Tôi Đã Phạm Lỗi
Khoảng hơn 10 năm sau này, khi vốn liếng đã kha khá, bên cạnh những bài thơ, những bài bình thơ, tôi cũng dọ dẫm bước vào lãnh vực rất “khó nhai”: Lý thuyết thơ.
Trong số gần 20 bài Thơ Về Thơ – thơ bàn về lý thuyết thơ – có
vài bài vướng vào cái lỗi “làm thơ hóa ra viết vè”. Không! Đúng ra phải nói là
“đã đưa vào Vườn Thơ những ‘cây dị chủng’, không phải thơ”.
Đây là lỗi rất nặng.
Trong bài Góp Ý Với Cuộc Đối Thoại “Thế Nào Thì Gọi Là Thơ”, ở
Phần Viết Thêm, tôi đã xuất trình một bằng chứng phạm tội – “bài thơ” Tấm Bản
Đồ Vẽ Sai.
Hôm nay tôi sẽ bàn về cái sai của mình với hy vọng là từ sai sót
ấy có thể giúp các bạn làm thơ tránh được một “ổ gà” nguy hiểm.
Cây Dị Chủng Trong Vườn Thơ
TẤM BẢN ĐỒ VẼ SAI
Chọn lô đất tốt xây được ngôi nhà mới
ông mở tiệc mừng tân gia
“Đến chơi! Hay lắm!”
thư ông viết
mời bằng hữu gần xa
Ngay giữa trang thư một bản đồ
dọc ngang tự tay ông vẽ
và lời chỉ dẫn cặn kẽ
đường đi nước bước đến cuộc vui
Giờ hẹn đến rồi
chưa thấy bóng khách mời nào xuất hiện
đồ ăn nguội lạnh
bàn tiệc vẫn vắng tanh
Vài ngày sau
nhận được mấy thư trả lời
trong thư chỉ vỏn vẹn:
“Xin lỗi!
Không tìm thấy nhà.”
(Phạm Đức Nhì)
Tôi muốn viết một bài “Thơ về Thơ”, nói chuyện lý thuyết thơ
bằng thơ, nhưng đã phạm sai lầm.
Bài này mắc 2 lỗi:
1/ Không có “cái tôi riêng tư”
Người bộc lộ tâm tình trong Tấm Bản Đồ Vẽ Sai không phải là tác
giả mà là nhân vật “ông” nào đó, hoàn toàn xa lạ. Không có “cái tôi riêng tư” nên chữ
“tình” trong “bài thơ”, nếu có, chỉ là sản phẩm của lý trí – tác giả “nhắm mắt
nói mò”, nói hộ tâm trạng của người khác.
Đây không phải là thơ mà là “cây dị chủng trong vườn thơ”.
2/ Ẩn dụ quá kín: Tứ
thơ tối mù, khó hiểu
Giả sử tác giả, bằng cách nào đó, đưa được “cái tôi riêng tư”
vào bài thơ thì do ẩn dụ quá kín, tứ thơ tối mù, khó hiểu, độc giả không “bắt”
được tứ thơ, chức năng truyền thông của bài thơ - cây cầu giao cảm giữa thi sĩ
và độc giả - đã bị gẫy sập. Bài thơ thất bại.
Bài Thơ Đã Được Sửa Chữa
TẤM BẢN ĐỒ VẼ SAI
(Bản đồ chỉ đường của bài thơ nên vẽ rõ ràng)
Chọn lô đất tốt xây được ngôi nhà mới
tôi mở tiệc mừng tân gia
“Đến chơi! Hay lắm!”
thư tôi viết
mời bằng hữu gần xa
Ngay giữa trang thư một bản đồ
dọc ngang tự tay tôi vẽ
và lời chỉ dẫn cặn kẽ
đường đi nước bước đến cuộc vui
Giờ hẹn đến rồi
chưa thấy bóng khách mời nào xuất hiện
đồ ăn nguội lạnh
bàn tiệc vẫn vắng tanh
Vài ngày sau
nhận được mấy thư trả lời
trong thư chỉ vỏn vẹn:
“Xin lỗi!
Không tìm thấy nhà.”
(Phạm Đức Nhì)
Hai lỗi đã được sửa chữa:
1/
Thay chữ “ông” bằng chữ “tôi” đã
cho “cái tôi riêng tư” của tác giả xuất hiện. Đã có chữ “tình”: Nỗi buồn của
tác giả khi khách mời không ai đến dự tiệc. Đây đã là bài thơ.
2/
Thêm vào câu (Bản đồ chỉ đường của bài thơ nên
vẽ rõ ràng) dưới Tựa Đề đã rọi một tia sáng vào phép ẩn dụ, giúp độc giả lần
theo đó tìm gặp “điểm đến của tứ thơ”.
Tứ:
Chọn khu đất tốt xây nhà, mở tiệc khoe nhà mới với bạn bè nhưng
bản đồ chỉ đường lại vẽ sai. Không ai tìm thấy nhà nên tiệc mừng tân gia chẳng
có vị khách nào.
Ý:
Nhờ câu (Bản đồ chỉ đường của bài thơ nên vẽ rõ
ràng) độc giả đã suy ra ý của thi sĩ.
Ý:
Gặp tứ thơ hay, làm được bài thơ. Đem phổ biến để khoe với độc
giả thì vì ẩn dụ quá kín nên chẳng ai hiểu mình viết gì,
Giải Thích Thêm
Bài thơ là tấm bản đồ bằng chữ chỉ đường, từng bước, từng bước
dẫn người đọc đến cánh cửa trái tim đang mở của tác giả. Những lời chỉ dẫn này
phải rõ ràng, dễ hiểu, vì nếu rắc rối hoặc mơ hồ, dễ gây hiểu lầm, sẽ khiến
người đọc đi lạc đường và sẽ không “bắt” được tứ thơ.
Nếu thi sĩ không nắm vững kỹ thuật thơ ca, không có ý tứ mới lạ,
hoặc lúc không có hứng cũng cố gượng gạo mà viết, thì sẽ được một bài thơ… dở,
không có hồn. Nhưng nếu chức năng truyền thông của bài thơ thất bại thì tất cả
câu chữ, hình ảnh, âm thanh, biện pháp tu từ … đều đổ xuống sông, xuống biển
hết.
Bài thơ sẽ trở thành một câu đố bí hiểm mà chỉ chính người tạo
ra nó mới có câu trả lời. Ai xui xẻo đọc phải bài thơ này thì cứ như đi vào
rừng rậm trong đêm tối, chẳng biết mình đang ở chỗ nào và sẽ đi về đâu.
Phạm
Đức Nhì
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét