Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

BẢN THẢO “TRUYỆN NHẶT” / TRẦN MỸ GIỒNG


 

Nghe bạn bè gợi ý, mình tập hợp hơn bảy chục mẩu truyện đăng facebook in thành bản thảo:

TRUYỆN NHẶT / Trần Mỹ Giống. – Nam Định: Tủ sách Trần gia, 2020. – 230 tr. ; 21 cm.

Khoảng ba bốn chục truyện đăng tranmygiong.blogtiengviet.net bị mất không tìm lại được do trang này nhà mạng trục trặc kỹ thuật không hồi phục được toàn bộ các bài năm 2015-2016.

Những mẩu truyện nhỏ nhặt hàng ngày mà mình là người trong cuộc, chứng kiến, tai nghe, mắt thấy được viết tùy hứng theo cảm xúc của mình. Dường như sự việc diễn ra thế nào, tường thuật lại như vậy. Nhiều tên nhân vật, địa danh, hội đoàn… được giữ nguyên như trong thực tế, nhiều nhân vật hiện còn đang sống… Mình không mua lệnh xuất bản, chỉ lưu hành nội bộ đọc chơi thôi. Suy cho cùng, tất cả rồi đều thành mây khói, mấy nghìn năm qua được hậu thế nhớ đến hỏi mấy ai?

Mình cũng không để ý đến thủ pháp nghệ thuật, thấy sao viết thế, miễn là chân thực. Có truyện vài nghìn chữ, có truyện vài chục từ…

Nội dung tập trung hai chủ đề: Thể hiện tình cảm tốt đẹp với việc tốt và người thân, phê phán nhẹ nhàng thói hư tật xấu, một số giai thoại về tác giả thời phong kiến và hiện tại.    

Xin trích một số truyện đã được đăng tạp chí Tác phẩm mới, báo Nông nghiệp Việt Nam, tạp chí Văn Nhân v.v… Bác nào thư thả mi đọc, chán thì bỏ:

 

  KHEN ĐỂU

        Nhà thơ họ Chu gọi điện bảo:

        - Tôi vừa đọc bài của tác giả họ Phạm giới thiệu tập thơ của nhà thơ họ Đỗ đăng trên blog của chú. Sao chú lại đăng một bài khen đểu vậy?

        Tôi nóng mặt, gằn giọng:

        - Bác nói thế là sao? Bài của bác Phạm viết hay, bình đâu ra đấy, thơ trích dẫn hay tuyệt như vậy, bạn đọc comments khen lắm cơ mà, sao bác lại bảo là khen đểu?

        - Thì chính là câu thơ hay tuyệt ấy đấy. Câu ấy ông Đỗ ăn cắp của ông Vũ, nhờ câu thơ ấy mà ăn gian được giải thưởng thơ, bị đồng nghiệp Minh Thư viết bài phanh phui trên báo Người Hà Nội, chú không biết à?

        - Ớ… ớ…!!!

 

  CHẠY… CHỨC

  Thằng cháu nội ông em ruột tôi học lớp ba. Một hôm, đi học về nó bảo:

  - Ông nội ơi! Ông xem có khả năng thì cố chạy cho cháu cái chức lớp trưởng với!

  Ông nội hỏi:

  - Làm lớp trưởng thì chỉ vất vả, có lợi gì đâu mà chạy.

  Cháu:

  - Lợi nhiều chứ ông. Làm lớp trưởng được chỉ huy các bạn, oai phong lắm ông ạ. Nhiều bạn có củ khoai, cái kẹo cũng phải hối lộ lớp trưởng…

  Ông:

  - Nhưng lớp trưởng là do các bạn bầu, ông chạy làm sao được?

  Cháu:

  - Không đâu, lớp trưởng là do cô giáo chỉ định ông ạ. Ông có tiền chạy cô cho cháu làm lớp trưởng đi ông!

  - !!!

 

  THẰNG HÀO LÀ THẰNG NÀO?

  Chú em con cậu tôi, hồi trẻ rất ngỗ ngược. Chú nổi tiếng “anh chị” ở làng, ai cũng kiềng mặt chú. Đám thanh niên ba trợn quanh vùng bị chú dùng vũ lực thần phục, tôn chú làm đại ca.

  Một lần chú khoe:

  - Ở cái đất Trà Lũ này, chỉ có mọi người sợ tao, chứ tao chẳng sợ thằng đếch nào hết.

  Nghe chú nói thế, cậu tôi hỏi:

  - Thế mày có sợ thằng Hào không?

  Chú ngạc nhiên hỏi:

  - Thằng Hào là thằng nào? Sao con không nghe tiếng?

  Cậu tôi vỗ vào ngực mình, bảo:

  - Thằng Hào là thằng này chứ còn thằng nào!

  - !!!

 

  KHEN CHO NÓ CHẾT!

  - Anh là một nhà văn thuộc hàng cây đa cây đề của làng văn học nghệ thuật tỉnh. Hắn chỉ là một tác giả làng nhàng. Tư cách đạo đức hắn thuộc loại đầu đường xó chợ. Vậy mà anh lại công bố một bài viết trên tạp chí văn học nghệ thuật ca ngợi, ví hắn với vĩ nhân là sao?.

  - Ồ, thằng này là loại rác rưởi, khen cho nó chết ấy mà!

 

GIAI THOẠI NHÀ VĂN TRẦN QUỐC TIẾN

  1- CÁI GIẺ LAU

  Nhà văn Trần Quốc Tiến có nhiều bài viết trên báo Văn nghệ và một số báo, tạp chí khác về chủ đề chống tham nhũng rất sắc sảo. Nhân về thăm nhà văn (tại làng Địch Lễ, xã Nam Vân, ngoại thành Nam Định), tôi hỏi ông:

   - Thưa nhà văn Trần Quốc Tiến, đọc các bài viết chống tham nhũng của ông, tôi rất thích vì nó thường ngắn gọn mà súc tích. Nhưng hình như ông chưa chú ý lý giải vì sao cái nạn tham nhũng càng chống lại càng... tham nhũng hơn? Ông có dự định viết về điều này không?

   Trần Quốc Tiến sôi nổi:

   - Có chứ! Ông nghe tôi kể về cái giẻ lau nhé.

   Nhà văn Trần Quốc Tiến mời chúng tôi uống trà, rồi hắng giọng kể câu chuyện tưởng như chẳng ăn nhập gì tới câu hỏi của chúng tôi:

   - Một lần, tôi sai thằng cháu nội lau cái bàn viết. Nó lau đi lau lại mà cái bàn vẫn không sạch. Nó bảo tôi: “Ông ơi, cái bàn của ông bẩn quá nên cháu lau mãi mà vẫn không sạch?” Thì ra cu cậu lau bằng cái giẻ lau bẩn. Tôi liền bảo cháu: “Cháu lau mãi mà bàn vẫn bẩn, không phải tại cái bàn, mà chính là tại cái giẻ lau của cháu bẩn”. Cháu tôi hiểu ra, nó liền thay bằng cái giẻ lau sạch, và tất nhiên là cái bàn cũng được lau sạch.

   Tệ tham nhũng làm bẩn xã hội, cần phải có những cái giẻ sạch để lau đi. Chúng ta chưa ngăn chặn triệt để được tệ tham nhũng là vì chúng ta còn dùng những cái giẻ lau bẩn. Bốn quan thanh tra tỉnh Nam Định bị bắt quả tang nhận hối lộ 40 triệu đồng mà gần đây báo chí phanh phui là những cái giẻ lau bẩn. Còn bao nhiêu cái giẻ lau bẩn hơn mà chúng ta chưa biết hoặc chưa xử lý đến nơi đến chốn?

   Chuyện cái giẻ lau của nhà văn Trần Quốc Tiến thật giản dị và dễ hiểu. Tôi trầm trồ:

   - Chuyện của ông như là chuyện ngụ ngôn hiện đại ấy. Chống tham nhũng trước hết phải chống bẩn cho những cái giẻ lau, phải không nhà văn?

   Trần Quốc Tiến khẳng định:

   - Đúng vậy! Một trong các biện pháp hàng đầu chống tham nhũng là phải lựa chọn kỹ càng và thường xuyên làm trong sạch đội ngũ cán bộ thanh tra, những người được nhà nước trao cho trọng trách làm trong sạch xã hội. Giẻ có sạch thì mới lau sạch được bẩn. Đúng không?

   Tôi chỉ còn biết tán đồng:

   - Đúng thế!

   2- SỐNG LẠI ĐỂ NGHE VĂN

  Nhà văn Trần Quốc Tiến - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là người có khiếu văn thơ từ nhỏ. Ông được rất nhiều bạn đọc nông dân mến mộ không chỉ vì ông là nông dân tự học thành tài, mà còn vì những tác phẩm của ông viết về nông thôn rất hấp dẫn.

  Làng bên có cụ Ngô Đức, một người thông thạo chữ Hán rất hâm mộ văn của Trần Quốc Tiến. Năm ngoài tám mươi tuổi bị ốm nặng, cụ sai con trai mời Trần Quốc Tiến đến nhà để cụ thưa chuyện. Khi Trần Quốc Tiến đến, cụ trình bày nguyện vọng:

      - Trước khi từ giã cõi trần, tôi muốn được anh viết cho bài điếu để tôi sai con cháu sao thành hai bản, một bỏ vào quan tài, một để vào khám thờ tôi. Nghĩa tử là nghĩa tận, mong anh giúp cho.

          Nhà văn vui vẻ nhận lời. Nhưng công việc cuốn hút, lại nghĩ chắc cụ Ngô Đức chưa vội quy tiên đâu nên Trần Quốc Tiến lần khân rồi quên khuấy đi. Một buổi trưa, Trần Quốc Tiến được tin cụ Ngô Đức vừa qua đời. Nhà văn hốt hoảng như rụng rời tay chân. Anh lao vào bàn, xé vội hai tờ giấy vở học sinh, cầm bút viết lia lịa trong niềm ân hận, vừa viết vừa khóc. Viết xong, anh chạy ngay sang nhà cụ Ngô Đức, xin người nhà dừng khóc và nhường lối cho anh vào bên giường cụ nằm. Anh vái cụ hai vái, rồi xin đọc bài điếu cho linh hồn cụ nghe. Khi đọc được một phần ba bài điếu, anh thấy hình như cụ chớp mắt. Đọc được nửa bài, bỗng nghe cụ nói thành tiếng “Hay lắm”. Nghe xong bài điếu, cụ yêu cầu sửa lại số lượng con cháu cho đúng thực tế, vì bài điếu nói chưa đủ. Sau này người nhà kiểm tra lại thì hoá ra số liệu con cháu do con trưởng cụ cung cấp là sai, số liệu cụ yêu cầu sửa mới là đúng.  Nhà văn kính cẩn nâng đầu cụ dậy, đặt bài văn xuống gối. Cụ thì thào:

  - Cảm ơn! Anh ở lại, tôi đi.

  Nói xong, cụ nhắm mắt rồi đi hẳn.

  Chuyện người chết sống lại để nghe văn lần đầu tiên tôi được biết. Tôi rất tin chuyện này là có thực, vì tác phẩm văn học nghệ thuật có sức truyền cảm rất mạnh. Nếu ai không tin, cứ về xã Nam Vân, ngoại thành Nam Định, hỏi chính nhà văn Trần Quốc Tiến, hoặc hỏi con cháu cụ Ngô Đức thì sẽ rõ.

 

  GIAI THOẠI TIẾN SĨ VŨ HUY TRÁC

     (Sưu tầm và biên soạn)

  Tiến sĩ Vũ Huy Trác hiệu Giác Trai, (1730 - 1793) người ấp Lộng Điền, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam (nay là thôn Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) nổi tiếng là quan thanh liêm và cương trực. Thời gian làm Hiến sát sứ Kinh Bắc, ông đã xử nhiều vụ án rất nghiêm minh, bênh vực người dân vô tội, trấn áp bọn quan lại và kẻ giàu có cậy quyền thế hà hiếp nhân dân, được nhân dân hết lời ca ngợi. Vụ phạt Đặng Mộng Lân là một trong những vụ án Vũ Huy Trác đã xử là một ví dụ.  Chuyện kể rằng:

 

  1- LÀM QUAN KHÔNG SỢ UY QUYỀN

 

        Đặng Thị Huệ người làng Phù Đổng, huyện Tiên Sơn, sứ Kinh Bắc là người có nhan sắc nhưng vô cùng xảo quyệt và đầy tham vọng. Sau khi được tuyển làm cung nữ, thị Huệ tìm mọi cách quyến rũ Thái tử Lê Duy Vĩ. Nhưng khi biết vua Lê không có thực quyền, thị Huệ lại tìm cách chạy sang phủ chúa để quyến rũ Trịnh Sâm. Từ một cung nữ, Đặng Thị Huệ trở thành Tuyên phi đầy quyền lực, được chúa Trịnh vô cùng yêu chiều. Đặng Mộng Lân (thường gọi là Ba Trà) là em trai Đặng Thị Huệ, đã ỷ thế của chị tha hồ tác oai tác quái, làm nhiều điều ngang ngược côn đồ mà không ai giám trị tội. Khi Vũ Huy Trác về làm Hiến sát sứ Kinh Bắc, có người đánh bạo kêu lên ông là Ba Trà tự do giết người cướp của, hãm hiếp phụ nữ giữa ban ngày, ai chống cự thì bị cắt vú xẻo tai. Nhân dân vô cùng căm phẫn nhưng các quan sở tại đều phải làm ngơ vì sợ uy quyền nhà chúa. Vũ Huy Trác cho gọi Đặng Mộng Lân đến công đường xét xử nhưng y không đến. Ông liền sai lính đến bắt giải y tới công đường, kể tội và ra lệnh phạt 30 trượng rồi tống giam y vào ngục. Việc đến tai nhà chúa, Tuyên phi vô cùng tức giận, nhưng chúa Trịnh đành phải làm thinh vì biết Vũ Huy Trác là người cương trực. Vua Lê thì hết lời khen ngợi và thưởng cho ông 500 quan tiền.

  Làm quan nghiêm minh, không sợ uy quyền, quyết giữ nghiêm phép nước như Vũ Huy Trác là tấm gương sáng muôn đờ

  2- ĐỐI ĐÁP VỚI SỨ GIẢ TÂY SƠN

  Tiến sĩ Vũ Huy Trác nổi tiếng về văn học. Người đương thời gọi ông là “Thần phú Giác Trai”. Dân gian có câu “Gà Văn Cú, phú Lộng Điền, tiền Đức Hậu” ca ngợi tài làm phú của ông. Giai thoại Đối đáp với sứ giả Tây Sơn là một minh chứng về tài văn học của ông.

  Chuyện kể rằng:

        Sau khi bình định Bắc Hà, vua Quang Trung có chủ trương sử dụng những quan lại có năng lực của nhà Lê. Xét thấy Tiến sĩ Vũ Huy Trác là vị quan nhà Lê có tư cách đạo đức trong sáng và có tài thu phục nhân tâm, vua Quang Trung sai sứ giả về tận quê mời ông ra làm quan với triều Tây Sơn. Nhưng ông mang nặng tư tưởng "Tôi trung không thờ hai chúa", cho rằng mình hưởng lộc nhà Lê mà lại ra giúp Tây Sơn thì sẽ bị người đời chê cười nên ông đã từ chối, không ra làm quan nữa.

        Khi sứ giả Tây Sơn về quê mời Vũ Huy Trác ra làm quan với nhà Tây Sơn, ông viện cớ mắt thong manh để từ chối. Sứ giả không tin, liền lấy cây kim nhọn bất ngờ dứ dứ vào mắt ông. Thấy ông mắt không chớp, nét mặt vẫn bình thản, sứ giả liền đọc một vế đối:

        Con ngươi lồng lộng trong như ngọc.

        Ông ứng khẩu đáp lại ngay:

        Thằng bé ngăm ngăm cứng tựa đanh.

        Vế đối của sứ giả thanh mà tục, tỏ ý xấc xược lại nhắc đến tên làng Lộng Điền của Vũ Huy Trác. Vế đối của Vũ Huy Trác dùng chữ "nghiêm trang" nói đến tên làng Ngăm của sứ giả (Vị sứ giả này là người làng Nghiêm Trang), cũng rất thanh mà rất tục, tỏ rõ ý coi khinh sứ giả (coi vị sứ giả này cũng như... cái chim thằng bé mà thôi). Vế đối của Vũ Huy Trác rất chuẩn, chữ đối chữ, ý đối ý làm sứ giả tím mặt mà không chê vào đâu được. Sau sự kiện này, vua Quang Trung biết không thể thuyết phục được Vũ Huy Trác nên đành cho biên tên ông vào sổ nhiêu lão và để yên cho ông sống ở quê.

        Dân gian lưu truyền và nhiều sách ghi lại chuyện Vũ Huy Trác đối đáp với sứ giả Tây Sơn như là một giai thoại xác nhận tài năng văn học của ông.

 

        BẤT BÁI TOÀN QUYỀN

(Giai thoại Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên)

          Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên hiệu Châu Phong (1852 – 1937) người làng Hành Thiện, huyện Giao Thuỷ (nay là thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) nổi tiếng là người có khí phách.

           Năm 1892 Toàn quyền Đông Dương De Lanessan đi kinh lý Hải Dương. Tổng đốc Hải Dương đã thông báo cho các Tri phủ, Tri huyện trong tỉnh phải có mặt tại Nha công sứ Hải Dương đúng ngày giờ đã định để đón chào viên Toàn quyền. Khi ấy Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên làm Tri phủ Nam Sách. Phủ lỵ Nam Sách chỉ cách thành Hải Dương 6 cây số và qua 1 con đò mà Tri phủ Nguyễn Ngọc Liên lại đến địa điểm tập trung rất muộn. Khi ông đến nơi thì các quan trong tỉnh đã có mặt đầy đủ, viên toàn quyền đang đọc lời hiểu dụ. Ông lẳng lặng đứng vào hàng với các bạn đồng liêu. Thấy Tri phủ Nam Sách đến muộn đã không xin lỗi, lại không thèm lạy chào mình, viên Toàn quyền rất tức giận. Hắn cho là Nguyễn Ngọc Liên có tinh thần chống Pháp nên đã đề nghị Nha Kinh lược Bắc Kỳ phải kỷ luật ông thật nặng.

         Trong thời gian này lại xảy ra vụ nghĩa quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo đã tấn công đồn lính Pháp trong huyện, giết chết 4 tên lính Pháp trong đó có tên Thiếu uý đồn trưởng, thu 17 khẩu súng và rút lui an toàn. Đồn lính này chỉ cách phủ lỵ của Tri phủ Nam Sách Nguyễn Ngọc Liên chưa đầy nửa cây số nhưng ông đã "án binh bất động", để cho nghĩa quân tự do hành động. Việc này làm cho bọn Pháp nghi ngờ ông có liên hệ với nghĩa quân Bãi Sậy. Nha Kinh lược Bắc Kỳ đã ra nghị định phạt ông nghỉ không lương một năm. Sau đó mấy lần nha Kinh lược có ý định tái bổ chức Tri phủ, rồi Đốc học Nam Định cho Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên nhưng ông quyết không nhận. Từ đó ông ở nhà làm nghề thuốc và dạy học, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.

         Bằng hành động "Bất bái Toàn quyền", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên đã nêu tấm gương sáng về khí tiết nhà Nho, khích lệ tinh thần bất khuất và tự hào dân tộc.

        Thời nay, không biết các hèn sĩ có biết xấu hổ với sĩ phu thời xưa không nhỉ!

 

  NGÀY ĐẦU ĐI HỌC CỦA BÉ HẰNG

          Bố làm công nhân bưu điện. Mẹ dạy ở trường tiểu học. Ban ngày bố mẹ đi làm, bé Minh Hằng ở với ông bà ngoại. Tối mẹ đón về. Năm Hằng lên ba, bà ngoại chuẩn bị tâm lý cho Hằng đi học mẫu giáo. Ngày ngày hai bà cháu đóng vai cô giáo và học sinh. Bà ngoại thường rót vào tai cháu:

        - Nào, ăn nhiều chóng lớn để đi học. Đi học có nhiều bạn, có nhiều đồ chơi, có cô giáo yêu như mẹ hiền, được học hát múa, học chữ vui lắm. Nào ngoan, đi học biết chữ để đọc báo, đọc sách, rồi làm cô giáo nào.

          Thỉnh thoảng cháu lại hỏi bà:

      - Bà ơi! Cháu đã lớn chưa? Bao giờ cháu được đi học hả bà?

        Bà bảo:

       - Ừ, cháu sắp được đi học rồi. Cháu ăn nhiều cho cao lên để chóng được đi học nhé!

          Cháu ăn ngon lành, không cần phải ép như trước. Mỗi lần ăn xong, cháu đứng dựa vào tường, chân kiễng lên, hỏi bà:

          - Bà xem cháu đã cao chưa?

         - Ừ! Cháu bà cao sắp bằng anh Phương rồi. Mai bà cháu mình đi mua cặp sách cho Hằng đi học nhé!

                           *

          Mẹ Hằng nói với ông bà ngoại:

          - Bố mẹ ạ, con đã xin cho cháu vào lớp 4 tuổi Trường Mầm non Phụ nữ là trường tốt nhất thành phố rồi, mai con cho cháu đến lớp ạ.
          Chín giờ tối, mẹ lại lai Hằng ra ông bà ngoại:
          - Con Hằng nhõng nhẽo đòi ra ông bà bằng được, để ông bà cho cháu đi mua cặp sách đây này.
          Ông săng sái lấy xe máy đèo hai bà cháu ra phố. Bà chọn cái cặp da đắt tiền. Hằng không chịu. Hằng thích cái cặp nhựa có gắn những hình con gấu, con thỏ, siêu nhân màu đỏ, vàng, xanh...
          Bố mẹ cho vào cặp bộ quần áo, bút chì, vở tập tô màu. Hằng đi ngủ, ôm cặp không rời.
          Ngày đầu tiên đi học, Hằng hào hứng phấn khởi, hát luôn miệng. Chiều mẹ đón về, Hằng ỉu sìu, mắt đỏ còn hoen nước.

      Sáng ngày thứ hai, Hằng nhất định không chịu đi học. Mẹ hỏi:

       - Sao hôm qua con thích đi học, hôm nay lại không chịu đi?

    Hằng một mực nói: “Con không đi học đâu!” và đòi mẹ lai đến nhà ông bà ngoại.
          Vừa tới cửa, mẹ Hằng đã tru chéo:
        - Đây, ông bà lai đi học mà con không đi thì mẹ đánh nhừ đòn! Ông bà xem này, nó đi học được một ngày, hôm nay giở quẻ không chịu đi. Nói mấy nó cũng không chịu. Nó gào khóc đòi ra ông bà đây này.

         Ông đón cháu vào nhà. Hằng ôm chặt cổ ông, hai chân quặp chặt bụng ông, miệng vừa khóc vừa cầu cứu:

       - Ông ôm chặt cháu vào! Cháu ứ đi học đâu! Ông ôm chặt cháu vào!

          Mẹ quát:

         - Ông ôm chặt thì mẹ cũng giật con ra được. Con không đi học thì mẹ đánh đòn. Hư quá!
          Hằng gào lên:

        - Ứ đâu! Con không đi học đâu! Con học cô giáo bà cơ, con học cô giáo bà cơ!

          Bà bảo:

          - Thôi mẹ nó cứ đi làm đi, để rồi ông bà thí nó đi học sau.

          Mẹ đi rồi, bà bảo:

          - Nào cháu ngoan kể cho bà hôm qua cháu đi học có vui không nào? Cô giáo dạy hát bài gì nào? Có những bạn gì nào?

          Hằng nói trong tiếng nấc:

      - Bà ơi cháu sợ cô giáo lắm! Cháu không dám đi học đâu!

        - Cô giáo như mẹ hiền, sao cháu lại sợ?

          - Không đâu! Cô ác lắm! Cô ác lắm! Cô lấy cái dao to dài như thế này này – Hằng lấy hai tay mô tả con dao – Cô dứ dao vào cổ cháu. Cô quát: “Mày có nín đi không? Tao chém cho một phát đứt cổ bây giờ!”...

          - Sao cháu lại khóc để cô mắng?

        - Cháu xúc cơm bị vãi ra ngoài, cô cốc vào đầu, nên cháu khóc.

          Ông hỏi:

       - Cháu nói có đúng không? Ông hỏi các cô mà cháu nói sai là bị phạt đấy!

          Hằng mở to đôi mắt đen láy ngây thơ nhìn ông:
       - Cháu nói đúng ông ạ! Cháu sợ cô giáo lắm!
          Bà thở dài:

         - Cô yêu cháu, cô mắng yêu đấy cháu ạ. Bà cháu mình cứ đi học, cô giáo mà mắng cháu như thế nữa thì bà cháu mình báo cáo Hiệu trưởng phạt cô. Hễ cô dọa thì cháu nói cho bà biết ngay nhé! Nào, bây giờ bà cháu mình đi học nào. Bà cháu mình hát bài “Cô và mẹ ấy hai mẹ hiền” nào.
                          *
          Chuyện ngày đầu đi học của cháu tôi rồi cũng qua đi. Cháu Hằng vẫn đi học ở Nhà mẫu giáo đó, nhưng nó không còn cái hồ hởi háo hức như trước khi đi học. Năm vào lớp 1, cháu nằng nặc đòi học “cô giáo Mẹ”, nhất quyết không học ai khác. Mẹ Hằng đành xin cho Hằng học trái tuyến về trường mẹ dạy.

          Năm nay bé Hằng lên lớp ba. Sáng sáng mẹ lai Hằng đến lớp, bán trú, tối mới về nhà. Nhà lại chuyển ra đô thị Hòa Vượng, cách nhà ông bà ba bốn cây số nên ít khi Hằng được về thăm ông bà. Ngày chủ nhật, Hằng đòi bố lai vào với ông bà. Ông bà lại rót vào tai Hằng viễn cảnh tươi đẹp của nhà trường, của các mẹ hiền và tương lai của học sinh. Hằng vẫn chăm chú lắng nghe, gương mặt thơ ngây, đôi mắt đen trong như nước hồ thu lặng gió nhìn xa xăm bất định.                     

   Nhân ngày khai trường 2012

  TMG

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét