Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

BÀN THÊM VỀ SHOW DON’T TELL / Phạm Đức Nhì

 

 



Bài viết Show, Don’t Tell Trong Thơ vừa phóng đi tôi nhận được một số bình luận. Xin được trả lời chung để bổ sung cho bài viết.

 

Bình Luận Của Cô Giáo Diên Hồng Dương

 

“Show, Don’t Tell là một cách nói khác về phương thức Ẩn Dụ trong phê bình. Cảm ơn tác giả đã có tinh thần kết nối cộng đồng thế giới thông qua việc sử dụng thuật ngữ chung - Anh ngữ- mang tính quốc tế hóa cao, cô đọng và dễ tiếp thu.”

 

Thưa cô giáo Diên Hồng Dương,

 

Cám ơn cô giáo đã rộng lượng chấp nhận thuật ngữ Show, Don’t Tell (tiếng Anh). Nhưng nếu Show, Don’t Tell là Ẩn Dụ thì tôi đã viết là Ẩn Dụ chứ tội gì phải bám lấy mấy chữ tiếng Anh ấy. Theo tôi, mặc dù trong Show, Don’t Tell và Ẩn Dụ đều có ẩn ý của tác giả mà người đọc phải sử dụng khả năng liên tưởng của mình để tìm ra, nhưng giữa Show, Don’t Tell và Ẩn Dụ (Metaphor) có khác biệt rõ ràng.

 

Ẩn Dụ là nói cái này mà ngụ ý cái kia – nghĩa là liên tưởng theo chiều ngang, nhảy trực tiếp từ cái này sang cái kia. Một Ẩn Dụ được coi là thành công khi “cái này hợp tình hợp lý và cái kia cũng hợp lý, hợp tình”.

 

Thí dụ:

 

Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”

(ca dao)

 (thuyền – người con trai; bến – người con gái)

 

Trong thực tế thì “bến” không đi đâu cả, cứ ở nguyên môt chỗ chờ đợi thuyền về; “cái này” rất hợp tình, hợp lý. Ngụ ý của tác giả câu ca dao là người con gái muốn nhắn gởi với người con trai mình yêu là “em lúc nào cũng chờ đợi anh”; “cái kia” cũng rất hợp lý, hợp tình. Ẩn Dụ trong câu ca dao thành công.

 

 Show, Don’t Tell là một biện pháp tu từ, thay vì dựa vào một (hoặc vài) tĩnh từ, trạng từ nào đó để kể lại một sự kiện, bày tỏ một tâm trạng, tác giả tạo ra những hình ảnh sống động, cụ thể để từ đó độc giả tự khám phá, hiểu ra sự kiện, tâm trạng ấy.

 

Độc giả sẽ cảm thấy thích thú vì không chỉ đọc một cách thụ động mà còn được tham dự một cách tích cực vào tiến trình tìm gặp điểm đến của tứ thơ.

 

Dòng suy tưởng ở đây chảy theo chiều dọc.

 

Thí dụ:

 

Để tôi mơ mãi mơ nhiều

Tước đay se võng nhuộm điều ta đi

Tưng bừng vua mở khoa thi

Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng

Võng anh đi trước võng nàng

Cả hai chiếc võng cùng sang một đò.

 

Anh lái đò đang mơ giấc mơ thi đỗ, được “vinh quy bái tổ”. Và trong giấc mơ đẹp đó cô gái chiếm một vị trí trang trọng. Người đọc theo dòng suy tưởng của chính mình đến đây đã “bắt” được ý của tác giả - anh lái đò đã yêu cô gái tha thiết.

 

Show, Don’t Tell thành công khi dẫn dòng suy tưởng của người đọc theo lộ trình đến đúng “bến đỗ” - mà tôi thường gọi là “điểm đến” - của tứ thơ.

 

Một khác biệt nữa là Show, Don’t Tell chỉ có một điểm đến – nghĩa là người đọc phải “bắt” được đúng ý của tác giả. Ẩn Dụ thì khác. Tác giả viết về “cái này” mà có thể có một, hai hay nhiều “cái kia”

 

Thí dụ: Tác giả viết về một loài hoa dại, khiêm tốn đứng bên đường, tỏa sắc hương làm đẹp cuộc đời, nhưng người đọc có thể liên tưởng đến một nhà thơ, một nhà giáo, một huynh trưởng Hướng Đạo… đem cái đẹp của tâm hồn mình truyền cho lớp trẻ. (Hoa Dại, PĐN, vannghequangtri.blogspot.com)

 

Bình Luận Của Anh An Vuong

                         

[Phương pháp " Show, Don’t Tell " là của thi pháp nước nào vậy? Sao lại không dùng là "không kể ra mà chỉ bày tỏ " hoặc như tác giả "Bày tỏ, không kể." Tác giả không thoát được ý tưởng sính chữ Tây chăng?]

 

Thưa anh An Vuong,

 

Theo Wikipedia (1) thì Show, Don’t Tell đã được nhà biên kịch người Nga Anton Chekhop sử dụng đầu tiên. Không biết thủ pháp này đã đến nước Mỹ từ năm nào nhưng chính tôi đã được học trong chương trình English 2 (Anh Ngữ năm thứ hai đại học) và sau đó vài năm đã phải giảng giải cho các con khi chúng bước vào hai năm cuối ở bậc trung học (2002 – 2003).

 

Không có từ tương đương trong tiếng Việt nên khi đề cập đến nó tôi thường dùng nguyên gốc Show, Don’t Tell để tránh phải viết cả một đoạn dài “một biện pháp tu từ, thay vì dựa vào một (hoặc vài) tĩnh từ, trạng từ nào đó để kể lại một sự kiện, bày tỏ một tâm trạng, tác giả tạo ra những hình ảnh sống động, cụ thể để từ đó độc giả tự khám phá, hiểu ra sự kiện, tâm trạng ấy”.

 

Kết quả là:

 

Độc giả sẽ cảm thấy thích thú vì không chỉ đọc một cách thụ động mà còn được tham dự một cách tích cực vào tiến trình tìm gặp điểm đến của tứ thơ.

 

Dịch Show, Don’t Tell là “bày tỏ, không kể” rất gượng, nếu đứng một mình rất dễ gây hiểu lầm. Chắc anh An Vuong cũng hiểu, tôi chơi trò Bình Thơ này cũng vì yêu tiếng Việt, muốn góp sức làm trong sáng ngôn ngữ mà tôi yêu mến, nên chỉ sử dụng ngoại ngữ trong bài viết của mình khi thật cần thiết.

 

Nếu anh vào Google và gõ “show, do not tell” hoặc “show, don’t tell” anh sẽ có thể tự trả lời câu hỏi của chính anh.

 

Bình Luận Của Chị Thị Quỳnh Dung Lê

 

Anh Nhì phân tích rất hay

Nhưng tôi lạm ý như sau: Chữ "to" nằm đó mới đúng là Nguyễn Bính bình dân, mộc mạc. Thơ ông vốn giản dị; ông góp nhặt lời ăn tiếng nói của quần chúng lao lực vất vả ở miền Bắc vào thơ, nên chữ “to” đây là khẩu ngữ có hơi hướm mỉa mai quần chúng hay dùng. Nó cũng show đấy chứ??

 

Chị Thị Quỳnh Dung Lê ơi,

 

Đồng ý với chị chữ “to” là bình dân, mộc mạc, “đúng là Nguyễn Bính”. Nhưng về kỹ thuật thơ - ở đây là thủ pháp Show, Don’t Tell - chữ “to” đã làm lộ ý của tác giả. Thay vì Don’t Tell - để người đọc theo dòng chảy của tứ thơ mà tìm ra – tác giả lại Tell ngay từ lúc đầu nên thủ pháp Show, Don’t Tell thất bại. Tôi “chê” chữ “to” ở nghĩa ấy.

 

Bình Luận Của Anh Tam Tran

 

Cách diễn tả "show, not tell" còn gọị là "Ý tại ngôn ngoại", hay "reading between the lines" Bài viết với các thí dụ rõ ràng. Cám ơn tác giả.

 

Thưa anh Tam Tran,

 

Cám ơn anh đã nhắc đến hai thuật ngữ rất gần với Show, Don’t Tell. Theo tôi, “Ý Tại Ngôn Ngoại” hơi quá tổng quát. Nó bao gồm cả một số biện pháp tu từ khác như ẩn dụ, hoán dụ … nên không thể gọi là Show, Don’t Tell. Reading Between The Lines (đọc giữa những hàng kẻ) thì nghiêng về phía người đọc hơn.

 

Đọc một đoạn thơ Show, Don’t Tell là đi vào con đường một chiều - cứ theo đó để gặp điểm đến của tứ thơ, hiểu ngụ ý của tác giả. “Đọc Giữa Những Hàng Kẻ” là cách đọc đa chiều, nhiều hướng; người đọc có thể đọc theo chiều dọc để hiểu thông điệp của tác giả và cũng có thể đọc theo chiều hướng khác để thấy những điều tác giả không muốn bày tỏ nhưng vô tình bộc lộ.


 Kết Luận

 

Rất mong qua trao đổi của vài bình luận ngắn trên đây độc giả đã nhận ra “nét riêng” của thủ pháp Show, Don’t Tell để không lầm lẫn với nhưng biện pháp tu từ khác của Thơ Việt. Nhà thơ Vũ Đình Liên, từ những năm đầu của Trào Lưu Thơ Mới, đã sử dụng thủ pháp này một cách siêu tuyệt trong bài thơ Ông Đồ. Tôi giới thiệu với vài bạn văn chương Mỹ và họ rất thán phục. (2)

 

Chú Thích:

 

1/ https://en.wikipedia.org/wiki/Show,_don%27t_tell

 

Khái niệm này thường được cho là của nhà viết kịch người Nga Anton Chekhov, được cho là đã nói "Đừng nói với tôi là mặt trăng đang tỏa sáng; hãy cho tôi thấy tia sáng trên kính vỡ."

 

The concept is often attributed to Russian playwright Anton Chekhov, reputed to have said "Don't tell me the moon is shining; show me the glint of light on broken glass."

 

2/

 

ÔNG ĐỒ

 

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người quạ

 

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng baỵ

 

Nhưng mỗi năm, mỗi vắng

Người thuê viết nay đâủ

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầụ

 

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi baỵ

 

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Bài thơ được chia là 5 đoạn, tóm tắt như sau:

 

1/ Giới thiệu Ông Đồ (nền Nho Học)

2/ Đông khách

3/ Khách thưa dần

4/ Không còn khách

5/ Không còn thấy Ông Đồ.

 

Tác giả không nói nhưng độc giả tự nhận ra: Nho Học đã lụi tàn.

 Ẩn Dụ, Hoán Dụ, Bóng Gió đều không thích hợp. Show, Don’t Tell mới đúng.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét