Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

NỖI NIỀM NGÀY TRỞ VỀ / Lê Văn Hy



(trích đoạn kết Hồi ký “Làm báo ơ chiến trường Tây nguyên” của Lê Văn Hy, nguyên phóng viên chiến trường  Tây Nguyên)

  Về phòng được vài ngày thì một hôm tôi được Thích (anh nuôi của phòng) báo cho biết là bốn anh em phóng viên TTXVN  nhập vào quân đội sẽ được ăn bồi dưỡng nửa tháng. Có người bảo chúng tôi sắp được ra Bắc. Ôi, tôi mới hồi hộp vui sướng làm sao. Lúc đầu còn nửa tin nửa ngờ, sau thấy Biên, Tường, Tùng đều nói như vậy cả, tôi mới tin. Thế là suốt hơn nửa tháng kể từ đó cho tới ngày chính thức được ra Bắc, tôi sống trong không khí  hồi hộp mừng vui, chờ đợi. Nhiều khi cả đêm cứ suy nghĩ không sao ngủ được. Mình được ra Bắc ư?

  Tuy hồi hộp chờ mong nhưng tôi vẫn tỏ ra bình tĩnh. Tôi vẫn tiếp tục hoàn thành bài viết “Họ hướng về đồng bào Tây Nguyên” kịp đăng trên báo Quân giải phóng Tây Nguyên.

   Dần dần rồi ý đồ của trên cho chúng tôi ra Bắc cũng đã rõ. Các anh lãnh đạo phòng Chính trị, ban Tuyên huấn B3 đã nói rõ chuyện đó với chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu được làm bản báo cáo thành tích. Gần đến ngày trở về miền Bắc, anh em trong ban, trong phòng đều mừng cho chúng tôi. Một số anh em đồng hương đã tổ chức bữa ăn liên hoan nhỏ  để mời chúng tôi ăn.  Trong hoàn cảnh chiến trường gian khổ, càng về sau tôi càng thấy tình cảm đồng hương, đồng đội là cao quý thắm thiết biết nhường nào. Ban Tuyên huấn cũng tổ chức bữa liên hoan với chúng tôi. Anh Thái Bá Nhiệm, thượng tá, lúc đó là quyền chủ nhiệm chính trị mặt trận  cung mời chúng tôi ăm cơm với anh,  Ban  còn tặng anh em chúng tôi mỗi người một lọ dầu thơm, một chiếc bút máy kim tinh, một chiếc khăn mùi xoa.

Chúng tôi tự hào là suốt gần 6 năm ở chiến trường gian khổ nhất, chúng tôi đã chịu đựng được. Chúng tôi đã phấn đấu tốt trong mọi hoàn cảnh. Chúng tôi đã được khen thưởng, được cồng nhận là dũng sĩ quyết thắng. Mỗi người còn dược tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Hai. Đó là vinh dự, là niềm tự hào lắm chứ. Suốt quá trình gian khổ đó đã rèn luyện tôi  từ chỗ chưa biết thế nào là rừng núi, đến chỗ có thể đi công tác độc lạp từ đơn vị này đến đơn vị khác, trên các đường rừng, mắc võng ngủ ở bất cứ khu rừng nào. Tôi đã ăn sắn thay cơm hàng tháng trời  mà vẫn không xao xuyến. Tôi có thể gùi nặng tới 40 kg leo đèo lội suối. Tôi biết làm nương rẫy, biết cầm dìu chặt đổ những cây cổ thụ hang người ôm, biết dọn rẫy, tuốt lúa trồng lạc, trồng ngô, tỉa lúa mà những công việc này trước đây toi chưa từng làm. Tôi đã có khả năng tự cải thiện đời sống giữa nơi rừng núi hoang vu, biết cách lấy măng rừng thế nào thì được nhiều. Chính vì thế mà các anh em bộ đội gọi tôi là “trọng măng“. Tôi biết câu các loại cá dưới suối, câu như thế nào mới được cá. Câu cá là điều ham thích của tôi từ bé, nhưng thời gian ở chiến trường đã huấn luyện cho tôi thành người câu cá giỏi. Tôi còn biết được nhiều loại rau rừng, và biết cách tìm cách nấu từng loại ra rừng. Có thể nói những năm ở chiến trường là những năm đầythử thách rèn luyện đối với tôi. Tôi đã trưởng thành hơn về nghề nghiệp viết tin, biết cách viết thành thạo loại tin mới là tin quân sự, tin tác chiến. Biết viết các bài tường thuật các trận đánh mà ở ngoài Bắc tôi chưa viết được. Các kiến thức về quân sự tôi cũng đã được hiểu biết thêm. Tôi đã viết đủ loại các thể loại tin  quân sự  như tin tổng hợp 1 tháng, 1 năm  về thành tích toàn diện của mặt  trận  cũng như thành tích của từng binh chủng. Đó là sự trưởng thành về nghiệp vụ của tôi.

  Người ta nói ”Có cứng mới đứng đầu gió“ , “Vàng thì thử lửa thử than“. Tôi đã đứng vững trong bão táp của mọi thử thách để bây giờ càng càng vững vàng hơn.  Tôi đã trải qua những gian khổ mà phải nói không có gian khổ nào bằng những gian khổ triền miên, dai dẳng trên rừng núi Tây Nguyên. Mùa mưa kéo dài đến 5, 6 tháng liền. Đi công tác vẫn phải gội mưa. Lội suối mùa mưa mà không bơi được là mối lo rất lớn. Mưa suốt ngày đêm, quần áo ướt phải đốt lửa hong. Tôi hớ có lần, tôi chỉ có độc một chiếc quần dài, nên mỗi khi giặt phải mặc quần đùi. Lại còn đói nữa chứ! Có thể nói được một bữa cơm không độn ăn no là hiếm có. Chỉ có khi ngày lễ, ngày Tết mới được ăn cơm không có độn sắn nhưng mỗi bữa cũng chỉ hai lạng gạo. Nhiều khi ở xa rẫy thì sắn cũng phải hạn chế không được ăn no. Mà thức ăn thì có gì đâu, ngoài mỗi tháng 8 lạng muối, có tháng chỉ có 6 lạng và 20 gam mì chính mỗi người. Quần áo thì từ khi tôi vào chiến trường mãi ba năm sau mới được phát bổ xung 1 chiếc quần dài, hai năm sau nữa mới được phát đủ một bộ. Như vậy là gần 6 năm tôi chỉ được phát bổ xung 1 bộ rưỡi. Những thứ cần dùng thì 3 tháng chỉ được phát ¼ bánh xà phòng, 6 tháng một hộp kem đánh răng, một năm mới được 1 chiếc khgawn mặt. Tôi còn nhớ có lần lội suối bị rơi một chiếc dép, phải đi bộ hàng tháng trời mới được hậu cần phat bổ xung đôi dép mới. Tình cảm thì ngoài tình đồng đội đông hương ra không thể có tình yêu trai gái. Bởi lẽ hàng trăm hàng ngàn bộ đội mới có được vài mươi cô gái ở các trạm xá, văn công.

   Chúng tôi ở rừng mấy năm mà có khi nào thấy các em bé kháu một chút đâu  chỉ trừ trường hợp đi công tác ở vùng giải phóng mới được thấy nhiều các cháu thiếu nhi, nhi đồng. Cho nên đối với các đồng chí ở hậu cứ ít được thấy thèm khát tình cảm vô cùng.  Chẳng thế mà khi B3 chiếu bộ phim “Thiếu nhi với Bác Hồ“, anh em bộ đội đề nghị chiếu đi chiếu lại mấy lần. Bởi vì lâu ngày mới được thấy các em thiếu nhi đẹp đến như thế, dù chỉ trên màn ảnh thôi. Trong điều kiện gian khổ thiếu thốn như vậy mà chịu đựng được để công tác mà hoàn thành mọi nhiệm vụ tốt đẹp là điều đáng tự hào của cán bộ chiến sĩ B3 tây Nguyên, trong đó có tôi. Cho nên cảm tưởng của tôi trước khi được ra Bắc là cảm tưởng đầy tự hào về sức chịu đựng của mình tuy còn rất nhỏ cho sự nghiệp cách mạng.  

   Sáng 18 tháng 8 năm 1973, trước khi chia tay các bạn chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, tôi thấy nghẹn ngào không sao cầm được nước mắt. Nghẹn ngào vì thấy mấy năm gian khổ vừa qua, mà thương mình, thương anh em. Nghẹn ngào vì thấy các đồng chí đồng đội của mình có người vào Nam đã 9, 10 năm nay, bây giờ vẫn còn phải ở lại vì nhiệm vụ. Tôi cảm thấy thương họ quá. Những anh em đồng chí đồng đội của mình đã từng chung sống mấy năm qua, no đói vui buồn có nhau, bây giờ kẻ đi người ở lại, ai mà không bồi hồi xúc  động.

  Hồi ký này đã kể lại suốt quá trình chiến đấu công tác ở chiến trường B3 (Tây Nguyên) từ khi đi B (10 tháng 5 năm 1968) đến ngày đầu tiên được trở về miền Bắc, có một phần kính tặng các bạn chiến hữu của tôi  và sau nữa là ghi lại những kỷ niệm tuổi thanh xuân của tôi trong suốt những năm dài chống Mỹ, cứu nước./.

 

LÊ VĂN HY

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét