Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

VÀI DÒNG LAN MAN VỀ TỪ GHI TRÊN THIỆP CƯỚI / La Thụy



        Vào mùa đám cưới, tôi thường nhận được thiệp mời. Xin nêu vài trường hợp về cách ghi trên thiệp. Khi chú rể là con trai út thì thiệp mời ghi là ÚT NAM. Nếu chú rểcon trai một trong gia đình (con trai duy nhất hoặc chỉ có chị em gái), thì thường được cha mẹ ghi trong thiệp là QUÝ NAM. Cách ghi như vậy trên thiệp mời là không chính xác.
          - Dùng từ ÚT NAM thì người viết thiệp vô tình tạo ra một từ kép sai về ngữ pháp, không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt. ÚT là từ đơn thuần Việt, NAM là từ đơn Hán Việt (từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép).
        - Dùng từ QUÝ NAM với ý nghĩa là con trai một trong gia đình (con trai duy nhất hoặc chỉ có chị em gái) thì lại thiếu chính xác vì chưa hiểu rõ gốc Hán Việt, sai vì cố ý sửa gốc của từ.





        Xét từ QUÝ trong tiếng Hán Việt ta thấy:

        QUÝ:

        1. nhỏ, út (em), non (chưa thành thục).
        2. tháng cuối một quý
        3. mùa

        Về:
        * QUÝ có nghĩa là nhỏ, út (em), non (chưa thành thục). Ta có những từ Hán Việt sau:

- Con gái út: quý nữ 季女
- Con trai út: quý nam 季男, vãn nam , ấu nam , ấu tử .
- Dâu út: quý tức 季媳
- Nhỏ, em bé gọi là quý đệ 季弟

        (Ghi chú:
        - Nếu gia đình chỉ có một TRAI hoặc một GÁI, thì chúng đều là trưởng gia đình thế hệ sau, nên cách ghi thiệp cưới đều là TRƯỞNG NAM, TRƯỞNG NỮ (nói vui: còn phòng hờ “bậc trưởng thượng” có thể hạ sinh quý tử tiếp)
        - Để phân biệt QUÍ là “út” và QUÝ là “quý giá” thì người ta ghi thiệp QUÍ NAM, QUÍ NỮ có nghĩa là “con út” với chữ I làm âm cuối để phân biệt với QUÝ NAM, QUÝ NỮ có nghĩa là “người con quý” với chữ Y làm âm cuối.)

        Về:
        * QUÝ có nghĩa là cuối, tháng cuối mùa gọi là quý. Ta có những từ Hán Việt sau:
        - Tháng ba âm lịch (cuối xuân) gọi là quý xuân 季春
- Tháng chín âm lịch (cuối thu) gọi là quý thu 季秋
- Tháng sáu âm lịch (cuối hạ) gọi là quý hạ 季夏
- Tháng chạp âm lịch (cuối đông) gọi là quý đông 季冬
- Ðời cuối cùng cũng gọi là quý thế 季世.

        Về:
        * QUÝ có nghĩa là mùa, ba tháng là một quý, nên bốn mùa cũng gọi là tứ quý 四季.

        Người ta thường dùng từ MẠNH để đối lập với từ QUÝ

        Xét từ MẠNH trong tiếng Hán Việt ta thấy:

        MẠNH:
        Lớn, con trai trưởng dòng đích gọi là bá , con trai trưởng dòng thứ gọi là mạnh .
        Mới, trước, tháng đầu mỗi mùa (còn gọi là mạnh nguyệt 孟月 )
        - “mạnh xuân” 孟春 tháng giêng âm lịch (đầu mùa xuân)
        - “mạnh hạ” 孟夏 tháng tư âm lịch (đầu mùa hè),
        - “mạnh thu”  孟秋 tháng bảy âm lịch (đầu mùa thu).
        - “mạnh đông” 孟冬  tháng mười âm lịch (đầu mùa đông)

        QUÝ và MẠNH còn nhiều nghĩa khác nữa. Tôi chỉ nêu vài ý nghĩa có liên quan đến nội dung bài.

        Vài dòng lan man, trao đổi cùng bạn bè cho vui vào mùa cưới cuối năm. Nếu được quý bạn góp ý trao đổi thì càng vui…
                                                                                       
La Thụy

*

THAM KHẢO:
        Mời đọc thêm một bài viết về cách xưng hô về thứ bậc trong gia tộc, xã hội xưa:

        CÁCH XƯNG HÔ VÀ THỨ BẬC TRONG GIA TỘC, XÃ HỘI THỜI XƯA TRONG TỪ HÁN VIỆT

        DÂU RỂ

Chàng rể: sanh , tế , nữ tế 女婿.
Người rể hiền tài: hiền tế 賢婿
Con rể: bán tử 半子.
Ông gia và con rể: cữu sanh 舅甥.
Ông nhạc: nhạc trượng 岳丈.
Người con trai ở rể nơi nhà vợ: chuế tế 贅壻.
Anh rể: tỉ trượng , tỉ phu 姊夫.
Anh rể (tiếng xưng hô giữa anh em rể): khâm huynh 襟兄.
Em rể: muội trượng 妹丈, muội phu , còn gọi là khâm đệ 襟弟.
Em rể (tiếng xưng hô giữa anh em rể): khâm đệ 襟弟.
Nàng dâu: phụ .
Dâu lớn, dâu cả: trưởng tức 長媳.
Dâu thứ: thứ tức 次媳.
Dâu út: quý tức 季媳
Bà sui: thân gia mẫu 親家母
Chị dâu: tẩu , tẩu tẩu 嫂嫂.
Chị dâu (tiếng đàn bà gọi chị dâu): mỗ .
Chị dâu (tiếng xưng chị dâu mình đối với người khác): gia tẩu 家嫂.
Chị dâu: tẩu , tợ phụ 似婦, tẩu tử , huynh tẩu 兄嫂.
Em dâu: đệ phụ ,  đệ tức 弟媳.
Con dâu: nữ tế 女婿, tức phụ 媳婦.

        VỢ CHỒNG

Vợ: thê , phụ .
Vợ (cách gọi thông tục): gia tiểu 家小.
Vợ con: cung thất 宮室, thê tử 妻子, gia tiểu 家小.
Vợ chính, vợ cả, vợ lớn: đích thê 嫡妻, chính thê 正妻, phát thê 髮妻, chính thất 正室 hay chủ phụ 主婦 (từ này còn dùng để gọi nữ chủ nhân)
Vợ sau, vợ lẽ: kế thất 繼室.
Vợ lẽ, thiếp (ngày xưa): di thái thái 姨太太.
Vợ lẽ, nàng hầu, thiếp: tiểu .
Vợ bé, vợ hầu, thiếp: thứ thê: 次妻, trắc thất 測室, bàng thê 傍妻.
Vợ bị chồng bỏ: xuất thê 出妻.
Vợ (người chồng gọi): phu nhân 夫人, nội tử , nội nhân , tiện nội .
Vợ (người chồng gọi thân mật): hiền thê 賢妻, ái thê 嬡妻, nương tử 娘子.
Tiếng tôn xưng đối với vợ: phu nhân 夫人.
Vợ vụng của mình (cách nói khiêm tốn): 拙妻 chuyết thê, chuyết kinh 拙荊.
Từ gọi người vợ: nội tướng
Từ gọi họ hàng bên vợ: nội thân .
Gia đình bên vợ: nhạc gia (từ này thường hiểu làm là cha vợ).
Cha vợ: nhạc phụ 岳父, còn gọi là trượng nhân , ngoại phụ ,nhạc trượng 岳丈 hay trượng nhân phong 丈人峰 (do ngọn núi Trượng Nhân phong 丈人峯 có hình dạng giống như ông già nên cha vợ được gọi là nhạc trượng, trượng nhân phong).
Cha vợ (sống): nhạc phụ 岳父.
Cha vợ (chết) : ngoại khảo 外考.
Mẹ vợ: ngoại cô 外姑, còn gọi là ngoại mẫu .
Mẹ vợ (sống): nhạc mẫu 岳母.
Mẹ vợ (chết): ngoại tỉ 外妣.
Anh vợ: thê huynh 妻兄, đại cựu 大舅, ngoại huynh 外兄.
Chị vợ: đại di 大姨.
Em trai của vợ: ngoại đệ 外弟, thê đệ 妻弟, tiểu cựu tử 小舅子.
Em gái của vợ: tiểu di tử 小姨 , thê muội 妻妹.
Tiếng người chồng gọi em gái của vợ mình: di muội 姨妹.
Anh và em trai của vợ: nội huynh đệ 兄第.
Vợ của người anh: tự phụ 姒婦.
Vợ của người em: đệ phụ 娣婦.
Vợ chồng: đồng thất 同室, gia thất 家室, phu thê 夫妻.
Vợ chồng, đôi lứa: kháng lệ 伉儷.
Vợ chồng (tiếng gọi vợ chồng người khác một cách lịch sự): hiền kháng lệ 賢伉儷.
Chồng: phu .
Chồng (người vợ gọi): lang, lang quân 郎君, tướng công 相公, lương nhân 良人, phu tế 夫壻, trượng phu 丈夫, lương phu 良夫.
Chồng trước: tiền phu 前夫.
Cha mẹ chồng: cô chương 姑嫜, cữu cô 舅姑, công cô 公姑, công bà 公婆.
Cha chồng: chương , chương phụ 嫜父, quân phụ , công công 公公.
Mẹ chồng (cách con dâu gọi): cô .
Mẹ chồng: quân mẫu .
Vợ gọi mẹ chồng là: đại gia 大家.
Anh chồng (đàn bà gọi): bá , đại bá 大伯, phu huynh 夫兄.
Chị chồng: đại cô .
Em trai của chồng: phu đệ 夫弟, tiểu thúc 小叔.
Em gái của chồng: tiểu cô 小姑.
Em gái của chồng (cách chị dâu gọi): cô .
Vợ của em chồng: tiểu thẩm 小嬸
Chồng gọi người vợ của anh em vợ mình là: cữu tẩu 舅嫂.
Tiếng xưng hô đối với người khác để chỉ người vợ của mình: nội nhân hay nội tử .

        CHÚ - THÍM - BÁC

Chú hoặc bác trai nói chung:  chư phụ 諸父.
Từ gọi chung chú và bác: thúc bá 叔伯.
Chú: thúc , thúc thúc 叔叔.
Chú: thúc phụ 叔父.
Chú ruột: thúc phụ 叔父, đường thúc 堂叔 (mình tự xưng là đường Tôn 堂孫).
Chú hai: nhị thúc 二叔.
Chú vợ: thúc nhạc 叔岳.
Tiếng xưng chú mình đối với người khác: gia thúc 家叔.
Tiếng tôn xưng chú người khác: lệnh thúc 令叔.
Chú của cha mình: tổ thúc 祖叔.
Thím (vợ của chú): thẩm .
Thím (vợ của em chồng): tiểu thẩm 小嬸.
Bác: bá , bá bá 伯伯.
Bác (anh của cha): bá phụ 伯父.
Bác ruột: đường bá 堂伯 (mình tự xưng là đường tôn 堂孫).
Bác gái (vợ của người anh cha mình): bá mẫu 伯母, bá nương 伯娘.
Bác vợ: bá nhạc 伯岳.
Bác trai của cha mình: tổ bá 祖伯.
Bác gái của cha mình: tổ cô 祖姑.

        CẬU - MỢ - CÔ - DƯỢNG – DÌ

Cậu (anh em trai của mẹ): cữu phụ 舅父.
Cậu vợ: cựu nhạc 舅岳.
Cậu và cháu: cữu sanh 舅甥.
Mợ (vợ của cậu): cữu mẫu 舅母, cữu ma 舅媽, còn gọi là cấm .

Từ gọi chung cô, thím hay bác gái: chư mẫu 諸母.
Cô/dì: a di 阿姨 (cô ba là tam di 三姨, cô tư là tứ di 四姨).
Cô (chị, em gái của cha): cô , thân cô 親姑, đường cô .
Tiếng tôn xưng người cô lớn tuổi: cô trượng 姑丈.
Tiếng cháu tự xưng với cô: đường tôn 堂孫.
Dượng (chồng của cô): cô trượng 姑丈, tôn trượng 尊丈.
Dượng (chồng của dì): di trượng 姨丈, biểu trượng 表丈.
Dượng (chồng sau của mẹ): cô trượng 姑丈.
Dì (chị hay em gái mẹ): di .
Dì (chị hay em gái vợ): di .
Tiếng tôn xưng người dì lớn tuổi: di trượng 姨丈.

        CON – CHÁU - CHÍT - CHẮT

Con cái (cha mẹ gọi): hài tử 孩子, hài nhi 孩兒.
Con trưởng đích: trủng tử 冢子, trủng tự 冢嗣.
Con của vợ lớn: đích tử .
Con của vợ nhỏ: thứ tử .

Con thứ: chi tử 支子 (trừ con đầu lòng, các con khác gọi là chi tử 支子).
Con thứ hai: trọng tử 仲子.
Con trai trưởng (con cả = thứ hai): trưởng tử 長子, trưởng nam 長男.
Con trai trưởng của dòng thứ (vợ nhỏ): trưởng thứ tử .
Con trai thứ hai của dòng thứ (vợ nhỏ): thứ thứ tử .
Con trai thứ ba của dòng thứ (vợ nhỏ): tam thứ tử .
Con trai kế (kế trưởng nam): thứ nam 次男, thứ tử .
Con trai của vợ hai, vợ ba, vợ tư…gọi là: thứ nam ,thứ tử . (Chú ý: “thứ” ở đây viết khác chữ “thứ” trong con trai kế (cũng gọi là thứ nam  次男 hay thứ tử ).
Con trai thứ ba (kế thứ nam): tam nam , tam tử .
Con trai thứ tư: tứ nam : còn gọi là tứ tử .
Con trai út: quý nam 季男, vãn nam , ấu nam , ấu tử .
Con trai tôi, cháu nó (khiêm từ - tiếng cha mẹ xưng con mình với người khác): tiểu nhi 小兒.
Con gái lớn: trưởng nữ 長女.
Con gái thứ hai (kế trưởng nữ): thứ nữ 次女.
Con gái của vợ hai, vợ ba, vợ tư…gọi là: thứ nữ (chữ “thứ” viết khác “thứ” sử dụng cho con gái thứ hai).
 Con gái thứ ba: tam nữ .
Con gái thứ tư: tứ nữ .
Con gái út: quý nữ 季女, vãn nữ , ấu nữ .
Con gái chưa có chồng: sương nữ 孀女.
Con gái chưa lấy chồng, còn trinh: xử nữ 處女, còn gọi là xử tử 處子.
Con gái đã có chồng: giá nữ 嫁女.
Con gái yêu mến, được sủng ái: ái nữ 愛女, kiều nữ 嬌女.
Tiếng tôn xưng con gái người khác: lệnh ái 令嬡, lệnh viên 令媛, thiên kim 千金, lệnh thiên kim 令千金.
Con mồ côi: cô tử 孤子, cô nữ 孤女.
Con mồ côi và đàn bà góa: cô sương 孤孀, cô quả 孤寡.
Con mồ côi mẹ tự xưng là: ai tử 哀子, ai nữ 哀女.
Con mồ côi cả cha và mẹ tự xưng là: cô ai tử 孤哀子, cô ai nữ 孤哀女.
Con mồ côi cha: 孤子 cô tử (người để tang cha mà mẹ còn sống tự xưng là cô tử 孤子).
Con nuôi: giả tử 假子, dưỡng tử 養子, nghĩa tử 義子, 恩兒 ân nhi.
Con vợ lẽ: thứ tử 庶子.
Con tự xưng với cha mẹ là: nhi
Con tự xưng với cha ghẻ là: chấp tử 執子.
Cha mẹ gọi con cái là: nhi .
Tiếng gọi đứa con yêu mến: ái nhi 愛兒.
Con trai của mình: nhi tử 兒子.
Tiếng gọi con của bạn bè mình: hiền điệt 賢姪, thế điệt 世姪.
Tiếng tôn xưng con người khác: công tử 公子, lệnh lang 令郎.
Con hư hỏng: bại tử 敗子.
Con của chồng hoặc vợ trước: giả tử 假子.
Con đỏ: 兒子 nhi tử.
Tiếng tự xưng của con (trai và gái) đối với cha mẹ: hài nhi 孩兒.
Tiếng gọi con trai của mình: 兒子 nhi tử.
Con trưởng của vợ cả hay con của vợ cả: đích tử 嫡子.
Con lai (cha mẹ không cùng huyết thống chủng tộc): hỗn huyết nhi 混血兒.
Con trai của cậu (anh hay em của mẹ): nội huynh đệ 兄弟.
Con cháu nói chung: nhi tôn 兒孫.
Cháu: điệt , tòng tử 從子.
Cháu (con của anh hay em trai mình): điệt nữ 姪女, điệt tử 姪子.
Cháu trưởng: đích tôn 嫡孫, trưởng tôn 長孫.
Cháu nội: nội tôn .
Cháu ngoại: sanh , ngoại tôn 外孫.
Cháu nối dòng xưng là: đích tôn  嫡孫.
Cháu họ: biểu điệt 表姪, tức là con của anh em họ (con cô, con cậu con dì) hoặc chị em họ (con cô, con cậu, con dì).
Cháu gọi bằng cậu: sanh .
Cháu xa: côn tôn 昆孫.
Cháu rể: sanh tế  甥婿.
Cháu đời thứ tám: nhưng tôn 仍孫.
Cháu nó (khiêm từ, tiếng để gọi các người thân, thường dùng cho hàng dưới mình): xá điệt 舍姪.
Cháu của anh: côn tôn 昆孫.
Cháu của chú và bác tự xưng là: Nội điệt .
Cháu tự xưng với bác của cha là: vân tôn 云孫.
Tiếng tôn xưng cháu trai người khác: lệnh điệt 令姪.
Vợ cháu mình: điệt phụ 姪婦, còn gọi là điệt nhi tức phụ 姪兒媳婦.
Chắt (con của cháu nội hay cháu ngoại): tằng tôn 曾孫.
Chít (cháu sáu đời, con của chút, chắt): huyền tôn 玄孫.

Nguồn:

        https://www.facebook.com/notes/v%C6%B0%C6%A1ng-trung-hi%E1%BA%BFu/c%C3%A1ch-x%C6%B0ng-h%C3%B4-v%C3%A0-th%E1%BB%A9-b%E1%BA%ADc-trong-gia-t%E1%BB%99c-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-th%E1%BB%9Di-x%C6%B0a-ii/664516440249941/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét