm khắc các đề tài hoa cúc, rồng, lá đề, long
mã, hoa thị.
–
Nghê gỗ thời hậu Lê ở tư thế ngồi dùng kê chân kiệu.
–
Hai con chồn đá thời hậu Lê đặt ở bờ hồ phía trước chùa dài 1,3 m, cao 0,4 m.
Đây
là những hiện vật quý rất có ích cho công tác nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, văn
hoá, nghệ thuật Việt Nam.
Theo lệ cổ, cứ vào ngày 15 – 3 âm lịch
các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu chùa mở lễ hội cúng Phật và rước kiệu các vị Thánh tổ
ra ngự ở giải vũ. Nhân dân địa phương chỉ rước ba cỗ kiệu và bài vị của Lý Thần
Tông, Giác Hải, Minh Không, mà không rước kiệu Lục Thượng Thái sư. Tương truyền,
năm nào rước kiệu của Lục Thượng Thái sư là năm đó gặp hạn hán mất mùa, vì thế
nhân dân ở đây còn gọi Lục Thượng Thái sư là Thánh Chèm. Các lễ vật dùng để
cúng bái đều phải do các chàng trai chưa vợ làm. Sau phần nghi lễ cúng bái Phật
Thánh là phần hội. Phần hội chủ yếu là bơi trải cạn và múa rối hề nước. Người
ta xếp ba hàng chiếu quanh bờ hồ cho thanh niên rước ba cỗ kiệu, mỗi kiệu 8 người
khênh. Trước khi rước kiệu những người này cầm chèo làm động tác bơi trải cạn rất
nhịp nhàng, đẹp mắt. Sau đó họ rước kiệu từ giải vũ đi quanh hồ rồi vào chùa.
Trong khi đó múa rối hề nước cũng diễn ra trên mặt hồ. Các nghệ nhân ẩn mình
trong gian nhà nổi trên mặt hồ điều khiển 8 cái đầu rối lặn hụp làm trò. Các cụ
già trong làng nói rằng trò múa rối hề nước 8 cái đầu là để nhớ lại sự tích
Giác Hải gặp 8 cái đầu trên biển. Khi được vua Lý thưởng công chữa bệnh cho
vua, Giác Hải chỉ xin được lấy đồng về đúc chuông. Trên đường về, gặp 8 tên cướp
biển chặn đường, ông chém đầu chúng. Lạ thay, 8 cái đầu cứ vật vờ trôi theo ông
về chùa. Lại có thuyết cho rằng 8 cái đầu là 8 người con cầu tự của một nhà
buôn giàu có. Vì nhà buôn cho vay nặng lãi nên Phật chỉ cho họ sinh được 8 cái
đầu. Họ bèn vứt 8 cái đầu xuống biển. Trên đường về, Giác Hải gặp 8 cái đầu
trôi nổi, hỏi ra biết sự tình, ngài cho 8 cái đầu theo về chùa.
Chùa Nghĩa Xá đã được nhà nước công nhận
là di tích lịch sử văn hoá kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, theo Quyết định số
1371/QĐ ngày 3 – 8 – 1991 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Thể thao và Du lịch
do Thứ trưởng Vũ Khắc Liên ký.
Mỗi kỳ chùa Nghĩa Xá mở lễ hội có hàng
nghìn tăng ni Phật tử và du khách về dự. Tại đây, du khách được đắm mình vào cảnh
quan đẹp, được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc và cổ vật có giá trị của
chùa, được hưởng niềm thư thái lâng lâng nơi cửa thiền và chứng kiến một lễ hội
cổ truyền mang sắc thái riêng có từ lâu đời ở vùng đất văn vật Thiên Trường nổi
tiếng.
TMG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét