Tỉnh Vĩnh Phúc liền kề tỉnh Phú Thọ, một vùng đất có nhiều di
tích lịch sử thời xa xưa. Mê Linh, Sóc Sơn, Phong Châu, danh lam thắng cảnh:
Tam Đảo, Đại Lải, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Làng gốm Hương Canh
cách Thủ đô Hà Nội không xa, đã nổi tiếng từ thời vua An Dương Vương xây thành
Cổ Loa. Vậy nên nghề làm gốm Hương Canh đi vào trong ca dao Việt Nam:
Ai về mua vại Hương Canh
Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng
Dân làng Hương Canh đặt tên con theo nghề làm gốm: nồi liễn,
bát, nậm, bình v.v… Tướng Nồi Hầu là một trong hai tướng tài của vua An Dương
Vương, hai lần đánh tan giặc Triệu Đà hùng hổ từ phương Bắc xâm lược nước ta.
Tướng Nồi Hầu là người con của làng gốm Hương Canh. Ông nối nghiệp tổ làm nghề
gốm. Đất nước có nạn giặc, ông Nồi theo tiếng gọi thiêng liêng đi cứu nước. Ông
Nồi có hai con trai, đặt tên Đống và Vực. Hai con trai ông Nồi theo cha đi đánh
giặc. Sau chiến thắng quân xâm lược Triệu Đà lần thứ nhất, vua An Dương Vương
phong tước, thưởng tướng sĩ có công lớn đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Ông Nồi
được phong tước Hầu, gọi là Nồi Hầu. Hai con trai ông Nồi võ nghệ cao cường,
dũng mãnh, tiên phong đánh chặn quân giặc Triệu Đà ngay cửa ải núi Quỷ, Chi
Lăng, Lạng Sơn. An Dương Vương phong cho hai tráng sĩ là Đô Đống và Đô Vực.
Những sản phẩm gia dụng của làng gốm Hương Canh nổi tiếng cả
nước. Nhờ óc sáng tạo với bàn tay tài hoa của nghệ nhân làm thủ công truyền thống,
gốm Hương Canh có độ bền, đẹp độc đáo.
Sau đợt luyện quân, tập đánh trận vất vả, Đô Vực được nghỉ một
tuần, về thăm mẹ ở làng gốm Hương Canh. Khi Đô Vực đến chợ, thấy la liệt đồ gia
dụng quen thuộc những chum, vại, hũ, lọ, bình, bát đĩa… Đô Vực xúc động, tim nhảy
trong lồng ngực. Ký ức làng gốm trong
chàng trai tuổi hai mươi hiện về. Cha Nồi uốn nắn cách ngồi, bàn tay làm các sản
phẩm từ thuở thiếu niên. Đô Vực xuống ngựa, ngắm nghía những sản phẩm độc đáo của
quê mình. Hai năm, ba cha con cầm quân đánh đuổi giặc Triệu Đà, lò nung gốm của
nhà ngoài vườn chắc buồn xỉu, nguội lạnh trong gió bấc sương sa…
Một cô gái má hồng môi thắm, mắt lóng lánh như hai ngôi sao mời
Đô Vực mua bình đựng rượu. Đô Vực ngượng ngùng mặt đỏ tía tai. Lời cô gái ngọt
thơm hương bưởi, nở nụ cười:
- Tráng sĩ mua cho em bình đựng rượu. Bình gốm Hương Canh quê
em, tha hồ để lâu cả năm vẫn giữ nguyên chất rượu.
Đô Vực lúng túng, trả lời cô gái thế nào đây. Trong khi nhà
mình còn cơ man đồ gia dụng như hàng của cô. Hai năm đi đánh giặc, cha mình bỏ
bễ việc nhà. Mẹ có khi nào ra khỏi làng Hương Canh, mà biết gọi thương lái đến
mua hàng chuyển về xuôi… Lời của cô gái thánh thót cất lên lần nữa, Đô Vực giật
mình lúng búng:
- Tôi… Tôi mua một vại muối dưa.
- Sao tráng sĩ mua có một vại? Muối dưa phải hai vại chứ!...
- À… Mua một vại thôi. Còn vại kia để người ta ghép vào vừa
đôi…
Cô gái e thẹn đỏ mặt, cúi đầu. Đô Vực lên ngựa về làng.
Sau chiến thắng giặc Triệu Đà lần hai, Đô Vực cưới cô gái cùng
làng gốm Hương Canh, đẹp người đẹp nết năm nào mời mua bình rượu.
Đất dùng làng gốm Hương Canh là loại đất đất sét xanh nhiều thịt,
hàm lượng sắt cao. Sự tác động của nhiệt độ khi nung, xương gốm bền chắc, màu tự
nhiên. Gõ vào các sản phẩm, ta nghe thấy âm thanh trong, ngân vang. Gốm Hương
Canh nhờ đặc trưng của chất đất bản địa, nên bình địa giúp ta khử độc tố
andehit trong rượu. Ấm pha trà gốm Hương Canh giữ được nhiệt lâu hơn ấm nơi
khác. Các loại trà đựng trong bình gốm Hương Canh có thể để đến nửa năm vẫn khô
giòn, không ẩm mốc, vẫn giữ nguyên hương vị.
Hoa văn của gốm Hương Canh xưa giản dị, gần gũi sinh hoạt đời
thường, không trau chuốt để trang trí hay trưng bày. Trang trí chủ yếu các văn
chải, hình kỷ hà, sóng nước, vòng tròn đồng tâm quanh thân sản phẩm. Ngày nay
các nghệ nhân gốm Hương Canh có nhiều sáng tạo hoa văn đẹp, trang trí phong phú
cho các sản phẩm. Các sản phẩm vẫn sản xuất bằng kỹ thuật thủ công truyền thống.
Đề tài trang trí phát huy nghệ thuật dân
tộc như: hoa sen, hoa mai, kỷ hà, sóng nước, băng hoa dây. Người thợ gốm Hương
Canh gửi gắm hồn quê mộc mạc bằng hình ảnh các loài hoa đồng nội, chim bói cá,
hạc. Nét vẽ đơn giản không cầu kỳ trau chuốt, thể hiện tính chân thực. Từ những
sản phẩm dân dụng bát, đĩa, liễn, lọ, be, hũ, vại v.v… Các nghệ nhân hiện nay sản
xuất đồ gốm mỹ nghệ như bình hoa, nậm, bầu đựng rượu, độc bình, chao đèn, con
giống, những phù điêu họa tiết trang trí nhà, cửa hàng với nhiều hình dáng
phong phú.
Về kỹ thuật chế tác gốm Hương Canh vẫn dùng thủ công, nặn gốm
bằng tay trên bàn xoay, lò tự xây, nung theo kiểu truyền thống. Mỗi nghệ nhân tạo
ra sự khác biệt sản phẩm của các lò gốm độ nung khác nhau. Đây là thể hiện sáng
tạo riêng của mỗi lò.
Làng gốm Hương Canh có từ thời An Dương Vương xây Thành Loa.
Những mảnh gốm vỡ Hương Canh được các tướng Nồi Hầu, Cao Lỗ đem về chèn chân
móng xây Thành Loa chống lún sụt. Thời gian chảy dài, gốm Hương Canh hình thành
phát triển. Có thời kỳ gốm Hương Canh trầm lắng. Hợp tác xã gốm giải tán. Một số
nghệ nhân yêu nghề, tâm huyết vẫn duy trì sản xuất giữ nghề truyền thống. Nghệ
nhân đi giao lưu, học hỏi, tìm hướng sáng tạo, tìm đầu ra cho sản phẩm. Họ sản
xuất các loại gốm mỹ nghệ, mẫu mã đa dạng thị hiếu người tiêu dùng. Nghề gốm
Hương Canh dần được vực dậy. Từ ba hộ, nay có tám hộ phát triển lò gốm với các
sản phẩm mới lạ. Ngày càng nhiều khách đến tham quan, đặt hàng. Sản phẩm ngoài
tiêu thụ trong nước, còn xuất khẩu ra nước ngoài. Nổi bật có lò gốm của nghệ
nhân ưu tú Giang Thị Thanh Nhạn. Con trai bà là Giang Anh làm chủ lò. Và lò gốm
của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang. Hai lò gốm này sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhiều nhất của
Hương Canh. Hy vọng sau hai năm đại dịch covid, gốm Hương Canh phát triển thịnh
vượng. Làng gốm Hương Canh sẽ là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài
nước. Thương hiệu và sản phẩm gốm Hương Canh mãi mãi trường tồn với câu ca dao
của người dân Việt Nam.
Trần Thị
Nhật Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét